Những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật gãy xương hàm


4,226
1
1
Xu
53
Phẫu thuật điều trị gãy xương hàm dưới vùng cằm là giải pháp giúp khắc phục những biến chứng không như ý khi bị gãy xương vùng này. Tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo sức khỏe cũng như sớm hồi phục sau lần phẫu thuật

Bao giờ có thể mở miệng sau phẫu thuật gãy xương hàm?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi. Em bị tai nạn gãy xương hàm. Và phẫu thuật ở bệnh viện Răng Hàm Mặt. Giờ đã được hơn 2 tháng bác sĩ đã tháo nẹp hàm ra nhưng 2 hàm em không mở được như cũ, bác sĩ nói là phải tập. Vậy cho em hỏi khoảng bao lâu thì mới mở miệng được như bình thường ạ. Em 24 tuổi là nam giới.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Xương hàm của bạn bị gẫy phải mất 3 – 6 tháng mới liền tốt nhưng giờ sau mổ một tháng thì bạn cần phải tập mở miệng dần dần để sớm trở lại ăn uống bình thường. Sau một tháng các khớp xương hàm bị cố định, không thực hiện được chức năng nhai nên các khớp trở nên khô, cứng, khi tập vận động trở lại sẽ khó khăn nên bạn cần kiên trì tập luyện từng bước.

Thời gian sau bao lâu mới mở miệng được bình thường được phụ thuộc vào dạng tổn thương gãy xương, mức độ liền xương và quan trọng nhất là phụ thuộc vào quá trình tập luyện phục hồi chức năng sau mổ. Bạn nên khám lại sau mổ tháo nẹp một tháng, 3 tháng và sau 6 tháng để bác sĩ kiểm tra mức độ hồi phục về giải phẫu và chức năng của xương hàm. Nếu có gì bất thường thì bạn khám lại ngay.

Chúc bạn mau khỏe!

Khi nào trồng răng giả sau khi đã tháo nẹp răng phẫu thuật gãy xương hàm dưới?


Câu hỏi bởi: thietketkendy

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi là: em bi tai nạn cách đây 2 tháng và bị gãy xương hàm dưới và có 1 cây răng gãy ngang phân nửa (lộ phần tủy răng gây cảm giác rất đau khi chạm vào). Bác sĩ bảo là cần phải nhổ bỏ, em định sau này khi là lành hẳn và chắc răng hàm dưới rồi em mới nhổ. Tới nay răng hàm dưới (đối diện răng nanh hàm trên) của em vẫn đang còn yếu (chưa cắn xé thức ăn được). Và đôi lúc cái răng gãy ngang nữa khúc có lộ phần tủy của em nó hay nhức (cảm giác như dây thần kinh tủy hoạt động). Bây giờ em muốn nhổ cây răng này và trồng lại cây răng giả trong khi hàm dưới em vẫn còn hơi ê ê (yếu – vẫn ăn uống được bình thường) có được không. Và nếu được thì thời gian nhổ mất bao lâu để trồng cây răng mới là tốt ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Tốt nhất là bạn nên chờ đến khi xương hàm dưới ổn định mới trồng răng giả. Thời gian từ sau khi nhổ răng đến khi trồng răng mới phụ thuộc vào thời gian vết thương lành hẳn. Theo quan sát lâm sàng, sau khi nhổ răng khoảng 1 tuần, trong ổ máng răng bắt đầu hình thành tổ chức mầm thịt, 1 – 2 tháng sau ổ máng răng có thể bình phục.

Nhưng lúc này chụp X-quang vẫn có thể thấy ranh giới của ổ máng răng, sau khoảng 3-6 tháng xương mới có thể hình thành lại. Thông thường, 1-2 tháng sau khi nhổ răng là có thể trồng răng giả linh hoạt, còn răng giả cố định thì sau khi nhổ răng 2-3 tháng là có thể trồng. Để biết được vết thương nhổ răng đã lành hay chưa, bạn có thể nhờ bác sĩ kiểm tra, cũng có thể tự kiểm tra, quan sát xem lợi đã bằng phẳng chưa, khi ấn vào có còn đau không. Trước mắt, bạn nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để khắc phục hiện tượng đau nhức ở chiếc răng gãy nửa.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Gãy xương hàm dưới, đã phẫu thuật nhưng 22 ngày rồi vẫn chưa lành, có cục máu đông ở ngay vết mổ


Câu hỏi bởi: Hoàng Lan

Thưa bác sĩ!

Cháu bị tai nạn, gãy xương hàm dưới, phải phẫu thuật, nẹp vít. Vết gãy xương của cháu ở chỗ răng nanh thẳng xuống. Cháu mổ đến nay là tầm 22 ngày rồi. Vết mổ của cháu khâu bằng chỉ tiêu mà đến nay vẫn chưa tiêu, rồi vẫn chưa lành. Hôm nay xuất hiện 1 cục máu đông ở chỗ răng nanh có vết mổ. Làm thế nào để biết có bị nhiễm trùng vết mổ vậy ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Thông thường vết mổ vùng hàm mặt sau 22 ngày đã liền, không có chảy dịch, không đau nhức. Thời gian chỉ tự tiêu tùy theo từng loại chỉ khâu do bác sĩ lựa chọn mà có thời gian mất đi khác nhau. Các biểu hiện mà cháu có hiện tại là không bình thường như vết mổ chưa liền, có cục máu đông ở ngay vết mổ, điều này có thể tạo thuận lợi cho nhiễm trùng vết mổ xảy ra và không loại trừ có triệu chứng của nhiễm trùng. Nếu có biểu hiện sưng, đau, chảy dịch mủ tại chỗ vết mổ, cơ thể ngấy sốt, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao… Thì đó là triệu chứng rõ ràng của nhiễm trùng vết mổ. Khuyên cháu tái khám bác sĩ phẫu thuật để được chẩn đoán và chữa trị.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Gãy xương gò má đã phẫu thuật nhưng há miệng nghe tiếng lục cục bên xương hàm trái là bị làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em năm nay 24 tuổi, bị tai nạn gãy xương gò má trái cách đây 3 tháng, đã phẫu thuật ổn định. Sau khi phẫu thuật thì miệng há được to trở lại bình thường. Nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, khi há miệng thường nghe có tiếng lục cục ở xương hàm trái, cảm giác như xương không ăn khớp nhau. Hàm bên phải thì không có hiện tượng gì. Bác sĩ có thể cho em biết như thế là bị làm sao ạ?

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Gãy xương gò má là một chấn thương hay gặp vùng hàm mặt thường do ngã đập vùng gò má vào vật cứng. Nếu chữa trị không tốt thì có thể để lại các di chứng về thẩm mỹ và chức năng như:

– Xẹp gò má.

– Lõm mắt.

– Lạc chỗ mi mắt ngoài.

– Song thị.

– Mất cảm giác ở vùng dây thần kinh dưới ổ mắt chi phối.

– Viêm xoang hàm tái diễn.

Bạn bị gãy xương gò má trái đã phẫu thuật ổn định. Nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, khi há miệng thường nghe có tiếng lục cục ở xương hàm trái, cảm giác như xương không ăn khớp nhau. Có thể là do bị viêm khớp thái dương hàm hay còn gọi là loạn năng thái dương hàm. Đây là tình trạng đau và mất cân bằng ở khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ – nơi có vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của hệ thống nhai được gọi là khớp thái dương hàm.

Có nhiều lý do gây viêm khớp thái dương hàm như nhiễm khuẩn, sau chấn thương cấp, thoái hóa khớp trong đó lýdo do chấn thương là do va đập (tai nạn xe, bị đánh, bị ngã) hoặc do há miệng một cách đột ngột làm trật khớp thái dương hàm. Trường hợp của bạn có thể là do tác động của gãy xương gò má. Tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ răng hàm mặt để tìm lí do và chữa trị sớm.

Chúc bạn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.