Tuyển chọn những điều cần biết về chứng hắt xì


4,226
1
1
Xu
53
Có nhiều nguyên nhân có thế dẫn đến hắt xì như dị ứng với phấn hoa, nấm mốc hoặc do cảm lạnh, hắt hơi liên tục khiến mũi của bạn bị đau và khó chịu. Một số thắc mắc thường gặp về chứng hắt xì sẽ được bác sĩ giải đáp dưới đây.

Hay bị sổ mũi hắt hơi có phải bị xoang?


Câu hỏi bởi: hoangtuanmay

Chào bác sĩ.

Tôi hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục, như vậy có phải tôi bị xoang không ạ? Cách chữa như thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn.

Bạn chỉ nói bạn hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục, không nói rõ bạn có bị đau đầu, có sốt không, nước mũi màu gì trong hay đục, có mùi hôi không? Nếu chỉ có mỗi biểu hiện hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục tôi nghĩ bạn bị viêm mũi dị ứng nhiều hơn là viêm xoang. Theo tôi bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được xác định, tìm lí do và chữa trị tốt nhất cho bạn. Bạn có thể tham khảo bệnh viêm xoang dưới đây.

Viêm xoang là tình trạng viêm của lớp mạc lót trong một hoặc các xoang cạnh mũi. Viêm xoang mũi rất phổ biến ở nước ta, viêm xoang được chia thành 2 loại: viêm xoang cấp và viêm xoang mãn tính, có thể viêm một xoang hoặc nhiều xoang. Viêm xoang là một bệnh rất thường gặp, tái đi tái lại nhiều lần, dễ trở thành mãn tính và gây khó chịu cho người bệnh. Khi bị viêm mũi xoang, thông thường bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhưng cũng có tình huống sốt cao (nhất là ở trẻ em). Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, theo nhịp mạch đập. Ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường vào lúc từ 8-11 giờ. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi. Tùy theo tình trạng viêm mà tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể mủ lẫn máu. Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập. Lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối, chảy mủ mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mùi hôi. Xì mạnh đôi khi thường gây đau và lẫn tia máu. Viêm xoang cấp có thể tự khỏi nhưng cũng dễ chuyển thành viêm xoang mãn.

Về chữa trị, bệnh nhân phải uống thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và phù nề tại chỗ. Ví dụ: đặt bấc có tẩm dung dịch Tampon Naphazolin, Ephedrin vào khe giữa, xông menthol, khí dung. Chỉ chọc rửa xoang hàm khi đã giảm viêm nhiễm (hết sốt, bạch cầu trong máu trở lại bình thường).

Chúc sức khỏe!

Sốt, hắt hơi, sổ mũi, có phải bị sởi không?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Con gái tôi được 17 tháng tuổi, hôm qua ngày 28/04/2014 (tức 29/03 năm Giáp Ngọ), buổi chiều sau khi ngủ dậy (cháu nằm chiếu trúc và bật quạt nhẹ) thì thấy cháu bị sốt 38 độ, hắt hơi nhiều, nước mũi nhiều (nước mũi vẫn trắng), mắt nhiều nhử, buổi tối cho cháu ăn xong tôi cho cháu uống 1/2 gói Pamin hạ sốt của trẻ thì sau 1 giờ cháu cắt sốt hẳn nhưng vẫn chảy nước mũi nhiều và thỉnh thoảng hắt hơi. Đến đêm 2 giờ sáng cháu lại bị sốt lại như buổi chiều hôm trước và tôi lại cho cháu ăn và dùng thuốc như vậy và cháu cũng hạ sốt nhưng các biểu hiện khác thì vẫn còn như trước. Hôm nay từ sáng đến bây giờ cháu không sốt nữa nhưng vẫn hắt hơi và sổ mũi nhiều (nước mũi vẫn trắng), tôi sợ cháu bắt đầu bị nhiễm sởi, tôi định cho cháu đi khám nhưng vì dịch sởi nhiều quá. Tôi viết tin này nhờ bác sĩ giải đáp giúp tôi xem trường hợp của cháu có bị nhiễm sởi không? Và nếu bị thì có chữa trị tại nhà được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn!

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa và phát ban đặc hiệu ngoài da.

Thời kỳ ủ bệnh chừng 10-12 ngày, thường không có biểu hiện gì. Trong một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi, và 3-4 ngày sau mới sốt cao và chảy nước mắt nước mũi, hoặc đi tướt, trớ.

Tiếp đến là thời kỳ khởi phát, dài 4-5 ngày. Hai triệu chứng nổi bật là sốt và viêm long. Trẻ đột ngột sốt cao 39-39,5 độ C, vẻ mệt mỏi, kèm theo nhức đầu, đau cơ, khớp; chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, ho nhiều, ho khan, có khi bị tiêu chảy. Sang ngày thứ hai, các triệu chứng trên nặng thêm. Trẻ ho nhiều, ho khan, đôi khi ho từng cơn, khàn giọng. Lúc này, khám miệng thấy trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má có những chấm trắng nhỏ độ 1mm hơi nổi gợn lên (dấu hiệu Koplik). Có khi chỉ có 2-3 nốt ở phần niêm mạc má đối diện với răng hàm số 1. Các nốt này chỉ tồn tại 24-48 giờ và thường lặn hết sau khi sởi mọc 1 ngày.

Thời kỳ mọc sởi (5-7 ngày). Các biểu hiện nặng hẳn lên, thân nhiệt tăng vọt, trẻ có thể sốt tới 40 độ C, ho liên tục… rồi đến đêm thì mọc sởi. Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: Mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay. Đến ngày thứ 3, ban mọc khắp người, ban mọc dày nhất ở những nơi hay cọ xát hoặc phơi nắng. Có khi các nốt ban hợp với nhau thành từng vầng. Các nốt sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt, sờ vào mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm và bong da nhỏ như rắc phấn nom vằn như da hổ. Các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần lễ mới hết. Có thể trẻ vẫn còn đau mắt, sổ mũi, quấy khóc, không chịu ăn.

Thời kỳ hồi phục. Trẻ lại sức dần. Thường sau 1 tuần ban sởi bay hết và chỉ sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường. Với thể sởi lành tính, nên chữa trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm long; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng, miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm, thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ. Cho ăn nhẹ, đủ chất, cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu Protid và Caroten. Cho trẻ dùng thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống Paracetamol, thuốc an thần.

Cháu gái nhà bạn đã 17 tháng, không biết cháu đã được tiêm phòng sởi mũi nào chưa, theo chương trình Tiêm chủng mở rộng khi cháu được 9 tháng tuổi trở lên, cháu sẽ được tiêm phòng sởi mũi 1, nếu cháu được tiêm phòng sởi mũi 1 rồi khả năng miễn dịch với bệnh sởi đã đạt 90% nên trong cơ thể của cháu đã có kháng thể bảo vệ cháu, tức là khả năng lây nhiễm sởi của cháu ở mức 10%.

Với mô tả bệnh cháu, theo tôi cháu không phải mắc sởi vì cháu hết sốt mà chưa phát ban, cháu có thể bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên do virus. Cháu đã hết sốt chỉ còn hắt hơi, sổ mũi, bạn nên giữ ấm cho cháu, nhỏ mũi cho cháu bằng dung dịch NaCl 0,9% làm thông thoáng và sạch đường mũi. Cho cháu ăn đủ chất. Khi cháu đủ 18 tháng tuổi, bạn nên nhớ đưa cháu đi tiêm phòng sởi mũi 2. Trẻ đã tiêm 2 mũi phòng sởi có tỷ lệ miễn dịch đạt tới 99%.

Chúc cháu chóng khỏe!

đau đầu, kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi, nhiều đờm


Câu hỏi bởi: moichuyenroicungqua123

Kính chào bác sĩ.

Tôi là nữ, năm nay 29 tuổi, hiện đang làm công việc văn phòng cho 1 công ty may, trước đây tôi từng là nhân viên gọi điện thoại nhắc phí cho 1 công ty bảo hiểm. Sau khi sinh em bé cách đây 4 năm, tôi hay bị tụt huyết áp, thường bị nghẹt mũi, sổ mũi nên đã đi khám và bác sĩ cho biết tôi bị viêm mũi xoang và viêm họng xuất tiết nhưng vì không có nhiều thời gian nên tôi chỉ dũng thuốc qua loa rồi không để ý tới nó nữa. Khoảng thời gian làm bên bảo hiểm, do áp lực công việc và thường xuyên gọi điện thoại nên tôi bị đau đầu, mất ngủ. Triệu chứng đau đầu gồm có: thường đau đỉnh đầu, có lúc đau nửa đầu, có lúc đau sau gáy, có lúc đau ngay tại thái dương, có lúc đau ở tai, thỉnh thoảng ù tai, đau nhiều vào buổi sáng, thường hay ngáp, nếu nói chuyện vói ai đó thì sẽ không ngáp, thỉnh thoảng bị chóng mặt. Sau này khi đã nghỉ làm bảo hiểm và chuyển sang công việc văn phòng bên công ty may tôi vẫn bị đau đầu (biểu hiện như cũ) nhưng đã không còn mất ngủ. Mỗi khi lên xưởng sản xuất tôi lại càng đau đầu kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi, cổ họng nhiều đờm. Tới nay huyết áp của tôi vẫn bị tụt mỗi khi tôi mệt mỏi hoặc bị sốt. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì, việc đau đầu có liên quan đến bệnh viêm mũi xoang không hay do huyết áp hoặc thiếu máu não?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Tình trạng đau đầu của bạn có thể do các lí do sau gây ra:

Bệnh viêm mũi xoang

Huyết áp thấp gây thiếu máu lên não

Stress: đây là lí do gây đau đầu ở hơn một nửa số bệnh nhân.

Hoặc do một bệnh lý tiềm ẩn khác.

Vì vậy để chữa trị dứt điểm chứng đau đầu của bạn cần chữa trị các lí do gây đau.

Hiện tại bạn cần chữa trị bệnh viêm mũi xoang, kiểm tra huyết áp và tình trạng thiếu máu não để uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Ngoài ra cần phải có những biện pháp thư giãn và thể dục thể thao, sắp xếp công việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh căng thẳng. Nếu chứng đau đầu vẫn không cải thiện, bạn cần khám chuyên khoa Thần kinh và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết để loại trừ bệnh nguy hiểm của não bộ.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị ngứa ở trong cuống lưỡi mỗi khi hắt hơi là triệu chứng của bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Kiều Nhi

Chào bác sĩ!

Cho tôi hỏi: Tôi bị ngứa ở trong cuống lưỡi mỗi khi hắt hơi. Ngứa cả phần cuối cà phía trên lưỡi. Gần đây tôi mới để ý là lưỡi tôi có các hạt đỏ ở phần cuối lưỡi. To bằng nữa hạt đậu xanh. Đỏ và ngứa đặc biệt vào buổi tối, ngứa rất khó chịu ạ. Mỗi lần hắt hơi xong là ngứa và ngứa khá lâu. Trước là chỉ có trong cuống lưỡi bây giờ tôi thấy ở phía ngoài cũng có thêm các hạt li ti đỏ ở phía ngoài nữa ạ. Vậy là bị làm sao và phải chữa trị như thế nào?

Tôi cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Theo như bạn kể có thể bạn bị nấm lưỡi. Bạn cần đi khám bác sĩ da liễu để kết luận bệnh và chữa trị.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Đau họng kèm theo ngứa tai và hắt hơi nhiều uống thuốc không khỏi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Tôi bị đau họng kèm theo ngứa tai và hắt hơi nhiều nhưng dùng thuốc không khỏi. Vậy em có bị gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Viêm họng ngứa tai hắt hơi có chung nguồn gốc dị ứng ở bạn. Viêm mũi họng và viêm kết mạc mắt dị ứng liên quan trực tiếp đến môi trường nơi bạn công tác, sinh sống, di chuyển, chế độ ăn uống. Chỉ cần có chất gây dị ứng trong môi trường sống của bạn và bạn hít vào, ăn uống vào là bạn sẽ bị dị ứng. Đáng buồn là không có thuốc nào chữa khỏi dị ứng trừ khi bạn được giải dị ứng (gọi là giải mẫn cảm).

Bạn nên đến khám tại Trung tâm Miễn dịch Dị ứng lâm sàng – bệnh viện Bạch Mai để được khám và giải mẫn cảm nếu có thể để giảm dị ứng và các thể của nó như mề đay trên da, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng (ngứa mắt). Trước mắt, bạn cần tránh tất cả các chất mùi mà bạn hít vào gây dị ứng (phấn hoa, nước hoa, xà phòng giặt, nước xả, tránh thức ăn gây dị ứng (phải ăn thử mới biết), giặt, phơi màn chiếu chăn ga (có bọ gây dị ứng), lau bụi nhà bằng nước (quét sẽ bốc lên, hít vào gây hắt xì), tránh xa lông động vật, vật nuôi, dùng các thuốc sau 1 tháng, sau đó ngưng thuốc, khi nào hắt hơi lại thì dùng thêm 1 tháng rồi nghỉ. 1. montelukast 10 mg ngày 1 viên tối. 2. Loratadin 10mg 1 viên/ngày. 3. Avamys 37,5mg 1 lọ, ngày xịt 2 xịt/1 mũi trong 1 tháng.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl