Thắc mắc về viêm amidan ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng khiến bộ phận này sưng to. Những câu hỏi sau sẽ giải đáp phần nào thắc mắc về vấn đề này ở nam giới.

Viêm amiđan kèm theo ù tai, đau hốc mắt và nửa đầu phải


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu là nam, năm nay cháu 27 tuổi. 3 tháng nay cháu bị viêm amiđan đi khám nhiều lần ở Bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo viêm amiđan cấp và dùng thuốc nhưng không khỏi. Thường sưng 1 bên amiđan bên phải (trong ảnh do chụp ngược sẽ ở bên trái) kèm theo ù tai ngày càng nặng, hay cảm thấy đau nhói giật giật ở bên tai phải, có khi dẫn lên đau hốc mắt và nửa đầu phải nhưng khi khám bác sĩ bảo tai bình thường. Tình trạng ngày càng nặng nên cháu rất lo lắng. Đây là hình ảnh cháu chụp gửi kèm, 3 tháng nay amiđan lúc nào cũng sưng như vậy có lúc sưng to hơn, rất mong được bác sĩ giải đáp.

Cháu xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Viêm amiđan là một trong những bệnh Tai Mũi Họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amiđan có thể là viêm cấp, viêm amiđan cấp tái hồi, viêm amiđan mãn, viêm tấy hoặc áp xe quanh amiđan. Viêm amiđan cấp là tình trạng viêm nhiễm khuẩn giới hạn ở amiđan do vi khuẩn hoặc siêu vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là liên cầu trùng tan huyết Bêta nhóm A, đây là tác nhân gây sốt thấp khớp có thể gây biến chứng ở van tim và viêm vi cầu thận cấp. Trẻ lớn và người lớn viêm amiđan thường do vi khuẩn trong đó liên cầu nhóm A là hay gặp nhất. Các siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn hô hấp trên có thể gây viêm amiđan cấp với tỷ lệ thấp. Bệnh nhân bị viêm amiđan cấp có biểu hiện: sốt cao, rét run, đau họng, vướng họng , ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp…..

Nếu không được chữa trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh amiđan, áp-xe ( tụ mủ) quanh amiđan, áp xe amiđan , áp xe hạch cổ viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí – phế quản , đặc biệt viêm amiđan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm vi cầu thận, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc tố liên cầu nhóm A (sốt, hạ huyết áp, suy thận, suy hô hấp cấp và tử vong rất nhanh). Cháu đã chữa trị 3 tháng nay nhưng tình trạng bệnh vẫn nặng. Để yên tâm cháu nên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng hoặc khoa Tai Mũi Họng ở các cơ sở uy tín như Bệnh viện Bạch Mai để bác sĩ thăm khám trực tiếp, làm một số xét nghiệm chẩn đoán chính xác lí do và có hướng chữa trị hiệu quả, tránh để lâu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bị viêm họng mãn, viêm amidan mãn


Câu hỏi bởi: Dương Minh

Chào bác sĩ!

Em là nam, năm nay em 22 tuổi. Cách đây một tuần em có cảm giác như có cái gì ở họng, nuốt nước bọt thì có vướng cái gì đó (đặc biệt là trong lúc miệng hơi khô) nhưng khi ăn cơm thì bình thường và không có vấn đề gì hết. Em rất sợ là bị ung thư hay có khối u gì đó nên đã đi nội soi tổng cộng là ba lần ở bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bệnh viện 121, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Cả 3 bản nội soi đều nói em bị viêm họng mãn, viêm amidan mãn, và hôm nay có thể là VA tồn lưu. Cùng với đó có các hạt lympho tăng sinh quá phát. Em tự nhìn thì thấy ở cuối lưỡi có những hạt như hạt đậu trơn láng màu hồng. Nhưng không đau rát gì hết, biểu hiện của em chỉ là thấy vướng khi miệng bình thường và khi nuốt nước bọt thôi. Nên em hoang mang lắm, nhờ bác sĩ giải đáp giúp em để em yên tâm vào chuyện học hành ạ!

Cám ơn bác sĩ rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả thì có thể bạn bị viêm họng hạt và viêm amidan mãn. Viêm họng hạt là một dạng viêm họng mãn tính quá phát, đó là phản ứng của niêm mạc họng bị viêm nhiễm trường diễn tại vùng họng là nơi chứa rất nhiều lympho bào với nhiệm vụ diệt vi sinh vật. Khi bị viêm trường diễn thì các lympho bào này phải làm việc liên tục trong một thời gian dài và ngày càng to ra, trở thành các “hạt”, đó chính là các hạt mà bạn quan sát được chứ không phải là những khối u. Bạn đã khám và nội soi nhiều lần tại bệnh viện Tai-Mũi-Họng, bạn có thể yên tâm chữa trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa và tập trung học hành. Có một số lưu ý để giảm bớt biểu hiện và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng, nên áp dụng một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: súc họng bằng nước muối loãng.

Nước muối để ngậm cần có độ mặn tương đương với nước canh và ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là về mùa lạnh) để gây giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn. Nên pha sẵn nước muối mặn đựng vào chai, khi súc họng thì pha thêm nước nóng để có độ mặn và độ nóng cần thiết. Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Xúc họng khoảng 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa. Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này. Kết quả của việc súc họng nước muối sẽ được thấy rõ sau khoảng vài ngày, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang ở đợt cấp.

Chúc bạn sống khỏe!

Nam 16 tuổi bị viêm amidan


Câu hỏi bởi: xa

Chào bác sĩ! Từ nhỏ cháu bị sưng amidan. Dạo gần đây cháu thấy nó sưng to hơn nhiều và xuất hiện các hốc mủ. Phía bên trong họng thì thấy có các bọng nước màu vàng. Xin hỏi bác sĩ bây giờ cháu phải làm thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Tình trạng bệnh của cháu được gọi là amidan hốc mủ.

Amidan có chức năng sản sinh ra kháng thể để bảo vệ cơ thể chống các vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn và đường thở. Tuy nhiên do có cấu trúc nhiều hốc, ngăn nên giống như một hạch bạch huyết nghĩa là có nhiều múi, chia nhiều ngăn tạo thành các hốc nên thức ăn và vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm. Vi khuẩn khi xâm nhập ẩn náu lâu ngày trong các hốc amidan tạo nên các khối mủ bã đậu, vón cục. Do hoạt động của các cơ họng khi nhai nuốt cùng sự cọ xát của thức ăn khi đi qua thành họng, các kén mủ trong hốc amidan bật ra có hình dạng như những hạt tấm màu trắng xanh như mủ và có mùi hôi.

Triệu chứng Khi bị viêm amidan hốc mủ:

Người bệnh có triệu chứng như đau họng, rát họng, có thể sốt hoặc không, hoặc có cảm giác hơi ngây ngấy sốt. Có đờm vướng trong cổ, rất khó khạc hoặc nuốt. Hơi thở hôi. Thỉnh thoảng khi ho, hắt hơi khạc ra những hạt nhỏ màu trắng xanh như hạt tấm, có mùi rất hôi…

Viêm amidan hốc mủ nếu không được chữa trị tốt có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như thấp tim, viêm cầu thận, viêm khớp,…

Đối với viêm amidan mạn tính, chủ yếu là viêm amidan hốc mủ, người bệnh thường được áp dụng biện pháp chữa trị là phẫu thuật cắt amidan. Chỉ định cắt amidan được đặt ra trong những tình huống sau:

Viêm amidan từ 3 – 5 lần một năm trong hai năm liên tiếp Gây hơi thở hôi do vi khuẩn yếm khí Weillon Biến chứng tại chỗ như viêm tấy, apxe quanh amidan Có các biến chứng viêm xoang, viêm thanh khí phế quản Biến chứng toàn thân như viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp cấp,…

Tuy nhiên để làm được phẫu thuật phải được thầy thuốc chuyên khoa Tai – Mũi – Họng khám và đánh giá cụ thể trên từng bệnh nhân để có được quyết định chính xác. Do đó cháu nên đi khám sớm ở chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được chữa trị dứt điểm.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Bài thuốc dân gian chữa viêm amidan


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Chồng cháu năm nay 25 tuổi, anh ấy bị đau họng, đi bệnh viện khám được kết quả là viêm amidan. Chồng cháu đã uống thuốc theo đơn thuốc của bệnh viện nhưng cứ khỏi được vài hôm lại đau. Bác sĩ cho cháu hỏi có bài thuốc dân gian hay mẹo nào chữa viêm amidan không và có nhất thiết phải cắt amidan không ạ?

Cháu cảm ơn!

Chào bạn!

Chồng bạn bị viêm họng tái phát nhiều lần gọi là viêm họng mãn tính chữa mãi không khỏi, có thể do chưa tìm ra và chữa đúng lí do gây bệnh. Về vấn đề viêm họng, viêm amidan và cắt hay không cắt amidan nhiều lần chúng tôi trả lời trên trang web này, bạn có thể vào đọc và tìm hiểu thêm nhé.

Do amidan (A) nằm ở vùng họng nên khi amidan viêm, nó gây đau họng. Đau họng còn do rất nhiều lí do gây ra. Chỉ khi nào quy trách nhiệm chính cho đau họng là do amidan gây ra, người ta mới cắt amidan. Quy định cắt amidan trên y văn rất chặt chẽ, không phải tùy tiện muốn cắt là cắt. Vì amidan còn chức năng miễn dịch. Xu hướng chung bây giờ là hạn chế cắt amidan nhưng trong thực hành hàng ngày, đôi khi người ta chỉ định cắt amidan hơi phóng tay vì nhiều lý do khác (có những lý do ngoài bệnh tật)… Nếu bạn đọc kỹ chỉ định cắt amidan trên trang web này và đối chiếu với tình hình bệnh của chồng bạn, bạn sẽ biết bệnh của chồng bạn có đến mức cắt amidan chưa?

Về vấn đề viêm họng, có thể kể ra đây nhiều lí do như do thời tiết (nóng lạnh không ổn định), do ô nhiễm môi trường (khói bụi, hóa chất), do thói quen (hút thuốc, thức ăn uống lạnh, cay, nóng), viêm mũi xoang vòm (đờm dịch chảy vào cổ), viêm dạ dày trào ngược (acid từ dạ dày trào lên cổ gây viêm họng – hiện rất phổ biến),… Nếu chồng bạn có các thói quen hay bị bệnh ở các cơ quan kể trên, cần thay đổi thói quen sống, khám chữa bệnh triệt để thì mới khỏi đau họng lâu dài được. Các bài thuốc dân gian chữa viêm họng rất nhiều. Tuy nhiên tôi không có chuyên môn trong lĩnh vực Y học cổ truyền nên xin không nêu ý kiến. Mong bạn thông cảm nhé!

Chúc chồng bạn mau khoẻ!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Bị viêm họng và viêm amidan quá phát


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Anh trai của cháu năm nay 26 tuổi, anh cháu đi khám bác sĩ bảo cháu bị viêm họng với viêm amidan quá phát. Mong bác sĩ giải đáp cho gia đình cháu về bệnh này.

Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào cháu!

Viêm amidan quá phát là do tình trạng viêm của amidan tái đi tái lại nhiều lần làm cho amidan không nhỏ lại về kích thước bình thường nữa và mỗi lần bị viêm trở lại, amidan sưng to hai bên che lấp đường thở làm cho bệnh nhân thường khó thở, ăn uống khó khăn. Giai đoạn đầu, chữa trị bằng kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, bệnh có thể đỡ giảm, bệnh nhân đỡ khó thở nhưng giai đoạn sau, chữa trị thuốc gần như không thấy hiệu quả mà chữa trị triệt để bằng phương pháp phẫu thuật cắt Amidan. Phẫu thuật này được thực hiện bởi Bác sĩ chuyển khoa Tai Mũi Họng. Vì vậy, cháu nên đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ trực tiếp khám và chữa trị cho cháu!

Chúc cháu khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl