Chế độ dinh dưỡng cho người mắc viêm cầu thận


4,226
1
1
Xu
53
Người mắc viêm cầu thận cần chú ý về chế độ ăn uống như, hạn chế nước uống, ăn nhạ và hạn chế ăn Protit nếu U re máu tăng… Cùng tham khảo thêm thông tin về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh qua một số câu hỏi đáp dưới đây.

Chế độ ăn cho người bị viêm cầu thận


Câu hỏi bởi: nikihoa

Chào bác sĩ!

Tôi là nam giới, 21 tuổi. Tôi bị bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư ngày 25 tháng 3 đến tháng 11 năm 2014, bị tái phát vào ngày 12 tháng 9 năm 2015, hiện giờ tôi không ăn muối, và 1 ngày tôi ăn 2 lòng trắng trứng gà. Xin hỏi chế độ ăn như vậy tốt hay không tốt ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Trong chế độ ăn của bệnh nhân hội chứng thận hư cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:

1. Giàu chất đạm (protein): Do mất nhiều protein qua nước tiểu, làm giảm protein máu, giảm áp lực keo gây phù, teo cơ, suy dinh dưỡng, do đó chế độ ăn phải bù đủ lượng đạm cho chuyển hóa của cơ thể và số lượng đạm mất qua nước tiểu, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều đạm vì có thể sẽ làm xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận. Lượng đạm trung bình 1 ngày = 1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Trong đó 2/3 là đạm động vật có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. 1/3 là đạm thực vật từ gạo, mì, đậu đỗ…

2. Năng lượng: Ðảm bảo đủ năng lượng từ 35-40kcalo/kg/ngày.

3. Chất béo: Nên ăn giảm chất béo (20-25g/ngày). Do rối loạn chuyển hóa Lipid máu, tăng Cholesterol, vì vậy không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều Cholesterol như óc, lòng, các loại phủ tạng động vật, bơ, mỡ, trứng. Ðặc biệt nên tránh quan niệm “ăn thận bổ thận”, vì trong thận (bầu dục) có chứa nhiều Cholesterol. Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; Hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật như: Dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng để thay thế mỡ.

4. Các vitamin, muối khoáng và nước:

– Lượng nước trong chế độ ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml.

– Ăn nhạt, bớt muối, mì chính: 1-2g muối/ngày.

– Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, Beta caroten, Vitamin A, Selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do – là những chất gây xơ hóa cầu thận, chóng dẫn đến suy thận. Trong những tình huống tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả.

Vậy bạn ăn nhạt là tốt, nếu không phù chỉ cần hạn chế muối không cần thiết phải ăn nhạt tuyệt đối sẽ gây giảm cảm giác ngon miệng. Lòng trắng trứng gà cũng không cần thiết phải ăn hàng ngày bạn nhé, bạn chỉ cần ăn đủ chất và tuân thủ các nguyên tắc nêu trên.

Chúc bạn sống khỏe!

Bị viêm cầu thận nên ăn uống như thế nào để tăng cân?


Câu hỏi bởi: Quế – Tân Bình

Kính chào bác sĩ.

Tôi tên Quế, năm nay tôi 28 tuổi. Năm 2005 tôi cao 1m6 nặng 50kg nhưng tôi bị viêm cầu thận nhẹ và sụt xuống 46kg. Tôi dùng thuốc Tây theo đơn của bác sĩ và thuốc Bắc tại nhà khoảng 6 tháng thì khỏi hẳn. Tôi ăn kiêng từ 2005 – 2007 những đồ như: muối, mắm, rượu, bia, thịt chó, lòng heo, thịt vịt, cà muối, hơi lạnh, hơi đất). Năm 2008 thì ăn uống lại bình thường có mắm muối, thỉnh thoảng hội hè tôi uống 1 chén rượu hoặc 1 lon bia, nhưng thịt chó, lòng heo, thịt vịt, cà muối, hơi lạnh, hơi đất thì vẫn kiêng tuyệt đối. Nhưng trong suốt 6 năm vùa qua 2008- 2014 tôi cảm thấy thận của mình vẫn còn yếu, nếu đi xe máy đường dài tôi có cảm giác đau lưng và đặc biệt là khả năng hấp thụ thức ăn của tôi rất kém. Tôi làm việc bình thường, không lao động nặng nhọc, ăn nhiều, ngủ ngon, nhưng không mập lên chút nào cả. Tôi lập gia đình năm 2013 và hiện nay đã có 1 con gái 3 tháng tuổi, tôi cảm thấy nhu cầu sinh hoạt tình dục cũng ít hơn người bình thường, khoảng 1-2 lần/ tuần. Tôi không hiểu lắm về thức ăn và các loại dinh dưỡng trong các loại thực phẩm nên rất mong được bác sĩ giải đáp giúp tôi về chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Tôi nên có chế độ ăn uống như thế nào để tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Cầu thận là đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên thận. Viêm cầu thận cấp có thể dẫn đến viêm cầu thận mãn và suy thận kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài việc cần phát hiện sớm và có phương pháp chữa trị thích hợp, chế độ ăn uống cũng góp một phần không nhỏ vào việc giảm tiến triển của bệnh. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân viêm cầu thận là ăn nhẹ, ăn nhạt nhằm chống phù, ổn định huyết áp và giảm gánh nặng thận.

– Chế độ ăn giảm muối: Sử dụng thực phẩm chứa ít muối (sodium) (2 hoặc 3 g/ngày) để cải thiện và kiểm soát huyết áp, hạn chế khả năng phát triển của tăng huyết áp, cũng như để giảm thiểu hoặc ngăn chặn việc tích lũy nước dẫn đến sưng tấy. Nên bỏ hẳn ăn mỳ chính. Không nên sử dụng thực phẩm chế biến pho mát, các loại thịt đóng hộp, muối hoặc hun khói thường có lượng natri cao. Không thêm muối trong khi nấu ăn.

– Chế độ ăn uống giảm Protein: Những người mắc viêm cầu thận nên hạn chế lượng đạm ăn vào mỗi ngày bởi khi đó thận làm việc không còn hiệu quả. Ăn giảm Protein sẽ làm giảm gánh nặng công việc của thận giúp thận phục hồi và làm chậm sự tích tụ chất thải trong máu, đặc biệt là để phòng ure trong máu tăng. Với những người đang bị viêm cầu thận cấp nên hạn chế lượng Protein (dưới 0,6 g / kg thể trọng/ ngày), khi bệnh ổn định có thể ăn tới 1g/kg thể trọng/ngày. Chọn thực phẩm chứa Protein tốt như thịt nạc, cá, thịt gà và trứng. Không nên sử dụng nhiều các chất đạm có nguồn gốc thực vật và chất đạm từ nội tạng động vật tim, gan, cật…

– Đường và tinh bột: Ngoài chú ý về đạm, người bệnh cũng nên chú ý sử dụng các nguồn cung cấp gluxit từ từ các loại đường, mật ong, khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây mà không nên sử dụng loại ngũ cốc nhiều đạm như gạo, mì.

– Chất béo (Lipid): Nên sử dụng nguồn chất béo không bão hòa đơn từ đậu phộng, bơ và dầu ô liu và các nguồn chất béo không bão hòa đa như cá hồi, đậu nành và dầu cá chứ không nên dùng chất béo động vật. Hạn chế trứng và các thực phẩm giàu Cholesterol khác…

– Giảm ăn rau quả, giảm kali: Kali có tác dụng quan trọng đối với tim mạch. Việc tăng kali quá mức do bệnh thận sẽ gây tác động đến nhịp tim và nguy hiểm cho người bệnh. Cắt giảm kali để làm chậm sự tích tụ của chất thải trong máu. Thực phẩm chứa nhiều kali bao gồm: khoai tây, bí, chuối, cam, cà chua, rau đậu, quả hạch…

– Hạn chế nước: Hạn chế lượng chất lỏng vào cơ thể. Sử dụng lượng ít chất lỏng mỗi ngày để giúp kiểm soát huyết áp và làm giảm bớt gánh nặng cho thận trong khi chức năng của thận bị suy yếu. Hạn chế uống nước hay sử dụng súp, kem, các loại nước trái cây nho, cam, táo, rau diếp và cần tây vì chúng chứa khá nhiều nước. Có thể sử dụng thuốc lợi tiểu để loại bỏ nước và muối không cần thiết.

– Hạn chế phốt pho: Giới hạn lượng phốt pho vào cơ thể. Khi chức năng thận suy yếu, lượng phốt pho trong máu sẽ tăng lên. Mức tăng có thể dẫn đến bệnh tim và xương. Phốt pho thường có mặt trong sản phẩm sữa như sữa nước đá, kem, sữa chua các loại đậu Hà Lan, đậu, bơ đậu phộng và các loại hạt.

Bạn bị viêm cầu thận hiện tại đã ổn định. Việc xây dựng chế độ ăn trở lại bình thường là cần thiết. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo những ý kiến trên để tìm cho mình một chế độ ăn hợp lý.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Viêm cầu thận có hội chứng thận hư có nên uống rau má, râu ngô cho lợi tiểu không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu là nam giới, năm nay 20 tuổi. Cháu bị viêm cầu thận có hội chứng thận hư từ 25 tháng 3 năm 2014, đến tháng 11 năm 2014 cháu bị tái phát lại, và cháu sút 3kg còn 52kg, bình thường cháu 55kg. Hiện nay cháu đã ra viện và đang dùng 2,5 viên Medrol 16mg, và 3 viên Equoal, 1 viên suprazole, 2 viên Amino XL, 2 viên phadogreen. Hiện nay mặt của cháu bị to ra, mụn mọc nhiều, nhưng chân tay thì không phù. Bác sĩ nói là do tác dụng phụ của thuốc. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi có loại thuốc nào làm giảm tác dụng phụ của thuốc không ạ? Cháu có thể dùng thêm loại thực phẩm chức năng trà dâu ngô, rau má để làm giảm mụn, lợi tiểu, mát gan, vậy có được không ạ?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Hội chứng thận hư nhiễm mỡ trên 95% là tiên phát với các triệu chứng đặc trưng: Protein niệu cao, Protein máu giảm, Lipid máu tăng và hiện tượng nhiễm mỡ ống thận. Về lâm sàng, biểu hiện chính là phù trắng, phù mềm, ấn lõm và phù rất to ở mặt, ngực, bụng, chân. Xét nghiệm nước tiểu, ngoài việc phát hiện Protein niệu tăng cao còn có sự hiện diện của trụ chiết quang (trụ mỡ), không ít các tình huống còn thấy trụ hạt. Như vậy rõ ràng trong thận hư nhiễm mỡ không ít các tình huống có kèm theo viêm cầu thận.

Trường hợp của cháu là bị viêm cầu thận có hội chứng thận hư. Cháu chữa trị thuốc tây đã ổn định và đang chữa trị duy trì. Hiện nay mặt của cháu bị to ra, mụn mọc nhiều, nhưng chân tay thì không phù. Đây chính là tác dụng phụ của thuốc. Cháu nên uống thêm thuốc tây một thời gian nữa nếu tác dụng phụ nhiều thêm cháu có thể đến khám tại viện y học cổ truyền để chữa trị bằng thuốc đông y. Tuy nhiên hiện tại cháu có thể dùng thêm loại thực phẩm chức năng trà dâu ngô, rau má để làm giảm mụn, lợi tiểu, mát gan cùng với thuốc tây mà cháu đang uống. Trong quá trình uống nếu có triệu chứng khác thường thì cháu nên dừng lại.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Phương hướng chữa trị bệnh viêm cầu thận


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ.

Bác cho cháu hỏi cháu đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ chẩn đoán viêm cầu thận và bảo không chữa được nên không cần uống thuốc mà chỉ đi khám định kỳ xem có biến chứng gì không. Cháu tìm hiểu thấy hơi hoang mang, bác sĩ có thể giải đáp cho cháu về những gì mà Bệnh viện Bạch Mai nói được không ạ và phương hướng chữa trị bệnh ở đâu là tốt nhất ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu.

Viêm cầu thận là một loại bệnh thận gây thiệt hại khả năng loại bỏ chất thải và dịch dư thừa của thận. Còn được gọi là bệnh cầu thận, viêm cầu thận có thể là cấp tính, một cuộc tấn công bất ngờ của viêm hoặc mãn tính đến dần dần. Nếu viêm cầu thận tự xảy ra, nó được gọi là viêm cầu thận tiên phát. Nếu một căn bệnh, chẳng hạn như Lupus hay bệnh tiểu đường là lí do, nó được gọi là viêm cầu thận thứ phát. Điều trị tùy thuộc vào loại viêm cầu thận. Điều trị viêm cầu thận phụ thuộc vào:

Hình thức cấp tính hoặc mãn tính của bệnh.

Các lí do cơ bản.

Các loại và mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu và biểu hiện.

Một số tình huống viêm cầu thận cấp tính, đặc biệt là những người bị bệnh thường xuyên tự cải thiện và không cần chữa trị cụ thể. Để kiểm soát huyết áp cao và làm chậm sự suy giảm chức năng thận, bác sĩ có thể kê toa loại thuốc khác nhau.

Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc khác để chữa trị các lí do cơ bản của viêm cầu thận:

Liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn khác. Bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc kháng sinh thích hợp.

Lupus hoặc viêm mạch. Các bác sĩ thường kê đơn thuốc Corticosteroid và ức chế miễn dịch.

Bệnh lí thận IgA. Bổ sung dầu cá đã thành công trong một số người bị bệnh thận IgA và đang được nghiên cứu.

Hội chứng Goodpasture. Plasmapheresis đôi khi được dùng để chữa trị những người bị hội chứng Goodpasture. Plasmapheresis là một quá trình cơ học loại bỏ các kháng thể từ máu bằng cách lấy huyết tương trong máu và thay thế nó bằng chất lỏng hoặc Plasma.

Đối với viêm cầu thận cấp tính và suy thận cấp, tạm thời lọc máu có thể giúp loại bỏ dịch dư thừa và kiểm soát huyết áp cao. Các phương pháp chữa trị dài hạn chỉ dành cho suy thận giai đoạn cuối được lọc máu và ghép thận. Khi ghép là không thể, thường do sức khỏe kém, chạy thận sẽ trở thành lựa chọn duy nhất. Phong cách sống và biện pháp xử lý: Nên thay đổi trong chế độ ăn uống, bao gồm:

Hạn chế lượng muối ăn để ngăn chặn hoặc giảm thiểu giữ nước, phù và cao huyết áp.

Cắt giảm đạm và kali để làm chậm sự tích tụ các chất thải trong máu.

Nếu bị tiểu đường, cần duy trì trọng lượng khỏe mạnh, kiểm soát lượng đường trong máu sẽ làm chậm tổn thương thận.

Cháu hãy thực chế độ trên kết hợp với việc đi khám sức khỏe định kỳ nhé.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Bệnh viêm cầu thận có hội chứng thận hư có chữa khỏi hẳn được không?


Câu hỏi bởi: Bình An

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 20. Sau khi làm sinh thiết, cháu được bác sĩ chẩn đoán viêm cầu thận, có hội chứng thận hư, tốn thương tối thiểu. Cháu muốn hỏi bệnh này có khỏi hẳn được không? Thời gian bao lâu và chế độ ăn kiêng như thế nào? Cháu làm xét nghiệm sinh hóa, ure máu khá cao: 8,4. creatinin 110, protein liệu âm tính. Tại sao ure máu lại cao thế ạ? Bác sĩ làm ơn giải thích giúp cháu?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu!

Hội chứng thận hư là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của chính cơ thể tấn công nhầm vào thận, gây tổn thương cho cầu thận. Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng thận hư, việc chữa trị nhằm mục đích kiểm soát để bệnh không tiến triến nặng thêm và không gây tổn thương thêm cho thận.

Chế độ ăn cho người bị hội chứng thận hư cần dựa trên các nguyên tắc sau:

Giàu chất đạm (protein): Do hội chứng thận hư gây mất protein qua nước tiểu, làm giảm protein máu, do đó chế độ ăn phải bù đủ lượng đạm cho chuyển hóa của cơ thể và số lượng đạm mất qua nước tiểu, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều đạm vì có thể sẽ làm xơ hóa cầu thận dẫn đến suy thận. Lượng đạm trung bình 1 ngày = 1g/kg/ngày + lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ. Trong đó 2/3 là đạm động vật có giá trị sinh học cao từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. 1/3 là đạm thực vật từ gạo, mì, đậu đỗ… Năng lượng: Ðảm bảo đủ năng lượng từ 35-40kcalo/kg/ngày. Chất béo: Nên ăn giảm chất béo (20-25g/ngày). Do rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cholesterol, vì vậy không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol như óc, lòng, các loại phủ tạng động vật, bơ, mỡ, trứng. Ðặc biệt nên tránh quan niệm “ăn thận bổ thận”, vì trong thận (bầu dục) có chứa nhiều cholesterol. Khi chế biến thức ăn nên hấp, luộc; Hạn chế xào, rán, quay. Nên dùng các loại dầu thực vật như: Dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng để thay thế mỡ. Các vitamin, muối khoáng và nước: Lượng nước trong chế độ ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu + 500ml. Ăn nhạt, bớt muối, mì chính: 1-2g muối/ngày. Ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, beta caroten, vitamin A, selenium (như các loại rau xanh, quả chín có màu đỏ và vàng: đu đủ, cà rốt, xoài, giá đỗ, cam…) vì các loại vi chất dinh dưỡng nêu trên có tác dụng chống oxy hóa, chống tăng các gốc tự do – là những chất gây xơ hóa cầu thận, chóng dẫn đến suy thận. Trong những tình huống tiểu ít và có kali máu tăng thì phải hạn chế rau quả.

Những thực phẩm nên dùng:

Chất đường bột: Các loại gạo, mì, khoai sắn đều dùng được Chất béo: Các loại dầu thực vật (dầu đậu tương, dầu mè, lạc vừng…) Chất đạm: Thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa, đậu đỗ… Sữa bột tách bơ (sữa gầy) để tăng cường lượng đạm và can xi. Rau quả: Ăn được tất cả các loại rau quả như người bình thường, trừ tình huống tiểu ít thì phải hạn chế rau quả.

Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế dùng:

Chất bột đường: Không cần kiêng một loại nào Chất béo: Giảm số lượng, hạn chế ăn mỡ động vật. Nên chế biến bằng cách hấp, luộc. Hạn chế xào, rán Chất đạm: Không sử dụng các phủ tạng động vật như tim, gan, thận, óc, dạ dày… Hạn chế trứng: 1-2 quả/tuần. Các loại rau quả: Nếu bệnh nhân không tiểu được thì không nên ăn các loại quả có hàm lượng kali cao như cam, chanh, chuối, dứa, mận…

Số lượng thực phẩm nên dùng trong một ngày:

Gạo tẻ: 250-300g Thịt nạc hoặc cá nạc: 200g, hoặc thay thế bằng 300g đậu phụ Dầu ăn: 10-15g Rau: 300-400g Quả: 200-300g Muối ăn: 2-4g Sữa bột tách bơ: 25-50g Ðường: 10g

Lưu ý: Ăn nhạt hoàn toàn trong giai đoạn phù. Khi hết phù có thể ăn 2 thìa cà phê nước mắm 1 ngày.

Urê máu là xét nghiệm kiểm tra đo lượng nitơ urê trong máu. Urê là một sản phẩm chất thải hóa chất do quá trình chuyển hóa đạm. Urê đi từ gan thận qua đường máu. Thận khoẻ mạnh lọc urê và các sản phẩm phế thải khác từ máu và những chất này sẽ được đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Nếu xét nghiệm máu cho thấy rằng mức độ urê cao hơn bình thường, thì đó có thể nó là dấu hiệu thận có vấn đề (suy thận), hoặc do lượng protein cao, lượng nước uống không đầy đủ hoặc lưu thông máu kém. Do đó cháu nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chữa trị để có hướng khắc phục.

Chúc cháu sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl