Có ý nghĩ muốn xa lánh mọi người phải làm sao?


4,226
1
1
Xu
53
Xa lánh mọi người là một hiện tượng tâm lý có thể gặp ở nhiều người. Sau đây là những lý giải về hiện tượng này.

Hay buồn bực vô cớ, tính cách không ổn định, xa lánh mọi người, có ý định tự tử có phải bị trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Em gái tôi năm nay 16 tuổi. Sau khi ba má mất và gặp nhiều chuyện không như mong muốn, em gái tôi thường hay buồn bực vô cớ và tính cách rất không ổn định. Nó thường hay xa lánh mọi người, kể cả tôi. Một lần, tôi vô tình đọc được nhật kí của nó. Tôi đã rất sốc khi nó nói đến cái chết và có ý định muốn tự tử. Liệu nó có bị tự kỉ hay trầm cảm không? Nếu thật thì tôi nên làm thế nào? Tôi rất lo lắng cho em gái tôi. Xin bác sĩ giải đáp giúp.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào bạn.

Qua thư bạn cho thấy em gái bạn có nhiều triệu chứng bất thường. Có thể em bạn bị trầm cảm căn nguyên tâm lý hay còn gọi rối loạn stress sau sang chấn. Các rối loạn đó có thể sẽ nặng lên và nguy cơ tự sát là rất cao. Tuy nhiên căn nguyên tâm lý hay các sang chấn tâm lý nhiều tình huống chỉ là cái cớ cho một bệnh lý tiềm tàng trong cơ thể phát ra, ví dụ rối loạn cảm xúc giai đoạn trầm cảm hay tâm thần phân liệt. Để biết rõ là vấn đề gì và đặc biệt ý định tự tử là rất trầm trọng, nguy cơ xảy ra hành vi tự sát rất cao nên bạn cần đưa em bạn đi khám bác sỹ chuyên khoa tâm thần. Nếu ở gần Hà Nội, mời bạn đến với chúng tôi, khoa A6 Bệnh viện Quân y 103 Hà Đông, em bạn sẽ được chúng tôi thăm khám, giải đáp và chữa trị kịp thời.

Chúc em bạn mau chóng hồi phục.

Không thích nói chuyện và không biết nói chuyện là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Phương Uyên

Em là nữ 23 tuổi, từ lúc em bắt đầu vào đại học em càng ngày càng ít nói, em không thích nói chuyện và không biết nói gì với người khác, em thích cảm giác một mình, đi ăn một mình, đi mua sắm một mình, em có thể cả ngày không nói chuyện, nó tạo cho em cảm giác thoải mái và tự do. Bạn bè em mỗi lần tụ họp lại để nói chuyện rất sôi nổi bọn nó luôn hỏi em một câu ” Sao mày không nói gì hết thế?” em cũng chỉ biết đáp lại là em không biết nói gì hết. Đầu óc em lúc đó trống rỗng và không biết nói gì ngoài câu đó và lúc nào cũng thế, khi nói chuyện với một đứa bạn em lúc nào cũng là người nghe mà không phải là người nói. Em thường xuyên suy nghĩ, không ngừng suy nghĩ viễn tưởng hoặc tự suy nghĩ nói chuyện với bản thân. Gia đình em cũng biết em là đứa ít nói nhưng họ hàng lúc trước rất thương em nhưng bây giờ không còn thích em nữa. Họ chỉ trích em tại sao không thăm hỏi người khác, em rất quý họ nhưng em thật sự không thể nói. Mọi chuyện càng tệ hơn khi gần đây họ hàng em gọi em rất sợ bắt máy, em không muốn nói chuyện, đến lúc mẹ em gọi lên la tại sao lại cư xử như vậy, em chỉ biết im lặng em rất sợ phải nói chuyện với họ, em thực sự không muốn nói chuyện. Em sắp ra trường rồi nếu cứ như vậy em sợ sẽ tác động đến công việc. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Mỗi người trên đời đều có những tính cách khác nhau. Có những người hướng ngoại, thích những cuộc vui ồn ào, giao lưu bạn bè, đi chơi đây đó, có những người lại hướng nội, thích sống nội tâm, đọc sách, nghe nhạc v.v… Điều đó không thấy gì là xấu. Thậm chí những người hướng nội lại còn được coi là có những suy nghĩ sâu sắc hơn. Mọi chuyên sẽ chỉ trở nên nguy hiểm nếu chúng ta quá tự ti, quá cô độc, xa lánh mọi người, trốn vòa vỏ ốc của riêng mình vì như thế nguy cơ bị trầm cảm cũng như nhiều vấn đề khác sẽ tăng lên. Ví dụ “hay suy nghĩ viễn tưởng, tự nói chuyện với bản thân” là những dấu hiệu cảnh báo sớm về những bất ổn về mặt tâm thần. Tuy nhiên, cũng rất mừng là em đã nhận ra được vấn đề của mình. Quả thật khi đi làm, trong công việc, thì việc hòa nhập với mọi người cũng như kỹ năng trình bày ý kiến sẽ rất quan trọng. Người ta thường nói “lời nói là tấm gương phản ánh tư duy”, nếu em có những ý tưởng tốt, sáng tạo mà không trình bày, diễn đạt được cho người khác biết thì sẽ rất khó để được đánh giá đúng năng lực của mình.

Thư em trình bày khá khúc chiết, mạch lạc, chứng tỏ em có tư duy khá tốt, vấn đề ở đây có lẽ chỉ là xử lý được cảm giác “ngại, ngượng” khi phải nói những lời mà em không quen nói. Trong việc này thì không thấy loại thuốc nào có thể giúp em được ngoài chính em. Hãy cố gắng mở lòng ra với mọi người, đừng sợ hãi hay ngại ngùng, vì mọi điều từ trái tim sẽ đến được với trái tim, miễn là mình chân thành thì không ai có thể chê cười gì được. Trước hết hãy tìm đến với bố mẹ, anh chị em, .. những người quan tâm, gần gũi với em nhất, rồi đến bạn bè, có thể lúc đầu chỉ là một hai người bạn thật thân. Càng tiếp xúc với nhiều người, càng mở rộng mối quan hệ, em sẽ càng học hỏi được nhiều điều và sẽ càng có nhiều đề tài để trò chuyện với mọi người.

Chúc em luôn khỏe và vui!

Suy nghĩ tiêu cực, dễ khóc, thích ở một mình, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, bất an là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Gia Linh -23t

Chào bác sĩ!

Em là nữ 23 tuổi. Hơn 1 tháng nay em có những dấu hiệu:

Mất hứng thú với những điều trước đây em thích.

Em hay vô vọng và suy nghĩ tiêu cực, dễ khóc và hay khóc không hiểu lý do.

Thích ở một mình và không thích nói chuyện cũng như nghe điện thoại. Ai gọi em cũng tắt đi và quan trọng thì nhắn tin. Cứ mỗi lần nhắn tin cho ai là em phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều.

Giấc ngủ của em không ổn định, lúc nhiều lúc ít không điều độ mặc dù em cố gắng, ngủ em hay gặp chiêm bao, ác mộng, ngủ nặng đầu.

Thường xuyên mất tập trung, có những thứ em nhớ rõ ràng nhưng sau đó lại quên ngay được. Đặc biệt là bài học và tên người. Dù 1 chương bài ngắn ngủn trước đây em có thể tổng hợp nội dung nhưng giờ em cảm thấy bất lực. Dòng suy nghĩ của em cứ miên man không rõ ràng.

Thói quen ăn uống của em cũng thay đổi hoàn toàn.

Cảm giác mình chậm chạp, lù đù hơn mọi khi, không còn năng động nữa.

Em chủ động xa lánh mọi người và nhiều khi khùng vô cớ đến em cũng chả hiểu vì sao.

Em hay hồi hộp và bất an, nhịp tim đập nhanh, có thể là do bệnh hội chứng tiền kích thích của em nên tim em hay như vậy, nhưng dạo này cường độ nhiều hơn.

Em có tham gia tập luyện thể dục thể thao tìm lại niềm vui nhưng chả được mấy ngày đến hôm qua em lại cảm giác sợ người, sợ nhiều thứ, cứ ở trong phòng suốt. Quay đi quay lại nhưng chẳng làm được gì ra hồn. Em như bị mất phương hướng mọi việc. Nhiều khi những việc đơn giản nhưng em cứ suy nghĩ miên man rồi cảm thấy nghẹt thở. Những điều trên liệu có phải bệnh lý gì không bác sĩ? Đó là dấu hiệu của bệnh gì và cách điều trị ra sao ạ? Em cảm thấy rất lo lắng cho tình trạng hiện tại của mình và không biết cách giải quyết như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Theo lời kể của cháu thì bác thấy cháu có những biểu hiện sau đây:

Mất quan tâm thích thú các điều đã thích trước đây.

Vô vọng (bi quan về tương lai).

Suy nghĩ tiêu cực.

Dễ khóc và hay khóc (buồn chán-khí sắc giảm).

Thích ở một mình, không thích nói truyện kể cả nói qua điện thoại.

Phải đấu tranh tư tưởng mãi mới nhắn tin cho người khác (Giảm tính tự trọng và lòng tự tin).

Rối loạn giấc ngủ.

Giảm sự tập trung chú ý.

Suy nghĩ miên man.

Giảm hoạt động.

Hồi hộp bất an.

Các biểu hiện trên đã triệu chứng hơn 1 tháng nay. Qua các triệu chứng trên của cháu bác thấy cháu đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là trầm cảm. Bác nói các biểu hiện của trầm cảm để cháu hiểu rõ nhé. Rối loạn trầm cảm có 3 biểu hiện chính và 9 biểu hiện phụ.

Ba biểu hiện chính đó là:

Khí sắc giảm.

Mất quan tâm thích thú.

Giảm năng lượng, mệt mỏi, giảm sút hoạt động.

Chín biểu hiện phụ đó là:

Giảm sự tập trung chú ý.

Giảm tính tự trọng, lòng tự tin.

Ý tự buộc tội, sám hối.

Bi quan về tương lai.

Ý tưởng và hành vi tự sát.

Rối loạn giấc ngủ.

Ăn không ngon miệng, sụt giảm cân.

Giảm sút dục năng.

Đau mãn tính, tản mạn.

Người bệnh chỉ cần có 2 biểu hiện chính và 2 biểu hiện phụ, các biểu hiện trên tồn tại từ 2 tuần trở lên là đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là trầm cảm. Bác thấy cháu đủ tiêu chuẩn chẩn đoán là rối loạn trầm cảm rồi. Cháu hãy tới chuyên khoa Tâm thần để khám và chữa trị. Cháu đừng lo lắng, trầm cảm nếu điều sớm và tích cực thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. Trầm cảm có thể dùng thuốc ngoại trú không cần phải nằm viện.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Luôn muốn tự rạch tay, hay khóc và cười một mình, tránh tiếp xúc người khác là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Ng Thùy Kim Châu

Chào bác sĩ.

Con tên Châu, 17 tuổi. Dạo gần đây con lại nhớ về khoảng thời gian mà con cô độc 1 mình. Lúc đó con tránh tiếp xúc với tất cả mọi người, có chuyện gì xảy ra dù nhỏ nhặt nhất con cũng không muốn sống, tự rạch tay làm đau mình, tự khóc rồi cũng tự cười. Khoảng thời gian đó con cũng thường xuyên bị đau đầu và khó thở. Đến lúc con đau và khó thở, chịu không được nữa và xin mẹ để đi khám thì bác sĩ bảo con bị suy nhược thần kinh, rối loạn tâm lí (con giấu việc không tiếp xúc với ai và rạch tay).

Đến bây giờ, con thấy hình như sự việc đó lại xảy ra với con 1 lần nữa. Dường như con muốn né tránh tất cả mọi người, con không muốn tiếp xúc với ai, con lại muốn tự làm mình đau… Con thấy mọi người sống giả tạo. Khi họ buồn, họ tìm đến con, khi vui thì gạt con sang 1 bên, như thể không thấy sự xuất hiện của con ở đó vậy. Khi con mệt mỏi, con cố tỏ ra cho họ biết, nhưng thật sự không ai để ý tới con.

Hôm nay, không biết tại sao và từ lúc nào, con tự cắn môi mình, sưng phồng lên và gần như sắp chảy máu. Bây giờ con vẫn muốn rạch tay mình, nhưng nghĩ về mẹ, con đã tự hứa sẽ không rạch tay nữa. Con phải làm sao để có thể vượt qua bây giờ thưa bác sĩ? Con có đọc được 1 bài báo mạng và thấy mình có những biểu hiện của trầm cảm. Con không muốn lặp lại quá khứ đó, con không muốn cô độc 1 mình, con sợ, nhưng con không thể vượt qua được. Mong bác sĩ giúp con!

Con chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn.

Với những biểu hiện của bạn hiện tại thì tôi nghĩ bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần học càng sớm càng tốt. Bạn có những triệu chứng của trầm cảm nặng, nếu không được chữa trị bệnh có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. Sự kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và chữa trị tâm lý sẽ mang lại kết quả khả quan cho người bệnh. Tuy nhiên, bạn cần phải tôn trọng thời gian chữa trị. Thường chỉ sau 15 ngày chữa trị, bệnh nhân trầm cảm sẽ cảm thấy sức khoẻ tốt hơn. Hai tháng sau khi chữa trị, bệnh nhân có cảm giác mình đã trở lại trạng thái trước khi mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dừng lại ở đây thì thật là sai lầm. Kết quả chữa trị sẽ là số 0 hoặc số âm.

Theo các bác sĩ, việc chữa trị cần phải kéo dài trong nhiều tháng, sau đó ngay cả khi bạn cảm thấy hoàn toàn khoẻ mạnh. 6 tháng là thời gian ít nhất cho mỗi đợt điểu trị bệnh. Mỗi người trong chúng ta nên cố gắng có một cuộc sống cân bằng, vui vẻ và hài hoà. Có như vậy những căn bệnh như stress, trầm cảm… mới không tấn công chúng ta được.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl