Loạn tâm thần và những điều nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Rối loạn tâm thần là một thuật ngữ tâm thần có nghĩa rộng, mô tả một trạng thái tinh thần, trong đó người bệnh bị mất khả năng phân biệt giữa suy nghĩ thực và suy nghĩ không thực, cảm giác. Sau đây là những thông tin thêm về bệnh.

Trầm cảm nặng có khả năng dẫn đến rối loạn tâm thần không?


Câu hỏi bởi: Nguyen

Xin chào bác sĩ.

Cháu năm nay 30 tuổi, hiện cuộc sống đang lâm vào hoàn cảnh vô cùng bế tắc. Cháu bị trầm cảm trong 1 thời gian khá dài, khoảng nửa năm gần đây thường xuyên xuất hiện những ý nghĩ về cái chết, hoàn toàn không muốn tiếp tục sống. Tất cả nguyên nhân cháu cố gắng gượng lại vượt qua ý nghĩ đó là vì bố mẹ và 1 đứa con nhỏ của cháu. Gần đây suy nghĩ về cái chết của cháu xuất hiện nhiều hơn, có những lúc gần như là sự thôi thúc một cách vô thức, thậm chí cháu nghĩ đến chuyện chết cùng con. Nhưng cháu vẫn nghĩ là cháu tạm thời có thể đấu tranh tư tưởng tiếp để vượt qua được. Vì mặc dù cháu sống khổ sở vô cùng nhưng cháu lại không thể làm bố mẹ của cháu khổ thêm vì cháu (cháu nghĩ ít nhất cháu phải cố gắng sống đến khi nào bố mẹ cháu không còn nữa). Nhưng điều cháu lo sợ không thể kiểm soát được, đó là cháu sợ trầm cảm quá nặng sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần. Nếu cháu trở thành người mất ý thức, thì những người thân còn lại của cháu sẽ khổ vô cùng. Cháu có thể vì họ mà cố gắng khống chế suy nghĩ về cái chết, cố gắng tiếp tục sống. Nhưng cháu sợ rối loạn tâm thần là cái cháu không kiểm soát được. Cháu hiểu muốn vượt qua được trầm cảm, phải giải quyết được nguyên căn gốc rễ vấn đề. Bệnh trầm cảm của cháu là do cháu đang hoàn toàn đơn độc, làm ăn thua lỗ dẫn đến mắc nợ 1 khoản lớn không có khả năng trả, thất nghiệp vì đã bỏ việc 1 thời gian dài để kinh doanh giờ nhiều tuổi và con cháu ốm yếu thường xuyên bệnh tật, bố mẹ cháu nhiều tuổi ở xa không trông cháu giúp được nên đi làm ở đâu 1 thời gian cũng bị cho nghỉ việc vì cứ con ốm cháu lại phải nghỉ. Cháu không có bạn bè, người thân (ở gần). Người thân của cháu giờ chỉ có bố mẹ, nhưng bố mẹ cháu đã nhiều tuổi và sức khoẻ không tốt nên cháu hoàn toàn không chia sẻ được về mặt tâm lý và các vấn đề khó khăn với bố mẹ. Vì nếu bố mẹ biết cháu sẽ càng bị áp lực hơn. Con cháu chậm phát triển thể chất và tinh thần, biếng ăn, ốm yếu liên miên. Cháu mắc nợ, đang bị thúc giục, áp bức tâm lý. Cháu hoàn toàn không có khả năng và điều kiện để đi khám bệnh hay chữa trị tâm lý cũng không có cách thoát khỏi khó khăn hiện tại. Vậy xin bác sĩ cho biết, nếu kéo dài tình trạng này thêm cháu có khả năng dẫn đến rỗi loạn tâm thần, mất khả năng tự chủ hay không? Cháu xin bác sĩ giải đáp cháu gấp. Hiện cháu đã ở trong tình trạng trí nhớ vô cùng kém, khả năng tập trung hoàn toàn không có, đầu óc rối loạn vô cùng, tâm lý vô cùng bất an.

Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Qua phần trình bày về bệnh và cũng là những tâm sự về hoàn cảnh của cháu bác rất hiểu và thông cảm với cảnh ngộ mà cháu đang gặp phải. Một cuộc sống đầy sóng gió và khó khăn, một hoàn cảnh gia đình đầy éo le và bi đát. Chỉ từng ấy thôi cũng quá đủ để dồn nén và làm cho tâm lý căng hơn cả sợi dây đàn. Và tất nhiên thôi không thể tránh khỏi cháu đã lâm vào tình trạng trầm cảm. Cháu mới tâm sự về con và về hoàn cảnh gia đình bố mẹ, còn chồng thì sao? Bác chưa thấy cháu nhắc đến chồng, một thành viên rất quan trọng trong gia đình và trong cuộc sống của cháu. Hay là anh ta đã cao chạy xa bay trước cuộc sống và hoàn cảnh của cháu. Bác thấy hoàn cảnh của cháu rất đáng thương, bố mẹ già ở xa, con bệnh tật, bản thân cũng bệnh tật ốm đau, không nơi nương tựa, làm ăn thua lỗ nợ nần.

Tuy cháu đã đi vào bế tắc và nghĩ đến cái chết nhưng rồi tiếng gọi gia đình từ cuối đường hầm đã làm cháu bừng tỉnh và đứng lên để chống lại số phận. Có lẽ cháu đã tìm hiểu nhiều về bệnh trầm cảm, rối loạn trầm cảm có 4 lí do:

Do nội sinh: Tức là bệnh tự cơ thể phát ra không rõ lí do

Do căn nguyên tâm lý: Người bệnh gặp phải những sang chấn tâm lý với cường độ mạnh hay những sang chấn tâm lý không mạnh nhưng trường diễn

Do các bệnh thực thể, còn gọi là trầm cảm thực tổn hay trầm cản thứ phát

Do nghiện chất như nghiện rượu, ma tuý… và do dùng thuốc an thần kinh kéo dài

Với tình huống của cháu là do sang chấn tâm lý dẫn tới trầm cảm. Để giải quyết bệnh của cháu cần phải chữa trị nâng đỡ tâm lý kết hợp với thuốc. Một vấn đề hết sức quan trọng đó là cải thiện cuộc sống hiện tại của cháu sao cho khá hơn, giúp tâm lý thoải mái không căng thẳng. Bệnh trầm cảm nếu để lâu không chữa trị cộng với lí do gây bệnh ngày càng ảnh hưởng trầm trọng hơn làm bệnh càng nặng và dẫn tới rối loạn trầm cảm có loạn thần. Đó là ngoài biểu hiện trầm cảm còn kèm theo biểu hiện loạn thần như rối loạn hành vi, hoang tưởng bị tội, hoang tưởng tự ti, ảo thanh nói sấu, ảo thanh buộc tội…và dẫn đến ý tưởng và rồi hành vi tự sát.

Cháu nên trao đổi với gia đình bố mẹ giúp đỡ việc chăm sóc con cái để cháu có điều kiện đi chữa bệnh, hoặc mua thuốc chữa trị ngoại trú theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Tâm thầm. Cháu không nên chần chừ nữa.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Ngủ không được ngon giấc, mơ ngủ, suy nghĩ nhiều, mệt mỏi, có phải bị rối loạn tâm thần không?


Câu hỏi bởi: pvd

Chào bác sĩ!

Bác sĩ ơi, dạo gần đây cháu ngủ không được ngon giấc, trong giấc ngủ cháu mơ rất nhiều câu chuyện linh tinh và khi ngủ dậy cháu thấy vô cùng mệt mỏi. Bản thân cháu vốn là người hay suy nghĩ nhiều do cháu bị bệnh viêm gan mãn tính. Hiện cháu đang là sinh viên năm 3 Đại học Y Hà Nội, công việc học của cháu cũng vất vả và đêm cháu thường đi ngủ lúc 11 giờ 20 đến 12 giờ. Có hôm cháu ngủ được ngay, hôm thì không ngủ được, chỉ biết sáng dậy cháu không muốn dậy và người khá mệt mỏi. Cháu có biểu hiện của rối loạn tâm thần không ạ? Bác sĩ cho cháu lời khuyên với ạ. Liệu tập thể dục, thiền định có giúp cháu ngủ ngon hơn không ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Vấn đề mơ ngủ là một triệu chứng sinh lý bình thường, không phải là bệnh lý. Giấc ngủ ban đêm trải qua 5 chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 – 120 phút. Kết thúc mỗi chu kỳ là một giấc mơ. Tuy nhiên nếu một người đêm ngủ luôn nằm mê liên miên và đêm nào cũng vậy thì sẽ làm tác động đến sực khoẻ. Người ta cũng xếp ngủ mơ quá nhiều vào chứng rối loạn giấc ngủ.

Hiện tượng của cháu là ngủ không sâu nên ngủ không ngon giấc, trong giấc ngủ hay mơ, khi ngủ dậy thấy người không thoải mái mà vô cùng mệt mỏi. Cháu nói là có hôm cháu ngủ được và có hôm thì cháu không ngủ được. Việc ngủ muộn là do áp lực học tập, cần phải thức khuya để học. Với tuổi của cháu thời gian ngủ theo sinh lý bình thường là 8 giờ/24 giờ, còn cháu thời gian ngủ là mấy tiếng một ngày? Hiện tượng khó ngủ, mất ngủ, mơ nhiều khi ngủ ở cháu như vậy là cháu bị rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ của người trẻ tuổi chủ yếu là do vấn đề tâm lý.

Cháu nói bản thân cháu là người vốn hay suy nghĩ, cháu lo lắng về bệnh viêm gan mãn tính, cộng với áp lực học tập. Đặc thù của sinh viên Y là phải học thuộc quá nhiều về lý thuyết, ngoài ra còn phải học thực hành ở bệnh viện. Do vậy áp lực học tập của sinh viên Y cao hơn các trường khác rất nhiều. Từ những lý do bác nói ở trên làm căng thẳng tâm lý và sinh rối loạn giấc ngủ ở cháu. Cháu chỉ mắc chứng rối loạn giấc ngủ mà thôi chứ không phải bị rối loạn tâm thần.

Để xử lý vấn đề mất ngủ thì cháu làm sao phải làm hết căng thẳng tâm lý ở cháu. Bằng cách học vừa phải, không thức khuya, ăn uống đầy đủ chất và lượng. Loại bỏ trong đầu sự lo lắng về bệnh tật. Dành thời gian vui chơi giải trí, giao lưu bạn bè hoạt động đoàn thẻ và xã hội làm cuộc sống vui vẻ và thư giãn. Tập thể dục đều đặn hàng ngày, buổi tối tập yoga hoặc ngồi thiền rất tốt để tĩnh tâm và thư giãn. Cháu là sinh viên Y thì cháu hãy tìm hiểu những gì làm tâm lý hết căng thẳng, từ đó giúp tinh thần thoải mái và thư giãn sẽ là mấu chốt để giúp cháu ngủ tốt hơn và làm khỏi chứng rối loạn giấc ngủ của cháu.

Chúc cháu luôn khoẻ mạnh và có giấc ngủ ngon!

Mệt mỏi, suy nghĩ tiêu cực, khó ngủ, chóng mặt, tim đập nhanh có phải bị rối loạn tâm thần?


Câu hỏi bởi: Anh Chánh

Chào bác sĩ!

Em năm nay 18 tuổi, ngày xưa sức khỏe em rất tốt nhưng bây giờ em hay bị mệt mỏi, suy nghĩ nhiều, tối nằm ngủ hay suy nghĩ lung tung, khó ngủ hoặc ngủ không sâu đôi khi thức trắng chỉ nằm nhắm mắt, uể oải, thiếu sức sống, huyết áp thấp sức đề kháng yếu hay bị trúng gió, thỉnh thoảng tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở gần ngất nhưng lại hết, tâm trạng không ổn định, chán nản không có động lực, nhạy cảm, suy nghĩ tiêu cực. Em không biết em có bệnh gì nặng không hay là em bị các bệnh về rối loạn tâm thần và trầm cảm. Mong bác sĩ giúp em.

Em chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Huyết áp thấp là huyết áp tối đa nhỏ hơn 90mmHg và huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60mmHg. Huyết áp thấp là vấn đề sức khoẻ khá phổ biến ở cộng đồng, gây ra những trở ngại và khó chịu ở người bệnh, nếu không biết đề phòng và điều trị có thể dẫn tới đột quỵ, gây tử vong. Triệu chứng của huyết áp thấp:

Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, mệt lả.

Buồn nôn và rất muốn được nghỉ ngơi.

Khó tập trung, trí nhớ giảm.

Tính tình thay đổi dễ cáu gắt.

Lạnh tay chân.

Suy giảm khả năng tình dục.

Da khô và nhăn, kèm theo dụng tóc.

Nhịp tim tăng, nhịp thở tăng cao khi leo cầu thang hay làm việc nặng.

Từ những biểu hiện trên người bệnh hay lo lắng, bi quan, chán nản dẫn đến kém ngủ hoặc mất ngủ.

Với những biểu hiện biểu hiện ở cháu bác nghĩ cháu có thể do bệnh huyết áp thấp gây lên, tuy nhiên biểu hiện ở cháu không có buồn nôn. Do vậy nếu chẩn đoán là do huyết áp thấp thì chưa thật phù hợp lắm. Đồng thời các biểu hiện của cháu cũng đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán là trầm cảm. Tuy nhiên biểu hiện triệu chứng ở cháu là tim đập nhanh, chóng mặt, khó thở thì không có trong các biểu hiện của trầm cảm. Cháu đi khám đo huyết áp là bao nhiêu? Theo bác cháu nên đến chuyên khoa Tim mạch bệnh viện tỉnh để khám, nếu chuyên khoa Tim mạch loại trừ không phải do huyết áp thấp gây nên thì cháu đến bệnh viện Tâm thần tỉnh khám và làm một số trắc nghiệm tâm lý để xác định xem có phải là trầm cảm không và có hướng chữa trị ngay nhé.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có phải là bệnh tâm thần không?


Câu hỏi bởi: nghia phan236

Chào bác sĩ!

Cho em hỏi bác sĩ, em có người em hiện đang bị công an tạm giam về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, em ấy có tiền sử bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thưa bác sĩ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực có phải là bệnh tâm thần không ạ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em!

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một bệnh tâm thần do rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc thất thường. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn (hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm). Bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi thông thường từ 20 đến 40 tuổi. Phụ nữ thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn, ngược lại nam giới gian đoạn hưng cảm thường kéo dài hơn. Việc chữa trị cần kết hợp chữa trị bằng cả thuốc và các trị liệu tâm lý.

Chúc em vui khỏe!

Bệnh tâm thần, điên loạn có chữa khỏi được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.
Một người trong làng (ở cạnh nhà tôi) bị điên từ hơn 10 năm nay, ngày nào ổng cũng cầm roi, lấy lá chuối làm nón đi ra ngoài đường làm những động tác vô nghĩa như đang làm việc với ai đó, quát sai bảo ai đó đang đứng đằng trước mặc dù chẳng có ai cả.
Vây, hiện tượng trên là do sao? có phải bị điên hay là bị tâm thần? Hiện tượng này hầu như không thay đổi cả nhiều năm nay, ngày nào cũng vậy, chỉ đi khoảng 5-6 trăm mét quanh khu vực đó rồi về nhà, không đánh chửi con cháu, người nhà sắp cơm ra thì ăn, ăn xong ngủ 1-2 tiếng thì dậy và lại đi làm như vậy? Con cháu bảo có đi viện chữa cũng không khỏi nên không thuốc men gì, vậy nếu nằm viện chữa tích cực bệnh có khỏi không ? vì nhiều năm nay rồi bệnh không thấy nặng lên, mong bác sĩ giải đáp.
Và còn một vấn đề nữa là cháu tôi còn nhỏ 4-5 tuổi không biết gì, liệu lỡ cháu có tiếp xúc gần bị ổng đánh hoặc quẳng xuống ao thì chu cha? tôi rất lo nên cấm không cho cháu đi về phía nhà bên đó. Bác sĩ cho hỏi là những người thường xuyên như vậy có bất ngờ đánh trẻ con hay đập phá gì không?
xin cảm ơn bác sĩ nhiều, chúc bác sĩ vui vẻ hạnh phúc

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo


Chào bạn !
Bệnh Tâm thần(dân gian gọi là Điên) là tên của một bệnh Rối loạn tâm thần. Bệnh Tâm thần, điển hình Tâm thần phân liệt là một nhóm các rối loạn não nghiêm trọng, trong đó hiểu thực tế bất thường. Người mắc bệnh này có thể dẫn đến một số kết hợp của ảo giác, ảo tưởng, bị rối loạn về suy nghĩ và hành vi.
Những biểu hiện bạn nêu thì người bệnh đó đang bị rối loạn tâm thần, có suy nghĩ lệch lạc, có hoang tưởng ảo giác và làm những việc vô nghĩa… Trong giai đoạn cấp tính mọi người xung quanh cần đề phòng người bệnh có thể có những cơn xung động về hành vi (đập phá đồ đạc, đánh người, gây mất trật tự xã hội…lưu ý các cháu nhỏ)
Gia đình người bệnh nhận thức về bệnh của người thân như vậy là quá lạc hậu và vô tâm. Bệnh này cần phải được chữa trị cả đời (sau khi điều tri tại bệnh viện ổn định thì điều trị ngoại trú tại nhà), hết giai đoạn cấp tính người bệnh ổn định về sức khỏe tâm thần, sinh hoạt và làm việc bình thường.Giai đoạn này rất cần sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ tình cảm của cộng đồng đặc biệt là người thân tạo ra một môi trường thân thiện ấm áp nghĩa tình.
Qua đây gia đình sớm đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần tuyến tỉnh hoặc khu vực giúp bệnh nhân nhanh ổn định và hòa nhập cùng cộng đồng.

Chúc bạn và mọi người sức khỏe.

Điều dưỡng Đỗ Thị Hảo


Đúng vậy, bệnh này cần phải điều tri suốt đời. Việc điều trị cho đối tượng này (thuộc nhóm bệnh xã hội ) được miễn phí hoàn toàn cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì được hưởng theo chế độ hiện hành. Đa số những trường hợp bị bệnh tâm thần nếu điều trị nội trú thì được miễn toàn bộ ( trừ tiền ăn hàng ngày), sau khi ra viện được cấp thuốc miễn phí tại y tế cơ sở (trạm y tế xã, phường ). Một số trường hợp vẫn phải đóng góp viện phí như: Rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu, hội chứng cai nghiện ma túy.
Chúc bạn sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl