Bướu cổ có thể tái phát sau khi điều trị không?


4,226
1
1
Xu
53
Khả năng tái phát của bướu cổ sau khi điều trị là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hãy cùng đọc những giải đáp sau về khả năng này.

Bị bướu cổ tái phát có nên mổ không?


Câu hỏi bởi: Lan Anh

Chào bác sĩ!

Em năm nay 34 tuổi. Em bị bướu cổ đã mổ 8 năm rồi, hiện giờ tái phát lại, kết quả siêu âm của em hiện tại là T3:1. 86nmol/L FT4:17. 38pmol/L TSH:1. 26, điện tim bình thường. kết quả siêu âm: đa nhân hỗn hợp 2 thùy tuyến giáp, thùy phải KT: 21x15mm, thùy trái: 14x19mm. Vậy bác sĩ cho em hỏi có phải em bị suy giáp không. Em có cần phải phẫu thuật tái phát không. Hiện tại bác sĩ Nội tiết chỉ định em mổ, nhưng bác sĩ viện 103 thì khuyên không nên mổ mà choc hút dịch và dùng thuốc Levothyrox. Xin bác sĩ hãy cho em lời khuyên.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Các giá trị bình thường của hoormon liên quan tuyến giáp như sau: TSH: 0,5-5µIU/ml T3: 1.3 – 3.1 nmol/l hoặc 0.8-2.0 ng/ml FT4: 12- 22 pmol/l (0.93-1.7 ng/dL). Các dấu hiệu của suy giáp trạng:

Bệnh nhân mệt mỏi không rõ lí do, tăng cân dù ăn uống kém, sợ lạnh, chậm chạp, giảm trí nhớ.

Tổn thương da-niêm mạc, lông tóc móng: thâm nhiễm da và niêm mạc làm bệnh nhân biến đổi hình thể. Mặt tròn, ít biểu lộ cảm xúc. Da khô, vàng sáp. Niêm mạc lưỡi bị xâm nhiễm làm lưỡi bị to ra, giọng khàn. Thâm nhiễm niêm mạc mũi làm cho ngủ có tiếng ngáy. Tóc khô dễ rụng.

Triệu chứng tim mạch: tim nhịp chậm < 60 chu kỳ/phút, huyết áp thấp, tốc độ tuần hoàn giảm, cung lượng tim thấp, tim to do thâm nhiễm cơ tim, thể nặng có thể có tràn dịch màng tim. Nghe tim thấy tim mờ, chậm đều hoặc không đều.

Rối loạn tiêu hoá: táo bón dai dẳng do giảm nhu động ruột.

Khám tuyến giáp: thường không sờ thấy được.

Dấu hiệu cơ bắp: yếu cơ, chuột rút, đau cơ hay gặp.

Xét nghiệm: FT3, FT4 giảm, TSH tăng đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định suy giáp.

Như vậy các chỉ số trong xét nghiệm của bạn đều trong giới hạn bình thường. Chỉ định phẫu thuật của bướu giáp nhân khi kết quả FNA là ung thư hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp trên lâm sàng. Chỉ định khác là bướu nhân gây ra các biểu hiện chèn ép rõ hoặc tác động đến thẩm mỹ; bướu nhân nóng kèm theo các biểu hiện cường giáp (bướu giáp đơn nhân hoặc đa nhân hóa độc) cũng có thể cần được phẫu thuật hay chữa trị bằng iod phóng xạ. Cũng nên xem xét chữa trị phẫu thuật ở những bệnh nhân có bướu giáp nhân > 4cm vì có thể gây biểu hiện chèn ép và có tỉ lệ FNA âm tính giả cao (13 – 17%). Tuy nhiên khi các bác sĩ Nội tiết khuyên bạn phẫu thuật bạn cũng nên cân nhắc và hỏi rõ lí do.

Chúc bạn sớm lành bệnh!

Bướu cổ có tái phát không?


Câu hỏi bởi:

Cháu năm nay 25 tuổi, giới tính nữ. Bác sĩ cho cháu hỏi là trước cháu học cấp 1 khi có bác sĩ về khám tại trường bảo cháu bị bướu cổ và cho cháu dùng thuốc. Sau đó cách đây 4 năm cháu có đi khám ở viện E và được chẩn đoán không sao. Nhưng hiện giờ cháu cảm thấy cổ hơi to khi sờ. Giờ cháu có nên đi khám hay chỉ uống thuốc, và khám thì khám ở đâu? Dùng thuốc nào ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Cháu nên đi khám ở bệnh viện chuyên khoa ung bướu, ví dụ ở Hà Nội có Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện K, để được các bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết xem cháu có bị bướu tuyến giáp không và nếu bị thì là loại bướu gì. Từ đó mới có hướng chữa trị cụ thể.

Chúc cháu luôn mạnh khỏe!

Bị bướu cổ tái phát có phải do phẫu thuật không sạch, nên điều trị ở bệnh viện nào?


Câu hỏi bởi: Đỗ Thảo

Chào bác sĩ!

Mẹ em 56 tuổi, bị bướu cổ lần 2 (lần 1 mổ cách đây 30 năm).

Gần đây, khám ở trung tâm Hòa Hảo, bác sĩ điều trị bảo là bướu nước và rút 1 ít ở lần khám đầu tiên, 2 lần sau không rút nước mà cho thuốc về uống. Bác sĩ nói điều trị không khỏi hoàn toàn vì bướu lớn, chỉ ngăn lớn thêm thôi, bướu lộ trên cổ và ép đường thở.

Toa thuốc:

Lần 1: uống 3 tháng: Ginknex 90 viên

Lần 2: uống 1 tháng: Onandis 45 viên, Ginkobil 60 viên

Lần 3: uống 2 tháng:Onandis 60 viên, Selemone 60 viên. Hiện đang uống thuốc này.

Sau thời gian uống thuốc không thấy bướu nhỏ lại nên mẹ muốn phẫu thuật, vậy mẹ em nên mổ hay tiếp tục điều trị bằng thuốc?

Vì ngại mổ ở địa phương sẽ tái phát nên em muốn đưa mẹ đi thành phố Hồ Chí Minh điều trị (nguyên nhân tái phát có phải do mổ lần đầu không sạch?). Xin hỏi bác sĩ, nên trị ở bệnh viện nào ạ?

Em xin cảm ơn!

Chào em!

Em không cho biết kết quả xét nghiệm nội tiết tố tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp của 2 lần khám và điều trị trước đây, thuốc mà gần đây mẹ em uống là kháng giáp tổng hợp (Onandis), như vậy, mẹ em bị cường giáp. Hiện tại thuốc sẽ không giúp bướu nhỏ đi, mẹ em lại có tình trạng bướu lớn gây chèn ép khó thở, vậy là có chỉ định phẫu thuật rồi, em nhé.

Em nên đưa mẹ lên thành phố Hồ Chí Minh, có thể khám tại bệnh viện Ung Bướu, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân Dân Gia Định, bệnh viện Đại học Y Dược,… bác sĩ sẽ kiểm tra lại toàn bộ, nếu bướu trong tình trạng bình giáp sẽ mổ (nếu có chỉ định). Tuy nhiên, bướu giáp hay tái phát, mẹ em cần theo dõi và kiểm tra định kỳ tại bác sĩ chuyên khoa Nội tiết.

Chúc mẹ em khỏe!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bướu cổ phẫu thuật rồi vẫn có thể tái phát?


Câu hỏi bởi: Thu Hương

Thưa bác sĩ.

Tôi 26 tuổi. Cách đây 2 năm tôi phẫu thuật bướu nhân thùy phải tại bệnh viện Nội tiết Trung ương (bác sĩ kết luận bướu thường). Hiện tôi không dùng thuốc gì. Xin hỏi:

Phẫu thuật bướu cổ rồi liệu có nguy cơ tái phát không?

Tiền sử bệnh của tôi ảnh hưởng gì đến khả năng thụ thai và sinh em bé, vì tôi chuẩn bị lập gia đình?

Tình huống của tôi nên có chế độ ăn uống thế nào ạ?

Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn Hương.

Nguy cơ tái phát còn tùy bướu cổ đó thuộc loại gì (cường giáp, phình giáp, nhân giáp…). Bác sĩ không rõ trước đây, nhân giáp của bạn lớn không và lý do mổ (bướu lớn, nuốt vướng nghẹn và khó thở khi nằm, hay bướu gây ra các triệu chứng khó chịu trên lâm sàng…)? Bướu cổ phẫu thuật rồi vẫn có nguy cơ tái phát, vì vậy, bác sĩ hay khuyên bệnh nhân nên tái khám sau mổ mỗi 3, 6 tháng hay 1 năm… hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường.

Bệnh bướu giáp của bạn không ảnh hưởng nhiều đến việc có thai và sinh em bé nếu bướu ổn định. Khi có thai, khả năng tái phát cao hơn, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng, bác sĩ điều trị sẽ kê toa thuốc uống (tất nhiên là những thuốc ít tác dụng phụ nhất mà thai phụ uống được), miễn là bạn tái khám theo hẹn tại chuyên khoa Nội tiết và Sản khoa.

Không rõ xét nghiệm nội tiết tố tuyến giáp của bạn trước mổ và hiện nay như thế nào? Bạn cứ duy trì chế độ ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng và đa dạng là tốt rồi.

Chúc bạn vui, khỏe và hạnh phúc.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl