Lưu ý về chứng ho ở tuổi vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Bất cứ một đối tượng nào cũng có thể mắc phải chứng ho. Một trong số đó là nhóm tuổi vị thành niên.

Ho, ngứa cổ là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Quan

Chào bác sĩ.

Em năm nay 17 tuổi. Em bị ho, ngứa cổ làm sao chữa khỏi ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em.

Trường hợp của em, nếu chỉ bị ho và ngứa cổ đơn thuần mà không kèm theo sốt, khó thở hay có đờm thì lí do thường là do niêm mạc đường hô hấp trên bị kích ứng một số tác nhân bên ngoài. Các tác nhân gây kích ứng này thường là sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường bên ngoài hoặc thói quen ăn uống những đồ quá lạnh hoặc quá nóng hoặc thói quen khi ngủ để quạt thổi gió trực tiếp vào vùng mũi họng,…

Ngoài ra, những người thường xuyên bị viêm họng, viêm họng mãn tính hay viêm mũi xoang mãn thường có niêm mạc mũi họng nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng hơn. Vì vậy, đối với những tình huống này phòng bệnh bằng cách không nên ăn uống những đồ quá lạnh hoặc quá nóng, khi thời tiết trở lạnh cần giữ ấm cho cơ thể, khi ngủ không nên để gió quạt thổi trực tiếp vào mặt. Khi bị ho thì có thể dùng các thuốc ho có tác dụng ngoại biên như bổ phế hoặc mật ong,… để giảm kích ứng ở niêm mạc mũi họng hoặc nếu ho quá nhiều, tác động nhiều tới sinh hoạt và làm việc thì có thể uống thuốc giảm ho tác dụng trung ương, ức chế trung tâm ho nhưng những thuốc này cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu ho kèm theo có đờm, khó thở, sốt là triệu chứng của viêm đường hô hấp. Trong những tình huống này, ho là phản xạ tốt, giúp làm bật đờm dãi cũng như vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp, tạo sự thông thoáng đường thở, tránh nguy cơ suy hô hấp đồng thời có tác dụng giảm viêm. Vì vậy, ho lại là phản xạ tốt nên tuyệt đối không dùng bất kì thuốc nào giảm ho trong những tình huống này. Điều trị những tình huống này bằng thuốc kháng sinh, chống viêm và tiêu đờm.

Chúc em mạnh khỏe!

Điều trị triệt để bệnh ho như thế nào?


Câu hỏi bởi: Nguyen van be

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 19 tuổi. Tôi bị ho lâu rồi nhưng chữa trị không hết. Xin bác sĩ giải đáp cho tôi cách chữa trị hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn!

Chào bạn.

Ho lâu rồi là ho bao lâu? 1 tuần, 2 tuần hay 1-2 tháng? Nếu ho trên 3 tuần uống các thuốc ho thông thường không khỏi thì bạn đã bị ho kéo dài. Và bệnh thường được nghĩ đến nhất là lao phổi. Người bị lao phổi thường sút cân không rõ lí do, người uể oải mệt mỏi thường xuyên, ho khạc đờm thường xuyên. Ho kéo dài trên 3 tuần còn do các bệnh khác như bệnh từ mũi xoang như viêm mũi viêm xoang mãn tính hay viêm VA tồn dư tiết nhiều đàm chảy vào cổ gây ho. Cũng có thể là do viêm dạ dày trào ngược. Acid từ dạ dày trào lên họng gây viêm và ho.

Ngoài ra, còn bệnh từ phế quản như hen phế quản thể tiềm ẩn: Hen nhẹ với những đợt co thắt phế quản gây ho kéo dài rất khó phát hiện nếu không khám kỹ phổi trong những đợt bệnh. Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Hô Hấp để loại trừ bệnh lao. Khám và chữa trị tốt bệnh dạ dày hoặc hen nếu có mới khỏi ho được.

Chúc bạn sớm khoẻ!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Ho ra máu kèm theo đờm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em tên Sửu, nam giới, năm nay 17 tuổi. Mùa đông năm ngoái (2013) em bị ho trong khoảng thời gian là 2 tháng. Có một lần bị ho ra máu một chút. Em đã dùng thuốc và đã khỏi. Nhưng gần đây, khoảng từ tháng 6/2014 cho đến nay em lại bị ho và có đờm. Vậy cho em hỏi là em bị như vậy thì đã tác động đến phổi chưa, và xin bác sĩ giải đáp cụ thể cho em. Nên làm gì và nên kiêng những cái gì để mau chóng khỏi bệnh.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Ho là một phản xạ quan trọng để bảo vệ đường hô hấp bằng cách tống xuất các chất tiết, dị vật,.. ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, ho kéo dài sẽ làm tác động nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, gây trở ngại công việc và giao tiếp nơi công cộng.

Theo thời gian, người ta phân loại ho như sau: ho dưới ba tuần gọi là ho cấp tính, ho kéo dài từ ba đến sáu tuần gọi là ho bán cấp, ho kéo dài hơn tám tuần gọi là ho mãn tính (cũng có định nghĩa ho mãn tính kéo dài hơn ba tuần).

Ho không phải là một bệnh mà là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác nhau, đôi khi là những bệnh trầm trọng. Các lí do thường gặp ở người lớn là: hen suyễn, trào ngược dạ dày – thực quản, hội chứng chảy mũi sau, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, suy tim, bệnh phổi mô kẽ, xơ phổi, giãn phế quản, viêm phế quản tăng bạch cầu ái toan, ho sau nhiễm trùng – nhiễm siêu vi đường hô hấp, do uống thuốc ức chế men chuyển, lao phổi, ung thư phổi, áp xe phổi, dị vật đường hô hấp, sarcoidosis, ho do tâm lý.

Bạn bị ho kéo dài 2 tháng cách đây một năm có kèm theo ho ra máu ít. Bạn uống thuốc đã khỏi. Hiện tại bạn đang ho có khạc đờm. Năm trước, tình trạng ho của bạn xảy ra vào mùa đông, còn năm nay vào mùa hè, như vậy bệnh của bạn có vẻ như không liên quan đến sự thay đổi khí hậu. Nếu hiện tượng ho ra máu của bạn là hậu quả của việc ho kéo dài đẫn đến một điểm mạch nào đó ở họng bị tổn thương gây ho ra máu thì có thể bạn chỉ bị viêm phế quản mãn tính. Còn nếu ho ra máu thực sự tức là tình trạng khạc ra máu từ đường hô hấp dưới thanh quản khi đang ho. Đây là một tình trạng thường gặp ở bệnh lý sau: lao phổi, giãn phế quản, ung thư phổi, nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý tim mạch do hẹp van tim.

Với triệu chứng hiện tại của bạn ho kèm theo khạc đờm, bạn có thể đang bị viêm phế quản mãn tính hoặc lao phổi. Tuy nhiên, muốn biết chắc chắn bạn đã ảnh hưởng đến phổi chưa, có phải lao phổi không thì bạn cần phải đi chụp X-quang tim phổi, chụp CT ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim, xét nghiệm máu, soi cấy đờm, khám và tư vấn bác sĩ để điều tri kịp thời. Bên cạnh đó, bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa); tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật…; không ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên xông hơi nóng cho đường mũi họng bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp. Việc hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm hệ miễn dịch.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Ho dữ dội kèm theo có đờm nhiều


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 19 tuổi, em bị amidan từ bé, mỗi lần đau họng em lại ho và nhiều triệu chứng khác. Khoảng 2 tuần nay, em không bị đau họng nhưng lại ho rất dữ dội và kèm theo có đờm nhiều, tình trạng kéo dài gần 2 tuần và nó làm em mất ngủ vào buổi tối, cảm thấy rất mệt mỏi. Xin hỏi bác sĩ em như vậy có nguy hiểm không, có liên quan gì đến amidan không?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai


Chào em,

Em bị viêm amiđan nhưng đã điều trị 2 tuần thì có thể đã ổn. Nếu em vẫn ho kéo dài thì nên kiểm tra xem mình có bị viêm phế quản co thắt hay không.

Thân ái!

Bị ho kéo dài, ho có đờm và khó thở có phải bị ung thư phổi không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi. Thời gian gần đây cháu thường ho kéo dài, ho có đờm và chất dịch màu trắng, hay khó thở, hay làm việc nặng là khó thở. Khi ho thì có cảm giác nhói ở ngực, thường xuyên bị khản tiếng. Cháu nghi ngờ mình bị ung thư phổi, mong bác sĩ tư vấn giúp cháu ạ!

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Ung thư phổi giai đoạn đầu thường không gây ra biểu hiện, cho đến khi ung thư phát triển, các biểu hiện thông thường có thể bao gồm ho càng ngày càng nặng hơn hoặc không hết, thở khó khăn, chẳng hạn như thở gấp, đau ngực liên tục, ho ra máu, giọng nói khàn khàn, nhiễm trùng phổi thường xuyên, chẳng hạn như viêm phổi, cảm thấy rất mệt mỏi mọi lúc, giảm cân không rõ lí do… Đối với tình huống của bạn có thể có rất nhiều lí do gây ra: viêm thanh quản, viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi…và rất nhiều các bệnh lý khác. Bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để khám, chụp X-quang và làm các thăm dò cần thiết chẩn đoán xác định và chữa trị sớm nhé.

Chúc bạn sống khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl