Điều trị xơ vữa động mạch dứt điểm có được không?


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh xơ vữa động mạch có thời gian phát triển bệnh lý khá lâu có thể kéo dài đến hàng chục năm, vì vậy cần phát hiện bệnh lý sớm và thực hiện một số biện pháp điều trị dứt điểm.

Điều trị bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?


Câu hỏi bởi: nguyen duom

Chào bác sĩ!

Chồng tôi 36 tuổi đi khám ở bệnh viện 108, bác sĩ kết luận bị xơ vữa động mạch. Xin hỏi bác sĩ bệnh này có nguy hiểm và cách chữa trị như thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Bệnh xơ vữa động mạch là 1 loại bệnh rối loạn rất thường hay gặp, mà ở đó các động mạch của người bệnh bị xơ cứng lại do các mảng chất béo, mỡ máu và các chất khác tạo nên. Tất cả những cái đó được gọi chung là mảng bám, nó bám vào thành động mạch qua một thời gian dài (khoảng vài năm) tạo nên các mảng xơ cứng trong động mạch gây tắc nghẽn động mạch hay còn gọi là xơ vữa động mạch.

Sự nguy hiểm của nó phụ thuộc vào vị trí và mức độ của mảng xơ vữa:

Vữa xơ động mạch não: giai đoạn đầu chỉ là rối loạn chức năng hưng phấn và ức chế do thiếu máu não, về sau có những cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, nặng nhất là tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu não.

Vữa xơ động mạch mắt: tùy mức độ tổn thương có thể gây rối loạn thị lực, mù lòa do tổn thương võng mạc do thiếu máu nuôi.

Vữa xơ động mạch cảnh: chỉ khi hẹp từ 70-99% lòng mạch mới gây biểu hiện lâm sàng.

Vữa xơ động mạch mạc treo, thượng vị: gây thiếu máu, loét, thủng… phần nuôi dưỡng tương ứng

Vữa xơ động mạch thận: gây hẹp động mạch thận, tăng huyết áp

Vữa xơ động mạch vành: có thể gây cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim cục bộ thể câm, nhồi máu cơ tim

Vữa xơ động mạch chủ: gây phình tách động mạch chủ. Chẩn đoán dựa vào chụp cản quang động mạch chủ, MRI, siêu âm mạch…

Vữa xơ động mạch chi dưới: triệu chứng lâm sàng điển hình là cơn đau cách hồi, về sau hoại tử đầu chi, có thể phải cắt cụt chi

Về chữa trị xơ vữa mạch

Các biện pháp chung: Hạn chế và loại trừ các điều kiện gây căng thẳng, chú trọng đặc biệt đến việc rèn luyện tinh thần trước những hoàn cảnh bất lợi để giữ được sự thăng bằng trong hệ thần kinh. Luyện tập thân thể, sinh hoạt điều độ. Đảm bảo giấc ngủ, tránh những tiếng động không cần thiết. Hạn chế mỡ động vật, lượng calo, hạn chế muối nếu có tăng huyết áp. Dùng nhiều rau quả tươi có vitamin.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị ngoại khoa: Nong động mạch ép khối vữa xơ. Tác động trên hệ thần kinh làm giãn lòng các động mạch vữa xơ. Tái lập tuần hoàn ở những vùng bị thiếu máu: bắc cầu nối chủ vành. Loại trừ bộ phận hoại tử do tắc mạch nhất là hoại tử chi, ruột.

Chồng bạn nên tuân thủ nghiêm túc chế độ chữa trị và tái khám định kỳ đề phòng biến chứng nguy hiểm.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Tư vấn xơ vữa động mạch gan


Câu hỏi bởi: Be Huynh

Thưa BS vợ tôi bị gan bên phải có túi phình là 22 mm . Vậy có nguy hiểm không , và phẩu thuật được không BS

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Triệu chứng trên siêu âm gan thấy có túi phình 22mm thì bạn cần làm tiếp các thăm dò khác xem thực chất túi phình này là gì : nang nước, túi phình mạch máu…. thì mới có thể đưa ra tiên lượng được bệnh và có thể giải quyết được bằng phẫu thuật được không?

Nhưng thông thường , túi phình này không có gì là nguy hiểm, và đều có thể giải quyết tốt bằng phẫu thuật nếu xét thấy cần thiêt

Chúc bạn mạnh khỏe.

Khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh có phải là dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch?


Câu hỏi bởi: Lê Văn Cường

Chào bác sĩ.

Cháu thường có triệu chứng khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh. Cháu có đi khám ở bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nhưng không ra. Liệu cháu có bị bệnh xơ vữa động mạch không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Xơ vữa động mạch là sự phối hợp các hiện tượng thay đổi lớp nội mạc của các động mạch lớn và vừa, bao gồm sự hình thành tại chỗ các chất lipid, các phức bộ glucid, máu và các sản phẩm của máu, mô xơ và cặn lắng acid. Tất cả các yếu tố này kèm theo sẽ làm thay đổi ở lớp trung mạc. Nguyên nhân chủ yếu là sự lắng đọng mỡ và các màng tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mảng vữa. Bệnh xơ vữa động mạch thường không có biểu hiện cho đến khi mảng xơ vữa gây hẹp nặng hoặc tắc hoàn toàn một nhánh động mạch. Do vậy, nhiều bệnh nhân không biết mình có bệnh cho đến khi bị một tình trạng cấp cứu như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Vữa xơ động mạch thường chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn tiềm tàng: chưa có triệu chứng lâm sàng.

Giai đoạn lâm sàng: có các biểu hiện thiếu máu cơ quan điển hình.

Giai đoạn biến chứng các cơ quan do sự thiếu máu cục bộ gây ra.

Triệu chứng thường phụ thuộc vào các cơ quan bị tổn thương như:

Xơ vữa động mạch chủ: hay gặp theo thứ tự là gốc động mạch chủ, động mạch ngực, động mạch chủ bụng nhất là nơi phân chia động mạch chậu: triệu chứng là hở van động mạch chủ hay hẹp động mạch chủ hoặc phối hợp.

Xơ vữa động mạch não: triệu chứng sớm là tình trạng thiếu máu với ù tai, rối loạn trí nhớ, mau quên; về sau lú lẫn, không tập trung được, mất ngủ. Biến chứng nặng nề là tắc mạch máu não gây liệt nửa thân, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức hay xấu hơn là hôn mê.

Xơ vữa động mạch vành: động mạch vành là động mạch đưa máu giàu oxy đến nuôi tim. Triệu chứng của xơ vữa động mạch vành thường gặp là cơn đau thắt ngực, với tình trạng đau hoặc khó chịu vùng ngực do cơ tim không được máu cung cấp đủ oxy. Đau có thể lan bả vai, cánh tay, cổ, hàm hoặc sau lưng. Đau tăng lên khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi. Căng thẳng tinh thần cũng có thể khởi phát cơn đau. Những biểu hiện khác bao gồm khó thở, tim đập không đều.

Xơ vữa động mạch thận: động mạch thận cung cấp máu giàu oxi cho hai thận. Khi có mảng xơ vữa ở động mạch sẽ gây bệnh thận mãn, lâu ngày làm chức năng thận suy giảm. Ở giai đoạn sớm của bệnh thận thường không có biểu hiện hay dấu hiệu gì. Khi bệnh nặng lên, có thể gây: tiểu ít hoặc tiểu nhiều (đặc biệt là tiểu nhiều về đêm), ăn không ngon, buồn nôn. phù mặt, tay, chân. xơ vữa động mạch chi dưới: tổn thương gặp hầu hết các động mạch trừ động mạch mu bàn chân ít gặp. Triệu chứng thiếu máu chi thường gặp với tê, lạnh hai chân, cơn đau cách hồi, không bắt mạch được bên tắc mạch. Biến chứng về sau có thể gây hoại tử.

Còn hiện tượng nặng ngực, khó thở, đau tim có thể do các lí do sau:

1. Khó thở do phổi:

Hẹp đường hô hấp: khó thở thì hít vào thường do hẹp phế quản, dị vật trong phế quản, chèn ép trung thất hoặc khó thở khi thở ra thì thường do hen phế quản, giãn phế nang.

Khó thở do tổn thương nhu mô phổi: loại này thường kèm theo tăng tần số thở, lúc nghỉ ngơi ít xuất hiện, nhưng khi gắng sức thường khó thở hơn đó là các bệnh như viêm phế quản co thắt, viêm phổi cấp, lao phổi, hoặc ứ huyết phổi trong các bệnh tim mạch như hẹp hở hai lá, suy tim…

2. Khó thở, nặng ngực do lí do thần kinh:

Yếu tố tâm lý: hay gặp ở một số người hay lo âu, hồi hộp có kèm với khó thở. Thường gặp ở phụ nữ có rối loạn thần kinh chức năng. Khám không tìm thấy tổn thương nào ở phổi cũng như không tìm thấy khó thở do lí do chuyển hoá.

Khó thở do lí do thực thể ở thần kinh như: bệnh bại liệt, bệnh nhược cơ. Lúc đầu là khó thở do gắng sức sau khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.

3. Khó thở do thiếu máu: khó thở thường nhẹ, ít khi dẫn đến khó thở khi nằm nhưng thường xuất hiện khi gắng sức do lượng hồng cầu giảm làm oxy không đủ cung cấp cho nhu cầu của cơ thể.

4. Khó thở, đau tim có thể là biểu hiện của suy tim do giảm khả năng giãn nở của cơ tim làm tăng áp lực máu quanh phổi.

Với triệu chứng bệnh của cháu như khó thở, đau tim, làm việc nặng nhịp tim nhanh thì có rất nhiều lí do. Do cháu đã khám ở Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang nhưng không tìm ra bệnh, cháu có thể xuống các bệnh viện Trung ương tại Hà Nội và làm các xét nghiệm cần thiết để tìm ra bệnh của cháu và được chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏe!

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh động mạch vành?


Câu hỏi bởi: ChiliCa

Chào bác sĩ.

Xin hỏi bác sĩ: Làm thế nào ngăn ngừa bệnh động mạch vành?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Để ngăn ngừa bệnh động mạch vành trước tiên, cùng với sự giúp đỡ của thầy thuốc, bạn phải đánh giá là mình thuộc nhóm nguy cơ thấp hay cao.

Nhiều câu hỏi bạn có thể tự trả lời được. Bạn có hút thuốc? Bạn có thừa cân? Bạn có uống quá nhiều rượu? Có ai trong gia đình bạn mắc bệnh tim mạch hay tăng huyết áp? Tuy nhiên, để đánh giá đầy đủ về mức độ nguy cơ của bản thân, bạn cần có sự trợ giúp của thầy thuốc. Thầy thuốc sẽ đo huyết áp, sẽ gửi máu của bạn đi làm xét nghiệm về Cholesterol, Triglycerid, đường trong máu đồng thời khai thác tiền sử và tiến hành quá trình thăm khám. Thầy thuốc có thể ghi điện tâm đồ hoặc tiến hành một vài xét nghiệm chuyên biệt nào đó để xác định xem quả tim bạn có bị phì đại hay bất thường không. Bằng việc kết hợp những thông tin thu được về các yếu tố, thầy thuốc sẽ giúp bạn xác định được tổng nguy cơ.

Khi các thông số về nguy cơ đã được thu thập và lượng giá, một chương trình chữa trị hướng tới việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể được bắt đầu.

Nếu bạn là người không mang yếu tố nguy cơ và không mắc bệnh tim mạch, những lời khuyên đơn giản dưới đây sẽ luôn hữu ích và nếu có, cũng sẽ rất ít gây hại cho bạn:

Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim, ít mỡ bão hoà và Cholesterol, nhiều rau, quả, cá,…

Giảm cân nặng nếu bạn thừa cân.

Hạn chế muối đưa vào cơ thể. Đa số chúng ta ăn nhiều muối hơn lượng cơ thể chúng ta cần. Nhiều thức ăn tự nhiên đã chứa muối hoặc muối đã được thêm vào trong quá trình chế biến. Đơn giản nhất, bạn hãy hạn chế cho muối vào thức ăn khi nấu nướng.

Bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục. Tập luyện đều đặn có lợi cho tất cả mọi người. Bạn hãy chọn một phương pháp phù hợp với sở thích, thời gian và khả năng của bạn. Luyện tập đều đặn, mỗi ngày ít nhất 45 phút.

Nếu bạn hút thuốc, hãy ngừng ngay.

Nếu bạn uống rượu, hãy vừa phải.

Học cách làm giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các trường hợp có thể gây stress bởi nó chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi.

Đi khám bệnh định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn. Một hồ sơ hoàn toàn trong sạch về sức khoẻ tại một thời điểm nào đó không thể suốt đời đảm bảo được rằng bạn không có bệnh tật.

Trong trường hợp bạn đã được xác định tăng huyết áp hoặc có lượng Cholesterol trong máu cao? Thời gian bắt đầu và việc chọn lựa một phác đồ chữa trị hãy để người thầy thuốc quyết định, tất nhiên phải có sự đồng ý của bạn. Nhìn chung, khi bị tăng huyết áp, tăng lượng Cholesterol trong máu hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp, bạn cần được chữa trị bằng thuốc. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể khởi đầu bằng thực hiện chế độ ăn kiêng, tập luyện thể lực và điều chỉnh các thói quen có hại.

Chúc bạn vui vẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl