Điều trị cúm mùa như thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Nghỉ ngơi và dùng thuốc hạ sốt như Acetaminophen (Tylenol) và/hoặc Ibuprofen (Motrin, Advil) để làm giảm các triệu chứng. Bệnh nhân được khuyến khích uống nhiều nước. Hiểu hơn về những cách điều trị bệnh, hãy cùng đọc những ý kiến dưới đây từ chuyên gia.

Bị cúm liên tục mỗi khi đến mùa đông phải làm sao?


Câu hỏi bởi: NTT

Chào bác sĩ.

Mùa đông đến, em thường xuyên bị cúm. Có đợt chỉ 2 tuần mà bị cúm 2 lần liền, đều nặng cả, em cứ sụt sịt, rất khó chịu. Em đã dùng thuốc nhưng thấy không hiệu quả lắm. Mong bác sĩ giải đáp ạ.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Cúm là loại bệnh viêm đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, họng) và đường hô hấp dưới (khí phế quản, phổi) do virút Influenza gây ra. Bệnh cúm thường xảy ra ở mùa đông, mùa xuân do thời tiết lạnh và ẩm. Đa số tình huống mắc bệnh cúm sẽ tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần.

Theo như mô tả bệnh cúm của bạn, thì ngoài uống thuốc theo đơn của bác sĩ, bạn nên phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin phòng cúm trước mùa đông khoảng 1 tháng. Việc tiêm vắc-xin cúm sẽ giúp bạn không bị cúm, nếu có mắc thì các triệu chứng của bệnh cúm cũng nhẹ hơn so với trước kia bạn không tiêm vắc-xin. Ngoài ra, bạn cũng nên kết hợp với một số phương pháp phòng bệnh khác:

Vệ sinh cá nhân hàng ngày.

Sử dụng các thuốc sát khuẩn đường mũi họng: súc miệng bằng nước sát khuẩn bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng.

Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

Chúc bạn luôn mạnh khỏe.

Tiêm vacxin Vaxigrip khi mang thai có sao không?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em tiêm vắc xin Vaxigrip hôm 07/09/2015, đến ngày 19/09/2015 em siêu âm thai nhi được 6 tuần. Em đang hoang mang quá không biết như vậy có tác động gì tới thai nhi không?

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Em tiêm vắc xin Vaxigrip phòng bệnh cúm mùa. Vaxigrip là dạng vắc xin phòng cúm bất hoạt. Nhìn chung, với đa số các chuyên gia thì vắc xin phòng cúm bất hoạt là an toàn cho phụ nữ mang thai và có thể được dùng trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Một số chuyên gia khuyên nên dùng Vaxigrip trong 3 tháng giữa để tránh khả năng có nguy cơ sảy thai. Khuyên em yên tâm, khám thai định kỳ và theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Chúc em mạnh khỏe.

Bé bị sổ mũi thường xuyên nên làm gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tôi đã được 18 tháng tuổi. Bé thường xuyên bị sổ mũi, dùng thuốc được một thời gian rồi lại bị. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong bác sĩ giúp tôi.

Cám ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Trẻ lứa tuổi nhà trẻ rất dễ bị viêm mũi họng. Biểu hiện là ho, sổ mũi, chảy mũi kéo dài, thỉnh thoảng có sốt. Có cháu còn bị lan lên tai gây thủng màng tai chảy mủ hay lan vào phổi gây viêm phế quản. Việc nhiễm trùng này còn có ý nghĩa cho cơ thể cháu tiếp xúc mầm bệnh để sinh miễn dịch nhằm chống mầm bệnh xâm nhập lần sau. Tuy nhiên, mũi viêm kéo dài lại không tốt. Bệnh thường gặp là viêm VA mãn tính. Bạn nên cho cháu khám bác sĩ Tai Mũi Họng để chữa cho cháu. Chú ý dinh dưỡng và vệ sinh khi chăm sóc cháu. Tiêm phòng đầy đủ nhất là vaccin phòng cúm mùa. Cho cháu dùng thuốc Broncho Vaxom 3,5mg trong 3 tháng, mỗi tháng uống 10 ngày, mỗi ngày 1 viên buổi tối để phòng chống 6 loại vi khuẩn gây viêm mũi họng thường gặp nhé.

Chúc gia đình bạn sức khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Tiêm cùng mũi 6 trong 1 và mũi cúm cho bé có được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tôi hiện được 7 tháng 5 ngày. Lúc mới đẻ con tôi được tiêm 2 mũi là lao và viêm gan siêu vi B. Sau đó tôi đã tiêm cho bé được 2 mũi 6 trong 1. Hiện nay 6 trong 1 đã hết chỉ còn 5 trong 1. Vậy tôi có thể tiêm cùng lúc mũi 5 trong 1 và mũi cúm cho con tôi được không? Nếu được thì sau 1 năm tôi phải tiêm nhắc lại mũi 5 trong 1 hay mũi 6 trong 1?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Xin chào bạn!

Theo chúng tôi, tốt nhất là bạn nên tiếp tục tiêm cho cháu vắc xin 6 trong 1. Trong tình huống vắc xin 6 trong 1 đã hết, bạn nên tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1, đồng thời tiêm thêm vắc xin phòng cúm mùa cùng lúc nhưng ở vị trí tiêm khác nhau và cũng không được trộn lẫn vắc xin trong cùng 1 bơm tiêm. Bạn nên mang sổ tiêm chủng của bé đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn thêm, xem xét và có chỉ định phù hợp.

Chúc bé luôn khỏe mạnh!

“Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế kiểm duyệt”

Tư vấn tiêm chủng cho bé 5 tháng tuổi


Câu hỏi bởi: Sơ sinh

Xin chào bác sĩ!

Tôi mới sinh bé được 5 tháng 1 tuần tuổi. Cháu đã được tiêm vắc xin 5 trong 1 (đã tiêm 3 lần). Xin hỏi bác sĩ:

Vắc xin 5 trong 1 tiêm ngừa cho những bệnh nào?

Tôi muốn cho cháu tiêm hoặc uống vắc xin tiêu chảy có còn kịp không? Vì theo như tôi được biết (ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh) vắc xin tiêu chảy được tiêm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, nhưng khi tôi hỏi tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thì người ta bảo vắc xin này được cho uống trẻ dưới 5 tháng tuổi, trên 5 tháng uống không được. Sao lại có sự khác biệt ở đây, xin bác sĩ giải đáp giùm.

Ngoài chương trình Tiêm chủng mở rộng của quốc gia, thì trẻ cần được tiêm những loại vắc xin nào nữa và thời gian tiêm như thế nào? Mong bác sĩ giải đáp giúp.

Chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào bạn.

Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin được tiêm cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B.

Còn về vắc xin phòng tiêu chảy cho trẻ em hiện nay là vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Thống kê cho thấy trẻ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus ít nhất1 lần trong 5 năm đầu đời. Tại Việt Nam, đa số các ca tiêu chảy do Rotavirus rơi vào lứa tuổi từ 3 – 17 tháng. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và có thể gây tử vong ở trẻ. Với khả năng phát tán của một lượng lớn Rotavirus và khả năng tồn tại trong môi trường đến 21 ngày thì việc giữ vệ sinh, ăn sạch, uống sạch cũng khó mà hạn chế khả năng lây nhiễm của vi rút Rota.

Để chủ động phòng bệnh an toàn, hiệu quả là sử dụng vắc xin phòng ngừa. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo nên chủng ngừa cho tất cả trẻ nhỏ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus được cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi trở đi, uống 2 lần cách nhau ít nhất là 1 tháng và nên uống trước 6 tháng tuổi. Điều quan trọng là phải bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt trước khi trẻ bước vào thời kỳ nhiễm Rotavirus nguy hiểm là từ 6 tháng đến 2 tuổi. Vì vậy nên cho trẻ uống sớm vào lúc 6 tuần tuổi và tốt nhất là nên hoàn tất việc uống vắc xin trước 6 tháng tuổi. Vậy con bạn hơn 5 tháng nếu muốn uống vắc xin thì bạn nên cho cháu đi uống ngay để vắc xin phát huy tối đa tác dụng.

Ngoài 8 loại vắc xin được sử dụng cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, sởi, Hib), bạn còn có thể lựa chọn thêm những loại vắc xin dịch vụ như sau:

Vắc xin ngừa bệnh Sởi – Quai bị – Rubella: Từ 12 tháng-6 tuổi: 2 liều cách nhau 3-5 năm. Từ 6 tuổi: 1 liều.

Vắc xin ngừa bệnh thủy đậu: Từ 12 tháng 2 liều cách nhau tối thiểu 1-2 tháng hoặc 1 liều tùy loại thuốc

Vắc xin ngừa bệnh Viêm não Nhật bản: 02 mũi đầu cách nhau 1-2 tuần, mũi 03 cách 12 tháng và những mũi sau mỗi 03 năm

Vắc xin ngừa Viêm gan siêu vi A: 02 mũi tiêm cách nhau 06 tháng

Vắc xin ngừa cúm mùa: 02 mũi tiêm đầu cách nhau 1 tháng và lập lại mỗi năm một lần. Có loại tiêm cho trẻ từ 6-36 tháng.

Vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu A-C: từ 2 tuổi 1 liều. Nhắc lại các mũi tiêm mỗi 03 năm nếu có dịch.

Vắc xin ngừa bệnh thương hàn: từ 2 tuổi tiêm 1 liều. Sau đó nhắc các mũi tiêm mỗi 03 năm nếu có nguy cơ cao.

Viêm màng não mủ do Hib: Tùy theo loại vắc xin có thể tiêm 2-6 tháng tuổi: 3 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng. 6-12 tháng tuổi: 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng hoặc từ 12 tháng – 5 tuổi: 1 liều.

Viêm phổi, viêm màng não do phế cầu: Từ 2 tuổi 1 liều. Nhắc lại mỗi 3 năm nếu có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ngừa ung thư cổ từ cung do HPV: Từ 9-26 tuổi liều 1, liều 2 cách liều đầu 2 tháng, liều 3 cách liều đầu 6 tháng hoặc từ 10-25 tuổi liều 1, liều 2 cách liều đầu 1 tháng, liều 3 cách liều đầu 6 tháng.

Trên đây là các loại vắc xin cho trẻ ngoài chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia mà bạn có thể cân nhắc đi đến cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm thích hợp.

Chúc vui vẻ.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl