Tuyển chọn những câu hỏi hữu ích về dụng cụ trợ thính


4,226
1
1
Xu
53
Dụng cụ trợ thính là 1 trong những biện pháp được sử dụng nhiều nhất giúp người khiếm thính, thính lực kém có thể nghe tốt hơn. Cùng tham khảo một số giải đáp của bác sĩ chuyên khoa về lợi ích của dụng cụ này.

Tai nghe trợ thính có thể nghe được như người bình thường không?


Câu hỏi bởi: lợnkòi

Chào bác sĩ.

Cháu là nam giới, năm nay 23 tuổi. Bác sĩ cho cháu hỏi là tai nghe loại nhỏ để đút vào trong lỗ tai bán ở đâu? khoảng bao nhiêu tiền ạ và liệu có thể nghe được như người bình thường không ạ? Mong bác sĩ trả lời giúp ạ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Tình trạng giảm thính lực do nhiều lí do gây nên, có thể do tổn thương dây thần kinh tiền đình ốc tai (có thể do mẹ nhiễm Rubella từ lúc mang thai hoặc do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh nhóm Aminoside,…) hoặc có thể do tổn thương các cấu trúc dẫn truyền âm thanh (do viêm nhiễm, do chấn thương hoặc do các dị tật khác của tai,… Máy trợ thính là nhu cầu thiết yếu đối với những người bị giảm thính lực nhưng máy trợ thính không được chỉ định cho tất cả các tình huống. Đối với những người giảm thính lực kèm theo tình trạng viêm nhiễm trong tai như: viêm tai giữa, chảy mủ tai, nhiễm khuẩn vùng tai,… Thì không được chỉ định đeo máy trợ thính. Vì vậy, có đeo được máy trợ thính hay không, bạn cần phải có sự giải đáp của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Có 3 kiểu đeo máy trợ thính chính: Máy trợ thính sau tai, trước tai và trong ống tai. Để có được một chiếc máy trợ thính phù hợp với mức độ nghe kém của từng người cũng như phù hợp với nhu cầu nghe thì người bệnh cần phải có sự hướng dẫn của các chuyên gia thính học. Vì vậy, để có được một máy trợ thính phù hợp với bạn để bạn có được sức nghe tốt nhất thì bạn không thể tự mua mà cần phải có sự giải đáp của bác sĩ tai mũi họng và chuyên gia Thính học. Các bác sĩ sẽ khám và giải đáp cho bạn mua loại máy nào phù hợp nhất và ở đâu là tốt nhất. Nếu bạn ở khu vực miền Bắc thì bạn có thể đến khám và giải đáp tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Tác dụng của máy trợ thính và có thể đeo một bên cho người bị điếc bẩm sinh không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em cháu năm nay 13 tuổi, em bị điếc bẩm sinh một tai là 80%, một tai là 85%. Khi em khoảng 5 tuổi, gia đình có cho em đi khám và mua máy trợ thính nhưng em đeo vào cứ kêu đau. Khi nói chuyện em nhìn miệng mọi người nên cũng hiểu được mọi người nói gì nên gia đình quyết định không cho em đeo nữa. Bây giờ em đã 13 tuổi, vì không nghe được nên việc học hành của em rất kém, tư duy và suy nghĩ của em không được bằng các em bé 5 tuổi, nói chuyện cũng chỉ như bé mới tập nói. Cháu có khuyên bố đưa em đi khám để mua máy trợ thính nhưng bố lại nghe theo lời mọi người nói rằng càng nghe máy càng điếc hơn. Cháu không biết phải nói với bố thế nào cả, mà em cháu thì học kém, bạn bè thì xa lánh vì nói chuyện em không nghe rõ. Em cũng không hiểu chuyện bằng các bạn.

Cháu mong bác sĩ có thể tư vấn cho cháu về tác dụng của máy trợ thính. Với mức độ không nghe thấy của em cháu như vậy thì nên mua loại trợ thính nào phù hợp ạ? Năm trước cháu có cho em lên Hà Nội khám, theo bác sĩ nói thì với tình trạng của em cháu phải mua loại rẻ nhất là trên 16 triệu một bên. Gia đình cháu không có điều kiện để mua cả 2 bên, vậy cháu có thể mua 1 bên cho em cháu trước được không ạ? Mong được bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp cháu.

Cháu xin cảm ơn ạ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu.

Cháu nên giải thích với bố mẹ để em cháu được sử dụng máy trợ thính vì máy trợ thính là một thiết bị điện tử có khả năng khắc phục và khuyếch đại âm thanh. Máy trợ thính sẽ khuyếch đại âm thanh giúp cho màng nhĩ có thể cảm nhận được âm thanh và truyền vào các bộ phận khác trong các cơ quan thính giác.

Máy trợ thính không có tác dụng chữa bệnh điếc của người bị điếc. Đeo máy trợ thính 2 tai tốt hơn là chỉ đeo một tai, tất nhiên là nếu không có điều kiện thì có thể sử dụng máy trợ thính chỉ nghe 1 tai. Đeo máy trợ thính 2 bên sẽ giúp nghe có chọn lọc, bộ não sẽ tập trung hơn vào cuộc hội thoại, nghe rõ hơn trong môi trường ồn. Khả năng định hướng và chất lượng âm thanh tốt hơn, âm thanh mượt mà hơn, ít bị biến dạng hơn, tầm nghe rộng hơn. Nghe cả 2 bên giữ cho cả 2 tai cùng hoạt động, giảm nguy cơ tiếp tục suy giảm thính lực và giữ thăng bằng tốt hơn. Khi chỉ đeo máy trợ thính 1 bên, bên tai còn lại có xu hướng mất khả năng nghe hiểu, suy thoái sức nghe.

Chúc cháu mạnh khỏe!

60 tuổi có biểu hiện không nghe được nữa chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: linh

Chào bác sĩ.

Bà của cháu năm nay ngoài 60 tuổi, bà cháu mới có biểu hiện không nghe được nữa. Xin hỏi bác sĩ cần phải làm sao ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào cháu!

Người càng cao tuổi các cơ quan bộ phận trong cơ thể càng bị lão hóa. Điều này xảy ra với tất cả các cơ quan trong cơ thể như não (teo não gây lú lẫn, mất trí nhớ), mắt (đục thể thủy tinh gây nhìn mờ), xương (loãng xương dễ gãy), cơ (nhão, teo làm vận động yếu, dễ ngã),… và tai cũng thế. Suy giảm tai ở tuổi già thường gây nghe kém (điếc). Ở cường độ giọng nói bình thường, tai không thể cảm nhận âm thanh tiếng nói được. Cần cung cấp máy “tăng âm” khuếch đại tiếng nói lên mới nghe được. Đó chính là “máy điếc” mà người ta gọi tên khác là máy trợ thính. Có nhiều loại máy trợ thính (lớn, nhỏ), nhiều nhà sản xuất (Á, Âu) và cũng nhiều giá tiền (từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu).

Cháu có thể nói người nhà cho bà đến khám kiểm tra tai tại các khoa Tai – Mũi – Họng các bệnh viện. Nếu có bệnh về tai hãy chữa khỏi trước. Nếu vẫn chưa nghe được, tiếp tục đưa bà đến cửa hàng các công ty bán máy trợ thính để đo tai, lắp thử máy. Nếu thử máy mà nghe được rõ và hợp túi tiền thì nên mua cho bà 1 chiếc. Bà chỉ mới ngoài 60 nên còn hoạt động xã hội nhiều, rất cần giao tiếp tiếng nói và dĩ nhiên, rất cần máy trợ thính. Máy trợ thính của nhà sản xuất SIEMEN-Đức rất tốt và có uy tín. Bảo hành suốt đời máy. Địa chỉ cửa hàng gần nhất cháu tìm trên Internet nhé.

Chúc bà của cháu sớm có máy trợ thính, nghe và giao tiếp tốt nhé.

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Bệnh điếc đột ngột kèm theo ù tai


Câu hỏi bởi: Lê Văn Đức

Thưa bác sỹ, bố cháu năm nay 55 tuổi, cách đây 3 tuần bố cháu tự dưng ko nghe thấy gì, cháu có đưa bố cháu đến bệnh viện TMH trung ương khám BS chuẩn đoán là bệnh điếc đột ngột và cho về BV Đa khoa tỉnh Hà Nam điều trị, bố cháu đã điều trị ở đó xong mà vẫn chưa khỏi BS trả lời ko khỏi được phải lắp máy trợ thính, nhưng hiện giờ tai bố cháu vẫn bị ù và chưa nghe được, cháu muốn BS tư vấn giúp cháu với, cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Chử Thế Lợi


Chào bạn,

Điếc đột ngột là bệnh lý tổn thương đến tai trong, điếc thần kinh nên nếu đã điều trị nội khoa tích cực mà không đỡ thì có thể tư vấn và đeo máy trợ thính
Bạn nên đưa bác đi khám lại, đo lại thính lực nhĩ lượng xác định mức độ cải thiện và lựa chọn máy trợ thính phù hợp nhất với bạn. Bạn nên cho bố khám chuyên khoa sâu về thính học để có các vi hiệu chỉnh chuẩn nhất cho tai của bố bạn
Khả năng hồi phục sức nghe sau điếc đột ngột là rất thấp, vấn để này cần thời gian sẽ có sự bù trừ. Nếu điều trị nội khó không dứt điểm được thì nên đeo máy trợ thính sẽ hỗ trợ phần nào
Điếc đột ngột là 1 cấp cứu trong TMH, hay gặp cần phải xử trí nhanh ngay sau khi có triệu chứng , không nên để muộn quá vì khả năng hồi phục sức nghe của người bệnh là thấp. Bạn nên cho bố nghỉ ngơi, tránh vận động gắng sức nữa.

Thân ái.

Nhĩ lượng bình thường nhưng nghe kém là vì sao?


Câu hỏi bởi: hoa dã quỳ

Cháu chào bác sĩ!

Năm nay cháu 27 tuổi giới tính nữ. Cháu có hiện tượng nghe kém khi nhiều tiếng ồn. Cháu đi đo thính lực thì bình thường vậy cháu có bị giảm sức nghe không? Cách đây gần 2 năm cháu có bị thủng nhĩ tai nghe kém. Lúc đó cháu đi đo thính lực nhĩ lượng bình thường vậy tai cháu nghe khó nghe là do lí do nào ạ? Hiện giờ tai cháu vẫn khó nghe mặc dù thính lực bình thường bác sĩ cho cháu câu trả lời với ạ? Cháu rất sợ sau này bệnh nặng hay là do thần kinh và bác sĩ cho cháu hỏi nữa đeo máy trợ thính khi đo thính lực binh thường thì có ai đeo không ạ?

Cháu xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Màng nhĩ là một màng nằm cuối ống tai ngoài, phân chia tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có chức năng bảo vệ tai giữa và dẫn truyền âm thanh. Khi màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa hoặc do chấn thương sẽ làm cho sức nghe giảm và tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây thủng màng nhĩ: Thủng màng nhĩ đột ngột hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì điếc nhẹ, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì điếc nặng hơn. Nếu thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có biểu hiện sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém. Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các biểu hiện trên giảm đi. Trường hợp thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch thì biểu hiện không rõ ràng và diễn biến phức tạp.

Bởi triệu chứng của bệnh viêm tai giữa thanh dịch rất khó phát hiện, người bị viêm tai giữa thanh dịch thường không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không thấy chảy dịch ở tai, biểu hiện duy nhất là bị nghễnh ngãng. Bệnh viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm VA.Do vậy, để phòng bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch cần chữa trị căn nguyên viêm VA. Trường hợp của cháu bị giảm sức nghe chính là do thủng màng nhĩ. Như vậy cháu cần phải đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng đề vá màng nhĩ thì mới phục hồi sức nghe lại được.

Máy trợ thính là một thiết bị điện tử có khả năng khắc phục và khuếch đại âm thanh nhằm trợ giúp cho những người có khó khăn khi nghe, khi giao tiếp. Máy trợ thính được thầy thuốc chỉ định sử dụng đối với những người suy giảm sức nghe do tổn thương thần kinh ở tần số trung bình (từ 50dB trở lên do các lí do khác nhau). Những tình huống bị giảm thính lực nhưng đang mắc các bệnh thực thể như viêm tai giữa, chảy mủ tai, nhiễm khuẩn vùng tai… thì không được chỉ định đeo máy trợ thính. Do vậy tình huống của cháu không thể dùng máy đo trợ thính.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl