Câu hỏi hay về nguyên nhân dẫn đến triệu chứng ho


4,226
1
1
Xu
53
Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng ho. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra vấn đề này.

Ho ra tia máu là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Đức Lộc

Chào bác sĩ.

Con năm nay 23 tuổi, con ho ra dịch màu hồng như máu pha loãng, mật độ ho của con không nhiều, nhiều lúc cả ngày có khi không ho, chỉ húng hắng chứ không ho thành cơn và thành tiếng, dịch màu hồng đôi lúc xuất hiện hoặc không. Dạo gần đây con tự nhiên ho 1 lần duy nhất và ra tia máu có lúc như gỉ sắt nhưng con ho rất ít thậm chí cả ngày không ho. Tối ngủ con hay bị nặng ngực, con không sút cân hay sốt gì cả, con đã bỏ thuốc được gần 1 tháng và rất mệt mỏi uể oải. Con đã soi tai mũi họng, CT vòm họng, nội soi dạ dày, kiểm tra máu và chức năng gan trong đó gan con bị nhiễm độc, bị mỡ máu và men gan cao, không có bị viêm gan A, B, C. Con cũng đã kiểm tra CYTRA 21-1 và NES chỉ số thấp và phù hợp, chụp phim phổi và kết quả hoàn toàn bình thường. Sáng nay con kiểm tra lại thì máu đã phù hợp men gan cũng như tất cả đều đáp ứng tốt. Vậy xin bác sĩ giải đáp cho con là con bị bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trường hợp của bạn ho không phải do bệnh lý mà do niêm mạc đường hô hấp bị kích ứng và gây ho. Các yếu tố gây kích ứng đường hô hấp chủ yếu là sự thay đổi của thời tiết, độ ẩm không khí, sự ô nhiễm môi trường (khói, bụi,…). Ho trong trường hợp này chủ yếu là ho gió, ho khan, ho không có đờm.

Khi bạn ho nhiều, niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương và dây dính ít máu khi ho khạc đờm là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Nếu ho ít, không ảnh hưởng nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày thì không cần chữa trị còn nếu ho nhiều thì chữa trị bằng các thuốc giảm ho. Thuốc giảm ho tác dụng ngoại biên: Bổ phế. Thuốc giảm ho tác dụng trung ương, ức chế trung tâm hô hấp do đó có tác dụng giảm ho: Terpin Codein.

Chúc bạn khỏe!

Trẻ bị ho khan về đêm


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Bé nhà tôi khi ngủ hay bị ho khan nhưng khi thức thì chơi bình thường. Đi khám thì bác sĩ nói cháu bị viêm hô hấp nhưng dùng thuốc không khỏi. Vậy xin hỏi bé bị bệnh gì ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn.

Con của bạn bị ho khan về đêm có thể do nhiều nguyên lí do. Bạn cần biết ho là phản xạ tốt giúp bé tống đờm dãi, giúp làm sạch đường hô hấp cho trẻ. Tuy nhiên ho cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh đường hô hấp. Trẻ bị các bệnh đường hô hấp đều có thể ho khan. Ho cũng có thể do bé đi ngủ ngay sau khi ăn uống hoặc do ban ngày con trẻ vui đùa, chạy nhảy quá nhiều. Cũng có nhiều trẻ bị ho nhiều về đêm là do trẻ bị cảm lạnh, viêm xoang. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng khi trẻ ho, không ngủ được. Trẻ bị hen cũng hay bị ho về đêm do đường thở có khuynh hướng tăng nhạy cảm, dễ kích ứng về đêm. Ngoài ra có nhiều lí do khiến trẻ hay bị ho nhiều về đêm. Để có kết luận chính xác nhất về tình trạng ho của trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc kháng sinh chữa ho cho trẻ.

Cách chăm sóc bé bị ho đêm: Bạn có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để giảm ho cho trẻ. Đó là cách dùng quất hấp mật ong, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ… chắt lấy nước cho con uống. Những cách này giúp bé giảm ho hiệu quả mà không lo tác động bởi tác dụng phụ. Ngoài cách sử dụng các bài thuốc dân gian, bạn nên hạn chế cho con ăn uống sát giờ trước khi đi ngủ. Tốt nhất nên cho trẻ ăn trước khi đi ngủ ít nhất là một giờ. Trước khi cho con đi ngủ, hãy cho con uống một thìa mật ong ấm. Mật ong ấm sẽ giúp con hạn chế cơn ho, làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn. Bạn cũng lưu ý không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi. Khi đi ngủ, nên kê cao gối cho trẻ, đầu và vai cao hơn thân để ngăn đờm nhớt hay nước mũi chảy xuống họng. Hãy giữ ấm cho con khi ngủ, không hở bụng, hở tay dễ khiến con bị nhiễm lạnh và ho nhiều hơn.

Trường hợp con bạn bị ho nhiều, bạn nên cho con uống nhiều nước, ăn cháo loãng dễ tiêu hóa, hạn chế ăn các loại thức ăn dễ kích thích như tôm, cua, ghẹ… Tránh xa bé khỏi môi trường ô nhiễm như môi trường nhiều khói thuốc lá, bụi đường. Các tình huống bé ho nhiều kéo dài, ho sâu, khó thở, đau bụng, bạn nên đưa con đến khám bác sĩ. Không tự ý sủ dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chúc con bạn mau khỏi!

Ho, ngứa cổ là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Quan

Chào bác sĩ.

Em năm nay 17 tuổi. Em bị ho, ngứa cổ làm sao chữa khỏi ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em.

Trường hợp của em, nếu chỉ bị ho và ngứa cổ đơn thuần mà không kèm theo sốt, khó thở hay có đờm thì lí do thường là do niêm mạc đường hô hấp trên bị kích ứng một số tác nhân bên ngoài. Các tác nhân gây kích ứng này thường là sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm trong môi trường bên ngoài hoặc thói quen ăn uống những đồ quá lạnh hoặc quá nóng hoặc thói quen khi ngủ để quạt thổi gió trực tiếp vào vùng mũi họng,…

Ngoài ra, những người thường xuyên bị viêm họng, viêm họng mãn tính hay viêm mũi xoang mãn thường có niêm mạc mũi họng nhạy cảm hơn và dễ bị kích ứng hơn. Vì vậy, đối với những tình huống này phòng bệnh bằng cách không nên ăn uống những đồ quá lạnh hoặc quá nóng, khi thời tiết trở lạnh cần giữ ấm cho cơ thể, khi ngủ không nên để gió quạt thổi trực tiếp vào mặt. Khi bị ho thì có thể dùng các thuốc ho có tác dụng ngoại biên như bổ phế hoặc mật ong,… để giảm kích ứng ở niêm mạc mũi họng hoặc nếu ho quá nhiều, tác động nhiều tới sinh hoạt và làm việc thì có thể uống thuốc giảm ho tác dụng trung ương, ức chế trung tâm ho nhưng những thuốc này cần phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu ho kèm theo có đờm, khó thở, sốt là triệu chứng của viêm đường hô hấp. Trong những tình huống này, ho là phản xạ tốt, giúp làm bật đờm dãi cũng như vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp, tạo sự thông thoáng đường thở, tránh nguy cơ suy hô hấp đồng thời có tác dụng giảm viêm. Vì vậy, ho lại là phản xạ tốt nên tuyệt đối không dùng bất kì thuốc nào giảm ho trong những tình huống này. Điều trị những tình huống này bằng thuốc kháng sinh, chống viêm và tiêu đờm.

Chúc em mạnh khỏe!

Ho dai dẳng 3 tuần không khỏi


Câu hỏi bởi: nam

Chào bác sĩ!

Bạn gái em 21 tuổi, bị ho hơn 3 tuần rồi, đi khám nhiều nơi được biết là viêm phế quản. Cô ấy uống nhiều thuốc vẫn không khỏi, mỗi lần ho là ho liên tục. Bạn gái em làm công ty dây cáp điện. Liệu có phải bệnh do môi trường làm việc không ạ? Và làm sao để điều trị dứt điểm? Mong bác sĩ giúp đỡ.

Em cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Bạn gái em 21 tuổi, bị ho kéo dài hơn 3 tuần, được chẩn đoán viêm phế quản. Đã uống nhiều thuốc và chưa khỏi. Bạn gái em làm công ty dây cáp điện. Em không nói rõ là điều kiện làm việc như thế nào nên khó trả lời và đánh giá. Tuy nhiên với người làm công việc sản xuất bọc dây cáp điện thường phải tiếp xúc với chất Formaldehyde, một loại hóa chất sinh ra trong quá trình ra nhiệt để bọc dây cáp điện, hóa chất này gây kích thích niêm mạc mũi họng và có thể gây viêm đường hô hấp, viêm thanh quản, viêm phế quản…

Nếu bạn gái em làm việc trực tiếp có tiếp xúc với Formaldehyde thì có thể bạn gái em bị ho do tác động của hóa chất này. Do vậy muốn chữa trị khỏi ho thì ngoài việc uống thuốc, cần tránh tiếp xúc với hóa chất bằng cách dùng phương tiện bảo vệ cá nhân như khẩu trang trong thời gian làm việc, kết hợp giảm số giờ làm việc. Khi bị ho nhiều nên ngừng tiếp xúc với tác nhân gây ho.

Chúc em mạnh khỏe!

Bị ho do ăn ớt nhiều?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu tên là Trang, 22 tuổi, sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Họng của tôi bị ngứa mãn tính sau 1 thời gian dài ăn ớt. Cuống họng rất ngứa và có thể kèm theo ho. Nếu ăn ớt họng tôi sẽ bị kích thích và ngứa ho ngày lập tức, nhưng khi ăn được vài miếng thì họng quen dần và không ho ngứa nữa. Nhìn gương thì không có có biểu hiện đỏ hay sưng gì cả. Xin hỏi bác sĩ tôi bị gì và phải chữa trị như thế nào?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu.

Cháu bị bệnh viêm họng mãn, lí do không phải là do ăn ớt, mà là bị viêm họng mãn khi ăn ớt gây kích thích làm vượng phát các triệu chứng của bệnh. Cháu cần phải đến khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để khám cụ thể và cho toa thuốc phù hợp thì bệnh mới khỏi.

Chúc cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl