Lẹo mắt ở trẻ nhỏ, phải làm sao?


4,226
1
1
Xu
53
Phải làm gì khi bé lên lẹo mắt? Dưới đây là lời giải đáp của bác sĩ cho vấn đề này.

Bé trai 4 tuổi bị lên lẹo mắt


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Từ 3 ngày nay cháu bị lên lẹo ở mắt, mí mắt sưng đỏ. Vậy tôi nên chữa trị cho cháu thế nào ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào chị!

Lẹo mắt là một khối sưng nề đỏ và có nhân vàng giống như mụn nhọt nằm ngay ở chân các lông mi. Đôi khi chỉ là một vùng sưng đỏ một phần hoặc thậm chí cả bờ mi mắt. Đó là do sự nhiễm khuẩn của các chân lông mi mà thủ phạm thường là do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Vi khuẩn này có nhiều ở mũi trẻ nên khi khi con của chị dụi mũi và sau đó dụi vào mắt thì cũng có thể đem vi khuẩn lên trên mi mắt. Khi phát hiện thấy cháu bị lên lẹo mắt thì chị hãy lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt của cháu. Chị làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút, việc làm này sẽ có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn. Sau đó chị nên đưa cháu đi khám mắt, các bác sĩ sẽ có những biện pháp hỗ trợ thêm cho cháu như dùng thêm thuốc kháng sinh dạng mỡ để bôi lên mi mắt và cả thuốc giảm đau nếu cần thiết.

Trong hầu hết các tình huống chữa trị hỗ trợ như vậy là mắt bé sẽ lành, chỉ có một số ít tình huống lẹo tạo mủ thì các bác sĩ sẽ phải rạch dẫn lưu mủ. Nếu trong tình huống mi mắt của cháu sưng to, bị tái phát nhiều lần, cháu đau nhức tại chỗ, bị sốt hoặc lẹo không tự khỏi trong một tuần thì chị nên đưa cháu đến khám chuyên khoa Mắt ngay, điều nên tránh là chị không được tự ý nặn chích mủ cho cháu nhé. Để phòng ngừa cho bé khỏi bị lẹo thì vấn đề vệ sinh cho bé là ưu tiên số một. Bố mẹ phải tập cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ. Nếu bé hay bị lẹo thì việc vệ sinh mi mắt cho bé để tránh tái phát cũng cần phải làm. Bố mẹ bé có thể dùng que bông gòn tẩm một ít nước ấm để vệ sinh chân lông mi của bé ít nhất mỗi ngày một lần.

Chúc chị mạnh khỏe.

Mắt bé bị lẹo sưng đỏ cả 2 mắt lẫn mi trên và mi dưới phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Kimhuyen

Chào bác sĩ!

Em trai em năm nay 2 tuổi, mắt bị lẹo đến nay gần 3 tháng nhưng mới phát hiện 2 tháng gần đây. Mắt bé bị lẹo sưng đỏ cả 2 mắt, mi trên lẫn mi dưới và đã đến phòng khám mổ 1 lần bên mắt trái (lúc này mắt phải không sưng to như mắt trái). Gần đây mắt phải bé lại nổi lên và bé hay dụi. Bác sĩ cho em biết phải làm sao?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Có một số cách chữa trị lẹo mắt thường được áp dụng như:

Cách chữa lẹo theo phương pháp đông y: Châm cứu vào huyệt Thâu Châm. Người bệnh đứng hoặc ngồi ngay lưng, vắt tay ngược với bên mắt bệnh (mắt trái thì vắt tay phải) qua vai bên mắt lành, khủyu tay sát vào cằm, các ngón tay sát vào nhau đưa hết sức ra sau lưng, đầu ngón tay giữa chạm vào cột sống chỗ nào đó là huyệt để châm (thường vào khoảng đốt sống lưng 3-6).

Cách chữa lẹo bằng phương pháp dân gian: Xông mắt bằng cách lấy lá trầu không giã nát, cho vào một cốc nước nóng và đưa miệng cốc đến gần mắt bị tổn thương, cách khoảng 10 cm.

Cách chữa lẹo bằng tây y

Có thể rửa mắt bằng nước muối, sau đó nhỏ thuốc nhỏ mắt. Dùng kháng sinh dạng mỡ bôi vào vùng bị sưng viêm. Có thể sử dụng các biện pháp chích lẹo nhưng phải được bác sĩ chỉ định. Với lẹo có kích thước nhỏ nên để tự vỡ, không nên nặn sẽ gây lây lan khó chữa trị hơn.

Tuy nhiên, cháu bé mới 2 tuổi, bạn không nên áp dụng các biện pháp dân gian hoặc không có cơ sở khoa học rõ ràng. Cách tốt nhất bạn hãy đưa cháu đến khám chuyên khoa Mắt ở bệnh viện uy tín, các bác sĨ chuyên khoa sẽ giải đáp cho gia đình cụ thể hơn.

Chúc cháu sớm lành bệnh!

Bé 4 tuổi, bị lẹo ở mắt trên, mi mắt dưới có mụn mủ, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cho em hỏi con trai em năm nay 4 tuổi, bé bị lẹo ở mắt trên. Nhưng khi vành mi mắt dưới ra thì em thấy có một mụn mủ ở trong, em phải làm sao hả bác sĩ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn.

Qua những dấu hiệu bạn mô tả trong thư thì có khả năng bé bị chắp ở mắt. Chắp mắt là do sưng dạng u hạt mạn tính của tuyến mebomius, thường là sau khi tuyến này bị viêm. Chắp mắt khác với lẹo mắt là bệnh nhiễm khuẩn cấp có mủ không lan rộng của một hay nhiều tuyến zeis hay moll hoặc của các tuyến meibomius do tụ cầu khuẩn gây nên). Trước khi bị lên chắp, có thể có những biểu hiện sau:

Thấy ngứa mi mắt

Bờ mi có màu đỏ

Cảm thấy cộm

Sờ vào thấy cảm giác khác những điểm khác.

Thoạt đầu, mụn chắp xuất hiện với cái đầu nhỏ, màu vàng vì bên trong có mủ. Sau đó chấm vàng nở dần thành hạt và vỡ. Khi mắt bị lên chắp, nên:

Ðắp lên mặt miếng gạc thấm nước ấm (không nóng) mỗi ngày 3-4 lần. Mỗi lần từ 5 đến 10 phút.

Tránh để mắt bụi bẩn.

Không được sờ, nắn chỗ bị chắp, dù bạn sốt ruột muốn nặn ra ngay.

Phần lớn mụn chắp đều có thể tự chữa ở gia đình. Thường sau 1, 2 ngày mụn chắp sẽ khỏi. Nếu quá thời gian đó, chắp vẫn còn thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ để dùng thêm thuốc kháng sinh.

Với những tình huống chắp nằm sâu trong sụn có thể phải chích để nạo thật sạch các chất nhầy để tránh tái phát. Do đó tốt nhất bạn nên cho bé đi khám ở chuyên khoa mắt để được kiểm tra và chữa trị.

Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!

Bé bị lẹo mắt hơn 3 tháng chưa khỏi, có cần tiểu phẫu không?


Câu hỏi bởi: Julia Le

Thưa bác sĩ.

Cháu bé nhà tôi bị nổi cộm mí dưới, hạt càng ngày càng to ra. Cháu vô tình cào tay vào, nên khi ngủ dậy hoặc tắm xong thường có dịch ra từ vết cào đó. Bác sĩ kết luận bệnh là “lẹo mí mắt dưới (lamp on the lid) và nhiễm trùng nhẹ (infection)”. Cháu đang uống thuốc kháng sinh Augmentin; dùng thuốc nhỏ mắt Tobrex. Đến nay gần 3 tháng mà vẫn chưa khỏi lẹo ở mắt. Các bác sĩ có khuyên cháu cần được chườm nóng hoặc ấm chỗ lẹo nhưng cháu hất tay mẹ ra kể cả lúc ngủ say. Hiện cháu đang ngừng uống kháng sinh (vì đang đủ thời gian 10 ngày) nên chỉ nhỏ mắt và vệ sinh chỗ lẹo, khi gội đầu bằng dầu tắm Johnson Top to Toe. Xin hỏi bác sĩ, liệu cháu có cần tiểu phẫu không và có bị để lại vết sẹo hay không? Bệnh có còn tái phát?

Cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn.

Lẹo mắt là do viêm mủ tuyến bã ở bờ mi, áp xe tuyến Zeiss ở chân lông mi. Bệnh hay tái phát nếu không điều trị triệt để. Trường hợp con bạn bác sĩ đã cho điều trị kháng sinh, nhỏ mắt… gần 1 tháng chưa khỏi thì có thể phải tiểu phẫu để rạch thoát mủ. Bạn nên cho con khám lại ở chuyên khoa Mắt để được hướng dẫn cụ thể. Tiểu phẫu có để lại sẹo hay không thì còn tùy cơ địa mỗi người bạn ạ. Nhưng thông thường thì vết sẹo rất nhỏ, khó nhìn thấy lắm, có khi chỉ là 1 vị trí nhỏ lông mi không mọc mà thôi. Bên cạnh đó bạn cũng nên nhỏ mắt cho con bằng nước muối sinh lý 0,9% ngày 3 lần để sát trùng. Đồng thời vệ sinh 2 tay bé sạch sẽ vì bé rất hay đưa tay bẩn dụi mắt sẽ gây viêm nhiễm nặng hơn.

Bác sĩ chúc mắt bé mau lành nhé!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.