Đừng nhầm lẫn giữa đau răng và đau lợi


4,226
1
1
Xu
53
Tuy đau răng và đau lợi có liên quan ít nhiều đến nhau nhưng cách chữa trị thì lại khác nhau. Tìm hiểu ngay 2 bệnh lý này để tránh nhầm lẫn không đáng có.

Em bị đau trong miệng nhưng không biết chính xác là đau răng hay lợi


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ! Em bị đau trong miệng nhưng không biết chính xác là đau răng hay lợi. Đau phía trong răng bên phải. Khó chịu khi ăn và hơi nhức. Có hiện tượng mỏi răng. Vậy cho hỏi em bị gì và cách chữa. Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em,

Những biểu hiện em kể trong thư như đau trong miệng, đau phía trong răng bên phải (không rõ răng nào), mỏi răng khi ăn… khá là mơ hồ nên không thể khẳng định em có bị bệnh gì hay không. Tuy nhiên có khả năng em bị sâu răng ở một răng nào đó. Em nên đến khám ở phòng khám răng, các bác sĩ răng hàm mặt sẽ kiểm tra và giúp em chữa trị nếu cần thiết.

Chúc em sớm khỏe!

Đau họng, đau lợi ở 2 hàm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Quốc Hồng

Kính chào bác sĩ!

Trong thời gian khoảng 1 tuần gần đây tôi bị đau họng một bên (bên phải) khi nuốt, sau khi hết đau họng thì tôi lại bị đau lợi ở khu giữa hai hàm trên và dưới (khu vực răng trong cùng của hàm), thời gian đầu không có có hạch, nhưng khi mọi biểu hiện đau giảm bớt thì tôi thấy có hạch ở cổ bên phải. Bác sĩ cho tôi hỏi đó là biểu hiện của bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Với những biểu hiện như bạn mô tả có thể bạn đang bị viêm họng, lí do thường do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Tùy lí do gây bệnh có thể có các biểu hiện sau:

– Đau hoặc cảm giác hỗn tạp trong cổ họng.

– Đau họng nặng hơn khi nuốt hoặc nói chuyện.

– Khó nuốt. Khô họng.

– Đau, sưng hạch ở cổ hoặc xương hàm.

– Sưng, đỏ amiđan. Các bản vá hoặc mủ trắng trên amidan.

– Khàn hoặc giọng nói bị nghẹt.

– Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: sốt, ớn lạnh, ho, chảy nước mũi, nhức đầu… Bạn nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ thăm khám trực tiếp, có thể làm một số xét nghiệm cần thiết để tìm lí do, từ đó có hướng chữa trị hiệu quả.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Lợi sưng to và đau là bị làm sao?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Em bị sưng lợi, nuốt nước cảm thấy khó vào. Trưa em có ăn thịt gà đến tối thấy lợi sưng to hơn và đau cả hai bên lợi, phần dưới trong hàm và đi mua thuốc uống, họ bảo kiêng tanh và thịt gà. Có thật là buổi trưa em ăn vào tối đau hơn có phải do ăn gà không bác sĩ? Loại thuốc em mua là: Mypara, Anpha MC và Dorogyne, những loại thuốc này có tác dụng gì vậy bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em.

Hiện tượng viêm lợi, viêm quanh răng khá phổ biến và nguyên nhân chính là do việc vệ sinh răng miệng chưa được đảm bảo. Trường hợp của em, theo mô tả (lợi sưng to, đau,…) thì nghĩ nhiều tới viêm lợi, tuy nhiên mức độ viêm nhiễm ở mức độ nào thì phải khám cụ thể mới xác định chính xác được. Mặc dù các loại thuốc em mua có thuốc kháng sinh đặc trị bệnh răng miệng, thuốc chống phù nề,… nhưng việc tự ý đi mua thuốc uống là khắc phục chưa đúng cách. Do vậy, em nên sớm tới cơ sở y tế chuyên khoa Răng Hàm Mặt để khám nhằm đánh giá chính xác mức độ viêm lợi, từ đó có hướng chữa trị thích hợp nhất.

Chúc em mạnh khoẻ!

Đau răng hàm, đau tai và đau đầu là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thân chào bác sĩ!

Hiện nay em 20 tuổi, không biết sao gần 2 tháng rồi em bị biểu hiện là đau răng hàm 2 bên rất khó nhai, đặc biết là đơ cứng và cảm giác khi khép 2 hàm lại thì có khoảng cách giữa 2 hàm trên dưới. Tối ngủ thì em bị đau đầu và tai, có dấu hiệu đau lại. Em có đi khám rồi nhưng họ chỉ chụp x-quang ở tai và bảo không thấy dấu hiệu gì. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Em cảm ơn bác sĩ!

Chào em!

Đau răng hàm hai bên khó nhai có rất nhiều lí do như đau dây thần kinh V, đau do bệnh về răng, đau do viêm khớp thái dương hàm. Qua biểu hiện em mô tả thì tôi nghĩ nhiều đến khả năng em bị viêm khớp thái dương hàm. Viêm khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, bệnh tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền hà trong ăn uống, tác động lớn đến sức khỏe người bệnh. Có nhiều lí do gây viêm khớp thái dương hàm như: nhiễm khuẩn, sau chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp (chiếm 50%), thoái hóa khớp, do chấn thương hoặc do há miệng quá rộng một cách đột ngột làm trật khớp thái dương hàm, nghiến răng lúc ngủ hoặc nhai kẹo cao su quá nhiều,… Viêm khớp thái dương hàm gây đau khớp có thể ở một bên, đôi khi cả hai bên mặt. Phần lớn người bệnh chỉ đau nhẹ, tự nhiên khỏi, nhưng đôi khi bệnh sẽ phát triển đến giai đoạn đau liên hồi, nhất là lúc nhai và hàm dưới khó cử động (cử động bị giới hạn).

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp thái dương hàm là đau hoặc khó chịu trong khớp hàm hoặc cơ nhai. Có thể gặp tiếng lục cục khi nhai trong khớp thái dương hàm đang bị đau và há miệng khó khăn, đau tăng lên… Một số tình huống có kèm theo đau tai, đau răng, đau đầu, ù tai, chóng mặt và có vấn đề thính giác. Biến chứng đầu tiên của viêm khớp thái dương hàm là giãn khớp, nếu bị giãn khớp thái dương hàm thì rất dễ bị trật khớp, dính khớp, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến thủng đĩa khớp. Điều trị viêm khớp thái dương hàm cần phải tùy thuộc vào lí do gây bệnh.

Vì vậy, để chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ chữa trị phù hợp, em nên đến khám chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để được giải đáp cụ thể.

Chúc em vui khỏe!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl