Trẻ tự kỷ, mẹ phải làm gì?


4,226
1
1
Xu
53
Bệnh tự kỷ ở trẻ nếu để lâu sẽ gây ra nhiều hạn chế phát triển cho các bé. Vì vậy, nghiên cứu cách chữa trị kịp thời ngay khi phát hiện và áp dụng hợp lý là điều mà bố mẹ nên biết.

khám và điều trị bệnh Hội chứng tự kỷ ở trẻ em


Câu hỏi bởi: Phan Minh Đại

Tôi có con trai 45 tháng tuổi, hiệnj cháu chưa biết nói nhưng nghe hiểu và làm theo, hay bịt tai khi nghe âm thanh lạ… vậy cháu cần khám và điều trị như thế nào. Nếu tôi đưa cháu tới Bv Nhi TW khám thì đăng ký ra sao? vì tôi ở tận Quảng Ngãi. Nhờ BS tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn BS!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Thông thường trẻ em 16 tháng biết nói 1 từ, 20 tháng biết nói 2 từ liền nhau, cá biệt có trẻ nói được liên tục 4-5 từ liền nhau khi có mách bảo.

Con bạn đã 45 tháng chưa biết nói là bị chậm nói hoặc bị câm.

Nguyên nhân bị câm có thể là do bị điếc bẩm sinh, để nhận biết được chính xác tình trạng bị điếc bẩm sinh dẫn đến câm là trẻ thường hay ê a những từ vô nghĩa, hay chăm chú nhìn người lớn nói chuyện nhưng không phát thành tiếng nói. Bạn để trẻ đang thiu thiu ngủ, gây ra tiếng động mạnh nhưng ở xa không có sóng xung kích như ví dụ như vật cứng rơi xuống sàn nhà,… nếu trẻ giật mình thức giấc là trẻ không bị điếc bẩm sinh, nhiều trẻ bị điếc thực sự nhưng gọi gần ở phía sau trẻ vẫn nhận thấy và quay lại. Nếu trẻ không điếc thì đỡ lo lắng vì bị điếc bẩm sinh chắc chắn sẽ dẫn đến câm.

Để khám nguyên nhân chậm biết nói bạn cần đưa bé đến khám ở bệnh viện tuyến trung ương như khoa Nhi bệnh viện trung ương Huế ở số 16 – Lê lợi- tp Huế sđt: 0543822325.


Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe

Trẻ bị tự kỉ, chậm nói phải làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Con trai tôi hiện nay 18 tháng tuổi, nhưng cháu chỉ mới bập bẹ nói ba ba. Mọi ngươi gọi tên cháu, cháu không ngoảnh lại (thỉnh thoảng cháu mới ngoảnh). Khi có bầu cháu tôi không nghén, thai nhi cũng phát triển bình thường. Cháu lúc sinh đươc 3,4 kg, hiện giờ cháu được 10kg. Cháu sinh được 2 tháng thì tôi phải đi làm nên cháu ở nhà với bà nội, thời gian ở nhà với bà cháu hầu như xem ti vi, cứ ngủ là thôi còn thức là xem, mà thời gian nói chuyện với cháu không có. Thời gian gần đây gia đình thấy lo nên đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện Nhi và bác sĩ kết luận cháu có triệu chứng tự kỷ. Cháu chơi vui, thích chơi với nhiều người, thích chơi trốn tìm, hay cười đáp lại nếu cháu thấy vui. Xin bác sĩ hãy giúp tôi cách để cháu nhanh biết nói.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn!

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ tự kỷ ở giai đoạn 6 – 24 tháng tuổi:

Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm

Không thân thiện với cha mẹ

Gọi tên hầu như không phản ứng lại

Không chơi các trò chơi đơn giản như: Ú oà

Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ

Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em

Thích nhìn ngắm các bàn tay bàn chân của mình

Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng

Thích đi kiễng chân, đi bằng 5 đầu ngón chân

Thường phát ra các âm vô nghĩa.

Con bạn hiện tại 18 tháng tuổi cháu đã phát âm được từ nào liền hai âm khác nhau chưa? Ví dụ như ba ơi, bà ơi,… Nếu cháu chỉ nói hai từ giống nhau như ba ba thì sự phát triển ngôn ngữ của cháu rất chậm. Khi gọi tên cháu không ngoảnh lại,… Bạn hãy so sánh các biểu hiện nói trên thì con bạn có dấu hiệu khá rõ của trẻ bị hội chứng tự kỷ.

Bạn sống ở tỉnh nào? Nếu bạn ở Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc thì bạn nên đưa cháu đến khám tại khoa Tâm bệnh thuộc bệnh viện Nhi Trung ương. Ở đó có các lớp hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc và hướng dẫn luyện tập cho con bị tự kỷ, rất bài bản. Bạn hãy tới đó khám cho cháu để có kết luận cụ thể và được giải đáp và hướng dẫn cách dạy cháu tập nói. Qua phần trao đổi ngắn ngủi này tôi không đủ thời gian để trao đổi với bạn tỉ mỉ được.

Chúc bạn thành công và chúc bé mau khoẻ mạnh!

Dạy con tự kỷ nói cần lưu ý những gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu cám ơn sự chỉ dẫn của bác sĩ cho câu hỏi “Trẻ 29 tháng tuổi bị tự kỷ nặng phải chữa thế nào?”. Từ hôm đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương về cháu cho dùng thuốc và tối về dạy con nói theo sự chỉ dẫn của bác sĩ con cháu giờ nói được từ ạ từ xin và cơm nhưng gọi bố mẹ ông bà cháu không nói được mặc dù cháu rất tập trung vào mắt má và mồm há ra để nói nhưng không nói được. Cháu lại chuyển sang nói xin và ạ. Cháu ở Hải Phòng muốn cho con học đúng trường nhưng cháu vẫn không tìm được họ chỉ nói hay thôi nhìn con học về lại nghịch nhiều hơn và khó bảo hơn. Cháu cảm thấy rất lo lắng vì cháu là người mẹ trẻ còn thiếu kinh nghiệm mà đi khám bác sĩ chỉ bảo mẹ về dạy con thôi nên giờ cháu rất hoang mang lo sợ con cháu sau này không theo kịp bạn bè. Mong bác sĩ hiểu và thông cảm cho người mẹ thiếu kinh nghiệm như cháu mà cho cháu lời khuyên.

Cháu cảm ơn nhiều lắm!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Vấn đề trẻ tự kỷ thuộc bệnh lý của chuyên nghành Tâm thần khám và chữa trị. Nhưng Y học Việt Nam chậm hơn các nước phát triển, đặc biệt là nghành Tâm thần Nhi thì càng kém hơn rất nhiều so với họ. Về chứng bệnh tự kỷ chưa được quan tâm đúng mức, vì thế ở phía Bắc duy nhất chỉ có khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương là khám và có đi vào sơ bộ để chữa trị và hướng dẫn bà mẹ có con bị tự kỷ về tự tập luyện, hướng dẫn và chăm sóc con mình. Đó là về phía nhà nước thì duy nhất ở phía Bắc chỉ có một cơ sở đó. Ở miền Nam thì họ có năng động hơn do vậy có một số cơ sở tư nhân mở ra để nhận làm công việc này.

Bác rất hiểu là cháu đang rất lo lắng và hoang mang về bệnh tình của con mình. Nhưng thực trạng là vậy, bởi việc chữa trị các cháu tự kỷ hay thiểu năng kết quả rất hạn chế, vì thế kể cả nhà nước và tư nhân đều không quan tâm. Không như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức…. những nước phát triển, kinh tế họ giàu, dù biết là hiệu quả thấp nhưng vì tính nhân đạo họ vẫn thành lập các trung tâm và chi tiền để giúp phục hồi cho trẻ tự kỷ.

Theo bác cháu phải kiên trì vậy thôi, cháu hãy theo sự chỉ dẫn của bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để tự huấn luyện và tập cho con cháu. Mỗi quý đưa con lên tái khám và hỏi thêm những gì cần bổ sung trong tập luyện để đạt kết quả tốt hơn. Duy nhất chỉ có Bệnh viện Nhi Trung ương là có kiến thức về khám và chữa trị trẻ tự kỷ ở phía bác mà thôi.

Chúc cháu bình tĩnh, kiên trì và thành công!

Bé 22 tháng đột nhiên không nói, ít giao lưu với mọi người là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Tô Thùy Ninh

Chào bác sĩ.

Hôm qua cháu có 1 việc của con cháu mà làm cháu rất lo lắng ạ. Con trai cháu được 22 tháng cao 89 cm nặng 14.4kg, cháu biết nói bập bẹ từ 10 tháng và phát triển bình thường đến 20 tháng. Từ 20 tháng cháu đột nhiên không nói câu nào, rồi khi có mẹ ở nhà thì không tiếp xúc với mọi người, thường có biểu hiện cáu gắt khi ai động đến trừ mẹ, vẫn chơi với ăn nhưng không nói 1 từ nào nữa, cùng lắm lúc mẹ yêu yêu thì chỉ bảo moa moa thôi. Cháu rất lo, chúng cháu cũng đã tích cực cho con đi chơi và giao lưu với mọi người và các bạn. Bây giờ cháu chơi với mọi người nhưng vẫn không chịu nói từ nào cả ạ. Bác có thể cho cháu lời khuyên lúc này được không ạ?

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bạn nên đưa bé đi khám bệnh để phát hiện và áp dụng chương trình giáo dục sớm cho trẻ bị bệnh tự kỷ, rất có thể con bạn bị bệnh tự kỷ. Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não với những đặc trưng là suy giảm khả năng hòa nhập xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp, có những hành vi lặp lại và những quan tâm mang tính hạn hẹp.

Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội là: không cười với người khác, ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác, sống rất độc lập, tự lấy các đồ vật hoặc biết làm những việc sớm trước tuổi.

Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng giao tiếp là: không có phản ứng khi được gọi tên, không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói.

Các hành vi lặp lại và bất thường bao gồm: các hành vi rập khuôn, các hành vi đơn điệu, thiếu sự đa dạng, các hành vi có tính nghi thức….

Bạn cần tìm hiểu thêm về các phương pháp giao tiếp giáo dục trẻ mầm non, nhất là các chương trình giáo dục sâu rộng và có hệ thống, các chương trình can thiệp giáo dục tâm lý, chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội,…. để áp dụng uốn nắn các hành vi khác lạ cho bé.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Trẻ 29 tháng tuổi bị tự kỷ nặng phải chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu muốn hỏi con cháu 29 tháng tuổi cháu chậm nói, đi khám bác sĩ bảo cháu bị tăng động tự kỉ. Cháu chưa hiểu rõ về bệnh đấy lắm và bác sĩ làm trắc ngiệm về các dấu hiệu tự kỉ con cháu được 30 điểm. Bác sĩ bảo con cháu bị nặng rồi. Cháu thật sự rất lo lắng không biết lên làm gì để chữa khỏi bệnh cho con khi mình vẫn chưa hiểu gì về bệnh đó cả.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Tự kỷ, còn gọi là rối loạn tự kỷ là tình trạng rối loạn phát triển, xuất hiện ngay từ những năm đầu của trẻ, thường là trước 3 tuổi. Trẻ mắc bệnh tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác. Do vậy sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội hạn chế. Các triệu chứng của trẻ tự kỷ:

– Khó khăn trong giao tiếp với người khác: Trẻ không nói cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không tương tác với người chăm sóc, không giơ tay đòi bế. Trẻ nói những từ ngữ không có nghĩa, hay gầm gừ, luôn lặp đi lặp lại một câu hay một từ vô nghĩa. Gọi tên không quay lại như điếc mặc dù thính lực vẫn bình thường

– Trẻ có những hành vi lặp đi lặp lại như lắc lư người, đập đầu, giữ khư khư một đồ vật, bật tắt công tắc liên tục…

– Trẻ ít hứng thú và ít hoạt động, không biết chơi trò đóng kịch.

– Khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh diễn ra hàng ngày và phản ứng quyết liệt khi có sự thay đổi

– Trẻ tự kỷ thường bị ám ảnh với những vật cá biệt hay những hành vi đặc biệt, tập trung vào chúng mà không quan tâm đến những việc khác xung quanh. Để chẩn đoán một trẻ mắc chứng tự kỷ thì cần được khám kỹ và dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm một số biểu hiện. Không thể chỉ dựa vào một bất thường hay một khiếm khuyết của trẻ.

Trị liệu:

– Phát hiện sớm và trị liệu sớm là rất quan trọng vì trẻ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kỹ năng về ngôn ngữ, xã hội và nhận thức

– Trẻ được luyện tập và giáo dục trong các lớp chuyên biệt theo các kỹ năng mà trẻ bị khiếm khuyết Như vậy cháu cần cho bé đi khám sớm để có chẩn đoán sớm và tiến hành can thiệp sớm sẽ có lợi và hiệu quả hơn.

Chúc gia đình cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl