Trẻ thở khò khè: tổng hợp những câu hỏi thường gặp (phần 2)


4,226
1
1
Xu
53
Là một hiện tượng thường gặp nên vấn đề bé thở khò khè nhận được nhiều quan tâm từ các bậc phụ huynh. Hầu hết những thắc mắc đó đều nhận được giải đáp chi tiết từ các chuyên gia nhi khoa với nhiều thông tin hữu ích mà bố mẹ không nên bỏ lỡ phần nào.

Trẻ 26 ngày tuổi nghi bị tắc nghẽn đường hô hấp


Câu hỏi bởi: hang

Chào bác sĩ!

Con cháu 26 ngày tuổi bị khò khè khoảng 2 tuần cháu cho uống nước quất xanh và mật ong hấp thì đã thấy đỡ nhưng qua nay lại khò khè nhiều hơn cả đợt đầu, hay trớ sữa và có 1, 2 lần ho. Cho cháu hỏi có phải con nhà cháu đã bị viêm phế quản? để lâu thì có nguy hiểm như thế nào? có cách chữa bằng thuốc nam không ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Thân chào bạn.

Khò khè là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới (từ đoạn khí quản ngực đến các phế quản nhỏ). Khò khè là tiếng thở bất thường có âm sắc trầm nghe rõ nhất khi trẻ thở ra có thể nghe bằng cách áp sát tai gần miệng trẻ (nghe gần giống như tiếng ngáy, tiếng nhạc. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống khó có thể nghe được bằng tai trần. Khi đó, bác sĩ có thể phát hiện dễ dàng biểu hiện này hơn bằng cách dùng ống.

Trên thực tế, ở trẻ sơ sinh cần phân biệt tiếng khò khè (là biểu hiện ít gặp nhưng là biểu hiện bệnh nặng ở lứa tuổi này) với tiếng thở do tắc mũi (là biểu hiện rất thường gặp và không phải là biểu hiện nặng). Thật vậy, trẻ sơ sinh thở chủ yếu bằng mũi, trong khi kích thước lỗ mũi trẻ còn nhỏ và rất dễ bị tắc khi bị cảm ho ( làm trẻ thở nghe khụt khịt ). Khi này, có thể làm thông thoáng mũi trẻ với 2-3 giọt nước muối nhỏ mũi, sau đó nghe lại. Trẻ bị nghẹt mũi sẽ thở êm hơn sau khi được làm thông thoáng mũi. Có nhiều lí do khiến trẻ thở khò khè: Ở trẻ 2 tháng tuổi rất hiếm khi bị viêm phế quản. Nhưng có thể là viêm tiểu phế quản (viêm các nhánh phế quản nhỏ ở tận cùng đường hô hấp) thường gây ra các đợt khò khè ở trẻ. Bệnh do virus gây ra.

Một lí do phổ biến khác là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (các thành phần dịch axit từ dạ dày đi ngược vào thực quản). Triệu chứng khò khè có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, ở các trẻ có bất thường cấu trúc đường hô hấp. Phổ biến nhất là tình trạng mềm sụn thanh quản (sụn đỡ thanh quản chưa phát triển hoàn chỉnh). Lúc này thanh quản bị hẹp ở thì thở ra, gây khò khè. Việc hít phải dị vật cũng có thể gây ra hiện tượng khò khè. Trẻ thở khò khè có thể là dấu hiệu của hen suyễn: Có tới 50% trẻ bú mẹ có đợt khò khè trong năm đầu đời nhưng hầu hết các trẻ này đều không bị hen.

Nguy cơ phát triển thành bệnh hen tăng cao hơn ở những trẻ có ít nhất 3 đợt khò khè trong vòng 12 tháng đầu, kèm theo các yếu tố nguy cơ như: Bố mẹ bị hen phế quản. Trẻ có cơ địa chàm (eczema). Trẻ bị bệnh chàm. Trẻ dị ứng với các dị nguyên như bụi nhà, nấm mốc… Ngoài ra còn các lí do hiếm gặp là: dị vật đường thở, một số dị tật bẩm sinh của phế quản, phế quản bị chèn ép (do mạch máu bất thường, u, hạch cạnh phế quản), … Trong tình huống này, trẻ có biểu hiện khò khè dai dẳng, kéo dài.

Cần làm gì khi trẻ bị khò khè ? Khi trẻ bị khò khè kéo dài, dai dẳng, cần cho trẻ đến khám bệnh viện chuyên khoa vì nhiều tình huống cần phải làm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán (chụp X quang, siêu âm, đo hô hấp ký, chụp CT ngực, nội soi đường hô hấp, … ) Không nên tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc kháng sinh, long đàm, kháng viêm,… vì có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, bệnh nặng hơn.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe.

Bé 4 tuổi bị viêm phổi, viêm họng thở khó khăn


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu nhà tôi bị sốt co giật một lần, đã đi khám ở viện Nhi Trung ương và bác sĩ chẩn đoán là viêm họng và viêm phổi. Nhưng sau mấy ngày dùng thuốc rồi mà vẫn không khỏi. Khi bé thở lại rất khó. cứ nghe thấy tiếng “ki ki” ở sau lưng. Vậy giờ phải làm thế nào ạ? Xin bác sĩ cho tôi ý kiến. Bé được 5 tuổi rồi ạ!

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Xin chào bạn.

Trượng hợp như bạn đã mô tả: con của bạn bị sốt co giật một lần, đã đi khám ở viện nhi Trung Ương và được chẩn đoán là viêm họng và viêm phổi. Sau mấy ngày dùng thuốc rồi mà vẫn không khỏi. Khi bé thở lại rất khó. cứ nghe thấy tiếng “ki ki” ở sau lưng. Mặc dù không khám bệnh trực tiếp cho cháu nhưng chúng tôi có thể xếp bệnh của cháu thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp và khò khè. Khò khè là tiếng thở bất thường khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới.

Các lí do gây khò khè thường gặp nhất là hen phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Trong đó, ở trẻ 4 tuổi, lí do thường gặp nhất là suyễn. Ngoài ra còn các lí do hiếm gặp là: dị vật đường thở, một số dị tật bẩm sinh của phế quản, phế quản bị chèn ép (do mạch máu bất thường, u, hạch cạnh phế quản),…

Trong tình huống này, trẻ có biểu hiện khò khè dai dẳng, kéo dài. Khò khè là tiếng thở bất thường có âm sắc trầm nghe rõ nhất khi trẻ thở ra có thể nghe bằng cách áp sát tai gần miệng trẻ (nghe gần giống như tiếng ngáy,“tiếng ki ki“). Khi nặng hơn, có thể thấy trẻ thở ra kéo dài, gắng sức. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống khó có thể nghe được bằng tai. Khi đó, bác sĩ có thể phát hiện dễ dàng biểu hiện này hơn bằng cách dùng ống nghe (trong y học gọi là tiếng ran ngáy, ran rít).

Khi nào bạn cần cho cháu đi khám?

Trẻ thở khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã – bứt rứt, hay li bì ); khò khè tái phát.

Khi trẻ bị khò khè kéo dài, dai dẳng (3- 4 tuần ), cần cho trẻ đến khám bệnh viện chuyên khoa vì nhiều tình huống cần phải làm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán (chụp X quang, siêu âm, đo hô hấp ký, chụp CT ngực, nội soi đường hô hấp,…)

Bạn cũng không nên tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc kháng sinh, long đờm, kháng viêm,… vì có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn.

Chúc cháu nhà bạn mau khỏi.

Trẻ thở khò khè, có đờm là làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Con em mới hơn 2 tháng, cháu bú hay ngủ vẫn bình thường. Nhưng tối đến lúc cháu ngủ thì hay suốt hiện đờm ở cổ làm cháu thở khò khè. Mong bác sĩ giải đáp giúp em, nhìn cháu như vậy em sốt ruột quá.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Trẻ em 2 tháng tuổi do đường hô hấp còn nhỏ, dễ kích ứng nên hay xuất hiện đờm, khi đờm được các lông quét đưa ra đến khí quản và hạ họng nhưng do trẻ bé không biết khạc đờm ra ngoài nên đờm đọng lại ở vị trí này gây thở khò khè. Nếu bé không sốt, không ho nhiều, ăn ngủ bình thường, khi ở tư thế bế ngửa đầu cao hoặc đứng thẳng không khò khè, thì không thấy gì đáng ngại.

Khi ngủ bạn cần đặt bé nằm nghiêng, đầu cao hoặc nằm ngửa nhưng cao đầu và vai, cổ dãn thẳng để hạn chế bớt hiện tượng khò khè. Trường hợp bé khò khè đờm nhiều thì có thể cho bé dùng thuốc xi rô ho long đờm dành cho trẻ em.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Trẻ sơ sinh phát ra tiếng khò khè khi ngủ, khó thở, nôn trớ vì có đờm trong cổ phải điều trị làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi khi ngủ phát ra tiếng khò khè, hơi bị khó thở, không bị sổ mũi, lâu lâu trẻ nôn trớ vì đờm nhiều trong cổ. Xin hỏi bác sĩ phải điều trị làm sao và hút đờm như thế nào mới an toàn cho trẻ?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, do đường kính lòng phế quản nhỏ, chỉ cần một lượng dịch rất ít cũng làm cho thở thành tiếng khò khè. Nếu trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không sốt, không sổ mũi thì không có gì đáng lo ngại, không nhất thiết là cứ phải hết hẳn hoàn toàn hiện tượng khò khè khi ngủ. Hiện tượng khò khè diễn ra khi đờm rãi ở trong lòng các tiểu phế quản được nhu động đưa ra khí quản và hai nhánh phế quản, luồng không khí đi ra vào kéo đờm thành ra tiếng khò khè to, do trẻ không biết nhổ khạc nên cứ cò cử đưa đi đưa lại ở chỗ đó. Đôi khi trẻ nôn trớ có thể kéo theo đờm rãi đã được đùn ra đến cổ họng.

Để hạn chế hiện tượng này có thể dùng các biện pháp sau:

– Đặt trẻ nằm nghiêng hoặc nằm ngửa với tư thế đầu và vai cao, cổ giãn thẳng.

– Bạn có thể dùng vải màn thưa quấn lỏng thành cuộn đưa sâu vào miệng trẻ, mẹ dùng miệng ngậm vào miệng trẻ mút, áp lực khí âm sẽ hút đờm dính vào vải màn và bạn lôi vải ra sẽ kéo theo được đờm.

– Uống thuốc làm lỏng đờm (Mitux), khi đờm loãng sẽ được các lông quét trong phế quản nhu động dễ dàng đẩy được đờm ra ngoài.

– Việc hút đờm bằng máy hút chỉ nên thực hiện tại bệnh viện nếu có nhiều đờm.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Trẻ 6 tháng bị ho và nôn, khi ngủ cũng thở có tiếng khò khè là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bé nhà em được 6 tháng tuổi, mấy hôm qua bé bị ho và khi ăn xong bé bị ho và nôn. Khi bé ngủ cũng thở có tiếng khò khè.

Xin bác sĩ giải đáp giúp em!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Trẻ em 6 tháng tuổi bị ho và khi ăn no bị ho thường nôn ra là do thức ăn đầy trong dạ dày, dạy dày còn ở tư thế đứng thẳng, góc gấp của thực quản với dạ dày chưa hình thành cho nên khi ép bụng áp lực lớn trong bụng sẽ đẩy thức ăn từ dạ dày ra ngoài làm trẻ bị nôn ra. Trẻ bị ho và kèm theo thở khò khè thường là do trẻ bị viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng) hoặc viêm phế quản. Bạn nên đưa bé đi khám bệnh, bác sĩ kê đơn thuốc, bạn không nên tự ý đi mua thuốc kháng sinh, thuốc tiêu đờm hoặc long đờm về cho trẻ uống, khi uống được một vài bữa thấy các dấu hiệu bệnh lui là thôi không cho uống nữa. Việc làm này gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi khuẩn kháng thuốc và gây nên tình trạng viêm mãn tính mũi họng ở trẻ làm trẻ gầy yếu, chậm phát triển.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl