Viêm tủy răng và phương pháp chữa trị triệt để


4,226
1
1
Xu
53
Viêm tuỷ răng là tình trạng tổn thương nhiễm trùng mô tuỷ răng, làm tăng áp lực nội tuỷ, chèn ép vào các tận cùng thần kinh gây ra triệu chứng đau và tổn thương mô tuỷ. Bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Viêm tủy răng, chữa trị thế nào?


Câu hỏi bởi: haimapnhat

Thưa bác sĩ!

Răng cháu bị đau đi khám nha khoa thì được bác sĩ nói phải lấy tuỷ, nhưng về không hết đau sáng hôm sau lại phải ra nha khoa lại và được bác sĩ nha khoa lấy lại tuỷ và bảo với cháu là viêm và hẹn cháu 3 ngày sau quay lại để trám (về nhà răng hết đau thật). Nhưng khi cháu trám răng về được khoảng 15 giờ thì răng đau lại và bắt đầu sưng hàm lên và đau, cháu quay lại nha khoa thì họ tháo trám và phải chữa lại (răng đau và lung lay). Họ lại lấy tuỷ lại (phải điều trị lại) và bảo viêm (cháu cũng không biết là viêm cái gì, chỉ biết là viêm) về nhà nó lại sưng to hơn và vẫn đau như vậy thì cháu sau này có thể bị làm sao không ạ và chỗ sưng có phải là bị mưng mủ không ạ?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Tủy răng thường được coi là “trái tim” của răng và nó được bảo vệ bởi tổ chức cứng ở xung quanh, vì thế không dễ bị viêm. Khi tổ chức bảo vệ tủy răng (men răng, xương răng…) bị tác động, dẫn đến sâu răng, làm cho tủy răng bị lộ ra, có thể gây viêm tủy răng.Viêm tủy thường bắt đầu từ sâu răng không điều trị kịp thời, những vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tuỷ răng chủ yếu qua các lỗ sâu và gây bệnh. Tác nhân gây viêm tuỷ răng thường gặp nhất là vi khuẩn. Chúng tồn tại ở trong miệng, xâm nhập tủy răng chủ yếu qua các lỗ sâu và cuống răng… Ngoài ra, hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân…), sang chấn, thay đổi áp suất môi trường… cũng có thể gây viêm. Bệnh nhân đau tủy răng có thể uống thuốc giảm đau tạm thời. Cần phải khẩn trương đến bác sĩ răng hàm mặt để chữa trị triệt để bệnh tủy răng.

Trường hợp của cháu bị viêm tủy răng đã lấy tủy răng nhưng có thể do trong quá trình chữa tủy cháu đã làm chưa được tốt hoặc việc viêm nhiễm quá nặng hay do kỹ thuật của người làm chưa được tốt nên tình trạng viêm tấy chân răng của bạn ngày càng lan tỏa hơn. Cháu nên đến các bệnh viện lớn để chữa sớm. Nếu để muộn sẽ gặp nguy hiểm. Nếu việc điều trị bảo tồn không hiệu quả, cháu có thể nhổ bỏ hoàn toàn răng sâu.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Răng có chấm đen, đau, tê để 2 tuần sau mới làm thì răng có động đến tủy không ?


Câu hỏi bởi: Trinh Nguyễn

Chào bác sĩ.

Bác sĩ ơi. Răng em vừa có biểu hiện đau buốt theo cơn vào trưa hôm nay. Đến trưa hôm qua em dùng gương soi thì thấy có lỗ đen. Tình trạng đau nhức thì đã giảm chỉ còn đụng vào răng mới đau nhói còn không đụng thì nó chỉ ê ê. Hiện tại em đang ở Hà Nội chơi đến khoảng 2 tuần nữa thì về lại nhà ở Sài Gòn. Bác sĩ có thể cho em biết khoảng 2 tuần nữa mới chữa trị (khám + trám răng) thì có được không? Có cách nào để trong thời gian này em hạn chế đau răng hơn và làm chậm quá trình bị sâu không ạ? Vì em sợ trong 2 tuần này răng sẽ bị tác động đến tủy.

Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng theo hình thể giải phẫu của răng. Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu ở một vài vùng trên mặt nhai hoặc kẽ giữa hai răng ở một vài điểm trên bề mặt, lúc này người bệnh chưa cảm thấy đau hay buốt, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Một thời gian sau, những điểm này biến đổi sắc tối hơn sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện có thể nhỏ như đầu tăm hoặc to toàn bộ mặt nhai. Người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau khi có thức ăn giắt vào. Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong calcium và mềm hóa, nhiễm vào tầng sâu của răng, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc cường độ đau gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm.

Bạn bị đau buốt răng theo cơn, đụng vào răng thì đau nhói rất có thể tình trạng sâu răng của bạn đã tác động đến tủy. Theo tôi bạn nên đến bác sĩ nha khoa để kiểm tra răng, tùy vào tình trạng có thể tiến hành chữa trị răng luôn hoặc có thể sử dụng các thuốc chống phù nề, giảm đau tạm thời để chữa trị răng sau 2 tuần đi chơi về.

Để hạn chế sâu răng và làm chậm quá trình sâu răng bạn nên: Chải răng đúng cách, đúng thời điểm nhằm loại bỏ hết nguồn nguyên liệu cho vi khuẩn tổng hợp nên các chất gây hại cho răng là cách tốt nhất trong việc phòng, chống sâu răng và làm chậm quá trình sâu răng.

Dùng nước xúc miệng nhằm mục đich diệt và làm giảm số lượng vi khuẩn làm cắt chuỗi liên hoàn gây sâu răng.

Chúc bạn sớm khỏi bệnh!

Tuỷ răng hay sưng lên và chảy máu phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Đặng đình thíang

Xin chào bác sĩ.

Bác sĩ có thể cho tôi biết chiếc răng ở cạnh răng nạn và răng của của tôi phần tuỷ răng hay sưng lên và có nhiều máu. Thỉnh thoảng vỡ chảy máu ra và tôi cắm cái tăm vào xem thì cái tăm ngập khoảng 3cm thỉnh thoảng lại sưng. Bác sĩ có biện pháp nào làm ơn chỉ giúp tôi.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Theo như các biểu hiện mà bạn mô tả thì có thể bạn đã bị viêm tủy răng. Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, các yếu tố lý học như sang chấn, nhiệt…, các yếu tố hóa học như các chất sát trùng mạnh, đái tháo đường, gout… Có 2 loại viêm tủy răng:

Viêm tủy răng hồi phục: Muốn chữa trị được phải tìm ra nguyên nhân và loại bỏ chúng.

Viêm tủy răng không hồi phục: Cách duy nhất để chữa trị bệnh này là triệt tủy hoặc phải nhổ bỏ răng.

Như vậy tôi khuyên bạn nên đến khám chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân bằng các phương tiện thăm khám đặc hiệu và có biện pháp chữa trị phù hợp.

Chúc bạn sớm lành bệnh!

Lấy tủy răng cấm có để lại di chứng?


Câu hỏi bởi: thành đạt

Chào bác sĩ!

Mấy hôm trước cháu có đi lấy tủy răng ở răng cấm hàm dưới và nhổ 1 răng kế bên. Trước đó cháu cũng đã mọc răng. Hai hôm qua răng lấy tủy có biểu hiện bị chạm vào cảm giác đau buốt. Liệu có phải do răng cùng làm chạm vào răng cấm của cháu không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Răng đã lấy tủy bị đau nhức trở lại có 2 tình huống có thể xảy ra: ê nhức do viêm nướu/viêm nha chu gây ra hay do lấy tủy chưa tốt nên bị đau trở lại. Bạn đã đi lấy tủy răng cấm sau vài hôm có biểu hiện chạm vào đau buốt. Hiện tượng này không phải do răng cùng chạm vào răng cấm. Bạn nên đi khám lại răng, có thể chụp phim để xem thử lấy tủy đã tốt chưa, có bị nhiễm trùng quanh chân răng hay không. Nếu không thì có phải là do viêm nướu/ viêm nha chu khiến răng nhạy cảm không. Nói chung là bạn nên đi khám bác sĩ sớm để điều trị càng sớm càng tốt.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bị sâu răng, màu răng đen và nhức phải làm thế nào?


Câu hỏi bởi: funneiz lưu

Chào bác sĩ!

Tôi năm nay 15 tuổi, là nữ giới. Tôi bị sâu răng và giờ cái răng ấy bắt đầu đen và nhức. Xin hỏi bác sĩ làm sao để xử lý cho chiếc răng ấy trắng và không nhức?

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu!

Sâu răng là bệnh rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi (từ những trẻ răng sữa cho đến người già). Thông thường sâu răng phát triển liên tục từ lớp nông đến lớp sâu của răng. Triệu chứng ban đầu là răng có chấm sâu đen nhỏ, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra. Sau một thời gian răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện, người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn rắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau do thức ăn nóng rắt vào.

Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong canxi và mềm hóa, làm cho bệnh nặng hơn. Khi răng đau kéo dài, hoặc mức độ đau, nhức gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm. Cháu nên đi khám bác sĩ Răng hàm mặt để được chẩn đoán xác định và tùy từng mức độ mà có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu răng sâu nông ở lớp ngà chưa đến tủy răng, bác sĩ nạo bỏ phần ngà răng bị sâu, nhằm ngăn chặn sâu tái phát, hàn theo dõi 7-10 ngày, sau đó không đau nhức mới hàn vĩnh viễn. Song cháu vẫn phái theo dõi định kỳ vì răng vẫn có khả năng sâu tái phát. Nếu đau nhức nhiều cháu có thể đã bị viêm tủy, bác sĩ sẽ chữa tủy răng (chữa trị Nội khoa) sau đó phục hình răng giúp cháu.

Để đề phòng sâu răng, trước hết cháu phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường. Dùng kem đánh răng có chứa Fluor, có thể dùng thêm nước súc miệng, diệt khuẩn sau bữa ăn. Cháu cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp chữa trị phù hợp.

Chúc cháu vui, khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl