Hắt hơi, sổ mũi có phải triệu chứng sởi hay không?


4,226
1
1
Xu
53
Khi mắc bệnh sởi, người bệnh có thể sốt cao kèm theo hắt hơi, sổ mũi. Để tránh nhầm lẫn với các căn bệnh khác, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những lời giải đáp sau.

Trẻ bị sốt, sổ mũi có phải là bệnh sởi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tôi được 25 tháng, là con trai. Tôi thấy giờ nói nhiều về bệnh sởi tôi rất lo. Con trai tôi hôm trước ở lớp bị sốt cao lên cơn co giật, cô giáo bảo thế. Cô giáo có điện tôi ra đón cháu thì cháu hết sốt, ở nhà với tôi cả buổi chiều cũng không thấy sốt. Hôm nay cháu đi học, thấy cô giáo bảo chiều có hơi sốt, giờ đây cháu thi thoảng cũng hâm hấp, không sốt cao. Hôm nay cháu cũng có hiện tượng sổ mũi, tôi thấy giống biểu hiện ủ bệnh của bệnh sởi. Bác sĩ ơi liệu cháu có thể bị lên sởi không? Nếu bị bệnh sởi tôi phải cho cháu kiêng gì? Điều trị như thế nào? Cháu tiêm vắc-xin phòng sởi lúc được 13 tháng. Tôi đọc trong 1 tờ lịch tiêm phòng có ghi trẻ tiêm phòng sởi từ 12 tháng trở lên thì sau 4 năm mới tiêm nhắc lại mũi thứ 2, có đúng như vậy không? Giờ tôi muốn cho cháu đi tiêm nhưng sợ tiêm không đúng như lịch đã nói. Xin bác sĩ giải đáp giùm. Với tình trạng sốt nhẹ như hiện giờ có phải không nên cho cháu đi tiêm phòng đúng không ạ? Cháu vẫn ăn ngủ bình thường.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Có nhiều lí do gây sốt ở bé 25 tháng, trong đó phổ biến là lí do viêm mũi họng, viêm amidan… Qua thông tin mà bạn mô tả thì không thể xác định con bạn có bị bệnh sởi hay không, bởi biểu hiện lên sởi đặc trưng là phát ban dát sẩn dạng sởi thì không được mô tả. Bạn nên cho bé khám bác sĩ để được xác định.

Về lịch tiêm phòng: Bạn đã cho bé tiêm mũi sởi thứ nhất lúc 13 tháng. Không thấy bạn nêu đó là vắc-xin sởi đơn trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hay vắc-xin phối hợp sởi – Rubella hay vắc-xin dịch vụ sởi – quai bị – Rubella.

Vắc-xin sởi đơn trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: tiêm hai mũi, mũi 1 khi trẻ được 9 tháng và mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Vắc-xin phối hợp sởi – Rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng 2014 – 2015: Tiêm chủng 1 mũi cho tất cả các trẻ trong độ tuổi 1 – 14 tuổi.

Nếu cháu sử dụng vắc-xin phối hợp loại dịch vụ 3 trong 1, còn gọi là vắc-xin MMR: sởi – quai bị – Rubella, sẽ được 2 mũi: Mũi thứ nhất khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ trong độ tuổi đến trường (4 – 6 tuổi).

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

Sốt, hắt hơi, sổ mũi, có phải bị sởi không?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ!

Con gái tôi được 17 tháng tuổi, hôm qua ngày 28/04/2014 (tức 29/03 năm Giáp Ngọ), buổi chiều sau khi ngủ dậy (cháu nằm chiếu trúc và bật quạt nhẹ) thì thấy cháu bị sốt 38 độ, hắt hơi nhiều, nước mũi nhiều (nước mũi vẫn trắng), mắt nhiều nhử, buổi tối cho cháu ăn xong tôi cho cháu uống 1/2 gói Pamin hạ sốt của trẻ thì sau 1 giờ cháu cắt sốt hẳn nhưng vẫn chảy nước mũi nhiều và thỉnh thoảng hắt hơi. Đến đêm 2 giờ sáng cháu lại bị sốt lại như buổi chiều hôm trước và tôi lại cho cháu ăn và dùng thuốc như vậy và cháu cũng hạ sốt nhưng các biểu hiện khác thì vẫn còn như trước. Hôm nay từ sáng đến bây giờ cháu không sốt nữa nhưng vẫn hắt hơi và sổ mũi nhiều (nước mũi vẫn trắng), tôi sợ cháu bắt đầu bị nhiễm sởi, tôi định cho cháu đi khám nhưng vì dịch sởi nhiều quá. Tôi viết tin này nhờ bác sĩ giải đáp giúp tôi xem trường hợp của cháu có bị nhiễm sởi không? Và nếu bị thì có chữa trị tại nhà được không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn!

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em. Bệnh biểu hiện bằng tình trạng viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa và phát ban đặc hiệu ngoài da.

Thời kỳ ủ bệnh chừng 10-12 ngày, thường không có biểu hiện gì. Trong một số trường hợp sau khi tiếp xúc với trẻ ốm, trẻ sốt nhẹ trong 5-6 ngày rồi khỏi, và 3-4 ngày sau mới sốt cao và chảy nước mắt nước mũi, hoặc đi tướt, trớ.

Tiếp đến là thời kỳ khởi phát, dài 4-5 ngày. Hai triệu chứng nổi bật là sốt và viêm long. Trẻ đột ngột sốt cao 39-39,5 độ C, vẻ mệt mỏi, kèm theo nhức đầu, đau cơ, khớp; chảy nước mũi, chảy nước mắt, mắt đỏ, ho nhiều, ho khan, có khi bị tiêu chảy. Sang ngày thứ hai, các triệu chứng trên nặng thêm. Trẻ ho nhiều, ho khan, đôi khi ho từng cơn, khàn giọng. Lúc này, khám miệng thấy trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má có những chấm trắng nhỏ độ 1mm hơi nổi gợn lên (dấu hiệu Koplik). Có khi chỉ có 2-3 nốt ở phần niêm mạc má đối diện với răng hàm số 1. Các nốt này chỉ tồn tại 24-48 giờ và thường lặn hết sau khi sởi mọc 1 ngày.

Thời kỳ mọc sởi (5-7 ngày). Các biểu hiện nặng hẳn lên, thân nhiệt tăng vọt, trẻ có thể sốt tới 40 độ C, ho liên tục… rồi đến đêm thì mọc sởi. Phần nhiều ban mọc ở sau tai, chân tóc rồi lan dần theo trình tự: Mặt, cổ, lưng, bụng và chân tay. Đến ngày thứ 3, ban mọc khắp người, ban mọc dày nhất ở những nơi hay cọ xát hoặc phơi nắng. Có khi các nốt ban hợp với nhau thành từng vầng. Các nốt sởi hình tròn hoặc bầu dục, có màu đỏ hồng nhạt, sờ vào mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Ban sởi bay cũng theo trình tự như khi mọc, để lại các vết thâm và bong da nhỏ như rắc phấn nom vằn như da hổ. Các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần lễ mới hết. Có thể trẻ vẫn còn đau mắt, sổ mũi, quấy khóc, không chịu ăn.

Thời kỳ hồi phục. Trẻ lại sức dần. Thường sau 1 tuần ban sởi bay hết và chỉ sau 2 tuần trẻ trở lại bình thường. Với thể sởi lành tính, nên chữa trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm long; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng, miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm, thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ. Cho ăn nhẹ, đủ chất, cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu Protid và Caroten. Cho trẻ dùng thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống Paracetamol, thuốc an thần.

Cháu gái nhà bạn đã 17 tháng, không biết cháu đã được tiêm phòng sởi mũi nào chưa, theo chương trình Tiêm chủng mở rộng khi cháu được 9 tháng tuổi trở lên, cháu sẽ được tiêm phòng sởi mũi 1, nếu cháu được tiêm phòng sởi mũi 1 rồi khả năng miễn dịch với bệnh sởi đã đạt 90% nên trong cơ thể của cháu đã có kháng thể bảo vệ cháu, tức là khả năng lây nhiễm sởi của cháu ở mức 10%.

Với mô tả bệnh cháu, theo tôi cháu không phải mắc sởi vì cháu hết sốt mà chưa phát ban, cháu có thể bị cảm lạnh hoặc viêm đường hô hấp trên do virus. Cháu đã hết sốt chỉ còn hắt hơi, sổ mũi, bạn nên giữ ấm cho cháu, nhỏ mũi cho cháu bằng dung dịch NaCl 0,9% làm thông thoáng và sạch đường mũi. Cho cháu ăn đủ chất. Khi cháu đủ 18 tháng tuổi, bạn nên nhớ đưa cháu đi tiêm phòng sởi mũi 2. Trẻ đã tiêm 2 mũi phòng sởi có tỷ lệ miễn dịch đạt tới 99%.

Chúc cháu chóng khỏe!

3 tuổi bị sổ mũi, ho, nổi nốt ngứa và chưa tiêm mũi phòng sởi thứ 2 có bị mắc sởi?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con gái tôi năm nay 3 tuổi. Mấy ngày nay cháu bị sổ mũi, ho, người nổi nốt như nốt ngứa. Đang có dịch sởi nên tôi rất lo lắng vì cháu mới tiêm một mũi phòng sởi khi 10 tháng và chưa tiêm mũi thứ 2. Xin hãy giải đáp cho tôi cách phòng sởi cho con trong lúc bệnh sởi đang hoành hành?

Xin cám ơn.

Bác sĩ Đinh Thị Thu Hương


Chào bạn.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, gây dịch, do virus sởi gây nên. Bệnh có thể gây nên dịch và tử vong ở trẻ em. Chính vì thế mà biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh sởi rất quan trọng trong cộng đồng. Bạn nên cho trẻ:

Phải cách ly, tránh nơi đông người.

Nằm ở trong buồng thoáng khí, đủ ánh sáng.

Vệ sinh răng miệng, và thân thể.

Ăn lỏng dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giàu vitamin đặc biệt vitamin A.

Cho trẻ uống đủ nước hoa quả, Oresol. Khi trẻ tiêu chảy, chú ý bù nước và điện giải.

Chườm ấm khi bệnh nhân sốt nhẹ, dùng thuốc hạ sốt khi bệnh nhân sốt cao.

Chỉ định dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kho có dấu hiệu sốt phát ban dạng sởi để khám và chữa trị kịp thời.

Một số dấu hiệu nặng của trẻ em : trẻ mệt, li bì, kích thích, bỏ bú, sốt cao, thở nhanh, khó thở, tiêu chảy. Ban sởi đã bay hết mà trẻ vẫn còn sốt. Bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên ngành Truyền nhiễm hoặc Nhi khoa để có thể được giải đáp chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Chúc con bạn mau khỏe.

Bé bị nổi ban và ho nhiều có phải biểu hiện bệnh sởi không?


Câu hỏi bởi: mjt uot

Chào bác sĩ.

Con tôi nay được 5 tháng tuổi, trên mặt có nổi ban và ho nhiều. Đi khám bác sĩ nói cháu bị viêm phổi, lấy thuốc uống thấy bớt nhưng chưa tới một tuần bệnh tái lại như cũ, bé đi phân rất lỏng. Nhưng bé đi ngoài một ngày chỉ có môt lần. Xin hỏi đó có phải là biểu hiện của bệnh sởi không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào bạn.

Bệnh sởi ban đầu triệu chứng là sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, sau 3-4 ngày sẽ phát ban. Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn sốt cao thêm 4,5 ngày. Ban sởi là những ban dạng dát sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung, không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.

Thông thường, các ban này xuất hiện đầu tiên ở quanh tai, sau đó lan ra đầu và cổ trước khi lan ra toàn bộ cơ thể trong vòng vài ngày tiếp theo. Khi ban lan đến chân thì cơn sốt cũng giảm nếu không thấy biến chứng. Theo mô tả thì con bạn không phải bị sởi. Nếu bạn đã tiêm phòng ngừa sởi khi còn nhỏ thì con rất khó bị sởi trước 9 tháng tuổi.

Chúc sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl