Dị ứng hải sản và những câu hỏi hữu ích nên biết


4,226
1
1
Xu
53
Dị ứng hải sản là một trong những hiện tượng mà nhiều người gặp phải liên quan đến miễn dịch cơ thể. Tuyển chọn câu hỏi sau sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết nhất về vấn đề này.

Dị ứng hải sản


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Năm nay tôi 17 tuổi, tôi bị nôn mửa khi ăn phải thức ăn hải sản như tôm,cua, mực, ghẹ, tép,….Tôi muốn giải đáp bệnh này có thể điều trị được không (Khi tôi còn nhỏ thì tôi ăn các loại hải sản điều được nhưng vào khoảng năm 13 tuổi thì tất cả điều bị dị ứng).

Tôi cám ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào bạn!

Hải sản là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các tình huống bị dị ứng thực phẩm. Rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng cho người có thể tạng không hợp với hải sản (thường gọi là đồ biển) như: cua, tôm, ghẹ, cá nhám, cá ngừ… Chất gây dị ứng có trong đồ biển (hay thức ăn nói chung) khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn. Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra histamine. Histamine sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (cụ thể: histamine phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm khó nuốt, khó thở; phóng ra ở ruột thì gây đau bụng; nếu phóng ra trên da sẽ gây ngứa, nổi mụn…).

Biểu hiện:

Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), rất ngứa, nôn nao khó chịu. Thường vài giờ sau biểu hiện sẽ lặn. Trường hợp nặng thì ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở… Cũng có tình huống nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.

Hiện chưa có cách nào có thể chữa trị được triệt để bệnh dị ứng nói chung và dị ứng hải sản nói riêng. Để phòng bệnh thì không có cách nào khác là bạn cần để ý và tránh ăn những đồ ăn gây dị ứng. Nếu chẳng may ăn phải, thì viêc chữa trị cần loại trừ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt (bằng cách kích thích gây nôn).

Với những tình huống dị ứng nhẹ, có thể dùng bài thuốc dân gian chữa dị ứng thức ăn do tôm, cua, cá.

Nguyên liệu: Gừng sống 10g, đậu xanh 100g, lá tía tô và rễ cây lau tươi mỗi thứ 15g.

Cách làm:

Rửa sạch gừng, rễ cây lau và lá tía tô Giã nát, vắt lấy nước. Cho nước này với đậu xanh vào nồi, thêm nước sạch lượng vừa đủ, nấu cho đậu xanh chín nhừ để ăn.

Các thuốc kháng histamin có tác dụng tốt với các biểu hiện ở da, niêm mạc như nổi mề đay, ban đỏ, phù mặt, thuốc có thể ngăn chặn được các biểu hiện dị ứng nhẹ ngoài da, niêm mạc, nhưng không ngăn chặn được các phản ứng dị ứng nặng như sốc phản vệ, khó thở nếu có xảy ra. Nếu bị nặng, cần đến ngay bệnh viện, không được tự ý sử dụng các loại thuốc chống dị ứng.

Chúc bạn luôn khỏe!

Bị dị ứng hải sản phải làm sao?


Câu hỏi bởi: linh

Chào bác sĩ.

Khi ăn cua, tôm, mực, cháu đều bị sưng khắp người (cháu bị viêm gan B). Vậy phải làm sao để khỏi đây thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào cháu.

Hải sản (cua, tôm, ghẹ, cá…) là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng nhưng lại là nhóm thức ăn gây dị ứng nhiều nhất trong số các tình huống dị ứng do ăn uống. Chất gây dị ứng trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn cảm. Việc đầu tiên, cơ thể sinh ra một loại kháng thể đặc dị (gọi là protein miễn dịch IgE). Nếu tiếp tục ăn cua, ghẹ,… chất gây mẫn cảm sẽ thúc đẩy IgE kết hợp với các tế bào phì đại của hệ thống miễn dịch để tạo ra histamin. Histamin sinh ra trong các cơ quan, tổ chức khác nhau nên gây ra các triệu chứng khác nhau: Histamin phóng ra trên da gây ngứa (mề đay); histamin phóng ra ở vòm họng, mũi, miệng gây khó thở khó nuốt…

Đối với dị ứng hải sản, không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng cá thể. Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng hoặc khắp người, rất ngứa, người nôn nao khó chịu, mấy giờ sau có thể lặn. Nặng thì ngoài nổi ban và ngứa còn phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… Cá biệt, cũng có tình huống nguy kịch, người bệnh có sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Việc biết cách xử trí sau khi bị dị ứng với hải sản là hết sức cần thiết.

Cách tốt nhất là cháu loại trừ thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt bằng cách kích thích gây nôn. Cháu nên uống nhiều nước từ 1,5-2 lít nước sẽ làm giảm các biểu hiện về dị ứng về hải sản, có thể dùng thêm nước cam, nước chanh giúp thanh lọc cơ thể nhanh. Nếu cháu cảm thấy khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy… thì cần đến các bệnh viện gần nhất để các bác sĩ chữa trị kịp thời. Đặc biệt, không được tự ý dùng các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Trường hợp cháu bị dị ứng hải sản thì cần lưu ý:

Tránh ăn uống, tiếp xúc với những loại thực phẩm có nguồn gốc từ hải sản.

Nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì khi hít phải hơi thức ăn loại này cũng có thể bị dị ứng.

Không nên ăn các loại hải sản đã chết hoặc chế biến không đảm bảo do loại thức ăn này có thể chứa nhiều histamin do nhiễm khuẩn.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Bé bị ngứa ở cổ do dị ứng với trứng, hải sản trong thời gian dài


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bé nhà em từ 7 tháng đến nay, 11 tháng tuổi, bị dị ứng các thể loại như trứng, hải sản nên em nghe lời khuyên bác sĩ không cho bé ăn các loại đó, lâu lâu thử cho bé ăn 1 tí trứng để thử xem bé hết dị ứng chưa nhưng bé vẫn còn dị ứng nên không cho bé ăn nữa. Gần đây, bé vẫn thường ngứa ở cổ mặc dù em đã dừng gần 1 tháng, bác sĩ giải đáp giúp em có nên dẫn bé đi khám ở Da liễu không ạ? Có người nói bé bị giun, có nên tẩy giun không ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Trẻ dưới 12 tháng tuổi dễ bị dị ứng với một số loại thức ăn như trứng và hải sản. Tuy nhiên, dị ứng của con bạn có thể giảm dần theo tuổi. Bé nhà mình đã không ăn trứng và hải sản gần 1 tháng nay, nhưng bé vẫn bị ngứa ở cổ, bạn thử xem bé có dùng khăn mới hay áo mới không để còn loại trừ lí do. Nếu vẫn còn ngứa bạn cho bé đến khám chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời. Bé mới 1 tuổi thì chưa tẩy giun được bạn nhé, trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên nên được tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Phòng ngừa nhiễm giun cho trẻ: Cha mẹ cần làm gương và hướng dẫn trẻ biết vệ sinh thân thể sạch sẽ (rửa tay trước và sau khi ăn). Chỉ ăn những thức ăn đã được nấu chín, uống nước đã được đun sôi. Giúp bé vệ sinh cá nhân như: Thường xuyên cắt móng tay cho bé, tắm rửa sạch sẽ, nhất là vệ sinh hậu môn sau mỗi lần bé đi tiêu. Không để bé nghịch ngợm đất cát.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Bé gần 11 tháng tuổi, bị dị ứng trứng và hải sản, có tiêm ngừa sởi được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bé nhà em bị dị ứng với trứng và hải sản, lúc trước em có nghe bác sĩ dặn tập cho bé ăn lòng đỏ trứng gà, nếu không dị ứng mới đưa bé đi tiêm ngừa cúm và sởi. Nay bé vẫn còn dị ứng, nên em boăn khoăn không dám đưa bé đi tiêm ngừa, nhưng không tiêm thì không yên tâm vì theo em được biết bệnh sởi rất nguy hiểm! Xin bác sĩ giải đáp giúp em.

Em xin cảm ơn bác sĩ ạ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Một số vắc-xin được sản xuất từ tế bào phôi trứng gà (vắc-xin sởi, một số loại vắc-xin dại, vắc-xin quai bị) hoặc từ chính phôi trứng gà (vắc-xin cúm). Do đó chống chỉ định với các loại vắc-xin này là những đối tượng bị dị ứng với trứng. Trẻ dưới 12 tháng tuổi dễ bị dị ứng với một số loại thức ăn như trứng và hải sản. Tuy nhiên, việc dị ứng của con bạn có thể giảm dần theo tuổi. Bạn có thể đợi khi nào bé hết dị ứng thì có thể đi tiêm phòng vắc-xin sởi và cúm. Cần lưu ý chỉ cho bé tiêm vào thời điểm bé hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện tại dịch sởi đang bùng phát, bạn nên cách ly con bạn với người mắc bệnh (hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi người bệnh có phát ban); Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, cần hạn chế cho bé đến chỗ đông người.

Chúc hai mẹ con vui, khỏe!

Mẩn ngứa khắp người và nổi cả trên mặt chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: hoangson

Chào bác sĩ!

Con năm nay 19 tuổi và từ nhỏ đến giờ con ăn không bị dị ứng món nào cả. Hôm kia con có ăn cơm mực xào, thì ngay tối đó bị nổi mẩn ngứa ngay hông và lan rất nhanh khắp người ạ. Mẩn ngứa khoảng 1 thời gian thì lan ra từng mảng đỏ. Ra tiệm thuốc, người ta nói bị dị ứng và kêu dùng thuốc 3 ngày là hết. Nhưng đến nay bệnh tình chưa giảm, không biết là con bị bệnh gì ạ thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Thông tin em cung cấp em bị dị ứng thức ăn dạng ban dát sẩn. Dị ứng thức ăn có nhiều mức độ, nếu nặng diễn ra như sốc phản vệ phải khắc phục cấp cứu cò nhẹ có thể nổi mẩn ngứa, mày đay, tiêu chảy… Nói chung dị ứng thức ăn biểu hiện lâm sàng rất phong phú đa dạng. Ở em bị dị ứng hải sản (mực) cho nên từ nay về sau không nên ăn mực. Hết sức chú ý người có cơ địa dị ứng như em thì còn có thể bị dị ứng các loại thức ăn khác vì vậy nên quan tâm theo dõi và ghi nhớ các loại thức ăn gây dị ứng thì không ăn nữa. Hiện tại em đã uống kháng Histamin không đỡ thì em nên uống bổ sung thêm Corticoid (Medrol), tốt hơn hết em phải tới bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể.

Chúc em mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl