Thắc mắc về hiện tượng thủng màng nhĩ ở trẻ


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Thủng màng nhĩ là hậu quả của tình trạng viêm nhiễm tại chỗ ở tai lâu ngày không được điều trị. Tuyển chọn những câu hỏi sau sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về vấn đề này ở trẻ nhỏ.

Vô tình làm tai bé chảy máu khi ngoáy tai có bị thủng màng nhĩ?


Câu hỏi bởi: myduyen

Xin chào bác sĩ.

Bé con của em nay đã được 16 tháng. Khi em đang ngoáy tai cho bé thì vô tình bé xoay đầu qua làm cây bông tăm vào sâu, Bé khóc ré lên và em soi thấy tai bé chảy máu. Em rất lo và đã cho bé đi khám bác sĩ tư về tai mũi họng, bác sĩ nói máu đã đông lại để theo dõi 2-3 ngày. Ngày hôm sau em có cho bé lên khám lại bác sĩ nói tai không sưng, không sao. Nhưng em vẫn chưa yên tâm vì bé hơi nóng người mà hiện tai bé đang sổ mũi và ho hơn tuần nay. Em không biết bé nóng do tai hay do sổ mũi và ho. Bác sĩ cho em một lời khuyên để em yên tâm hơn ạ. Liêu màng nhĩ của bé có vấn đề gì không và biểu hiện của bị thủng màng nhĩ ra sao thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Một số lí do gây thủng màng nhĩ là:

– Chấn thương trực tiếp: Vật nhọn đâm vào, thường gặp trong các tình huống này là bất cẩn trong khi lấy ráy tai để dụng cụ đâm vào màng nhĩ.

– Chấn thương gián tiếp: Khi áp lực quá mạnh ảnh hưởng lên màng nhĩ, xảy ra khi bị người khác tát tai quá mạnh, hoặc do chấn thương bom mìn, hay lặn quá sâu…

– Viêm tai giữa: Do viêm nhiễm từ vùng mũi họng gây tụ dịch, tụ mủ trong hòm nhĩ và làm thủng màng nhĩ từ trong ra . Dấu hiệu nhận biết khi bị thủng màng nhĩ: Thủng màng nhĩ đột ngột hay còn gọi là rách màng nhĩ sẽ gây đau nhói trong tai, ù tai, chảy máu tai, chóng mặt và điếc. Nếu chỉ rách màng nhĩ đơn thuần thì điếc nhẹ, nếu tổn thương sâu đến tai trong thì điếc nặng hơn. Nếu thủng màng nhĩ do viêm tai giữa cấp thì trước đó sẽ có biểu hiện sốt nóng, đau nhức trong tai, ù tai, nghe kém.

Khi màng nhĩ thủng, mủ thoát ra được ngoài ống tai thì các biểu hiện trên giảm đi. Trường hợp thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch thì biểu hiện không rõ ràng và diễn biến phức tạp. Bởi triệu chứng của bệnh viêm tai giữa thanh dịch rất khó phát hiện, người bị viêm tai giữa thanh dịch thường không sốt, không đau tai, rất ít khi có ù tai, không thấy chảy dịch ở tai, biểu hiện duy nhất là bị nghễnh ngãng.

Bệnh viêm tai giữa thanh dịch là biến chứng thường gặp nhất của viêm VA, do vậy, để phòng bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa thanh dịch cần chữa trị căn nguyên viêm VA. Trường hợp bé nhà bạn bị chảy máu tai nhưng đi khám bác sĩ nói không sao thì có thể là cháu chỉ bị viêm mũi họng. Nếu bạn chưa yên tâm thì có thể tiếp tục theo dõi cháu thêm vài ngày nữa, nếu có dấu hiệu bất thường thì đưa cháu đi khám lại.

Chúc bé nhà bạn chóng khỏi bệnh!

Bé bị que ngoáy tai đâm vào tai chảy máu có bị thủng màng nhĩ không?


Câu hỏi bởi: mecon

Em chào bác sĩ ạ.

Thưa bác sĩ! Khi em ngoáy tai thì bé vô tình quay qua quay lại và làm cây ngoáy tai đâm vào tai, gây chảy máu tai, bé rất đau và khóc. Bé năm nay đã 17 tháng tuổi. Xin hỏi bác sĩ bé có bị thủng mạng nhĩ không?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Không chắc chắn là bé có bị rách màng nhĩ hay không, có thể trẻ bị rách ống tai ngoài cũng gây chảy máu. Bạn cần cho cháu khám soi tai mới phát hiện được có tổn thương màng nhĩ hay không.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

Thuốc nhỏ tai khi bị thủng màng nhĩ liệu có an toàn


Câu hỏi bởi: vitxiu

Chào bác sĩ!

Con tôi hiện nay 18 tháng tuổi. Cháu được chẩn đoán viêm tai giữa cấp 2 bên. Bên trái sưng huyết đỏ, bên phải tai chứa nhiều mủ sưng phồng. Bác sĩ đã tiến hành trích hút dịch cho cháu. Bác sĩ còn kê đơn thuốc nhỏ tai gồm ciloxan drop 0.3%/5ml và dexamethason 4mg/ml. Xin hỏi bác sĩ đây có phải thuốc an toàn cho trường hợp đã trích rạch màng nhĩ của cháu không ạ?

Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn!

Tai được chia thành 3 phần gọi là tai ngoài (vành tai), tai giữa (hòm nhĩ bao gồm màng nhĩ) và tai trong (tiền đình và ốc tai). Tai ngoài và tai giữa liên quan trực tiếp đến môi trường nên lí do gây bệnh từ ngoài có thể xâm nhập vào, gây bệnh. Tai giữa có đường liên thông với môi trường từ phía trong gọi là vòi nhĩ. Nó nối thông từ phía sau mũi lên tai. Bình thường, không khí đi từ mũi họng qua vòi nhĩ đến hòm nhĩ. Hòm nhĩ chứa không khí làm màng nhĩ căng ở vị trí bình thường. Bệnh từ mũi xoang họng có thể di chuyển lên tai giữa gây viêm. Mủ hay dịch viêm tai giữa tiết ra sẽ đẩy không khí ra khỏi hòm nhĩ và lấp đầy tai giữa. Điều này làm ù tai, khó nghe, đau nhức. Màng nhĩ bị viêm, ứ dịch đến một lúc nào đó sẽ thủng (thủng tự nhiên hay do ta chích rạch) và dịch hay mủ ứ đọng trong hòm nhĩ sẽ chảy ra ngoài ống tai. Khi viêm tai giữa được chữa, dịch viêm hết, màng nhĩ sẽ liền lại sau vài tuần như tình huống con bạn.

Nếu lí do gây bệnh từ mũi xoang như viêm mũi, viêm VA, viêm Amygdal không được giải quyết, bệnh lại tiếp tục lên tai, gây chảy mủ tai. Tai cháu đã bị lần này, khả năng sẽ còn gặp nhiều lần khác. Đối với bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em, khi phát hiện ứ mủ tai giữa, màng nhĩ sưng phồng chỉ cần chích rạch màng nhĩ, tháo mủ ra ngoài, súc rửa tai sạch ngày vài ba lần kèm theo uống kháng sinh khoảng 1 tuần là khỏi. Thuốc nhỏ tai bất kể loại gì trong tình huống này đều không thật cần thiết. Cần tránh để nước vào tai cháu, lau khô tai cháu nếu chảy dịch hay mủ, dùng thuốc theo đơn bác sĩ, tái khám theo hẹn để chữa khỏi viêm tai lần này. Sau đó là quá trình phòng tránh viêm tai giữa bằng cách theo dõi mũi họng. Nếu cháu có các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, ho, hắt xì, sốt,…cần đến khám bác sĩ tai mũi họng và dùng thuốc ngay (nhớ nói với bác sĩ tai mũi họng là cháu đã bị tai lần trước rồi). Nếu cháu thường bị chảy mũi nhất là khi đi nhà trẻ. Cần cho cháu uống 3 đợt thuốc, mỗi đợt 10 ngày (cách nhau 20 ngày), mỗi ngày 1 viên thuốc Broncho vaxom 3,5mg nhé (tổng liều 30 viên trong 3 tháng). Thuốc này phòng được 6 loại vi trùng hay gây viêm mũi họng trẻ em.

Chúc cháu nhà bạn nhanh khỏi bệnh!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Lấy ráy tai bằng tăm bông gây chảy máu


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con em 6 tuổi, hôm nay em lấy ráy tai cho cháu bằng tăm bông, chẳng may tăm quệt vào tai gây chảy máu. Em đi khám bác sĩ bác bảo chỉ xước ống tai, bác sĩ có vệ sinh tai cho cháu nhưng về nhà máu vẫn chảy rỉ ra vành tai, liệu con em có bị thủng màng nhĩ không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Vệ sinh bằng tăm bông không thể gây rách màng nhĩ vì ống tai cong gấp xuống dưới. Chỉ có cố tình chọc và rất mạnh chúc xuống dưới mới làm thủng màng nhĩ. Bằng chứng là bác sĩ đã khám màng nhĩ không bị thủng. Nhưng việc trẻ vẫn rỉ máu ra vành tai thì bạn nên tái khám lại luôn để bác sĩ khắc phục tiếp vì bình thường rách xước ống tai thì máu sẽ tự cầm.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl