Trẻ chậm nói: Phải làm thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hiện tượng chậm nói ở trẻ gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Sau đây là những lời khuyên của bác sĩ.

Nguyên nhân và cách chữa trị khi trẻ chậm nói


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Con em năm nay 25 tháng tuổi vẫn chưa nói được, thỉnh thoảng gọi “papa”. Xin bác sĩ cho em biết lí do và cách điều trị thế nào ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Trẻ em 25 tháng tuổi mới biết nói được một ít từ là chậm so với biểu đồ phát triển trí tuệ. Có nhiều tình huống xảy ra, bạn xem xét xem con mình có thể rơi vào một trong các tình huống sau để đưa ra được cách chăm sóc điều trị đúng:

Bị bệnh Down: Đầu ngắn và bé, gáy rộng và phẳng, cổ ngắn, vai tròn, mặt dẹt, trông ngốc, tai thấp nhỏ, dị thường, kém mềm mại, mắt xếch, mí mắt lộn lên, đôi khi bị lác, mũi nhỏ và tẹt, miệng trễ và luôn luôn há, vòm miệng cao, lưỡi dày thè ra ngoài, chân tay ngắn, bàn tay ngắn, to.

Thiểu năng trí tuệ: Các dấu hiệu bên ngoài đều bình thường nhưng sự phát triển về trí tuệ chậm, trẻ vẫn tiếp thu giao tiếp với bố mẹ được, nhưng tự hình thành động tác phản ứng lại chậm. Bạn cần tăng cường giao tiếp quan tâm đến trẻ nhiều hơn, thường xuyên dạy trẻ phát âm các từ dài và khó dần, có thể sẽ cải thiện được sự chậm nói này.

Trẻ tự kỷ: Các chức năng vận động và thần kinh của trẻ đều bình thường, đây là một dạng bệnh đặc biệt gần với các bệnh tinh thần. Trẻ tự kỷ ngoài triệu chứng ít nói, chậm nói còn kèm theo những hành động bộc phát không phù hợp với hoàn cảnh. Bạn cần đưa trẻ đến các trung tâm dạy trẻ tự kỷ với các cách dạy và chăm sóc khoa học. Đối với trẻ tự kỷ việc dẫn đạo của bố mẹ cho trẻ thường không phù hợp, càng tập trung dạy dỗ các triệu chứng càng nặng nề. Việc hướng đạo cho trẻ tự kỷ cần có những chuyên gia, có kiến thức tâm sinh lý mới có thể thực hiện tốt việc này, bạn cần đưa trẻ đến những trung tâm như thế.

Khuyết tật vùng thanh quản họng: Trẻ nói ngọng,…

Trẻ chỉ chậm nói.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.

Trẻ bị tự kỉ, chậm nói phải làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Con trai tôi hiện nay 18 tháng tuổi, nhưng cháu chỉ mới bập bẹ nói ba ba. Mọi ngươi gọi tên cháu, cháu không ngoảnh lại (thỉnh thoảng cháu mới ngoảnh). Khi có bầu cháu tôi không nghén, thai nhi cũng phát triển bình thường. Cháu lúc sinh đươc 3,4 kg, hiện giờ cháu được 10kg. Cháu sinh được 2 tháng thì tôi phải đi làm nên cháu ở nhà với bà nội, thời gian ở nhà với bà cháu hầu như xem ti vi, cứ ngủ là thôi còn thức là xem, mà thời gian nói chuyện với cháu không có. Thời gian gần đây gia đình thấy lo nên đã đưa cháu đi khám ở bệnh viện Nhi và bác sĩ kết luận cháu có triệu chứng tự kỷ. Cháu chơi vui, thích chơi với nhiều người, thích chơi trốn tìm, hay cười đáp lại nếu cháu thấy vui. Xin bác sĩ hãy giúp tôi cách để cháu nhanh biết nói.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào bạn!

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ tự kỷ ở giai đoạn 6 – 24 tháng tuổi:

Không thích âu yếm, cơ thể có thể mềm yếu hay cứng nhắc khi được ôm

Không thân thiện với cha mẹ

Gọi tên hầu như không phản ứng lại

Không chơi các trò chơi đơn giản như: Ú oà

Chưa có dấu hiệu ngôn ngữ

Dường như không quan tâm đến các đồ chơi của trẻ em

Thích nhìn ngắm các bàn tay bàn chân của mình

Không nhai hoặc không chấp nhận những thức ăn cứng

Thích đi kiễng chân, đi bằng 5 đầu ngón chân

Thường phát ra các âm vô nghĩa.

Con bạn hiện tại 18 tháng tuổi cháu đã phát âm được từ nào liền hai âm khác nhau chưa? Ví dụ như ba ơi, bà ơi,… Nếu cháu chỉ nói hai từ giống nhau như ba ba thì sự phát triển ngôn ngữ của cháu rất chậm. Khi gọi tên cháu không ngoảnh lại,… Bạn hãy so sánh các biểu hiện nói trên thì con bạn có dấu hiệu khá rõ của trẻ bị hội chứng tự kỷ.

Bạn sống ở tỉnh nào? Nếu bạn ở Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc thì bạn nên đưa cháu đến khám tại khoa Tâm bệnh thuộc bệnh viện Nhi Trung ương. Ở đó có các lớp hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc và hướng dẫn luyện tập cho con bị tự kỷ, rất bài bản. Bạn hãy tới đó khám cho cháu để có kết luận cụ thể và được giải đáp và hướng dẫn cách dạy cháu tập nói. Qua phần trao đổi ngắn ngủi này tôi không đủ thời gian để trao đổi với bạn tỉ mỉ được.

Chúc bạn thành công và chúc bé mau khoẻ mạnh!

Bé 3 tuổi chưa nói được làm thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Tôi ở Daklak, tôi có một bé 3 tuổi. Cháu vẫn bình thường nhưng cháu vẫn chưa nói được làm tôi rất lo. Vậy cho tôi hỏi cháu có bệnh gì không ạ?

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Chào bạn!

Như bạn kể thị con bạn chậm nói. Chúng tôi muốn chia sẻ với bạn như sau: Trẻ 3 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh về ngôn ngữ. Vốn từ của trẻ thời kỳ này tăng lên phong phú. Trẻ biết sử dụng vốn từ theo các quy tắc ngữ pháp trong từng câu, từng đoạn lời nói khác nhau. Ngay khi nói được các câu trọn vẹn thì đồng thời trẻ cũng bắt đầu học cách đặt câu hỏi và chuyển từ câu khẳng định sang phủ định.

Nếu trẻ 3 tuổi mà vốn từ nghèo nàn tới mức không đủ để diễn tả những điều mình muốn nói, nói ngọng, nói lắp…thì có thể đánh giá trẻ bị chậm phát triển ngôn ngữ. Gia đình nên cho trẻ đi khám cả lâm sàng về mặt y học và khám tâm lý để xác định mức độ nặng nhẹ và lí do khiến trẻ chậm phát triển khả năng nói, từ đó có biện pháp chữa trị thích hợp. Đôi khi có thể do trục trặc trong vòm miệng như với lưỡi hay hàm ếch…hoặc có vấn đề với khả năng nghe cũng khiến trẻ chậm nói. Bên cạnh đó nhiều tình huống trẻ chậm nói do các lí do tâm lý như: trẻ thiếu kích thích diễn tả ngôn ngữ, không có môi trường giao tiếp…

Khi đó, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau để giúp trẻ nói tốt hơn: Việc xem TV khiến trẻ chỉ nhận thông tin một chiều nên gia đình cần hạn chế. Hoặc mỗi khi cho trẻ xem chương trình gì thì người lớn có thể ngồi bên cùng trẻ nhận xét, bình luận, đặt ra những câu hỏi để trẻ vừa xem vừa phản hồi thông tin. Bạn nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, có thể đọc truyện cho trẻ nghe, hỏi về các nhân vật và tình tiết trong truyện. Bạn cần khuyến khích trẻ kết bạn, mời các bạn của trẻ đến nhà chơi.

Bạn cần kiên trì, tích cực sửa phát âm cho trẻ bằng cách yêu cầu trẻ nói lại ngay những từ đã phát âm sai. Bạn nên yêu cầu trẻ nói đúng, rõ ràng những nguyện vọng của mình thì mới được mọi người đáp ứng. Bạn nên cho trẻ đi học mẫu giáo cũng là biện pháp tốt tạo thuận lợi để trẻ có môi trường giao tiếp để trẻ tập nói.

Chúc cháu luôn khỏe và sớm biết nói!

Bé nhà em 23 tháng tuổi bị chậm nói, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi: Cháu nhà em được 23 tháng tuổi nhưng có biểu hiện chậm nói. Nhờ các bác sĩ giải đáp giúp em phải làm thế nào? Hoặc có nên áp dụng các biện pháp dân gian giúp cháu nhanh biết nói hơn không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sáng


Xin chào bạn!

Chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau: Con bạn 23 tháng tuổi có thể nói một số từ, nếu thấy trẻ chậm nói, bạn cần quan tâm đến việc tâp luyện ngôn ngữ cho bé. Cần trò chuyện với bé nhiều hơn, cho bé chơi tập thể với các bạn và tập cho bé phát âm (yêu cầu bé nói những gì bé cần và không đáp ứng vội khi bé ra hiệu. Bạn cần dành thật nhiều thời gian trò chuyện với con, đọc cho trẻ nghe, những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước cử động, hoặc có các hình hoa văn để trẻ có thể chạm vào. Cho trẻ chỉ các bức tranh và cố gắng gọi tên chúng. Tận dụng mọi trường hợp hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ. Mặt khác, bạn cũng nói liên tục nếu có thể. Chẳng hạn, gọi tên thức ăn khi ở trong quầy hàng, giải thích bạn đang làm gì khi bạn đang nấu hoặc lau nhà, chỉ các vật ở quanh nhà, và khi đưa bé lên xe, chỉ các âm thanh mà bạn nghe thấy. Đặt câu hỏi và lắng nghe bé trả lời. Ngoài ra, về mặt dinh dưỡng bạn nên bổ sung DHA cho bé, chât này có trong một số thuốc bổ sung vitamin ,cũng như một số loạii sữa giàu DHA.

Chúc con bạn nhanh biết nói!

“Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế kiểm duyệt”

Bé 3 tuổi nhưng chưa nói được từ nào


Câu hỏi bởi: phạm yến

Chào bác sĩ!

Con trai tôi được 3 tuổi nhưng chưa nói được từ nào, chỉ la hét và be be cả ngày. Bé rất hiếu động và bướng bỉnh. Khi chúng tôi muốn dạy bé điều gì thì bé thường không chú ý và không ngồi yên một chỗ để tôi hướng dẫn bé tập nói hoặc chơi. Chơi nhanh chán, và thường ném đồ chơi khi không thích nữa. Khi tôi gọi bé thì bé không phản ứng, hoặc phản ứng rất chậm. Tôi rất lo lắng. Tôi đã đưa bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám tâm lý nhưng bác sĩ kết luận là trẻ chậm nói thông thường. Các bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên bé bị bệnh gì và cách chăm sóc bé như thế nào.

Tôi xin cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thông thường tất cả trẻ nhỏ trước 24 tháng đều nói được 25 từ cơ bản. Nếu trẻ không nói được có thể được coi là chậm nói. Chậm nói có thể là một dấu hiệu tạm thời ở một số trẻ và sau một thời gian trẻ sẽ có thể tự nói được. Con bạn được 3 tuổi nhưng chưa nói được từ nào như vậy thì có thể nói là con bạn bị chậm nói thật sự. Bé nhà bạn đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 kết luận là chậm nói thông thường nghĩa là bé vẫn hiểu được lời nói thì bạn có thể tạm yên tâm.

Nếu được giúp đỡ tốt, bé có thể sẽ nói bình thường. Bạn và gia đình cần tích cực nói chuyện với cháu nhiều hơn. Trẻ sẽ có sự quan sát và ghi nhận những hoạt động bằng hình ảnh và ngôn ngữ xảy ra chung quanh mình. Vì vậy bạn và gia đình cần tích cực trong việc:

Chào hỏi nhau, chào hỏi bạn bè, họ hàng, con cái … để bé học và hiểu ý nghĩa các lời chào hỏi này. Và rất hay ảnh hưởng khi gặp bé bằng những câu chào hỏi. Mô tả, nói ra những nhu cầu của bé, những yêu cầu và hành động của bố mẹ, của những người xung quanh, giúp trẻ tăng cường vốn từ, sự hiểu biết. Khi chơi với bé, hãy rất hay đặt câu hỏi và tự trả lời (vì bé sẽ không thể trả lời ngay, hay chỉ có thể phản ứng bằng hành động: gật đầu, lắc đầu, đẩy ra, đưa tay tóm lấy… ) Thỉnh thoảng có thể giấu một món đồ đi và đặt ra câu hỏi xem vật đó ở đâu. Nếu tình trạng này không được cải thiện sau vài tháng nữa thì cũng cần phải nghĩ tới các lí do khác vì chậm nói cũng có thể là một dấu hiệu của các rối loạn khác ở trẻ.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl