Ho lâu ngày ở trẻ và những điều cần biết


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Ho vốn ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ nhỏ. Và tất nhiên, ho lâu ngày còn gây nhiều bất tiện và nguy hại nhiều hơn thế.

Bé bị ho lâu ngày không khỏi phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi, con em được 4 tháng mà hay bị ho. Em cho uống nhiều loại thuốc rồi mà mãi không khỏi, giờ phải làm sao ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Em xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào em!

Em không nói rõ con em ho như thế nào, ho có đờm hay ho khan (không có đờm). Bao lâu con em bị ho một lần? Mỗi đợt ho kéo dài bao lâu? Em đã dùng những thuốc gi? Thuốc đông y hay các bài thuốc dân gian, hoặc các bài thuốc đông y? Ho có kèm theo sổ mũi, có sốt? Bé 4 tháng tuổi, kháng thể bảo vệ cho bé từ sữa mẹ giảm dần, nên sức đề kháng của bé sẽ kém hơn, bé dễ bị bị bệnh hơn so với các tháng trước. Thời điểm này bé dễ bị viêm đường hô hấp trên, lí do do bé bị lạnh và đầu tiên virus sẽ tấn công vào bé gây sổ mũi, chảy nước mũi, viêm đường hô hấp trên triệu chứng ho… Theo tôi, em đã cho uống nhiều loại thuốc rồi mà mãi không khỏi, em nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để sớm tìm ra lí do gây ho và có hướng chữa trị tốt nhất cho con em.

Em có thể dùng dầu gió hoặc dầu phật linh, loại dùng cho bé dưới 1 tuổi, buổi tối trước khi đi ngủ, em bôi vào gan bàn chân cho con em (1/3 trên gan bàn chân có huyệt dũng tuyền chữa ho rất hiệu nghiệm) sau đó đi tất chân cho con để giữ ấm, bôi dầu ở dưới dái tai của con em, bôi ở giữa cổ tay trong của bé, bôi lên phía cẳng tay khoảng 2 cm, bé sẽ đỡ ho. Bôi đến khi con khỏi ho thì thôi.

Chúc bé sớm khoẻ!

Bé bị ho kéo dài gần 4 tháng nay phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Bé nhà em được 4 tuổi nặng 23 kg. Bé bị ho kéo dài gần 4 tháng nay. Em đưa bé đi khám và uống nhiều thuốc Tây rồi ạ, bé đã được tiêm tại bệnh viện huyện, khi uống thuốc bé hết ho, sau khi ngừng thuốc khoảng 2 ngày là bé lại ho trở lại. Vậy bé có chữa được không và nhà em nên đưa bé đi khám ở đâu để chữa trị dứt điểm?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một vài lí do thường gặp gây ho kéo dài ở trẻ em:

Hen phế quản.

Nhiễm khuẩn hô hấp trên: Bệnh lý vùng tai, mũi, họng tái phát do nhiễm siêu vi trùng, viêm xoang mãn tính.

Nhiễm khuẩn hô hấp dưới: Thường khởi phát do virus, rồi bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt viêm phổi do Mycoplasma (hiện bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Vinmec đã làm được PCR Mycoplasma từ dịch tị hầu cho kết quả trong vòng 24 giờ, giúp chẩn đoán và chữa trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả) hoặc viêm phổi do Chlamydia, lao phổi. Chú ý: Nhiễm khuẩn hô hấp kéo dài và tăng nặng thêm bởi hít phải khói thuốc lá thụ động từ môi trường xung quanh trẻ và có thể do trào ngược dạ dày – thực quản gây viêm đặc hiệu đường hô hấp.

Ho gà.

Dị vật đường thở.

Ho tâm bệnh.

Bạn nên đưa bé đến khám tại những bệnh viện Đa khoa có chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện Nhi để bé được làm các thăm dò cần thiết mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh và chữa trị hiệu quả được nhé.

Chúc bé sớm khỏi bệnh!

Xin tư vấn điều trị ho và khịt mũi kéo dài


Câu hỏi bởi: Nguyễn Thiên Hà

Thưa bác sỹ. Con em được 6 tuần tuổi. Vào tuần tuổi thứ 2 cháu bị viêm phổi đã điều trị khỏi. Khoảng 3 tuần nay cháu lại ho và khịt mũi. Em có cho rửa nước muối sinh lý và uống prospan nhưng vẫn k khỏi. Hiện tại cháu bị thêm táo bón (, 5 ngày mới ị và phân dẻo quánh, vàng), vòm miệng có đốm trắng. Xin bác sỹ tư vấn phương pháp điều trị cho bé ạ. Cảm ơn bác sỹ.

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn,
Về vấn đề táo bón, nếu cháu vẫn bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần phải ăn bổ sung các thức ăn nhuận tràng và uống nhiều nước; nếu cháu có uống thêm sữa ngoài thì bạn cần chú ý chọn sữa giàu chất xơ hoặc pha loãng sữa cho cháu uống. Ngoài ra, bạn có thể chườm ấm vùng bụng và xoa bụng cháu theo chiều kim đồng hồ để kích thích đi ngoài.
Đốm trắng ở vùng miệng thì bạn cần phải mua thuốc để tưa miệng cho bé, kể cả sau khi bú.
Bạn nên đưa cháu đi khám để được bác sĩ kiểm tra mức độ ho và các vấn đề liên quan nhé.
Chúc bạn sức khỏe!

Bé trai 4 tuổi bị ho kéo dài nhiều ngày, hay tái lại là bị làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ.

Con trai em năm nay 4 tuổi, hay bị ho, mỗi lần ho kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Lúc trước chỉ cần cho uống siro hoặc kháng sinh 2 ngày là khỏi, dạo gần đây cháu ho nặng, uống kháng sinh và kháng viêm như Amoxilin500g, Anfa choay… nhưng không đỡ. Cách đây 10 ngày cháu vừa phải tiêm 3 mũi kháng viêm mới khỏi. Sau 1 tuần cháu lại bị ho lại, ho kèm sổ mũi, không sốt nhưng ho liên tục. Trước đó, cháu chưa bị viêm phổi hay viêm phế quản, chỉ bị viêm amidan, viêm họng hoặc ho kèm theo đờm. Em băn khoăn không hiểu sao cũng chăm sóc con như mọi người mà con em hay ho vậy (vào dịp thay đổi thời tiết có tháng ho 2 lần). Có phải do khi sinh ra cháu mới được 8 tháng nên sức đề kháng yếu hay do lí do gì? Em định cho con đến Viện Nhi để khám xem liệu trong người cháu có mắc bệnh gì không nhưng do ở xa và vì công việc nên em chưa tiện đưa đi. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Con bạn bị sinh non nên có thể sức đề kháng của cháu yếu, dễ viêm amidan, viêm họng hoặc ho kèm theo đờm. Mặt khác, trước đây mỗi lần cháu bị, bạn chỉ cho cháu uống kháng sinh 2 ngày, như vậy là chưa đủ liều, dễ tạo ra tình trạng kháng thuốc. Khi bệnh tái lại, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng.

Bạn có thể cho con uống Broncho Vaxom 3 tháng liên tiếp, mỗi tháng uống 10 ngày, mỗi ngày 1 viên. Đây là loại thuốc tương tự vắc xin, giúp tạo ra miễn dịch thụ động nhưng nếu lạm dụng sẽ gây ra ức chế miễn dịch chủ động, lâu dài sẽ không tốt cho hệ miễn dịch của bé. Vì vậy, bạn cần cho con uống đúng liều lượng.

Ngoài ra, bạn có thể dự phòng bệnh cho bé bằng những cách sau:

Dùng nước muối sinh lý hay là nước biển phun sương rửa mũi cho trẻ hàng ngày, nhất là lúc vừa từ ngoài đường về đến nhà.

Bôi kem giữ ẩm da lên vùng da dưới mũi để tránh trầy xước da bé do lau chùi nước mũi.

Chạy máy giữ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn và thoáng mát để tạo môi trường trong lành cho bé. Nếu gia đình không có máy giữ độ ẩm cha mẹ có thể áp dụng phương pháp: Trước khi ngủ, dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi cho bé. Hơi ấm có thể tạm thời làm giảm tình trạng bị tắc mũi, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, thảm, rèm, vải bọc ghế, bọc đệm. Nhà ở cần thoáng mát, sạch sẽ tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Tắm cho bé đúng cách và dùng nước ấm tắm cho bé.

Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể cho bé, nhất là vùng cổ, mũi và đôi chân.

Cho bé uống nhiều nước để giúp hệ hô hấp làm việc tốt hơn.

Tăng cường cho bé ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin cho trẻ, nếu cần có thể cho uống bổ sung vitamin C để giúp bé tăng cường sức đề kháng.

Chúc con bạn mạnh khỏe!

Bé bị ho và sốt lâu ngày dùng thuốc gì để khỏi hẳn


Câu hỏi bởi: 1683638467

Chào bác sĩ!

Bác sĩ cho em hỏi, bé bị ho vào ban đêm và sốt 38 độ. Buổi ngày sốt nhẹ. Bé em đã 30 tháng rồi, em đã đưa bé về viện và đã tiêm 10 mũi kháng sinh nhưng lên nhà được 3 ngày thì bé vẫn ho và sốt như vậy. Vậy có thuốc gì làm cho bé hết hẳn được không bác sĩ?

Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Trẻ nhỏ rất dễ bị các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, khí hậu có độ ẩm cao. Tuỳ theo từng lí do mà có cách xử trí khác nhau, cụ thể là với vấn đề uống thuốc kháng sinh. Trường hợp viêm đường hô hấp do vi khuẩn thì cần phải dùng tới kháng sinh nhưng tình huống do vi rút thì không cần dùng vì kháng sinh không có tác dụng với vi rút. Trường hợp bé nhà bạn có ho và sốt, đã đưa đến chữa trị tại bệnh viện và đã tiêm 10 mũi kháng sinh, như vậy chắc chắn chẩn đoán bệnh có hướng tới viêm nhiễm hô hấp do nhiễm vi khuẩn nào đó.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sau khi ra viện 2 ngày cháu lại ho lại và sốt, như vậy cũng chưa thể khẳng định bé có bị tái viêm nhiễm giống lần trước hay không. Thường sau một đợt ốm và chữa trị, sức khoẻ của bé giảm đáng kể, sức đề kháng sẽ yếu dễ viêm nhiễm trở lại, hoặc nhiễm các mầm bệnh khác. Điều quan trọng của bạn bây giờ là đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng cho bé, cho bé nghỉ ngơi, ngủ đủ, giữ gìn vệ sinh bé sạch sẽ, môi trường phòng và không khí xung quanh thoáng đãng, tránh bụi bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp,…

Đồng thời theo dõi sát sao bé, nếu nhiệt độ trên 38,5 độ thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt như Paracetamol. Có thể hạn chế ho bằng một số bài thuốc: Quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh,… Nhỏ nước muối sinh lý 9%o thường xuyên cho trẻ vào mắt, mũi để vệ sinh. Trong tình huống nếu bé nhà bạn ho, sốt không cao, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bé nặng lên, sốt cao, ho nhiều hơn,… Thì bạn nên đưa bé tới cơ sở y tế khám, để có chẩn đoán chính xác lí do và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu nhà bạn mau khoẻ mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl