Thắc mắc về chứng viêm xoang ở tuổi vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bệnh viêm xoang là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến và rất dễ phát sinh bệnh đặc biệt là trong điều kiện môi trường sinh hoạt hiện nay. Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này ở tuổi vị thành niên.

Biện pháp chữa bệnh viêm xoang?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu là nữ, năm nay cháu 17 tuổi. Cháu bị bệnh viêm xoang, vậy thưa bác sĩ, cháu có thể áp dụng một số biện pháp vật lý nào vừa dễ lại vừa hiệu quả để cải thiện căn bệnh của mình tại nhà không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Chào cháu!

Câu hỏi của cháu mang tính đánh đố bác sĩ nhiều quá, mà lại cung cấp rất ít thông tin về bệnh tật, làm sao bác sĩ có thể giúp được nhiều. Trước tiên cần làm rõ khái niệm “viêm xoang”. Là bác sĩ Tai Mũi Họng khám và chẩn đoán cháu bị viêm xoang hay cháu tự nghĩ ra?

“Biện pháp vật lý vừa dễ lại vừa hiệu quả” để chữa viêm xoang là cháu tìm hiểu ở đâu? Ý của cháu là gì? Bác sĩ lần đầu tiên tiên nghe “biện pháp” này. Khi bị viêm xoang, người ta sẽ uống thuốc để chữa bệnh. Thuốc đông y hoặc thuốc tây y. Đường uống thuốc có thể là tiêm, uống, xông, xịt vào mũi. Nếu bị viêm xoang có nguồn gốc dị ứng thì người ta có thể làm giảm phản ứng dị ứng tại mũi bằng máy chiếu laser vào mũi. Nhưng kết quả cũng hạn chế và không duy trì được lâu. Cháu có thể liên lạc lại và kể chi tiết bệnh tật của mình: bệnh diễn biến như thế nào? Lâu chưa? Mũi hiện tại hít thở ra làm sao? Nghẹt mũi, ngứa mũi, mất mùi không? Đau đầu không? Đã khám chữa ở đâu? Đã có kết quả xét nghiệm, chụp phim ảnh hay nội soi chưa? Dùng các thuốc gì rồi?…Càng có nhiều thông tin chi tiết về bệnh, bác sĩ càng giải đáp chính xác bệnh cho cháu.

Chúc cháu khỏe!

Nguồn sưu tầm Nguồn: songkhoe.vn

Chữa trị viêm xoang mãn tính


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ. Cháu là nữ, cháu 17 tuổi ạ. Cháu bị viêm xoang từ lâu rồi, cháu nghĩ thế vì cháu biết được nó qua những triệu chứng mà cháu đã gặp phải từ việc đọc sách, báo. Căn bệnh tác động khá nhiều đến cháu nhưng do không có điều kiện, kinh tế gia đình cháu không mấy khá giả nên cháu cứ để vậy ạ. Sau 1 vụ ốm nặng, cháu được bố mẹ đưa tới bệnh viện tư nhân, và biết rõ là bị viêm xoang. Cháu uống hết 7 liều thuốc và sử dụng thuốc xịt mũi như hướng dẫn của bác sĩ và thấy bệnh cũng đã đỡ hơn. Vì bố mẹ cháu không có điều kiện nên không đưa cháu đến kiểm tra lại nữa. Cháu ngừng thuốc không sử dụng nữa, nhưng đôi khi vẫn cảm thấy đau đầu, đứng lên chóng mặt và còn xì mũi nữa. Vậy thưa bác sĩ, việc cháu ngừng không dùng thuốc nữa có tác động gì về sau không ạ? Và cháu cần làm gì để cải thiện tình trạng đau đầu, chóng mặt rất hay diễn ra của mình ạ?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Theo như thư cháu kể thì cháu đã được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm xoang và được uống thuốc chữa trị. Sau khi chữa trị bệnh có đỡ hơn. Tuy nhiên cháu đã ngừng uống thuốc gần đây cháu lại thấy xuất hiện các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, xì mũi. Như vậy nhiều khả năng bệnh viêm xoang của cháu chưa được điều trị dứt điểm và trở thành viêm xoang mãn tính.

Trong viêm xoang mãn tính, các xoang (là những hốc rỗng của xương sọ, nằm xung quanh mũi) bị viêm và sưng lên.

– Nước mũi có màu vàng, xanh, hôi có thể chảy ra ngoài hoặc chảy xuống họng

– Ngạt mũi, đau đầu, đau quanh mắt, má, mũi, trán

– Giảm cảm giác mùi

– Ho, có thể nặng hơn vào ban đêm.

Các thuốc thường dùng chữa trị viêm xoang mãn tính bao gồm:

– Corticosteroid xịt mũi : giúp ngăn ngừa và chữa trị viêm. Ví dụ như fluticasone, budesonide, triamcinolone, mometasone và beclomethasone.

– Thuốc thông mũi. Ví dụ như các thuốc xịt mũi bao gồm phenylephrine và oxymetazoline. Những thuốc này chỉ được dùng một vài ngày, nếu không thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn.

– Thuốc giảm đau như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen.

– Thuốc kháng sinh dùng để chữa trị viêm xoang mãn tính gây ra do nhiễm khuẩn bao gồm amoxicillin, doxycycline hoặc thuốc kết hợp trimethoprim – sulfamethoxazole.

Điều quan trọng khi thuốc kháng sinh là phải chữa trị đúng liều và đủ liều theo đơn của bác sĩ, có nghĩa là cần dùng thuốc ngay cả sau khi các biểu hiện hết. Nếu ngưng thuốc sớm, các biểu hiện có thể quay trở lại. Ngoài ra, cháu có thể áp dụng thêm những cách sau:

– Nghỉ ngơi nhiều. Điều này sẽ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và tốc độ phục hồi nhanh.

– Rửa mũi bằng nước muối: dùng dung dịch nước muối sinh lý có bán tại các hiệu thuốc nhỏ mũi nhiều lần trong ngày để rửa mũi.

– Uống nhiều chất lỏng, như nước hoặc nước trái cây. Điều này sẽ giúp làm loãng chất nhầy tiết ra và thúc đẩy thoát nước. Tránh cà phê hoặc rượu vì chúng gây mất nước. Uống rượu cũng có thể khiến niêm mạc của xoang và mũi phù nề nhiều hơn.

– Xông hơi. Trùm một chiếc khăn qua đầu trong khi hít thở hơi nước từ một bát nước nóng, giữ hơi nước hướng về khuôn mặt. Hoặc xả nước nóng trong phòng tắm và hít thở hơi nước ấm và ẩm. Xông hơi sẽ giúp giảm đau và giúp làm loãng chất nhầy, khiến mũi thông thoáng hơn.

– Chườm ấm khuôn mặt. Dùng khăn ấm và ẩm chườm quanh mũi, má và mắt để giảm đau.

– Nằm đầu cao khi ngủ giúp xoang lưu thông, giảm bớt tắc nghẽn. Viêm xoang mãn tính có nhiều lí do và tương đối khó chữa trị. Bệnh thường diễn ra dai dẳng và hay tái phát.

Việc uống thuốc, nhất là thuốc corticoid và kháng sinh cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm. Với những tình huống viêm xoang nặng, chữa trị thuốc không thấy kết quả có thể cần phẫu thuật để giải quyết triệt để lí do. Vì thế cháu nên đi khám sớm tại chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

Bị viêm amidan mãn tính và viêm xoang


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 17 tuổi. Khoảng 3 tháng trước cháu đi khám ở bệnh viện Tai – Mũi – Họng thì bị viêm amidan mãn tính và viêm xoang. Cháu quan sát trong họng thì thấy có những hạt nhỏ và có nhiều đờm. Và sờ cổ thì có một khối u bên phải ngay cạnh họng thỉnh thoảng bị đau. Không biết cháu có bị ung thư không, xin bác sĩ tư vấn.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả cổ họng bạn có nhiều hạt nhỏ, đó là dấu hiệu của viêm họng hạt, đó là các hạt xơ do quá trình viêm mãn tính hình thành, còn đờm trong cổ họng có thể do bệnh viêm họng gây tăng tiết hoặc do viêm xoang làm dịch chảy từ các xoang xuống họng. Về “khối u” mà bạn mô tả ngay cạnh họng, bạn không nói rõ kích thước của khối u này, mật độ, độ di động,… nên thật khó xác định chính xác khối này là gì. Nó có thể là hạch cổ do quá trình viêm nhiễm gây ra, cũng có thể là một khối u thật sự. Tuy nhiên, để biết chính xác bạn có bị ung thư hay không thì nhất thiết bạn phải tới cơ sở y tế để làm sinh thiết mô bệnh học. Vì vậy bạn hãy đến khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng tại những bệnh viện uy tín để được làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán và loại trừ ung thư.

Chúc bạn sống khỏe!

Viêm xoang, viêm mũi dị ứng có lây không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 17 tuổi, là nữ giới. Cho cháu hỏi bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng có bị lây không? Cháu đang bị bệnh viêm xoang hay viêm mũi dị ứng mà có người ngủ chung thì người đó có bị lây không? Và khi bị 2 loại bệnh này nên kiêng ăn những gì? Nên ăn gì để tốt cho việc chữa trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng?

Cháu cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào cháu!

Cháu không nói rõ bị bệnh viêm mũi dị ứng hay viêm xoang đã lâu chưa, đã chữa trị gì chưa, có kèm theo bệnh dị ứng? Bệnh viêm mũi dị ứng: là triệu chứng bệnh ở mũi, do niêm mạc mũi bị viêm, phù nề và rất dễ nhận biết với các biểu hiện: hắt hơi liên tục, ngứa mũi, chảy nước mũi một hoặc cả hai bên nước mũi trong suốt, không có mùi và dẫn đến ngạt mũi.

Có thể ngạt từng bên có khi ngạt cả 2 bên khiến bệnh nhân phải thở bằng miệng. Sự rối loạn thông khí, ứ đọng dịch trong các xoang và hậu quả là sẽ dẫn tới bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Viêm mũi dị ứng thường bắt đầu trước tuổi 20 (nhiều nhất từ 12-15 tuổi). Bệnh tiến triển ngày càng nặng. Trong tình huống viêm mũi dị ứng do phấn hoa có thể giảm đi khi bệnh nhân chuyển khỏi vùng có phấn hoa đó.

Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng:

Do môi trường sống (bụi nhà, bào tử nấm, bọ chét, lông chó mèo…).

Tác nhân theo mùa (phấn hoa, cây cỏ); liên quan đến nghề nghiệp (hóa chất).

Thực phẩm (tôm, cua, cá). Những yếu tố dị ứng như cơ địa dễ phản ứng với các vật lạ, mùi lạ; di truyền; tiếp xúc.

Dị dạng hốc mũi và nhiễm trùng.

Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng:

Dựa vào lí do gây bệnh mà có các biện pháp khác nhau như tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích dị ứng (giảm, tránh bụi trong nhà cũng như ở ngoài đường; tránh tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa, mùi lạ và đặc biệt phải giữ ấm cơ thể nhất là lúc gần sáng hoặc mùa lạnh. Nhỏ/xịt mũi khi ngạt bằng các thuốc co mạch giúp thông mũi. Nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, uống vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bệnh viêm mũi xoang dị ứng: là bệnh viêm xoang ở người bị dị ứng, vì vậy các biểu hiện của viêm mũi dị ứng luôn tồn tại và triệu chứng trên lâm sàng ở mức độ nặng hơn. Triệu chứng triệu chứng là ngứa mũi, hắt xì, chảy mũi, nghẹt mũi luôn luôn xuất hiện. Do thời gian viêm mũi dị ứng kéo dài nên niêm mạc hốc mũi, niêm mạc trong các xoang bị phù nề thoái hóa dạng polype.

Các dị dạng hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi làm tăng các biểu hiện dị ứng. Bệnh tiến triển ngày càng nặng, niêm mạc các xoang dầy lên dần dần chiếm hết diện tích các xoang, polype phát triển ra hốc mũi che kín dần hốc mũi gây nghẹt mũi thường xuyên, chảy mũi, nặng đầu và bệnh nhân nói giọng mũi kín. Việc chữa trị cả hai bệnh này rất khó khăn vì viêm mũi dị ứng thường tái diễn khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Như vậy, từ lí do gây bệnh cho thấy đây không phải là bệnh lây nên việc sống chung (ngủ chung) không bị tác động đâu cháu ạ. Tuy nhiên, tốt nhất cháu hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp chữa trị phù hợp. Về chế độ ăn: cháu nên kiêng các chất kích thích như chua, cay và các thức ăn hay gây dị ứng như tôm, cua, cá, nhộng…

Nên tránh xa các con vật có lông như chó, mèo… Việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, hợp lý về thành phần cũng như cung cấp đầy đủ vitamin sẽ giúp cháu có sức đề kháng tốt hơn trong việc phòng bệnh.

Chúc cháu có một sức khỏe tốt!

Bị viêm xoang cần kiêng kỵ những gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Cháu là nữ và năm nay cháu 17 tuổi, cháu bị mắc bệnh viêm xoang, vậy thưa bác sĩ cháu có cần kiêng kỵ gì không trong việc ăn uống? Và cháu cần làm gì để tránh khỏi tác nhân làm bệnh này ngày càng nghiêm trọng hơn ạ?

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Viêm xoang là bệnh phổ biến ở Việt Nam. Nguyên nhân phổ biến của viêm xoang do môi trường ô nhiễm, ăn ở kém vệ sinh… là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây viêm xoang phát triển. Ngoài ra lí do còn do viêm mũi, cảm, viêm họng biến chứng gây viêm xoang. Để phòng bệnh viêm xoang, cháu cần chú ý đến môi trường sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học.

Uống nước đun sôi để nguội, nên uống nhiều nước vì nước làm loãng chất nhầy, bong dịch mũi đặc và tạo rãnh thông thoáng, dễ khạc đờm, tống bụi bẩn ra ngoài.

Tăng cường ăn các thực phẩm chất béo omega-3 có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm tấy trên đường hô hấp như: cá hồi, cá nục, cá mòi…

Bổ sung nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như cà rốt, bưởi, cóc, cam, chanh, khế…

Nên ăn một số thức ăn có tính ấm như gừng, tỏi, hành… chứa nhiều chất kháng sinh có tác dụng phòng chống viêm xoang.

Tăng cường ăn các thực phẩm từ đậu nành giúp cung cấp canxi, khoáng chất cần thiết cho chức năng chống dị ứng.

Các thực phẩm cháu nên tránh:

Không uống nước để trong tủ lạnh hay nước đá, vì sự khác biệt nhiệt độ là lí do tạo kích thích đối với niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp.

Hạn chế sử dụng sinh tố trái cây, nước ép trái cây vì đường và một số chất khác có thể làm mũi nhầy đặc lại.

Không ăn những thức ăn mà cơ thể bị dị ứng như thịt bò, cua, tôm, nghêu, sò…

Hạn chế dùng sữa và sản phẩm từ bơ, sữa.

Không uống cà phê, bia, rượu vì chúng có thể làm cho dịch nhầy đặc lại, hơn nữa rượu được xem là một chất lợi tiểu, kích thích việc đào thải nước nên cơ thể thiếu nước, tác động xấu đến việc đẩy dịch nhớt ứ đọng trong xoang.

Không sử dụng nước uống có ga vì loại nước này thường gây ra ợ nóng, dẫn đến trào ngược khí ra khỏi dạ dày, không tốt cho người bị viêm xoang.

Ăn tối muộn có thể tác động đến viêm xoang. Không kể những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, những ai có vấn đề về xoang và có thói quen ăn trong khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ, dòng chảy ngược rất có thể liên quan đến viêm xoang.

Tương tự, thức ăn mang tính kích thích chứng ợ nóng hay trào ngược a-xít cũng có thể là “thủ phạm” của viêm xoang. Cháu có thể tham khảo một số món ăn tốt cho bệnh viêm xoang dưới đây:

Canh gừng: gừng sấy khô 10 gam, cam thảo nước 20 gam. Lấy hai vị thuốc trên sắc nước uống, mỗi ngày một thang, buổi sáng, buổi tối mỗi buổi một nửa.

Canh táo đỏ: táo đỏ 10 quả đem nấu nước uống, mỗi ngày 3 lần.

Canh mướp nấu thịt: một lượng mướp và thịt nạc vừa đủ. Mướp rửa sạch, cắt đoạn; thịt thái miếng mỏng đem nấu canh để dùng lúc nóng khi mắc bệnh.

Chúc sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl