5 câu hỏi hay về đau dạ dày ở người trung niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bệnh đau dạ dày có thể gặp phải ở tất cả đối tượng, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Đối với những người trung niên từ 35 tuổi trở lên, đau dạ dày hết sức nguy hiểm và cần sự lưu tâm đặc biệt từ bệnh nhân.

Đau bụng ở chính giữa, có phải tôi bị đau dạ dày không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 41 tuổi, là nữ. Tôi muốn hỏi bác sĩ là dạo này tôi thường hay bi đau bụng ở chính giữa, không biết tôi có phải bị đau dạ dày không hay là sao? Mong bác sĩ tư vấn và biện pháp nào để làm giảm đau?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân


Chào bạn.

Triệu chứng bạn mô tả chưa đủ để chúng tôi có thể tư vấn giúp bạn. Bạn không nói rõ đau thành từng cơn hay đau âm ỉ, đau có liên quan đến bữa ăn hay không? Có kèm theo ợ hơi ợ chua không? Đi ngoài phân thế nào? Tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa Nội để được kết hợp làm một số xét nghiêm máu, nội soi dạ dày, chụp X-quang để được chẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

Đau dạ dày, đau nhói ở sườn trái là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Trang

Chào bác sĩ.

Bố em năm nay 51 tuổi đã đi khám và được chẩn đoán là đau dạ dày mức nặng. Nhưng 2 ngày gần đây lại xuất hiện thêm đau nhói ở sườn trái, cứ thỉnh thoảng lại đau kéo dài trong 15 phút đau nhói lên. Xin bác sĩ cho biết là hiện tượng bệnh gì? Bố em vẫn đang chữa trị uống thuốc dạ dày.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trong bệnh đau dạ dày, biểu hiện đau bụng là biểu hiện khá thường gặp nhưng thường đau ở vùng trên rốn, đau có thể kèm theo ợ hơi, ợ chua hay buồn nôn, đau tăng lên khi đói. Còn trường hợp của bố bạn bị đau ở sườn trái có thể là do đau dây thần kinh liên sườn hoặc do bệnh lý tim mạch. Đối với đau dây thần kinh liên sườn, chữa trị chủ yếu bằng các thuốc giảm đau nếu đau nhiều.

Một số bệnh lý tim mạch cũng có biểu hiện đau ngực như: bệnh thiểu năng mạch vành, nhồi máu cơ tim,… Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim sẽ gây đau dữ dội, có tính chất cấp tính và là một cấp cứu nội khoa, bệnh nhân sẽ không thể tự ở nhà được mà phải đến bệnh viện. Trường hợp của bố bạn, trong các lí do về tim mạch nghĩ nhiều tới bệnh thiểu năng mạch vành hơn cả. Mạch vành tim là mạch máu chịu trách nhiệm cấp máu và nuôi dưỡng cho cơ tim. Khi mạch vành bị hẹp lại do co thắt hoặc do xơ vữa mạch máu sẽ làm giảm tưới máu cơ tim và gây ra những cơn đau thắt ngực.

Vì vậy, nếu biểu hiện đau ngực không có xu hướng đỡ giảm thì bạn nên đưa bố đi khám để bác sĩ kiểm tra cho bố bạn.

Chúc bạn khỏe!

Bị viêm đường mật, đau dạ dày phải dùng thuốc Nam hay phẫu thuật?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu có người thân năm nay 46 tuổi, là nữ giới, bị bệnh viêm đường mật, có sỏi và đau dạ dày tá tràng. Bác sĩ cho cháu hỏi là bệnh này uống thuốc Nam khỏi hay là phải phẫu thuật ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Bệnh viêm đường mật và bệnh sỏi mật, chắc chắn là không thể chữa trị khỏi triệt để bằng thuốc Nam được còn bệnh viêm dạ dày tá tràng thì có thể. Bệnh viêm đường mật cần phải được chữa trị tích cực bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và thuốc Nam không thể làm được điều đó.

Bệnh sỏi mật nếu nhiều sỏi, sỏi gây biến chứng tắc nghẽn đường mật, gây nhiễm trùng, viêm phúc mạc mật,… thì cần phải mổ thì mới chữa trị triệt để được. Bệnh sỏi mật sẽ là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và tiến triển của bệnh viêm đường mật.

Bệnh viêm dạ dày tá tràng là bệnh rất phổ biến và do nhiều lí do gây nên: do thuốc (các thuốc giảm đau, chống viêm, Corticoid,…), do vi khuẩn HP, do các yếu tố thần kinh (căng thẳng, stress,…), do chế độ ăn uống, sinh hoạt (thức khuya, dùng rượu bia,…). Do đó bệnh có thể được chữa trị khỏi nhưng dễ tái phát. Điều trị chủ yếu bằng thuốc giảm tiết acid dạ dày kết hợp với điều chỉnh chế độ sinh hoạt và làm việc. Tốt nhất vẫn nên chữa trị bằng các thuốc giảm tiết axít, có cơ chế tác dụng rõ ràng đã được nghiên cứu và chứng minh.

Các thuốc Nam cũng có thể có tác dụng nhưng cơ chế chưa thật sự rõ ràng mà tác dụng chậm, yếu nên cần phải chữa trị kéo dài. Trong tình huống, các vị thuốc nếu không được bảo quản đúng cách có thể gây ngộ độc nấm mốc, nhiễm chì gây ngộ độc chì.

Chúc bạn khỏe!

Bị đau dạ dày, khó thở ngực như có gì bị chặn ở giữa


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi 54 tuổi, tôi bị đau dạ dày 30 năm rồi. Khoảng 1 tháng trở lại đây, mỗi lần ăn cơm hoặc bất cứ thức ăn gì khác, tôi cảm thấy khó thở, ngực như có gì chặn ở giữa. Khi dùng thuốc đau dạ dày, thuốc tiêu bụng thì cảm giác khó thở nhẹ đi. Xin bác sĩ giải đáp giúp tôi đây là biểu hiện của bệnh gì?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Trào ngược dạ dày – thực quản, còn gọi là viêm thực quản trào ngược, là hiện tượng các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsin, dịch mật… trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản. Các chất dịch trong dạ dày như HCl, Pepsin, dịch mật kích thích niêm mạc thực quản, gây ra các biểu hiện và biến chứng của bệnh.

1. Ợ hơi được sinh ra trong quá trình chuyển hóa thức ăn. Bình thường hơi sẽ được tống ra ngoài theo đường hậu môn. Tuy nhiên khi cơ thắt thực quản dưới bị rối loạn chức năng co giãn, cụ thể là cơ thắt thực quản dưới bị giãn ra, hơi sẽ được đưa ra ngoài qua đường miệng. Đó là biểu hiện ợ hơi.

2. Ợ nóng, ợ chua. Ợ nóng: Khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, a-xít hoặc dịch mật trong dịch dạ dày tiếp xúc với niêm mạc gây cảm giác nóng, nóng rát. Đây chính là hiện tượng ợ nóng. Cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc theo xương ức, có khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai, kèm theo vị chua trong miệng. Ợ chua: thường nhiều vào buổi sáng lúc bụng rỗng, đặc biệt khi đánh răng, nhiều bệnh nhân bị nôn ra nước vàng. Trường lực co bóp của dạ dày tăng lên cao nhất khi bụng rỗng, đẩy dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản, đến cuống miệng gây cảm giác ợ chua. Việc đánh răng cũng làm tăng kích thích, do vậy dễ gây nôn ở bệnh nhân trào ngược. Nước vàng, chua bệnh nhân nôn ra chính là a-xít trong dịch vị.

3. Buồn nôn, nôn khi trào ngược: dạ dày thực quản không được chữa trị đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, các chất trào ngược lên thực quản không chỉ là hơi, dịch tiêu hóa mà cả thức ăn; gây hiện tượng buồn nôn, nôn ngay cả khi bệnh chưa tiến triển nặng hơn, người bệnh cũng đã dễ nôn hơn người bình thường khi cùng chịu một ảnh hưởng gây nôn giống nhau (say tàu xe, ốm nghén, thuốc chữa trị ung thư …). Nếu tình trạng này diễn ra ngay sau khi ăn, khả năng bị trào ngược do a-xít dạ dày là khá lớn.

4. Đau, tức ngực bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản thường có triệu chứng đau, tức ngực, cụ thể là: cảm giác đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng, cánh tay. Tuy nhiên hiện tượng này thực chất là do đau đoạn thực quản chạy qua ngực. Khi a-xít trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, acid kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây cảm giác đau.

5. Nhiều nước bọt lượng nước bọt tiết ra trong miệng nhiều hơn cũng là một biểu hiện đáng chú ý của chứng trào ngược a-xít dạ dày. Thực chất, đây là một dạng khác của chứng ợ nóng. Khi gặp phải biểu hiện này, người bệnh sẽ có trạng thái thần kinh và phản xạ tương tự như khi bị nôn.

6. Khàn giọng, đau họng, ho, hen a-xít dạ dày trào lên thực quản sẽ làm viêm tấy dây thanh quản, gây khàn giọng. Khác với khi bị cảm lạnh, đau họng hoặc ho do a-xít dạ dày trào ngược có thể trở nên mãn tính, lâu ngày có thể chuyển biến thành bệnh hen.

7. Khó nuốt hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần, theo thời gian, sẽ gây ra tổn hại nhất định cho thực quản. Niêm mạc thực quản bị phù nề do tiếp xúc a-xít, gây hiện tượng khó nuốt (cảm giác vướng, nghẹn sau nuốt thức ăn độ 15 giây). Niêm mạc thực quản sau khi phù nề, khi lành để lại sẹo gây hẹp thực quản (một trong các biến chứng của bệnh) sẽ làm tăng cảm giác khó nuốt.

8. Đắng miệng cảm giác đắng miệng ở bệnh nhân trào ngược dạ dày – thực quản là do dịch mật gây ra. Khi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản có thể mang theo một lượng nhỏ dịch mật, khiến bệnh nhân có cảm giác đắng miệng.

Trường hợp của bạn là bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản mà lí do có thể do loét dạ dày tá tràng. Bạn có thể uống Nexiumn 40 mg ngày 1 viên kéo dài.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Chướng bụng và đau bụng, đôi lúc còn cảm thấy buồn nôn lúc đói, tiền sử đau dạ dày


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ,

Vợ tôi năm nay 51 tuổi, nhân viên văn phòng, mấy ngày nay cô ấy thấy khó chịu, cảm thấy chướng bụng và đau bụng, đôi lúc còn cảm thấy buồn nôn lúc đói, trước đây cô ấy có tiền sử đau dạ dày. Tôi muốn hỏi bác sĩ xem đó là triệu chứng của bệnh gì và nên khám ở khoa nào và bệnh viên nào ơn Hà Nội là tốt nhất.
Tôi xin chân thành cám ơn.

Kính chào bác sĩ.

Chăm sóc khách hàng ViCare


Chào anh.

Vicare đã nhận được câu hỏi của anh về các triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Theo như những gì anh miêu tả thì anh có thể đưa vợ mình đến khám chuyên khoa tiêu hóa – gan mật anh nhé. Hiện nay có rất nhiều bệnh viện ở Hà Nội có chuyên khoa này như bệnh viện ĐH Y Hà Nội hay khoa Tiêu Hóa của bệnh viện Bạch Mai anh nhé.

Hi vọng thông tin trên giúp ích được cho anh. Chúc anh sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl