3 câu hỏi hay về điều trị trĩ nội


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Trĩ nội có nguyên nhân và biểu hiện khác biệt với 2 loại còn lại. Chính vì vậy, nó cũng có phương pháp chữa trị riêng biệt mà chúng ta nên tìm hiểu kỹ.

Điều trị trĩ nội độ 2 tại nhà.


Câu hỏi bởi: VôDanh

Chào bác sĩ.

Em là nam năm nay 19 tuổi. Theo hiện trạng của em do em tìm hiểu trên mạng, em đã bị trĩ nội độ 2. Thưa bác sĩ là hiện trạng bệnh của em có thể chữa trị tại nhà dứt điểm được không hay phải cần đến phòng khám chuyên khoa (em cũng ngại đến bác sĩ)?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào em.

Bệnh trĩ là do sự giãn quá mức các tĩnh mạch làm cho tĩnh mạch trĩ bị sưng, phù ở vùng hậu môn, trực tràng. Sự giãn quá mức là do thành tĩnh mạch bị suy yếu không còn bền chắc. Mức độ bệnh thể hiện độ giãn của hệ tĩnh mạch trĩ. Triệu chứng đầu tiên của trĩ nội độ 1, 2 là đi phân máu, búi trĩ chưa sa ra ngoài.

Với trĩ độ 1, 2 thì thường chữa trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc đặt hậu môn với các thuốc kháng viêm, giảm đau rát, cầm máu, chống co thắt đại tràng và chống tăng trương lực thành mạch giúp đám rối tĩnh mạch trĩ co lại làm tiêu búi trĩ.

Ngoài ra để có thể tăng hiệu quả cho việc chữa trị thì em cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp như ăn nhiều thức ăn có chất xơ, hoa quả, sữa chua giúp cho quá trình tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt nên tránh các thức ăn có chất kích thích cũng như đồ cay nóng như bia rượu ớt… Không chơi các môn thể thao vận động quá nhiều cơ bắp mà có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hàng ngày, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, tập cho mình thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm hàng ngày. Nếu em chưa có điều kiện đi khám thì có thể sử dụng các thực phẩm chức năng có các thành phần như cao diếp cá, cao đương quy, rutin, curcumin, magie carbonat… để chống táo bón, giảm viêm sưng nề, cầm máu và tăng cường sức bền thành mạch.

Chúc sức khỏe.

Viêm trực tràng và trĩ nội độ 1 uống Tràng Phục Linh và men sống liệu có được không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi nội soi đại tràng thì kết quả viêm trực tràng và trĩ nội độ 1. Tôi dùng thuốc kê đơn 15 ngày không khỏi. Vậy tôi xin hỏi uống Tràng Phục Linh và men sống liệu có được không và ăn uống cần thiết phải kiêng gì? Sớm mong phản hồi từ bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ nhiều!

Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên


Chào bạn.

Việc chữa trị cải thiện hay không còn phụ thuộc nhiều vào đáp ứng thuốc của mỗi người. Trường hợp của bạn đã uống thuốc nhưng không đỡ, bạn nên khám lại để đánh giá đáp ứng chữa trị và thay thế hay bổ sung thuốc phù hợp hơn. Không nên tự ý uống thuốc.

Chúc bạn sớm khỏe!

Cách chữa trị trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 23 tuổi, là nữ giới. Em bị bệnh trĩ nội độ 3, trĩ ngoại, và trĩ hốn hợp. Thưa Bác sĩ có cách nào để chữa trị dứt hẳn bệnh này mà không cần phẫu thuật không? Em cũng uống nhiều loại thực phẩm chức năng An Trĩ Vương mà cũng không hết.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bệnh trĩ là một bệnh phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn. Trĩ được tạo thành do căng dãn quá mức một hay nhiều tĩnh mạch trĩ thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên và dưới ở hậu môn. Có ba loại trĩ gồm trĩ nội , trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Triệu chứng bệnh trĩ: 2 dấu hiệu chính của bệnh trĩ là chảy máu và sa búi trĩ.

Chảy máu là biểu hiện có sớm nhất và thường gặp nhất. Lúc đầu chỉ chảy máu khi bị táo bón. Máu chảy ít và rất kín đáo, hiện trên giấy chùi vệ sinh hoặc trong phân có vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn. Về sau mỗi khi đi cầu, dù táo bón ít hay táo nhiều, thậm chí có trường hợp không táo bón, nhưng rặn phân vẫn có máu. Muộn hơn nữa cứ mỗi lần đi cầu, mỗi lần đi lại nhiều, mỗi lần ngồi xổm máu lại chảy. Có trường hợp máu chảy thành giọt hay thành tia. Các triệu chứng, dấu hiệu này có thể xuất hiện thường xuyên hoặc ngắt quãng, song đám rối tĩnh mạch trĩ vẫn có thể âm thầm căng giãn trong ống hậu môn. Bệnh nhân cũng như thầy thuốc thường không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh.

Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian có dấu hiệu chảy máu khi đi đại tiện. Lúc đầu, xuất hiện khối nhỏ (khối thịt thừa) lồi ra ở lỗ hậu môn. Càng về sau khối lồi ra đó to lên dần, từ hạt gạo, hạt đỗ, hạt lạc… và không tự tụt vào sau khi đi cầu nữa mà phải dùng tay nhét vào. Cuối cùng, khối sa đó rất hay nằm ngoài hậu môn, kích thước thì càng lớn dần vướng víu, căng tức.

Ngoài 2 biểu hiện chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các biểu hiện khác như đau khi đi cầu, ngứa, ướt dịch quanh lỗ hậu môn. Dấu hiệu bệnh trĩ được các bác sĩ đánh giá không quá khó để nhận biết. Song vì tâm lý e ngại, xấu hổ, các bệnh nhân thường chữa trị khi đã khá muộn, tốn kém.

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh:

Táo bón: những bệnh nhân này mỗi khi đi cầu rặn nhiều, khi rặn áp lực trong lòng ống hậu môn tăng lên gấp 10 lần. Táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ. Các búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.

Hội chứng lỵ: những bệnh nhân bị bệnh lỵ mỗi ngày đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Tăng áp lực ổ bụng: bệnh nhân viêm phế quản mạn tính, dãn phế quản, ho nhiều, người khuân vác nặng, phụ nữ chuyển dạ… làm tăng áp lực trong ổ bụng, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện.

Tư thế đứng: các nghiên cứu ghi nhận áp lực tĩnh mạch trĩ là 25cm H2O ở tư thế nằm, tăng vọt lên 75cm H2O ở tư thế đứng. Vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người phải đứng lâu, ngồi nhiều, ít đi lại như thư ký bàn giấy, nhân viên bán hàng, thợ may… khá cao.

Ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung, thai nhiều tháng… khi to có thể chèn ép và cản trở đường về tĩnh mạch hồi lưu, làm các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.

Các mức độ của trĩ:

Nhẹ: Đi ngoài đau kèm ra máu, búi trĩ không sa

Vừa: Đi ngoài đau, kèm chảy máu và sa búi trĩ nhưng tự co lên được

Nặng: Búi trĩ sa rất hay, cần phải dùng tay đẩy vào. Bệnh nhân cảm thấy không thoải mái khi ngồi, thậm chí chảy máu

Các phương pháp điều trị:

1.Thuốc: Chủ yếu chia ra 2 loại :

a) Thuốc uống có tác dung thanh nhiệt giải độc, làm mát giảm đau, có hiệu quả làm nhuận tràng.

b) Thuốc bôi ngoài: Sử dụng thuốc bôi, thuốc mỡ trực tiếp lên vùng bị bệnh, có thể làm giảm đau, có tác dụng làm tiêu từ từ nhưng rất khó có thể điều trị tận gốc.

2. Chích xơ: Mục đích chính của chích xơ là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp dưới niêm mạc giúp giảm biểu hiện chảy máu. Chích xơ được chỉ định trong trĩ độ 1 và trĩ độ 2.

3.Thắt trĩ bằng vòng cao su: Mục đích chính của thắt vòng cao su là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sẹo xơ dính vào lớp cơ dưới lớp dưới niêm mạc, do đó sẽ cố định ống hậu môn đúng với nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.

4. Quang đông hồng ngoại: Quang đông hồng ngoại được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2. Mục tiêu của phương pháp làm đông là làm cho mô bị đông lại bởi ảnh hưởng của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Phương pháp trị trĩ này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là máy khá đắt và thường phải làm thủ thuật nhiều lần.

Bạn bị trĩ nội độ 3 bao gồm cả trĩ hỗn hợp. Trĩ nội độ 3 là khi búi trĩ sa ra ngoài phải dùng tay đẩy lên mới tụt vào trong ống hậu môn. Để chữa trị bệnh, có thể dùng phương pháp phẫu thuật hoặc chữa trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc đặt hậu môn nếu bệnh có kèm theo viêm nhiễm.

Hiện nay, các chuyên gia nghiên cứu khuyên bệnh nhân nên uống thuốc có nguồn gốc thảo dược để chữa trị và phòng ngừa bệnh tái phát. Phẫu thuật cho kết quả khá nhanh, tuy nhiên, có một số nhược điểm như: chi phí cao, cần thời gian nghỉ ngơi, dễ gây biến chứng nhiễm trùng hoặc hẹp hậu môn và dễ tái phát. Ngoài ra, bạn nên chú ý đến việc ăn uống cũng như lối sống:

Ăn đầy đủ chất xơ, trái cây để đại tiện dễ dàng

Tránh các thức ăn có nhiều gia vị cay nóng như ớt hay hạt tiêu, các thức uống có cồn như bia, rượu

Cần có cuộc sống điều độ, tránh căng thẳng và tránh các môn thể thao nặng như tập tạ, tennis…

Vệ sinh tại chỗ tốt bằng phương pháp ngâm nước ấm 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.

Với các biện pháp điều trị bệnh của bạn mà không cần dùng phẫu thuật thì bệnh khó có thể hết hẳn. Tuy nhiên có thể ổn định được một thời gian nào đó. Do đó bạn nên sử dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật trước, sau đó nếu bệnh không đỡ hãy phẫu thuật.

Chúc bạn khỏe mạnh!

Vùng hậu môn bị rát và nổi cục màu đỏ có phải bị bệnh trĩ không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Hôm nay em mới đi đại tiện xong thì cảm thấy vùng hậu môn bị rát rát, sáng hôm qua em mới xem thử thì thấy ở hậu môn em có nổi 1 cục màu đỏ khoảng 0,5 cm. Khi em ngồi hay đi đều có khó chịu hay ngứa gì hết chỉ khi nào đụng vào nó mới bị rát 1 tí thôi. Vậy em có phải bị trĩ không bác sĩ? Em phải làm sao?

Em cám ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy là khả năng bạn bị bệnh trĩ (phồng dãn tĩnh mạch) hoặc bệnh Polyp trực tràng. Bệnh trĩ là tĩnh mạch trực tràng nằm dưới niêm mạc bị dãn nở to và tụm lại thành búi Polyp trực tràng là sự phát triển nhô lên của lớp niêm mạc bình thường tạo thành hình khối hình giọt nước, có chân (giáp với tổ chức dưới niêm mạc) nhỏ hơn nhiều lần thân khối phồng nhô lên này. Bạn nên đi khám nội soi trực tràng. Các bác sĩ xem xét trực tiếp, đánh giá mức độ bệnh từ đó có biện pháp chữa trị cụ thể.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl