Điều trị sỏi mật ở nam giới dưới 40 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Trước tuổi thanh thiếu niên sỏi mật rất ít gặp, còn sau tuổi 40 tỉ lệ này gia tăng rõ rệt. Trường hợp nam giới dưới 40 tuổi bị sỏi mật cần lưu ý gì khi điều trị?

Cách chữa sỏi mật


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Xin bác sĩ giải đáp cho tôi chữa bệnh sỏi mật bằng cách nào?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Sỏi mật thường gây những biến chứng rất nguy hiểm đến sức khỏe, do đó người bệnh cần khám và chữa trị sớm tại những cơ sở y tế đáng tin cậy. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý uống thuốc mà không thấy chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị sỏi mật bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, nhưng quan trọng nhất là phải loại bỏ được sỏi mật.

Tùy theo từng loại sỏi mật, bác sĩ sẽ có chỉ định liệu pháp chữa trị phù hợp với từng người bệnh.

Điều trị sỏi túi mật: dùng thuốc làm tan sỏi: áp dụng với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, thời gian dùng kéo dài 6 – 24 tháng. Tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất, cắt túi mật nội soi: áp dụng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật. Thời gian nằm viện ngắn hơn và hồi phục sức khỏe nhanh. Cắt túi mật bằng mổ mở: áp dụng khi mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật. Điều trị sỏi trong gan và ống mật chủ: lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ Oddi (áp dụng với sỏi ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm). Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng: áp dụng với sỏi to. Phẫu thuật để lấy sỏi. Khi bị sỏi mật, bạn nên chú ý đến chế độ ăn: Hạn chế mỡ: hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt cá nhiều mỡ, trứng, phủ tạng động vật,… Tăng bổ sung đạm, đường bột, nhiều chất xơ. Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C và vitamin nhóm B như rau củ và trái cây tươi. Tránh xa trà, cà phê, cacao, sôcôla; rượu, bia; gia vị cay, nóng; dầu cọ, dầu dừa,…

Chúc sức khỏe!

Điều trị bằng thuốc nào để sỏi mật không hình thành?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em có 1 câu hỏi muốn bác sĩ giải đáp giúp em. Em bị bệnh sỏi đường mật 13 năm nay và đã phải phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức 5 lần rồi. Vậy em muốn bác sĩ cho em thông tin, hiện nay trên thị trường có loại thuốc hay dược phẩm chức năng nào, kể cả thuốc ngoại, có khả năng tẩy và loại bỏ sỏi dần để sỏi không hình thành nữa không?

Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào bạn!

Sỏi đường mật là thuật ngữ chỉ tình trạng có tồn tại sỏi (sỏi viên hoặc sỏi bùn) trong lòng đường mật, có thể là đường mật trong gan hoặc đường mật ngoài gan. Sỏi mật đứng hàng thứ 2 trong các bệnh về gan mật, ở Việt Nam, sỏi đường mật lớn chiếm 95%, sỏi túi mật chiếm 4-5%, trong khi đó tại các nước Âu Mỹ, sỏi túi mật chiếm tỷ lệ cao đến 90%. Sỏi mật gồm 3 loại chính là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp. Người ta nhận thấy quá thừa cholesterol có liên quan đến sự hình thành sỏi mật, người béo (dự trữ muối mật giảm, bài tiết muối mật nhanh nhưng bài tiết cholesterol chậm), chế độ ăn giàu calo, một số thuốc như Ostrogen, Clofibrat làm tăng tổng hợp cholesterol và dễ sinh ra muối mật. Ngoài ra, trứng giun và xác giun ở đường mật là yếu tố thuận lợi để cho canxi và sắc tổ mật bám vào, tạo nên sỏi mật.

Bạn bị sỏi đường mật đã 13 năm và phẫu thuật 5 lần rồi, vậy thì sau phẫu thuật cần uống thuốc chữa trị và kết hợp chế độ sinh hoạt để dự phòng sỏi tái phát. Thuốc chữa trị làm tan sỏi mật có chỉ định khi viên sỏi nhỏ dưới 2 cm chưa bị can xi hoá, túi mật còn tốt, bệnh nhân không phẫu thuật được và đề phòng tái phát sau phẫu thuật.

Thuốc: Chenodesoxycholic (Biệt dược là Chenodex viên 250 mg hoặc Chenar viên 200mg. Liều dùng 12-15mg/kg/ngày, dùng liên tục từ 6 tháng tới 3 năm, kết quả khỏi bệnh 50-70% (2/3 mất sỏi, 1/3 sỏi nhỏ lại.) Ursodesoxycholic (Biệt dược Ursoval viên 200mg, Delursan viên 250mg… Liều dùng 8-12mg/kg/ngày, dùng liên tục 6 tháng tới 3 năm cho kết quả khỏi 70-80%. Các thuốc trên có biến chứng ỉa chảy, tăng men gan nhưng ít gặp. Bạn có thể sử dụng một số sản phẩm đông dược để hỗ trợ chữa trị sỏi mật như “Soma – di” dùng hỗ trợ chữa trị sỏi mật và phòng tránh sỏi tái phát sau mổ. Bên cạnh đó, bạn cần giảm cân, áp dụng chế độ ăn giảm cholesterol…

Chúc bạn sức khỏe!

Điều trị sỏi mật theo cách nào là tốt nhất?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Năm nay em 33 tuổi, bị sỏi túi mật 3- 5mm. Bây giờ em nên chữa trị bằng phương pháp nào là tốt nhất?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Sỏi mật có thể ở đường dẫn mật trong gan nơi giao nhau giữa ống dẫn mật và túi mật hoặc ở ống mật chủ hoặc túi mật. Sỏi mật thường có một số biến chứng: viêm nhiễm khuẩn đường mật, túi mật cấp, hoại tử túi mật, thấm mật vào phủ tạng, rất nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề phải can thiệp bằng ngoại khoa.

Rò đường mật (sỏi làm thủng đường dẫn mật làm cho mật chảy vào các tạng bên trong ổ bụng. Ứ nước túi mật (do sỏi mật làm tắc ống túi mật mạn tính). Xơ gan do ứ mật (do ứ mật lâu ngày kèm viêm nhiễm làm tổn thương nhu mô gan.)

Thuốc dùng trong sỏi mật gồm các thuốc: giảm đau, làm tan sỏi, chữa trị biến chứng. Đối với tình huống của bạn bị sỏi mật từ 3- 5mm là loại sỏi nhỏ nên bạn cứ yên tâm chung sống hòa bình với nó nếu như không có biến chứng. Tuy nhiên loại sỏi nhỏ này rất ít khi gây biến chứng. Bạn có thể dùng thuốc làm tan sỏi như Ursodiol 250mg ngày 2 viên. Thuốc này chỉ dùng khi sỏi mật ít, không thấy biểu hiện, không bị Calci hoá, sỏi có đường kính nhỏ hơn 20mm.Trong quá trình dùng cần kiểm tra tiến triển sỏi mật (chụp túi mật sau 6 tháng chữa trị), làm âm vang đồ (Sonogram) vào tháng thứ 6 và 12. Sau khi sỏi tan hoàn toàn cần làm lại xét nghiệm âm vang đồ 2 lần nữa vào tháng thứ 1 và thứ 3 rồi mới ngưng thuốc. Sỏi mật có thể tái phát.

Thuốc có thể gây tiêu chảy, giảm bạch cầu, phát ban, vài biểu hiện đường ruột, tăng Creatinin, tăng Glucose máu. Không dùng chung với Estrogen, thuốc ngừa thai, các thuốc làm hạ Lipid khác (Chlofibrat, Cholestyramin) vì chúng làm giảm hiệu lực của thuốc (do tăng tiết cholesterol vào gan). Ngoài Ursodiol còn có nhiều tên khác (Actigall, Arsacol, Delursan, Destolit, Uso, Ursolvan) có nhiều hàm lượng 100- 150- 200- 250mg. Cần chú ý khi dùng để tránh nhầm hàm lượng. Tuy nhiên, nếu có biến chứng của sỏi như đau hay sốt thì bạn bắt buộc phải vào viện để chữa trị.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Phương pháp điều trị sỏi thận?


Câu hỏi bởi: thetrung0705

Chào bác sĩ!

Em năm nay 34 tuổi, là nam giới. Vừa qua em đi siêu âm thấy thận bên trái có một nang nước kích thước 17mm, bên trong nang có sỏi 7mm. Em đang băn khoăn không biết dùng thuốc có bài tiết được sỏi ra ngoài không? Liệu em có phải phẫu thuật không ạ? Nếu dùng thuốc thì em phải uống loại thuốc nào? Xin bác sĩ giải đáp.

Em chân thành cám ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Thận được cấu tạo bởi khoảng 1 triệu đơn vị thận để bài tiết nước tiểu. Mỗi đơn vị thận đều có nhiệm vụ lọc, tái hấp thu và bài tiết nước tiểu vào một hồ chứa chung là bể thận. Từ bể thận nước tiểu sẽ chảy theo niệu quản xuống bàng quang để khi buồn đi tiểu, nước tiểu được bài xuất ra ngoài. Nếu vì một nguyên nhân nào đó một đơn vị thận bị tắc (ví dụ như: viêm, bị sỏi, bị xơ, bẩm sinh…) thì nước tiểu bị ứ lại hình thành nên một túi chứa nước gọi là “nang thận”. Tuy nhiên, lượng nước không được đưa ra ngoài sẽ tái hấp thu lại một phần, chính vì thế mà thời gian nang thận gia tăng kích thước là rất lâu.

Trường hợp của bạn là nang thận đơn độc: là bệnh thường gặp, chiếm tỉ lệ 1/3 bệnh nhân trên 50 tuổi, lí do như trình bày ở trên. Loại nang thận đơn độc không biến chứng, biểu hiện rất “nghèo nàn”. Những nang nhỏ thường không gây triệu chứng gì. Nang lớn hơn có thể gây đau ê ẩm bên hông lưng có chứa nang thận. Nang thận đơn độc được phát hiện dễ dàng qua siêu âm hoặc CT-Scan, đặc biệt phương pháp CT-Scan giúp tầm soát chính xác cao. Nếu nang nhỏ (dưới 6cm), không biến chứng thì không cần can thiệp. Nang thận có kích thước lớn (hơn 6cm) nên mổ vì nó gây đè ép chủ mô thận, dần dần tác động đến chức năng thận. Đối với những nang nhỏ hơn nhưng gây biến chứng nhiễm trùng nang, xuất huyết trong nang gây đau nhiều mà qua chữa trị nội khoa không đỡ, tái phát nhiều lần nên xét đến can thiệp ngoại khoa.

Trường hợp của bạn phải chữa trị tích cực sỏi thận bằng cách uống nhiều nước, trên 2 lít một ngày, có thể làm cho sỏi tự ra khi đi tiểu. Hạn chế các thức ăn chứa nhiều canxi oxalate như sữa, phomat, nước chè đặc, ăn ít đạm động vật nếu bị sỏi uric. Quan trọng là thăm khám định kỳ để phát hiện kịp thời biến chứng suy thận và có hướng can thiệp hiệu quả.

Chúc bạn sức khỏe!

Điều trị sỏi thận như thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi là nam 32 tuổi. Tôi đang bị sỏi thận. Tôi đang dùng thuốc Nam nhưng chưa khỏi. Xin hỏi bác sĩ giải đáp cho cách chữa trị.

Xin cảm ơn.

Bác sĩ Trần Thị Bích Lan


Chào bạn!

Sỏi thận là một bệnh do rối loạn chuyển hóa gây ra, bệnh diễn biến từ từ, âm thầm đến một lúc nào đó sỏi to đã gây các biến chứng chúng ta mới phát hiện ra, hoặc tình cờ bạn đi kiểm tra sức khỏe thấy. Bạn năm nay 32 tuổi, bạn đang chữa trị sỏi thận bằng thuốc Nam nhưng chưa khỏi.

Điều trị sỏi thận có nhiều phương pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kích thước của sỏi, vị trí của sỏi, tính chất của sỏi. Bạn đang chữa trị thuốc Nam chỉ có tác dụng với những sỏi bé hơn 10 mm và ở những vị trí thuận lợi sỏi có thể ra được theo đường nước tiểu. Theo tôi bạn nên đi siêu âm, chụp X-quang để bác sĩ giải đáp chọn cho bạn một phương pháp chữa trị thích hợp nhất mang lại hiệu quả nhất mà không ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Chúc bạn gặp nhiều may mắn.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl