Thắc mắc về viêm amidan ở nữ giới


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Khi bị viêm amidan hệ hộ hấp và tai mũi họng của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng lớn. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này ở phụ nữ.

chữa viêm amidan, sụn phễu phù nề


Câu hỏi bởi: Hoang

Cháu chào bác sĩ.

Má cháu năm nay 44 tuổi. Hồi đầu tháng 1/2015, má cháu đi khám và bác sĩ bảo bị viêm họng, viêm amidan, sụn phễu phù nề, uống nhiều thuốc mà chỉ đỡ 1 thời gian ngắn và lại bị đau trở lại. Bây giờ thì má cháu bị đau nhức trong miệng, lưỡi gà bị sưng đỏ lên, rất khó chịu. Bác sĩ cho cháu hỏi má cháu bị gì và có cách nào để điều trị ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ ạ!

Dược sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Theo như bạn mô tả thì có thể mẹ bạn bị viêm họng, viêm amidan mãn tính. Để chữa trị bệnh này, ngoài việc uống thuốc theo đơn của bác sĩ trong các đợt cấp nên áp dụng biện pháp súc họng nước muối loãng hàng ngày để làm giảm biểu hiện viêm trong đợt cấp và tránh tái phát:

Trước tiên, cần súc sạch khoang miệng bằng nước muối đã pha trong khoảng 30 giây. Nếu cảm thấy miệng chưa thật sạch thì làm thêm một lần nữa rồi mới súc họng. Ngồi dựa lưng vào thành ghế, cổ ngửa ra sau đến mức tối đa. Khi nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn (có thể hình dung lúc súc họng là khi ta đang phát âm o, a hoặc ê). Sau khi đẩy hơi hết, ngồi lại tư thế bình thường, nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần nữa với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa. Cứ 3 giờ súc họng một lần. Nếu họng đang viêm cấp, khoảng cách giữa hai lần súc họng có thể gần hơn. Điều quan trọng nhất là phải nhớ súc họng trước và sau khi ngủ. Với người hay đi tiểu đêm, cần phải súc họng cả trong những lần thức giấc này.

Hoặc nếu mẹ bạn bị tái phát nhiều lần trong một năm có thể xem xét việc cắt amidan. Với chỉ định này bạn nên được giải đáp bởi bác sĩ Tai – Mũi – Họng nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Viêm amidan mãn có nên cắt?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em năm nay 21 tuổi, nữ. Có tiền sử viêm amidan mãn. Gần đây, em có ăn uống đồ chiên, đồ lạnh khá nhiều. Trước, mỗi lần viêm amidan, amidan cả 2 bên đều sưng to, nhưng lần này chỉ 1 bên to và cảm giác nuốt vướng, hơi đau bên đấy, 1 bên như bị teo lại, không đau (lúc trước cả khi không viêm, amidan vẫn thấy to hơn). Hạch cổ 2 bên, trước có đi khám và uống thuốc thì hạch nhỏ lại nhưng cứ tái phát viêm Amidan là lại to lên, kích thước hạch cỡ 1-2 cm, di động, không đau. Trên amidan có những hạt trắng trắng, cổ họng hay có đờm. Bác sĩ cho em hỏi em có cần đi khám và cắt amidan không? Những lần trước em đi khám bác sĩ chỉ cho thuốc. Và những triệu chứng K amidan là gì ạ?

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào em!

Viêm amidan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amidan có thể là viêm cấp tính, viêm amidan mãn tính, áp xe quanh amidan. Em bị viêm amidan mãn tính, triệu chứng bằng những đợt viêm amidan cấp tái diễn, giữa các đợt này thường có phản ứng viêm dai dẳng hơn 4 tuần nhưng không rầm rộ. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn gram dương, hay gặp là liên cầu tan huyết bêta nhóm A. Triệu chứng chủ yếu như đau họng tái đi tái lại, sốt nhẹ, đau tai, hạch cổ to lên (do phản ứng viêm của cơ thể), khó nuốt, hơi thở hôi, khạc ra chất bã đậu hôi. Khi khám thấy amidan to hoặc teo, nhưng bề mặt amidan có nhiều chấm trắng như bã đậu.

Viêm amidan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm. Cần phải được chữa trị sớm, nên bắt đầu bằng chữa trị thuốc trong tình huống viêm amidan cấp họặc đợt cấp tái diễn của viêm amidan mãn, mỗi đợt uống thuốc khoảng 10 ngày do bác sĩ Tai – Mũi – Họng chữa trị và theo dõi. Cắt amidan là phương pháp chữa trị hữu hiệu khi được chỉ định nhằm loại bỏ tổ chức amidan không còn vai trò miễn dịch và trở thành một ổ viêm chứa đầy các loại vi khuẩn hoặc quá phát gây chèn ép đường hô hấp trên hoặc nghi ngờ phát triển thành u ác tính.

Cụ thể, nên cắt amidan trong các tình huống sau đây:

Viêm amidan mãn tính tái phát 4 lần/1 năm.Viêm amidan mãn tính kéo dài đã được chữa trị nội khoa tích cực trong vòng 4-6 tuần bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi. Áp xe quanh amidan ít nhất một lần phải nhập viện chữa trị. Viêm amidan gây biến chứng sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang….tái đi tái lại nhiều lần. Amidan quá phát chèn ép đường hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất. Amidan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amidan.

Có thể cắt amidan ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường sau 4 tuổi. Tuy nhiên, có tình huống trẻ nhỏ hơn vẫn phải cắt amidan khi amidan quá to gây những cơn ngưng thở trong lúc ngủ hoặc gây biến chứng.

Không được cắt amidan ở bệnh nhân có rối lọan đông cầm máu bẩm sinh hoặc bệnh máu mắc phải (Hemophilia A, B, C; suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…). Trì hoãn cắt amidan khi bệnh nhân đang có nhiễm khuẩn toàn thân hoặc tại chỗ, có bệnh mãn tính chữa trị chưa ổn định (đái tháo đường đường, lao, cường giáp…) hay ở vùng đang có bệnh dịch; phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh…

Để hạn chế viêm amidan phải chú ý giữ gìn vệ sinh, giữ ấm vùng mũi họng, tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối pha loãng (1 thìa cà phê muối pha với 0,5 lít nước). Không nên pha quá mặn sẽ làm hỏng niêm mạc họng.

Triệu chứng của ung thư amidan:

Ung thư amidan là một bệnh hiếm gặp. Ung thư amidan do các tế bào đột biến gen phát triển ở amidan (khu vực phía sau lưng của miệng). Ngoài amidan, vị trí thường phát triển ung thư amidan là hai mào của mô phía trước và sau amidan. Ngoài ra, các vị trí lân cận amidan cũng có khả năng phát triển ung thư là mặt sau gốc lưỡi, phần mềm ở vòm miệng, thành sau của họng. Triệu chứng thường gặp nhất của ung thư amidan là đau họng. Lở miệng không lành cũng có thể là biểu hiện ung thư amidan.

Các biểu hiện khác của ung thư amidan bao gồm:

Chảy máu, khó nhai, khó nói, khó nuốt, đau lan đến tai, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Amidan có tổ chức biểu mô và mô liên kết, vì vậy cấu trúc khối u ác tính của nó cũng chia thành hai nhóm ung thư biểu mô và ung thư liên kết.

Bạn nên đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để bác sĩ đánh giá và có chỉ định chữa trị cụ thể nhé.

Chúc bạn vui, khỏe!

Bị viêm họng và viêm amiđan, có nên cắt amiđan không?


Câu hỏi bởi: Thu Hà

Chào bác sĩ.

Mẹ em được bác sĩ chỉ định cắt amiđan nhưng mẹ em lúc đó không cắt. Sau khoảng 10 năm, gần đây đau họng đi khám thì viêm họng và viêm amiđan nhưng không thấy bác sĩ chỉ định cắt amiđan nữa. Không biết có nên để vậy hay cắt amiđan?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn.

Viêm amiđan là một trong những bệnh Tai Mũi Họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amiđan có thể là viêm cấp, viêm amiđan cấp tái hồi, viêm amiđan mãn, viêm tấy hoặc áp xe quanh amiđan. Nên cắt amiđan trong các tình huống sau đây:

1. Viêm amiđan mãn tính có 4 đợt tái phát trong 1 năm. Viêm amiđan mãn tính kéo dài đã được chữa trị Nội khoa tích cực trong vòng 4-6 tuần bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi.

2. Ápxe quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện chữa trị.

3. Viêm amiđan gây biến chứng sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang…. Tái đi tái lại nhiều lần.

4. Amiđan quá phát bít tắc hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất.

5. Amiđan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amiđan.

Đợt này mẹ bạn bị viêm họng, viêm amiđan đi khám bác sĩ không có chỉ định cắt amiđan, có thể do hiện tại tình trạng amiđan của mẹ bạn chưa có triệu chứng nguy hiểm, chưa có biến chứng cần phải cắt amiđan, bác sĩ sẽ chữa trị thuốc và xem mức độ đáp ứng của mẹ bạn từ đó có cân nhắc cắt amiđan hay không.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bệnh viêm amiđan từ nhỏ chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: thuoghuynh

Thưa bác sĩ!

Cháu là nữ, hiện học lớp 12. Cháu bị viêm amiđan từ nhỏ và bây giờ lớn, 2 cục amiđan rất to nên giọng cháu khàn và hay bị ho, sốt. Hiện nay cháu thấy không chỉ amiđan mà soi gương trong họng cháu có hột đỏ tròn sưng lên trong họng gây ngứa rát, nó rát như bị mắc xương, nuốt nước bọt đau, nên cháu bị ho. Cháu đã dùng thuốc nhưng không bớt. Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu cách chữa bệnh này. Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào cháu!

Viêm amiđan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm và cần phải được chữa trị sớm. Điều trị có thể bắt đầu bằng chữa trị thuốc trong tình huống viêm amiđan cấp họặc đợt cấp tái hồi của viêm amiđan mãn. Chỉ định cắt amiđan được đưa ra trong những tình huống sau:

Viêm amiđan mạn tính có 4 đợt tái phát trong 1 năm. Viêm Amiđan mạn tính kéo dài đã được chữa trị nội khoa tích cực trong vòng 4 – 6 tuần bệnh nhân vẫn đau họng, viêm hạch cổ, hơi thở hôi. Áp-xe quanh amiđan ít nhất một lần phải nhập viện chữa trị. Viêm amiđan gây biến chứng sốt thấp khớp, viêm vi cầu thận hoặc gây viêm tai giữa, viêm xoang… tái đi tái lại nhiều lần. Amiđan quá phát bít tắc hô hấp trên gây ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, có những cơn ngưng thở trong lúc ngủ, bất thường về phát âm, khó nuốt, chậm phát triển thể chất. Amiđan chỉ to một bên kèm sưng hạch cổ cùng bên nghi ngờ ung thư amiđan. Cháu bị viêm amiđan từ nhỏ. Với những triệu chứng như hiện tại và dùng thuốc nhưng không bớt, nếu cháu không bị rối lọan đông cầm máu bẩm sinh hoặc mắc phải (Hemophilia A, B, C, suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu…) thì nên cân nhắc tới việc cắt amiđan. Cháu nên đi khám bác sĩ tai mũi họng để được giải đáp cụ thể.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Chữa khỏi bệnh viêm amiđan?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Người bạn của cháu năm nay 13 tuổi, là nữ. Bạn ấy bị viêm amiđan. Xin hỏi bác sĩ làm thế nào để chữa được bệnh này ạ?

Cháu cảm ơn bác sĩ ạ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Viêm amiđan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Nguyên nhân gây viêm amiđan có thể là do vi khuẩn hoặc vi rút. Viêm amiđan có thể gây ra các biểu hiện như sốt, rét run, đau họng, vướng họng , ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, khớp… nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những các biến chứng nguy hiểm.

Viêm amiđan mãn tính ở trẻ em thường làm amiđan sưng to, rối loạn phát âm (giọng nói đục, hoặc ồm ồm), rối loạn nuốt (nuốt khó và dễ bị nôn)…. Để hạn chế viêm amiđan phải chú ý giữ gìn vệ sinh, giữ ấm vùng mũi họng, tránh môi trường sống ô nhiễm, tránh dùng những thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, vệ sinh răng miệng sau khi ăn, súc miệng bằng nước muối pha loãng (1 muỗng cà phê muối pha với 0,5 lít nước). Không nên pha quá mặn sẽ gây hại cho niêm mạc họng.

Viêm amiđan là một bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm cần phải được chữa trị sớm. Thuốc thường dùng là kháng sinh, chống phù nề, mỗi đợt uống thuốc khoảng 10 ngày do các bác sĩ Tai Mũi Họng chữa trị và theo dõi. Vì thế cháu cần khuyên bạn đi khám để được chữa trị kịp thời!

Chúc cháu và bạn luôn vui và khỏe mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl