Sưng đầu gối như thế này là bị bệnh gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Hậu quả của một số căn bệnh như thoái hóa khớp, Gout, chấn thương, nhiễm trùng,… có thể dẫn đến hiện tượng sưng và đau nhức đầu gối. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về nó qua các câu hỏi sau đây đến từ chuyên gia cơ xương khớp nhé!

Bị sưng và đau gối liên tục


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu chào bác sĩ!

Má cháu năm nay 43 tuổi. Má cháu bị sưng đầu gối và đau hồi năm trước, thỉnh thoảng cách khoảng 1 tháng là bị sưng và đau đầu gối, nhưng dạo gần đây thì đau và sưng kéo dài liên tục, khi đứng dậy thì khớp kêu nữa ạ. Vậy bác sĩ cho cháu biết má cháu bị bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ?

Cháu xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Mẹ cháu 43 tuổi, ở lứa tuổi này mẹ cháu có thể có thoái hóa khớp gối. Thoái hóa khớp gối là trình trạng bề mặt khớp bị tổn thương do nhiều lí do làm mất độ trơn nhẵn của bề mặt khớp. Biểu hiện của thoái hóa khớp gối là mỗi khi đứng dậy hoặc khi đi lại lên cầu thang là khớp gối kêu lục cục, có thể gây đau nhức khớp, và sưng khớp gối mỗi khi đau và đi lại nhiều.

Mức độ bệnh cũng cũng khác nhau ở từng gia đoạn bệnh, ở gia đoạn sớm khi chưa có tổn thương bề mặt khớp chỉ có sự giảm tiết dịch nhầy khớp thì các biểu hiện thường mơ hồ, thoáng qua, người bệnh thường bỏ qua. Khi tổn thương nặng, dịch nhầy giảm tiết và làm tăng ma sát của khớp, lâu dần dẫn tới hẹp khe khớp. Tiến triển nặng hơn là tình trạng tổn thương bề mặt sụn khớp, trên hình ảnh XQ cho thấy có hình ảnh “gai xương”, “mỏ xương” là hình ảnh gián tiếp phản ánh tình trạng tổn thương bề mặt sụn khớp. Lúc này trên lâm sàng sẽ triệu chứng là khớp đau nhiều khi đi lại, khớp có thể sưng đau nếu không được chữa trị.

Việc chữa trị tuy theo mức độ và giai đoạn của bệnh, các thuốc thường dùng là thuốc chống viêm giảm đau đường uống nhóm Nonsteroid, tác dụng phụ làm viêm niêm mạc dạ dày. Một số nhóm thuốc chống viêm Nonsteroid thế hệ mới có tác dụng ức có tác dụng tốt, hạn chế tác dụng phụ như Mobic (Meloxicam), Celecoxib … Các bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm có chứa Corticoid để tiêm vào khớp trong có tác dụng chống viêm tốt. Ngoài ra quá trình chữa trị còn phối hợp các thuốc tăng sinh dịch nhày khớp như Glucosamine , Chondroitin..v.v. Cháu nên đưa mẹ cháu đi khám để xác định lí do đau khớp và để bác sĩ kê đơn chữa trị cụ thể.

Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe!

Đầu gối bị sưng đi lại khó khăn là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Má cháu tự dưng bị sưng đầu gối bên phải, không to lắm, đi lại khó khăn. Không ngồi xổm được, má cháu năm nay 57 tuổi. Má cháu đã đi tiêm và kê thuốc ở bác sĩ tư nhân nhưng không có khỏi. Theo bác sĩ tư nhân thì má cháu viêm khớp, ngoài ra còn xông nước lá nốt theo như người ta mách nhưng vẫn vậy. Xin bác sĩ giải đáp má cháu khả năng mắc bệnh gì và cách chữa trị?

Cháu xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Triệu chứng điển hình trong phản ứng viêm khớp cấp thường đầy đủ các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu mẹ cháu có đầy đủ các biểu hiện của viêm cấp tính thì khuyên mẹ cháu làm thêm xét nghiệm ASLO và xét nghiệm Accid Uric để chẩn đoán lí do. Qua mô tả của cháu, mẹ cháu 57 tuổi, có biểu hiện sưng nhẹ khớp gối phải, đau khi vận động khiến mẹ cháu đi lại khó khăn. Ở lứa tuổi này thì cần phải nghi ngờ đến tình trạng thoái hóa khớp gối. Biểu hiện là đau tăng lên khi vận động, giảm đi khi nghỉ ngơi. Khi khớp gối bị thoái hóa, việc đi lại nhiều có thể làm cho khớp đau tăng và có triệu chứng sưng tấy. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối nếu có đau khi vận động, chụp X-Quang khớp gối có hình ảnh thoái hóa. Thông tin mà cháu đưa ra không có đề cập đến các xét nghiệm mà mẹ cháu đã thực hiện. Khuyên mẹ cháu khám bác sĩ chuyên khoa Khớp để có chẩn đoán xác định và chữa trị đúng hướng.

Chúc cháu và gia đình mạnh khỏe!

Đau sưng 2 đầu gối trở xuống là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: gadaubac

Thưa bác sĩ!

Bố của tôi thường đau và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm dẫn đến mất ngủ. Xin hỏi bác sĩ lí do và cách điều trị.

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Bố bạn thường đau và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm dẫn đến mất ngủ. Hiện tượng này thường gặp trong bệnh thoái hóa khớp gối. Khớp gối là khớp rất quan trọng, gánh toàn bộ trọng lượng cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó rất dễ bị thoái hóa.

Triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp gối:

Đau vùng khớp gối, lúc đầu đau nhẹ nhàng, đau chủ yếu về đêm, đau tăng hơn khi đi lên cầu thang hoặc khi ngồi xổm xuống.

Đôi khi cảm giác cứng khớp gối, nhất là sáng sớm lúc vừa ngủ dậy, sau một lúc đi lại nghỉ ngơi thấy đỡ đau hơn, thấy dễ chịu hơn.

Có khi khớp gối bị sưng lên, chứa nhiều dịch bên trong mà nhiều người gọi là tràn dịch khớp. Nếu chọc hút thì đau sẽ giảm xuống nhưng mấy ngày sau khớp sưng trở lại.

Nếu bị nặng khớp gối bị biến dạng vẹo vào trong, mà nhiều người gọi là chân vòng kiềng.

Tuy nhiên hiện tượng đau sưng và sưng từ 2 đầu gối trở xuống, đau nhất là buổi đêm còn có thể là triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc suy tĩnh mạch chi dưới.

Trong viêm khớp dạng thấp:

Khớp gối (thường bị sớm): sưng to, đau, hạn chế gấp duỗi, phù nề tổ chức cạnh khớp, có thể có tràn dịch ổ khớp (làm dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè dương tính). Đôi khi có thoát vị bao hoạt dịch về phía khoeo tạo nên túi phình Baker, teo cơ đùi, cơ cẳng chân. Khớp gối dính ở tư thế nửa co.

Các khớp ngón chân: viêm khớp bàn – ngón và khớp ngón chân cái tạo tư thế ngón cái quặp vào ngón 2, các ngón khác sưng đau, đau gót chân, bàn chân mất lõm. Lâu dần các ngón chân như thu ngắn lại tạo ra hình ảnh ngón chân rụt. Khớp cổ chân: sưng, đau, phù nề cả bàn chân, đôi khi có tràn dịch, có thể dính ở tư thế duỗi “bàn chân ngựa. Nếu kèm theo khớp khuỷu sưng, đau, hạn chế vận động gấp duỗi thì càng chắc chắn là viêm khớp dạng thấp.

Trong suy tĩnh mạch: Bệnh nhân có cảm giác như bị bó chặt ở bắp chân, nặng chân, mỏi chân, mất ngủ. Có khi thấy tê, có cảm giác như kiến bò vùng bàn chân, đau chuột rút ở bắp chân, thường xảy ra về đêm, sưng phù xung quanh hai mắt cá, thấy rõ vào buổi tối.

Trong 3 lí do trên thì suy tĩnh mạch ít khả năng nhất. Vì không được khám cụ thể bệnh cho bố bạn nên khó có thể tư vấn chính xác được. Để chẩn đoán chính xác bác cần đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

Để cải thiện biểu hiện, bố bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

Giảm đau, tăng tuần hoàn: chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, chiếu thấu nhiệt vi sóng, chữa trị bằng các dòng điện giảm đau (dòng Ten, dòng giao thoa…), sóng siêu âm giảm đau, kháng viêm, làm mềm tổ chức tổn thương xơ sẹo trong sâu, hướng dẫn sử dụng băng thun hoặc bó gối để cố định khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.

Tăng cường tập luyện cơ, tập mạnh các nhóm cơ gập duỗi khớp gối, các nhóm cơ gập duỗi dang áp khớp hông để hỗ trợ khớp gối tùy vào lực cơ người bệnh, gia tăng tầm vận động khớp gối, độ di động xương bánh chè: kỹ thuật P.N.F, tập đề kháng bằng tay, bằng tạ, dây thun co giãn, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang.

Nếu thừa cân thì cần giảm cân, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng.

Chúc bố bạn sức khỏe!

Bị sưng đau đầu gối, tê buốt là bị gì?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Em là nam giới năm nay 20 tuổi. Ở đầu gối em xuất hiện một cục xương bị sưng to, đau và tê buốt. Em muốn hỏi là em mắc bệnh gì và cách xử lý như thế nào?

Em cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Ở vùng khớp gối có một xương bánh chè, có thể di động lên xuống giúp cho cử động của khớp gối được trơn tru và dễ dàng và khi sờ bên ngoài có dạng khối tròn, giống như một cục xương. Do đó cục xương mà em sờ thấy ở khớp gối có thể chính là xương bánh chè hoặc có thể là do một khối u xương khớp hay một khối thoát vị của bao hoạt dịch tại vị trí khớp gối. Nếu cục xương em sờ thấy tại khớp gối là xương bánh chè mà lại có hiện tượng sưng to, đau và buốt là tình trạng tổn thương khớp gối, thường gặp là do viêm khớp.

Có nhiều lí do gây viêm khớp, có thể viêm khớp do nhiễm khuẩn, viêm khớp trong bệnh thấp khớp cấp, viêm khớp trong bệnh goute, viêm khớp trong các bệnh tự miễn,… Mỗi bệnh sẽ có hướng xử trí, chữa trị và tiên lượng bệnh khác nhau. Vì vậy, em cần đi khám để bác sĩ trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và chữa trị cho em.

Chúc em khỏe!

Sưng nhức khủy chân, đầu gối sưng đỏ và nhức là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Thi thi

Chào bác sĩ.

Má cháu mấy hôm trước tự nhiên bị sưng ở khuỷu chân bên phải, đau nhức dữ dội. Đi khám thì người ta bảo là bị áp xe gì đó không có gì quan trọng, chỉ cần dùng thuốc thôi. Nhưng mà sau vài tuần thì má cháu lại sưng và nhức ở khủy chân bên trái, còn bị thâm tím nữa. Đầu gối cũng sưng đỏ và nhức dữ lắm. Đi lại cũng khó khăn do đau nhức nhiều. Cháu mong bác sĩ hồi âm sớm cho má cháu biết là bệnh thế nào? Có nguy hiểm không và chữa trị như thế nào?

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Mẹ cháu có triệu chứng là đau tại khớp khuỷu phải và sau đó là khuỷu trái, đầu gối cũng bị sưng đau. Như vậy là mẹ cháu bị viêm khớp. Tính chất của đau là đau có tính di chuyển từ khớp này tới khớp kia và bị chủ yếu tại khớp khuỷu và khớp gối, không bị tại các khớp nhỏ. Với tính chất đó thì có nhiều khả năng mẹ cháu bị thấp khớp cấp, đây là bệnh thường xảy ra sau viêm họng từ 2 đến 3 tuần. Ngoài ra, nếu mẹ cháu ở tuổi trung niên thì cũng cần chú ý tới bệnh viêm khớp dạng thấp. Mẹ cháu nên đi khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp tại bệnh viện để làm các xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm để chẩn đoán chính xác bệnh và chữa trị.

Chúc sức khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl