Động kinh cục bộ ở trẻ: Cần chữa trị gấp


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Động kinh ở trẻ là một điều không hiếm gặp tuy nhiên chứng động kinh cục bộ xuất hiện thì bố mẹ không nên xem thường. Chữa trị sớm sẽ giúp bé tránh được những hậu quả không đáng có sau này.

Bé bị động kinh cục bộ phải chữa trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: smile

Chào bác sĩ!

Bé nhà cháu được 4 tháng tuổi thì cháu phát hiện bé bị trợn ngược mắt, gồng tay. Đi khám bác sĩ chẩn đoán là bị động kinh cục bộ. Uống thuốc hết 6 tháng thì bé chuyển qua bị giật nhưng bé vẫn dùng thuốc không ngưng cữ nào. Tối ngủ là tay chân bé cứ giật liên tục rồi giật lên đầu. Khi thức dậy thì lúc nào cũng bị giật cứng người rồi ói ra mới tỉnh lại. Ngày nào cũng bị như vậy. Sau này cháu đưa bé chữa trị ở Bệnh viện Tâm thần ở Phú Nhuận được 3 tháng, uống nhiều loại thuốc tự nhiên bé quên và không nói được nữa nên cháu đã ngưng thuốc. Giờ cháu đang cho bé dùng thuốc đông y và sừng tê giác bé đã nhớ lại từ từ. Nhưng cứ ngủ là tay chân bị giật và lúc thức dậy là bị giật cứng người, mắt trợn trắng, ói ra. Giờ bé được 23 tháng tuổi. Cháu xin bác sĩ giúp cháu phải chữa trị cho bé như thế nào?

Cháu cảm ơn bác sĩ rất nhiều!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Bé 4 tháng tuổi đã bị lên cơn động kinh, triệu chứng co cứng gồng tay chân và trợn mắt. Bé đã được đi khám bệnh và kết luận là động kinh cục bộ. Bệnh động kinh để chữa trị cắt cơn, giúp bệnh nhân trở lại bình thường không lên cơn nữa thì cháu phải cho bé chữa trị thuốc chống động kinh của tây y. Thuốc đông y hay sừng tê giác không có tác dụng trong việc chữa trị cắt cơn động kinh. Bé bị động kinh hiện tại đã rất rõ, đó là có triệu chứng co giật cứng người, khi lên cơn cơ giật thì toàn thể các cơ trong cơ thể đều bị co giật vì thế bé bị nôn ói khi lên cơn.

Quy trình chữa trị động kinh: Phải chọn thuốc phù hợp với thể động kinh, bệnh nhân uống liều thuốc tính theo mg/kg cân nặng cơ thể. Chỉnh liều dần sao cho với liều phù hợp để khống chế không lên cơn động kinh ở bệnh nhân. Người bệnh dùng thuốc liên tục 2,5-3 năm mà không lên một cơn động kinh nào. Mỗi tháng đi tái khám 1 lần để bác sĩ chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Cứ 6 tháng đi kiểm tra điện não đồ 1 lần để theo dõi tiến triển của bệnh. Sau 2,5-3 năm dùng thuốc mà không lên cơn động kinh nào nữa, đồng thời kiểm tra điện não đồ tốt, bác sĩ sẽ giảm dần liều thuốc và cho ngừng chữa trị, tuy ngừng thuốc vẫn phải theo dõi nếu tái phát 1 cơn cũng phải chữa trị lại từ đầu.

Theo bác, cháu nên cho bé nhập viện chữa trị nội trú 1-2 tháng để bác sĩ trực tiếp chữa trị và theo dõi khi nào cắt cơn thì ra viện, tiếp tục uống theo liều thuốc được hướng dẫn thì tốt hơn. Cháu không nên để bé lên cơn động kinh mà không được chữa trị như vậy. Lên cơn nhiều sẽ ảnh hưởng đến não, làm suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, biến đổi nhân cách… Ảnh hưởng đến phát triển sức khoẻ thể chất và tâm thần của bé sau này.

Chúc bé mau ổn định bệnh!

Trẻ bị động kinh cục bộ nên ăn gì và tập luyện thế nào?


Câu hỏi bởi: huyenduan1980

Bác sĩ ơi con nhà cháu năm nay được 3,5 tuổi. Bé bị động kinh cục bộ và teo não thùy chẩm phải. Xin hỏi bác sĩ cháu phải cho con ăn gì và tập bài tập vận động nào?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Bệnh động kinh cục bộ là không thể chữa khỏi, và hiện tại chưa có tài liệu nào công bố là có biện pháp tập luyện chữa được động kinh, chưa có tài liệu nào khuyến cáo về các món ăn có tác dụng khống chế bệnh động kinh. Tuy nhiên động kinh cục bộ thường không có dấu hiệu biến chứng thành các bệnh khác nặng hơn và thường không tiến triển nặng dần. Bạn cần tuân thủ các thuốc chữa trị theo đúng liều, không tự ý điều chỉnh liều hoặc bỏ thuốc, đồng thời có biện pháp phòng ngừa những tai nan do cơn động kinh gây ra trực tiếp cho bé như nước, lửa, giao thông….

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Tiêm vacxin 5 in 1 cho trẻ sơ sinh bị bệnh động kinh có được không ạ ?


Câu hỏi bởi: Đỗ Thị Thêm

Thưa Bác sỹ, con cháu hiện đang điện 3 tháng 15 ngày, nặng 6kg.Từ lúc 2 tháng cháu có hay co giật co tay và chân nhiều lần trong ngày mỗi lần khoảng vài giây. Cháu đã đi khám tại viện nhi trung ương. Bác sỹ ở viện có chuẩn đoán là cháu bị động kinh cục bộ và cho cháu uống thuốc trileptal liều lượng 1,5ml/ngày. Hiện cháu muốn tiêm vacxin 5 in 1 cho bé thì có ảnh hưởng gì không ạ. Có cần dừng thuốc vài ngày trước khi tiêm ko ạ? Nếu dừng thì có ảnh hưởng đến bệnh hiện tại của bé không ạ ? Mong bác sỹ tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn nhiều ạ.

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào cháu!
Nếu con cháu đã được chẩn đoán động kinh và cho uống thuốc chống động kinh thì phải uống liên tục, nếu dừng thuốc nhiều khi như một sự kích thích làm xuất hiện cơn động kinh, thậm chí rất nhiều cơn. Cháu có thể tiêm vaccine 5 in 1. Tốt nhất khi đến cơ sở tiêm phòng dịch cần trình bày lại vấn đề này với bác sỹ, người thăm khám cho bé trước khi tiêm.
Chúc bé mau lành và luôn khỏe mạnh!

Điều trị bệnh động kinh kéo dài, không có biểu hiện co giật, mà chỉ bị nói lảm nhảm, tiểu dầm ra sao?


Câu hỏi bởi: tocngan1089

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 26 tuổi và bị bệnh động kinh đã 12 năm. Tôi đã đi chạy chữa nhiều nơi và uống rất nhiều loại thuốc Tây, thuốc Bắc và thuốc Nam, nhưng vẫn không chữa được hết căn bệnh này. Tôi rất buồn vì đã làm cho mẹ phải lo rất nhiều cho mình. Đến nay dù đã 26 tuổi nhưng vì sức khỏe như vậy nên không đi làm được. Tôi mắc căn bệnh này lúc 14 tuổi, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng cho tôi dùng thuốc Teraton, uống được 1 tháng tôi phải nhập viện do bị dị ứng nặng với thuốc. Sau khi xuất viện, bác sĩ cho dùng Depakin 250mg, uống khoảng 2 năm vẫn không hết, bác sĩ lại đổi sang Depakin 500mg cho tôi uống đến 24 tuổi nhưng vẫn không hết. Hiện giờ hàng tháng tôi bị 2-3 lần, nghe mẹ tôi nói là hay bị những ngày gần tới chu kỳ. Tôi không bị co giật mà chỉ bị nói lảm nhảm từ 1-2 phút và bị tiểu dầm. Vì những lần lên cơn thì tôi không biết gì hết, lúc tỉnh lại thì thần kinh và cả người rất mệt. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Đặc điểm của bệnh động kinh là cơn co giật, xảy ra bất ngờ, không có quy luật về thời gian, bạn không bị co giật mà chỉ bị nói lảm nhảm, tiểu dầm thì chỉ là cơn động kinh cục bộ (bệnh nhẹ). Bệnh không được chữa trị khỏi nên việc phòng tránh tai nạn do cơn động kinh bất ngờ gây ra là cần thiết, bạn không bị co giật nên việc phòng tai nạn sẽ dễ dàng hơn. Bạn bị bệnh và chữa trị đã 12 năm mà tinh thần vẫn hoàn toàn minh mẫn chứng tỏ việc chữa trị chưa mạnh. Bạn nên đi khám ở bệnh viện chuyên khoa Thần kinh tuyến cao hơn, chữa trị tích cực phối hợp nhiều loại thuốc với thời gian đủ dài. Nếu khống chế được cơ thì tiếp tục chữa trị tiếp 2 năm nữa kể từ khi không lên cơn. Nếu không thể khống chế được cơn thì xem xét ngừng dùng thuốc và nên có những biện pháp dự phòng tai nạn do cơn động kinh bất ngờ gây ra. Bạn có thể lựa chọn những ngành nghề và sắp đặt cuộc sống phù hợp với thực tế bệnh tật.

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl