Thắc mắc nên biết về chứng rối loạn đông máu ở tuổi dậy thì


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải chứng rối loạn. Và nhóm người ở độ tuổi dậy thì cũng vậy.

15 tuổi khạc đờm ra máu


Câu hỏi bởi: Bé Bòn Bon

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 15 tuổi. Mấy ngày hôm qua cháu thường bị khạc đờm ra máu. Nhưng cháu không biết bị gì mới khạc đờm ra máu. Bác sĩ có thể cho cháu 1 vài lí do được không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Cháu khạc đờm có máu, có thể do những lí do sau đây: Viêm mũi xoang, chảy máu cam, viêm họng cấp, lao phổi. Các lí do khác: xuất huyết như giảm tiểu cầu, bệnh rối loạn đông máu, ung thư vòm họng, ung thư phổi …v.v. Cháu nên khám bác sĩ Tai Mũi Họng, lí do thông thường hay gặp nhất là do viêm mũi họng.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Đi ngoài phân ra máu mà không phải táo bón là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Hùng

Thưa bác sĩ,

Em 17 tuổi, 2 ngày gần đây em bị đi phân ra máu, không có đau, không bị táo bón. Bác sĩ có thể cho em biết là em đang gặp phải vấn đề gì không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Có nhiều lí do gây nên biểu hiện đi ngoài ra máu mặc dù đi ngoài không đau, không táo bón, mà thường gặp do bệnh trĩ và polyp đại trực tràng. Ngoài ra có thể do viêm đại tràng, viêm trực tràng do vi khuẩn. Các lí do khác ít gặp hơn là những bất thường về thành mạch, tiểu cầu và rối loạn đông máu… Em cần đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm công thức máu và nội soi đại trực tràng tràng để chẩn đoán, chữa trị.

Chúc em mạnh khỏe!

Bị chảy máu mũi không rõ nguyên nhân có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Tuan Anh

Chào bác sĩ!

Cháu là nam 17 tuổi. 5 – 6 ngày gần đây cháu bị chảy máu cam, cháu đã ngửa cổ lên để máu khô rồi, thế nhưng, ngày hôm sau do ngạt mũi, cháu xì nhẹ thì sau một đợt nước mũi thì mũi cháu lại chảy máu. Cháu không biết máu cháu bị khó đông hay gì nhưng 5 – 6 ngày này nếu không chạm nhẹ vào mũi thì mũi cháu cũng tự nhiên chảy máu. Cháu rất lo lắng về tình trạng của mình. Mong bác sĩ giải đáp cho cháu.

Cháu cám ơn.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Chảy máu mũi trước có nhiều lí do như: Chấn thương nhẹ do ngoáy mũi hoặc do chấn thương mạnh trực tiếp vào mũi do ngã hay tai nạn; lệch vách ngăn mũi; ung thư vòm họng; các bệnh lý có rối loạn đông máu, các viêm nhiễm của mũi xoang.

Khi bị chảy máu mũi cần ngay lập tức dùng tay bóp chặt mũi trong 10-15 phút và nghiêng đầu về phía trước, không nên nằm hoặc ngả đầu ra sau vì máu sẽ chảy ngược vào họng kích thích gây nôn và không cầm được máu. Nếu máu vẫn chảy sau đó thì bạn nên đến bệnh viện ngay. Trường hợp của bạn chảy máu nhiều ngày nên đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được chẩn đoán và xử trí kịp thời

Chúc bạn mau khỏe!

Bệnh máu khó đông có di truyền không, làm cách nào để chữa trị?


Câu hỏi bởi: Thanh Thảo

Thưa bác sĩ!

Ba tôi bị bệnh máu khó đông, bệnh mới biểu hiện gần đây thôi. Tôi nghe nói bệnh này di truyền cho con trai, em trai tôi năm nay 19 tuổi, không biết có mắc bệnh này không bác sĩ? Làm cách nào để chữa trị? Ba tôi làm nghề nông.

Thân ái!

Chào bạn!

Ba của bạn bị bệnh máu không đông, nhưng chúng tôi không rõ do thiếu yếu tố đông máu nào. Đây là bệnh rối loạn đông máu di truyền (còn gọi là bệnh ưa chảy máu) do giảm các yếu tố đông máu VIII, IX, XI (tên khoa học Hemophie A, B, C). Bình thường cục máu đông được hình thành làm ngừng chảy máu trong cơ hoặc khớp sau những chấn thương nhỏ liên quan đến cuộc sống hàng ngày.

Đông máu phụ thuộc vào sự tương tác các yếu tố đông máu, nếu không có hoặc thiếu các yếu tố này thì chảy máu kéo dài, không cầm được.

Hemophilie A,B là bệnh hay gặp, bệnh di truyền theo gen lặn, liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính X, thường gặp ở nam.

Hemophilia C hiếm gặp và có biểu hiện lâm sàng nhẹ. Bệnh di truyền lặn, liên quan đến nhiễm sắc thể thường, vì vậy cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh.

Các xét nghiệm cần làm trong bệnh lý này:

Thời gian máu đông kéo dài, thời gian Howell kéo dài, thời gian Cephalin- Kaolin kéo dài. Định lượng yếu tố VIII hoặc IX, XI giảm hoặc mất (Mức độ nặng khi yếu tố VIII hoặc IX hoặc XI <5%; mức độ vừa khi còn 5-10%; và mức độ nhẹ >10% đến < 50%). Do vậy, bạn nên đưa ba và em trai đến bệnh viện Truyền máu Huyết học thành phố Hồ Chí Minh để khám, theo dõi và điều trị bệnh.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl