Tuyển chọn câu hỏi hay nhất về kết quả siêu âm tim


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Làm sao để hiểu tất cả những thông số trên giấy báo kết quả siêu âm tim? Cách đơn giản nhất là tham khảo tư vấn dưới đây của bác sĩ chuyên khoa, bạn nhé!

Hở van tim 2 lá 1/4, hở van 3 lá 2,5/4, bệnh có nặng không và cách điều trị như thế nào?


Câu hỏi bởi: Thanh Truyền

Chào bác sĩ!

Em đi siêu âm tim và bác sĩ kết luận là hở van tim 2 lá 1/4, hở van 3 lá 2,5/4. Vậy bệnh em có nặng không? Và cách điều trị như thế nào?

Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Chào bạn!

Mức độ nặng của bệnh van tim sẽ phụ thuộc vào triệu chứng của bạn có (như khó thở liên quan đến các mức độ gắng sức), các dấu hiệu lâm sàng của suy tim do bệnh van tim (như khó thở, ho, ran ở phổi, phù chân, gan to…), tổn thương ghi nhận được qua siêu âm tim (hẹp hoặc hở van tim, áp lực động mạch phổi). Chỉ định về điều trị bằng thuốc hay cần phải phẫu thuật thay van cũng sẽ dựa vào các tiêu chuẩn trên.

Bạn cho biết bạn làm siêu âm ghi nhận bệnh van tim. Van hai lá hở 1/4 là rất nhẹ, còn gọi là hở van sinh lý, không cần điều trị gì. Hở van ba lá 2.5/4 thì cần chú ý, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, kiểm chứng lại bệnh van tim bằng một bản siêu âm tim nữa.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Hay bị đau vùng ngực trái và vùng xương ức là bệnh gì và cách điều trị?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Em chào bác sĩ.

Bác giải đáp giúp em. Dạo này em hay bị đau vùng ngực trái và vùng xương ức. Em đi khám thì bác sĩ siêu âm tim bảo tim mạch bình thường. Xét nghiệm máu cũng bình thường. Nhưng em khám dạ dày lại bị viêm hang vị. Vậy bác sĩ giải đáp giúp em triệu chứng đau ngực trên là do lí do nào ạ. Và cách điều trị. Em xin cảm ơn và mong sớm nhận được thư phúc đáp.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Nếu bạn đã đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết như Xquang, siêu âm tim, điện tim, xét nghiệm máu… thì có thể sơ bộ loại trừ các bệnh lý tim mạch nguy hiểm gây đau ngực trái. Viêm dạ dày cũng có thể là lí do gây đau, nóng sau xương ức nếu có trào ngược dạ dày thực quản, thực chất là do đau đoạn thực quản chạy qua ngực. Khi acid trong dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, acid kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh trên bề mặt niêm mạc thực quản, gây cảm giác đau. Bạn nên khám chuyên khoa Tiêu hóa để chữa trị sớm nhé.

Chúc bạn sống khỏe!

Tư vấn kết quả siêu âm điện tim


Câu hỏi bởi: Minh Ngọc

Chào bác sĩ.

Con em được 5 tháng, khoảng 1 tuần trước đây em cho con đi khám ở Viện dinh dưỡng, bác sĩ nói có nghe tiếng thổi ở đáy tim và cho cháu ra viện Tim Hà Nội siêu âm, điện tim. Kết quả:

Thông liên thất phần cơ bè, đường kính 2,6mm, Shunt T-P, chênh áp tối đa TT – TP: 49mmHg, khoảng cách từ lỗ thông đến mỏm 9mm, VHL 21mm.

Không tăng áp lực ĐMP.

Kích thước và chức năng tâm thu thất trái bình thường.

Không thấy tổn thương khác phối hợp.

Bác sĩ cho em hỏi con em bị vậy có nặng không ạ? Có thể tự biết mà không cần phẫu thuật không? Nếu phải phẫu thuật thì khi nào có thể làm được ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Chào em.

Thông liên thất là một tật tim bẩm sinh do có sự bất thường về cấu trúc vách liên thất và rối loạn huyết động học ít hoặc nhiều tùy thuộc vào kích thước lỗ thông và luồng thông.

Trường hợp của bé là thông liên thất phần cơ bè, chưa có rối loạn huyết động học, kích thước lỗ thông nhỏ nhiều khả năng lỗ thông sẽ tự bít.

Hiện tại, nếu chưa có rối loạn huyết động học, chức năng tim vẫn bình thường thì chưa cần thiết phải điều trị, em cho bé theo dõi và tái khám theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch.

Chúc bé khỏe, bệnh tiến triển tốt!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Hở van ba lá mức độ rất nhẹ, hở van động mạch phổi mức độ rất nhẹ, điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi: Thuy duong

Xin chào bác sĩ.

Tôi có câu hỏi như sau mong bác sĩ giải thích hộ ạ. Tôi khám sức khỏe định kì nhịp tim nhanh (do lúc đó tôi hồi hộp là 109 nhịp/1 phút). Ở nhà tôi tự đo bằng máy đo huyết áp loại Omron chỉ dao động trong khoảng 80 nhịp/1 phút. Vừa qua tôi có đi khám tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, bác sĩ chỉ định làm siêu âm tim, xét nghiệm công thức máu, và làm điện tim. Kết quả xét nghiệm máu và điện tim đều bình thường. Kết quả siêu âm bác sĩ siêu âm ghi là hở van ba lá mức độ rất nhẹ, hở van động mạch phổi mức độ rất nhẹ. Và bác sĩ siêu âm có hỏi tôi bị sao mà lại đi khám. Tôi trả lời là nhịp tim nhanh. Phần kết luận bác sĩ siêu âm ghi là: Các van thanh mảnh, dòng chảy qua các van bình thường. Kính thước và chức năng tâm thu thất trái bình thường, áp lực động mạch phổi bình thường, và tôi có thắc mắc và hỏi bác sĩ chỉ định đi khám là siêu âm ghi hở van tim 3 lá và van động mạch phổi rất nhẹ, bác sĩ trả lời là trái tim của chúng ta là 1 khối cơ chứ không phải khối thép nên khi có bóp nó như vậy. Và nói trường hợp của là hoàn toàn bình thường. Vậy hôm qua tôi xin hỏi bác sĩ trường hợp của tôi có phải là hở van tim không ạ?

Xin cảm ơn bác sĩ

Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên


Chào bạn!

Siêu âm tim là phương pháp thăm dò chẩn đoán để giúp đánh giá cấu trúc và chức năng tim. Để biết có hở van tim hay không, mức độ hở như thế nào thì siêu âm tim là một thăm dò chẩn đoán xác định. Tình trạng hở van tim của bạn kết quả siêu âm đã trả lời rất rõ là có hở van ba lá mức độ nhẹ và hở van động mạch phổi mức độ rất nhẹ.

Chúc bạn luôn khỏe!

Hỏi kết quả siêu âm tim?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ.

Đây là kết quả siêu âm tim của con cháu: Thông liên thất phần màng = phần phễu. D=4.3mm, shun (t) – (p) GradLV/RV=36mmh. Thông liên nhĩ thứ phát d=4.7mm, shunt (t) _ (p). Hở van 3 lá 2/4. Áp lực phổi paps=39mmhg. Chức năng tim bình thường. Bác sĩ cho cháu hỏi như thế này thì có nguy hiểm không và cháu phải làm như thế nào? Mong bác sĩ giúp cháu.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Đỗ Hồng Kiên


Chào cháu.

Trường hợp của con nhà cháu là tim bẩm sinh bao gồm cả thông liên nhĩ và thông liên thất.

Thông liên thất: Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất sau dị tật bẩm sinh ở van động mạch chủ và chiếm khoảng 25% các bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị dị tật này thường chậm lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí sớm. Việc chỉ định chữa trị cần dựa trên các yếu tố: Tuổi, huyết động, tổn thương giải phẫu bệnh và đáp ứng với chữa trị nội. Điều trị thông liên thất có 3 biện pháp chủ yếu: Chữa trị Nội khoa kết hợp theo dõi, phẫu thuật tim hở, can thiệp đóng thông liên thất qua đường ống thông.

Đối với thông liên nhĩ: Có thể tự đóng 14-66%. Đại đa số các người có thông liên nhĩ không có biểu hiện cơ năng mà chỉ có các biểu hiện lâm sàng rất kín đáo do đó thường bị bỏ sót chẩn đoán cho đến tuổi trưởng thành. Đối với các tình huống thông liên nhĩ không được chữa trị triệt để, các bệnh nhân sẽ dần dần có các biểu hiện lâm sàng. Lâu dài các bệnh nhân sẽ biểu hiện các dấu hiệu của sự quá tải buồng tim phải như rối loạn nhịp nhĩ (tăng dần nguy cơ theo tuổi của bệnh nhân), tăng áp động mạch phổi và tăng sức cản mạch phổi, cuối cùng hậu quả tất yếu là dẫn đến suy tim xung huyết. Việc tồn tại lỗ thông liên nhĩ cũng là một yếu tố thuận lợi dẫn đến tắc mạch nghịch thường.

Trường hợp này cháu nên cho con thăm khám và theo dõi tại chuyên khoa Tim mạch để có thể có đánh giá chính xác và có hướng xử trí kịp thời.

Chúc cháu và gia đình mạnh khoẻ!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl