Thắc mắc về hiện tượng mọc răng khôn ở người dưới 25 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Khi mọc, răng khôn thường gây đau nhức và đôi khi là sốt cao cùng các triệu chứng và nguy hiểm khác. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về nó qua những câu hỏi từ nhóm người dưới 25 dưới đây nhé.

Mọc răng khôn khi đang cho con bú phải làm sao?


Câu hỏi bởi: thai thanh phuong

Chào bác sĩ!

Em năm nay 21 tuổi. Em có mọc răng khôn hàm trên nằm trong cùng. Hiện giờ răng đó chỉ mọc được một nửa, còn một nửa chưa lên, tạo ra lớp thịt dư ở răng mà không đau. Vậy em có nên nhổ răng đó không? Để như vậy liệu có tác động gì không? Hiện tại em đang cho con bú và bé được 3 tháng. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em!

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Răng số 8 thường mọc muộn nhất so với các răng khác, thường ở tuổi trưởng thành và nhiều người gọi là răng khôn. Nếu răng mọc thẳng, hàm răng còn đủ rộng để cho răng mọc lên thì thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu răng mọc lệch, mọc xiên gây chèn ép và tổn thương các răng bên cạnh hoặc cung xương hàm không đủ rộng cho răng mọc thì dễ gây nhiều biến chứng do mọc răng số 8 và thường sẽ phải can thiệp để nhổ răng.

Như vậy, đối với những trường hợp mọc răng khôn, có cần phải nhổ hay không thì cần phải dựa vào phim chụp răng để đánh giá và quyết định hướng xử trí: Nếu trên phim có hình ảnh răng mọc xiên thì sẽ phải nhổ để không ảnh hưởng tới răng bên cạnh. Việc mọc răng sẽ không ảnh hưởng tới việc cho con bú. Trong trường hợp mọc răng khôn có biến chứng, cần phải can thiệp thì cần phải chú đến việc dùng các loại thuốc trước, trong và sau can thiệp để không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Vì vậy, em cần phải đi khám chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để bác sĩ khám và kiểm tra cho em xem răng có mọc bình thường không, nếu không thì có cần phải can thiệp gì không.

Chúc em khỏe!

Cháu mọc răng khôn bị lệch ra ngoài sát má phải, nổi hạch dưới cằm, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Cháu năm nay 20 tuổi. Cháu mọc răng khôn nhưng nó lại không mọc theo hàm mà mọc lệch ra ngoài sát má phải rất khó chịu. Mấy hôm qua vùng khoang miệng chỗ răng khôn đó rất đau ạ. Phần thịt bên má áp răng khôn sờ thấy rát, rất đau. Vì nó trong sâu nên cháu không nhìn rõ nó như thế nào, ăn uống rất đau. Và cháu còn sốt nữa nên mọc cả hạch dưới cằm bên phải. bây giờ rất đau ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị làm sao và chữa như thế nào ạ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Hàm răng con người trải qua một thời kì tiến hóa đã trở nên hẹp hơn rất nhiều so với tổ tiên của chúng ta. Trước đây phần lớn mọi người hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Trong khi đó chúng ta lại có tới 32 răng vì thêm 4 răng số 8 (còn gọi là răng khôn vì chúng chỉ mọc ở tuổi trưởng thành), gồm 2 răng ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới. Những răng này mọc sau cùng và gây ra nhiều vấn đề khi chúng không đủ chỗ để mọc theo hướng bình thường mà tự tìm đường khác, ví dụ như tình huống của cháu chúng mọc xiên ra ngoài má. Những tình huống như vậy được gọi là răng số 8 mọc lệch.

Răng số 8 mọc không đúng vị trí có thể gây ra nhiều biến chứng:

1. Sâu răng: Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ, đặc biệt là ở những răng chỉ mọc lên được mộtphần hoặc mọc lệch, đâm vào răng bên cạnh. Sự tích tụ này lâu ngày gây sâu răng. Đau và nhiễm trùng có thể xảy ra.

2. Viêm lợi: Sự tích tụ của thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn gây ra viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn đến biểu hiện: sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được). Bệnh viêm lợi này tái phát nhiều lần chừng nào răng khôn chưa được điều trị, và càng ở những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm càng cao.

3. Huỷ hoại xương và răng xung quanh: Khi răng khôn mọc đâm sang răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu đi, lung lay, nhiều khi gây sâu răng, và cuối cùng là rụng răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó. Trong một số truờng hợp khi những bất thường của răng khôn không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ … gây nguy hiểm đến tính mạng.

Với tình huống của cháu răng khôn mọc lệch không những hông đảm bảo chức năng nhai mà còn gây tác hại đối với răng, lợi và xương ở xung quanh thì nên nhổ. Cháu cần đi khám bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt để được kiểm tra tình trạng của răng và có hướng khắc phục kịp thời.

Chúc cháu luôn khỏe mạnh!

Lợi hàm dưới giáp răng trong cùng bị sưng, đau hàm có phải do mọc răng khôn không?


Câu hỏi bởi: Lan Anh

Thưa bác sĩ!

Cháu năm nay 23 tuổi, đêm vừa rồi cháu không ngủ được vì tự nhiên thấy phần lợi phía hàm dưới giáp răng cuối cùng bị đau và đỏ, khi cháu nuốt nước bọt thì đau, miệng khô. Cháu cảm thấy bị sưng phần lợi và phần quai hàm bên trái đau và sưng, đau. Thưa bác sĩ, liệu có phải cháu mọc răng khôn không ạ?

Cháu xin cảm ơn ạ!

Bạn thân mến!

Rất có khả năng là bạn đang mọc răng khôn, tuy nhiên các triệu chứng trên vẫn có thể liên quan đến các bệnh lý do nhiễm trùng khác. Bạn nên đi khám và chụp phim là sẽ biết ngay có phải do răng khôn hay không.

Nếu là do răng khôn thì có thể cần điều trị ngay nếu răng khôn bị kẹt không mọc được, cũng có thể không cần nếu răng khôn mọc thẳng. Nếu do nhiễm trùng răng miệng, bạn sẽ cần phải điều trị ngay, càng để lâu càng có hại cho sức khỏe. Vì vậy bạn nên đi khám sớm nhé.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Mỗi lần đến tháng, chỗ mọc răng khôn lại đau nhức có nên nhổ không?


Câu hỏi bởi: Hoàng Quyên

Chào bác sĩ!

Năm nay cháu 21 tuổi, là nữ, dạo gần đây bắt đầu mọc răng khôn. Răng chỉ hơi ló ra khỏi nướu 1 tí, cũng không đau nhức nên cháu không đi nhổ. Chỉ là mỗi lần tới kỳ kinh nguyệt thì vùng nướu ở chỗ răng khôn lại bị sưng lên, nhai thức ăn đụng trúng thì khá đau. Lúc thường thì không nhức, chỉ có cảm giác cộm cộm, sưng sưng. Hết kỳ kinh nguyệt thì trở về bình thường, không thấy hiện tượng lạ nào khác. Cho cháu hỏi như vậy thì có cần nhổ răng khôn không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bạn thân mến!

Đối với răng vĩnh viễn, răng nào cũng phải cố hết sức để giữ, trừ răng khôn. Khuyến cáo chung là nên nhổ răng khôn, trừ khi nó không gây ra bất cứ khó chịu gì và không gây hại cho răng bên cạnh.

Trong trường hợp của bạn, răng khôn chỉ khiến bạn hơi khó chịu vào vài ngày mỗi tháng, ngoài ra cũng không gây ra trở ngại nào khác nên bạn có thể tạm để lại cũng được, nhưng tất nhiên trước sau gì cũng nên nhổ. Bạn nên đi khám răng và chụp phim xem thử chiều hướng răng khôn có mọc thẳng hay không. Nếu răng khôn mọc thẳng thì từ từ nó sẽ mọc ra nữa, tạm thời bạn có thể để lại đến lúc nó mọc ra hẳn thì nhổ răng sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu chụp phim cho thấy răng khôn mọc nghiêng, lệch, kẹt không thể mọc lên được nữa thì bạn nhổ răng khôn luôn khỏi phải chờ đợi, vì răng sẽ mọc ra nữa nên sự khó chịu này sẽ tái phát mỗi tháng cho đến khi bạn nhổ răng khôn.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Tại sao khi mọc răng khôn lại bị đau, sốt?


Câu hỏi bởi: Giang Hoa

Thưa bác sĩ!

Tôi năm nay 23 tuổi, mới mọc răng khôn bên hàm trái, khi mọc răng khôn tôi bị đau, sốt mấy ngày không ăn uống được. Nghe mọi người nói cũng bị đau như vậy. Tại sao khi mọc răng khôn lại bị đau, sốt? Chữa thế nào? Xin bác sĩ trả lời sớm giúp tôi!

Cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn!

Răng khôn mọc lúc chúng ta đã trưởng thành, thường từ 17 tuổi trở lên. Khi đó hầu hết hàm răng đã mọc hoàn chỉnh, vì vậy thường thiếu chỗ cho răng khôn mọc. Tính từ giữa cung răng đếm vào hai bên hàm, răng khôn là răng thứ 8.

Thường khi mọc răng khôn hàm dưới hay gây đau, sốt: do mọc sau, phía trước có cả hàm răng chắn lối, phía sau có ngành lên xương hàm dưới nên răng khôn phải mọc ngầm, hoặc mọc lệch: thay vì mặt răng đội lợi lên thì mặt răng lại húc vào răng số 7 và ảnh hưởng đến cả hàm răng, làm các răng phía ngoài bị kênh ra khỏi cung răng, thành hai hàng răng, răng khểnh. Khi răng khôn húc vào răng số 7 thì gây đau, gây sưng lợi và viêm nhiễm vùng lợi quanh răng, viêm còn gây sốt. Những người có xương hàm rộng, răng khôn đủ chỗ mọc nên không bị đau, sốt.

Chữa răng khôn mọc lệch: trường hợp răng khôn mọc lệch 90 độ, bắt buộc phải nhổ bỏ để bảo vệ hàm răng và tránh viêm nhiễm. Nếu lệch ít, có thể mọc mặt nhai lên thì cần dùng thuốc kháng sinh chống viêm và thuốc giảm đau, rạch lợi cho răng mọc lên. Bạn hay người thân của bạn mọc răng khôn mà bị đau, sốt nên đến chuyên khoa Răng để khám và điều trị đúng.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl