Da thường hay dễ bị bầm tím là sao?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Da thường hay bị bầm tím là hiện tượng mà rất nhiều người gặp phải nhưng không biết lý do. Bài viết sau đấy sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dấu hiệu này!

Hay bị bầm tím trên da có nguy hiểm?


Câu hỏi bởi: lê anh tuấn

Em chào bác sĩ.

Em là nam, 21 tuổi, cao 1m60, nặng 45kg. Cách đây 3 năm em rất khỏe, nghỉ tết xong sức khỏe em yếu đột ngột, đau nhói xương khớp, mệt mỏi. Hiện tại em xét nghiệm, chụp X- quang tất cả bình thường, anti HBsAg định tính là 2279.

Da đôi khi có 1 mụn đỏ như que tăm cả tháng mới mất, da hay bị bầm tím dù vết xước nhẹ. Hôm nay em đi siêu âm cổ tại Hòa hảo, kết quả em bị phình giáp hạt thùy trái, hạch dọc cơ ức đòn chũm và dưới hàm hai bên dạng viêm. Liệu em phải khám ung thư máu, ung thư vòm họng hay ung thư da gì không? Và em đi bệnh viện nào để khám được ạ?

Em xin cảm ơn bác sĩ.

Chào em.

Không rõ em có tiền căn viêm vi cầu thận lúc 5 tuổi, hiện tại có đang điều trị thuốc không, bệnh đã khỏi hẳn hay chưa, chức năng thận ra sao? Với kết quả siêu âm trên em có thể đến khám tại bệnh viện Ung bướu để được thăm khám và làm thêm 1 số xét nghiệm để có hướng điều trị thích hợp.

Ngoài ra do có hiện tượng dễ bầm máu và xuất huyết, em cũng nên làm xét nghiệm chức năng đông máu để tìm bất thường nếu có. Em cũng nên bổ sung thêm vitamin C giúp thành mạch bền vững hơn, em nhé.

Chúc em sớm khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Tư vấn điều trị khi cơ thể hay bị đau nhức, phù nề và dễ bầm tím trên da


Câu hỏi bởi: Hướng Dương

Chào bác sĩ.

Mẹ em thường xuyên uống thuốc tàu trị nhức lưng, uống vào là hết nhức liền nên mẹ em thường xuyên uống và đang uống nó 2-5 năm nay rồi, hễ đau lưng nhức mỏi là uống. Mẹ em dạo này mập hẳn ra, bụng mẹ rất to, ai nhìn cũng nói là mẹ mập quá và mẹ rất dễ bị bầm dưới da dù la va chạm nhẹ. Kêu mẹ đi khám bệnh thì mẹ sợ tìm ra nhiều bệnh nên không đi. Mẹ em gần 72 tuổi rồi lại ở hòn đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, không thấy điều kiện y tế gì hết. Làm sao để mẹ em sợ mà đi khám bệnh tổng quát hả bác sĩ? Nhìn mẹ già không nghĩ tới bản thân chỉ gắng làm nuôi con học, em thương quá bác sĩ ạ.

Em cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, mong các bác sĩ thật nhiều sức khỏe ạ!

Hướng Dương ơi.

Đọc thư em chúng tôi thông cảm và cũng trăn trở nữa vì đến bây giờ vẫn còn những vùng sâu vùng xa chưa tiếp cận được với các dịch vụ và thông tin y tế. Về bệnh của mẹ em, theo chúng tôi thì trong thuốc tàu trị nhức lưng đã có trộn thành phần thuốc tân dược cụ thể là corticoid, đây là 1 loại kháng viêm mạnh, có tác dụng chống viêm giảm đau rất mạnh, dùng phải có chỉ định của bác sĩ, vì dùng lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm, như là:

– Tăng huyết áp do giữ muối và nước

Mập ra do giữ nước đồng thời do tích tụ mỡ dưới da nhiều, mỡ này lại tụ nhiểu ở mặt bụng vai gáy, trong khi đó lại bị teo cơ ở chân, gây ra 1 dáng người rất đặc trưng gọi là kiểu hình Cushing (kèm mặt tròn xoe), da đỏ ửng và mỏng đi nên chỉ cần đụng nhẹ là bị những mảng xuất huyết.

Loãng xương (dân gian hay gọi là mục xương đó).

Giảm sức đề kháng nên hay bị các bệnh nhiễm trùng, có thể gây tăng đường huyết lâu ngày sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.

Và nguy hiểm nữa là thuốc gây viêm, thậm chí loét dạ dày, nặng có thể xuất huyết tiêu hóa…

Thuốc này uống lâu gây tình trạng lệ thuộc vào thuốc (giống như nghiện vậy), buộc phải uống hoài và phải tăng liều. Nguy hiểm hơn là khi ngừng thuốc lâu ngày có thể bị cơn suy thượng thận cấp, đây là tình trạng cấp cứu. Mẹ em đã lớn tuổi rồi, chúng tôi nghĩ mẹ em đã bị Cushing do thuốc, vậy cần kiểm tra tổng quát để phát hiện và điều trị các bệnh kèm theo, khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để có phác đồ điều trị cai thuốc Corticoid. Như vậy mẹ em cần ngưng thuốc ngay lập tức và thu xếp đến bệnh viện tỉnh Kiên Giang để khám và làm các xét nghiệm em nghe.

Thân mến!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Thường xuất hiện các vết tím bầm trên da và hay bị chảy máu mỗi khi đánh răng là làm sao?


Câu hỏi bởi: Thuấn Đỗ

Thưa bác sĩ.

Tôi hay bị chảy máu mỗi khi đánh răng và cơ thể thường có những vết tím bầm. Xin bác sĩ cho biết 2 bệnh trên gọi là gì? Chúng có liên quan gì không? Tôi nên đi khám ở đâu và cách điều trị như thế nào là hiệu quả nhất thưa bác sĩ? Hai bệnh trên có nguy hiểm đến tính mạng không ạ? Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Chào bạn.

Dễ xuất huyết và dễ bầm máu là 1 trong những triệu chứng của bệnh lý về huyết học, có thể do rối loạn chức năng tiểu cầu, rối loạn các yếu tố đông máu hay thành mạch yếu. Bạn có thể đến bệnh viện để làm xét nghiệm về đông máu để tầm soát các nguyên nhân trên.

Tuy nhiên, việc chảy máu răng có thể lành tính do tình trạng viêm nướu, viêm nha chu gây ra. Bạn có thể đến khám bác sĩ Răng Hàm Mặt để kiểm tra và điều trị.

Chúc bạn mạnh khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Nổi mảng tím trên da khi ra gió


Câu hỏi bởi: thuy nga

Thưa bác sĩ.

Cháu có đi khám 2 nơi, 1 bên là Da liễu, 1 bên là phòng khám của bác sĩ nước ngoài, cháu cũng đi xét nghiệm máu rồi nhưng bác sĩ nói là bảng xét nghiệm của cháu sạch không có gì cả. Bác sĩ có kê đơn cho cháu loại viên sủi Beroca và 1 loại thuốc dùng khi ngứa nhưng cháu vẫn không có đỡ, bây giờ cháu ít bị nổi mẩn đỏ, chỉ còn những mảng tím tím khi ra gió thôi ạ. Vậy cháu phải làm sao thưa bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu.

Nếu xét nghiệm của cháu bình thường thì cháu bị chứng mề đay vật lý.

Mề đay vật lý bao gồm:

Chứng da vẽ nổi (Dermographism): 4,2 % dân bình thường có nó.

Mề đay do lạnh thường ở trẻ em và người trẻ, chẩn đoán bằng test áp cục đá lên da.

Mề đay do ánh sáng mặt trời phổ 290-500 nanomet, Histamin là một trong các trung gian hoá học.

Mề đay Cholinergic khi vận động các bài tập thể lực tăng tiết mồ hôi, nổi các mề đay loại sẩn phù nhỏ màu hồng.

Phù mạch: Áp suất, rung chấn động, tiền sử sưng lên sau chấn động, chữa trị bằng thuốc kháng Histamin không có hiệu lực, Corticoids thì có ích.

Ở cháu do thay đổi nhiệt độ (lạnh) và có thay đổi áp lực (gió). Để hạn chế chứng mề đay cháu nên tránh gió. Trong một thời gian nào đó bệnh sẽ khỏi.

Chúc cháu mạnh khoẻ!

Da thâm tím,nổi hết mạch máu khi thời tiết lạnh


Câu hỏi bởi: exo

Thưa bác sĩ! Cháu là nữ giới 15 tuổi, cháu đã bị bệnh này 4 năm rồi. Vào mùa đông hay những ngày nhiệt độ hạ, dù không cảm thấy lạnh nhưng da một nửa người bên trái của cháu thâm tím lên, mạch máu xanh đỏ nổi lên hết trông rất đáng sợ. Cho cháu hỏi đây có phải dị ứng không? Nguyên nhân và cách điều trị ạ. Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Những dấu hiệu da thâm tím, nổi mạch máu ở một nửa người khi thời tiết lạnh như cháu mô tả trong thư không nghĩ nhiều đến bệnh dị ứng, mà có lẽ lí do là do rối loạn thần kinh thực vật dẫn đến rối loạn vận mạch ở nửa người trái.

Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng của 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hai hệ thống này về cơ bản gần như trái ngược nhau nhưng đôi khi có tác dụng hiệp đồng ở phạm vi hẹp. Tác động của hệ thần kinh giao cảm rất đa dạng trên hệ tim mạch (làm co mạch, tăng huyết áp mạch nhanh kích thích tiết mồ hôi); trên hệ hô hấp (làm nhịp thở nhanh, nông). Vì vậy khi cường chức năng giao cảm sẽ gây hồi hộp, trống ngực mạnh, tăng huyết áp, vã mồ hôi, giảm co bóp và tiết dịch đối với một số cơ quan tiêu hóa như dạ dày, túi mật, ruột, dịch vị dạ dày…; co thắt cơ trơn phế quản…

Tác dụng của hệ phó giao cảm thì ngược lại, khi cường chức năng phó giao cảm sẽ làm giãn mạch, chậm nhịp tim, tăng co thắt và tăng tiết dịch vị… Bình thường có sự cân bằng giữa hai hệ thống giao cảm hoặc phó giao cảm duy trì các chức năng bình thường của cơ thể. Khi có rối loạn, việc chữa trị chủ yếu để tạo sự cân bằng trở lại giữa hai hệ thống này. Điều trị rối loạn thần kinh thực vật chung và chứng cường giao cảm nói riêng bao gồm:

– Nội khoa: dùng các thuốc canxi, sinh tố nhóm B (đặc biệt Vitamin B6), a xít glutamic, thuốc an thần… Ngoài ra nên tập thể dục, tránh căng thẳng, tịnh tâm.

– Ngoại khoa có khi phải đặt ra nếu rối loạn thần kinh thực vật làm tác động đến sinh hoạt, lao động… Trường hợp của cháu, tốt nhất là nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về nội thần kinh để có chẩn đoán chính xác và phương pháp chữa trị cụ thể.

Chúc cháu luôn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl