Vào mùa đông, chân tay thường xuyên thấy lạnh cần lưu ý gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Một số người chân tay bỗng nhiên lạnh bất thường và liên tục khi mùa đông đến. Những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hiện tượng này.

Vào mùa đông em bị lạnh ở 2 cánh tay và các khớp ngón chân đặc biệt là ban đêm


Câu hỏi bởi: Tuệ Thu

Chào bác sĩ.

Vào mùa đông em bị lạnh ở 2 cánh tay và các khớp ngón chân đặc biệt là ban đêm. Mặc dù em có mặc ấm và đi tất chân nhưng vẫn không thể ngủ ngon được. Mong bác sĩ giải đáp giúp em cách điều trị.

Em cảm ơn ạ.

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Vào mùa đông, trước khi đi ngủ bạn có thể dùng nước ấm 35 – 40 độ cho thêm muối với nồng độ rất đặc đạt bão hòa (không thể tan được nữa) để ngâm bàn chân thời gian khoảng 15 – 20 phút làm tăng lưu thông máu, sau đó lau khô đi tất dày và đi ngủ sẽ ngủ ngon. Riêng hai cánh tay thì dùng hình thức xoa mạnh, tay này xoa tay kia, chỉ xoa hai mặt ngoài cánh tay làm tăng nhiệt độ, một lúc sau mặc áo dày vào thì đi ngủ.

Chúc bạn mạnh khỏe

Hai bàn chân bị lạnh vào mùa đông là sao?


Câu hỏi bởi: nguyenhuuhien

Chào bác sĩ.

Thưa bác sĩ! Người thân của tôi năm nay 43 tuổi, là nữ giới. Về mùa đông hai bàn chân bị lạnh lắm vậy đó là hiện tượng của bệnh gì?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Theo thông tin bạn mô tả người thân của bạn bị lạnh hai bàn chân về mùa đông. Hiện tượng này gặp ở một số người, ngay cả khi đi tất hoặc đắp chăn, cảm giác hai chân vẫn lạnh buốt. Có rất nhiều lí do có thể gây lạnh chân như: do thời tiết quá lạnh tác động tới sự lưu thông máu tới bàn chân, mắc bệnh thiếu máu, thay đổi các hoóc môn nội tiết, mất máu vào ngày hành kinh, bệnh tim mạch (viêm tắc tĩnh mạch, viêm tắc động mạch,…), cơ thể mệt mỏi. Nếu kèm thêm cả lạnh bàn tay, rụng tóc nhiều, suy giảm trí nhớ thì có thể do suy giảm chức năng tuyến giáp, nếu có cảm giác tê buốt và như bị kim châm thì có thể do thiếu vitamin B12, bệnh tiểu đường biến chứng mao mạch,….

Như vậy, để xác định chính xác lí do thì người thân của bạn cần tới cơ sở y tế để khám kiểm tra sức khoẻ. Chỉ khi xác định được chính xác lí do thì việc chữa trị lạnh bàn chân mới mang lại hiệu quả nhất.

Chúc bạn vui vẻ.

Chân bị lạnh, trắng bệch vào mùa đông và nóng rực lên, đỏ ửng vào mùa hè là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Quỳnh Py

Cháu chào bác sĩ!

Hiện nay cháu đang là học sinh lớp 11. Bắt đầu từ năm ngoái, cháu phát hiện thấy bàn chân mình có những triệu chứng như nếu vào mùa đông, chân cháu bị lạnh và trắng bệch, như không có máu. Lúc đi lại thì chân tím tái lại, móng chân cũng thế ạ, còn đến mùa hè, chân cháu cứ nóng rực lên và đỏ ửng. Chỉ khi cháu rửa nước lạnh và lau khô chân thì nhìn bàn chân mới trắng hồng. Cháu đi khám thì bác sĩ bảo mạch yếu, thiếu chất. Liệu có phải vậy không bác sĩ hay chân cháu có bệnh gì đó? Cháu sợ lắm với cả cứ thấy tự ti về đôi chân của mình.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào cháu!

Vào mùa đông thì chân của cháu lạnh và có màu trắng bệch, điều này là do các mạch máu ngoại vi, mạch máu dưới da co lại, khiến cho chân cháu lạnh và đổi màu có thể sẫm, thâm tím hoặc trắng bệch. Ngược lại vào mùa hè, chân cháu nóng và đỏ là do các mạch máu ngoại vi giãn ra, tăng tưới máu và tăng tuần hoàn khiến cho chân cháu nóng và đỏ, vì vậy khi cháu rửa nước lạnh và lau khô chân thì chân cháu trắng hồng. Điều này có thể do cơ thể của cháu nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, mang tính chất cơ địa. Để xử lý tình trạng này, cháu nên giữ cho nhiệt độ bàn chân mình ổn định, mùa hè không nên đi giày chật, không nên mang tất, để tạo điều kiện cho bàn chân được thông thoáng, mùa đông thì nên mang vớ, mặc ấm nhiều và đi giày kín, tránh để lạnh chân và bàn chân.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Cách điều trị chứng lạnh gan bàn chân


Câu hỏi bởi: Trịnh Văn Toán

Thưa Bác sĩ!
Tội năm nay 46 tuổi (Nam). Là công chức nhà nước. Từ nhỏ đến nay về mùa đông khi bắt tay với mọi người ai cũng nói tay tôi lạnh. Từ tháng 11 năm 2015 đến nay gan bàn chân luôn lạnh gây cảm giác khó chịu nhất là buổi tối. Xin Bác sĩ cho biết nguyên nhân, phương án để điều trị. Xin trân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Hiện tượng chân tay lạnh giá dù được giữ ấm hay khi thời tiết nóng bức là những triệu chứng bất thường. Vào mùa đông, tình trạng này càng trầm trọng hơn.

Nguyên nhân chính của hiện tượng lạnh bàn chân, bàn tay (nơi xa tim) là:

Tình trạng lưu thông máu kém, nguyên do yếu tố thần kinh vận mạch (thuộc hệ thần kinh thực vật) bị rối loạn, mạch máu thường xuyên bị co nhỏ làm máu tưới hạn chế gây giảm nhiệt độ vùng mạch máu đó chi phối. Chân tay sẽ lạnh và luôn có màu nhợt nhạt.

Do rối loạn nội tiết: Suy giáp: Khi lạnh bàn tay, chân kèm theo hiện tượng rụng tóc nhiều và mất trí nhớ.

Do mắc bệnh về tim mạch: Một số bệnh về tim mạch có thể là nguyên nhân khiến hai bàn tay và bàn chân lạnh

,
Lạnh bàn tay, bàn chân do nguyên nhân chủ yếu là thần kinh thực vật gây rối loạn vận mạch cho nên thường rất khó can thiệp và sự can thiệp cần sự tác động tối đa đủ để ức chế một hệ (giao cảm và phó giao cảm), sự điều trị mạnh mẽ này nhiều khi lại gây nên sự rối loạn nhiều chức năng của các cơ quan bộ phận khác, nhất là hệ tiêu hóa.

Trường hợp bàn chân bàn tay lạnh, kèm theo ra mồ hôi nhiều kể cả mùa đông, hoặc lòng bàn tay bàn chân luôn ướt thì cách khắc phục có thể là mổ cắt bỏ hạch giao cảm cổ 2 và cổ 3. Nhưng cũng có một số trường hợp bệnh tái phát lại sau 3-4 năm.

Vì vậy bạn cần áp dụng một số biện pháp nhằm giảm nhẹ triệu chứng chân tay lạnh:

Ngâm tay chân nước ấm buổi tối trước khi đi ngủ, giúp cho có 1 giấc ngủ sâu hơn. Trong khi ngâm, bạn nên mát-xa bàn chân và tay để tăng cường tuần hoàn máu, trước khi đi ngủ, bạn có thể đặt túi chườm nóng dưới chân để sưởi ấm.

Vận động , cọ xát tay chân: Vận động giúp thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể, tuy nhiên, không nên vận động quá sức, ra nhiều mồ hôi sẽ khiến cho cơ thể bạn nhanh chóng tỏa nhiệt và nhanh mất nước.

Chế độ dinh dưỡng giàu calo: Thời tiết lạnh giá để tăng thêm nhiệt lượng, cải thiện chứng chân tay lạnh thì cần phải chú ý bổ sung thực phẩm ấm nóng, hạn chế ăn uống có tính lạnh. Nên bổ sung nhiều vitamin B1, B12, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin E và chất sắt. Ăn nhiều thực phẩm chứa niacin (niacin có nhiều ở trong gan động vật, trứng, sữa, pho mát, các sản phẩm từ bột mì chưa tẩy trắng, nấm, lạc, đậu, cà phê.. )

.
Nếu hiện tượng lạnh bàn chân bàn tay này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bạn thì bạn có thể điều trị bằng các bài thuốc y học cổ truyền, hoặc khám ở chuyên khoa nội thần kinh của các bệnh viện.

Chúc bạn mạnh khỏe

Hai lòng bàn chân của con rất lạnh


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa Bác sĩ , con trai em năm nay 11 tuổi cháu cân nặng 34 kg , vào mùa hè nếu cháu ngồi điều hoà một lúc và vào mùa đông thì hai lòng bàn chân của con lạnh giá ( rất lạnh ) và mùa đông cháu thi thoảng kêu đau ở cổ chân.Gia đình kính nhờ Bác tư vấn cho cháu
Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ

Bác sĩ Trần Quang Thuyên


Chào bạn,

Trước tiên, cảm ơn bạn đã sử dụng chức năng “Hỏi bác sĩ ” của Vicare.
Việc cháu thường xuyên bị lạnh lòng bàn chân, có thể do cấu trúc mạch máu của cháu. Bạn nên thường xuyên cho cháu ngâm chân trong nước muối ấm trước khi đi ngủ.
Còn việc đau cổ chân thì phải xem lại chiều cao của cháu. Cháu có thể rơi vào trường hợp chiều dài xương phát triển quá nhanh, khiến cho màng xương không đáp ứng kịp, hoặc có thể là biểu hiện của bệnh lý viêm.

Chúc gia đình bạn sức khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl