Tuyển chọn những câu hỏi hay sau khi bó bột


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ - Sau khi bó bột cần kiêng tránh và vận động như thế nào? Những di chứng có thể gặp lại là gì và ảnh hưởng của chúng lớn hay không? Bài viết sau đây sẽ trả lời giúp bạn.

Bó bột xong chân có bị đi khập khiễng không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Em bị nứt xương mắt cá chân. Bác sĩ bảo em bó bột nhưng em thấy người ta nói bó bột xong sẽ bị đi khập khiễng. Vậy có cách nào chữa trị không bác sĩ?

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Em cần đi bó bột theo chỉ định của bác sĩ. Bó bột xong em có thể hơi khó khăn khi đi lại sau khi tháo bột (do chưa quen), sau đó sẽ trở lại bình thường. Không có chuyện bó bột làm em đi khập khiễng. Tùy theo đặc điểm, tính chất của ổ gãy mà có chỉ định chữa trị nắn chỉnh bó bột hay chữa trị phẫu thuật. Trường hợp của em bác sĩ đã khám và có chỉ định bó bột, em nên theo lời khuyên của bác sĩ.

Chúc em mạnh khỏe!

Chân không co được sau bó bột phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu bị mẻ xương ở đâu gối, phải băng bó 2 lượt, tất cả là 1 tháng. Khi cháu tháo bột được 5 ngày cháu vẫn không thể co bàn chân vào được và chân bó bột của cháu lại bé hơn chân kia. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu có làm sao không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Sau khi bót bột 1 tháng, khớp gối không được cử động trong một thời gian dài gây ra hiện tượng cứng khớp vì vậy sau khi tháo bột, bạn vận động khớp gối sẽ rất khó khăn. Để xử lý tình trạng này, bạn cần tập luyện hàng ngày bằng các động tác gấp và duỗi gối, lúc đầu sẽ khó khăn nhưng sau đó sẽ dễ dàng hơn và trở lại bình thường. Các cơ ở đùi và cẳng chân cũng vậy, khi không được vận động trong vòng 1 tháng, cơ sẽ teo nhỏ đi. Tuy nhiên, khi bạn vận động trở lại, khớp gối cử động tốt, đi lại bình thường thì các cơ cũng sẽ hồi phục.

Chúc bạn khỏe!

Đau từng cơn ở vùng đầu gối sau bó bột


Câu hỏi bởi: ellyrin

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 16 tuổi và nữ. Cách đây 1 tuần cháu bị ngã xe và được chẩn đoán sơ bộ là bong dây chằng gối và vỡ xương bánh chè. Cháu được bó bột và hẹn sau 14 ngày tái khám. Thế nhưng cả tuần qua cháu không đau nhưng giờ lại có hiện tượng đau từng cơn ở vùng đầu gối. Xin bác sĩ cho hỏi thế có sao không ạ. Cháu xin cám ơn và mong nhận được lời giải đáp của bác sĩ.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào cháu!

Cháu bị tai nạn cách đây 1 tuần được chẩn đoán sợ bộ bong dây chằng gối và vỡ xương bánh chè, đã được bó bột, hiện tại cháu xuất hiện đau từng cơn ở vùng đầu gối, đau có tăng về đêm không, tình trạng đau khớp gối này rất có thể do xương bánh chè và phần mềm quanh xương bị tổn thương gây ra hiện tương viêm. Cháu nên liên hệ lại với bác sĩ chữa trị để có hướng xử trí phù hợp hạn chế tình trạng đau đớn này.

Chúc cháu sớm hồi phục!

Gãy xương cổ tay, đau âm ỉ sau bó bột phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Em bị té và chống tay xuống đất. Cổ tay trái em bị sưng và có cục xương đưa lên. Nhưng khi chụp X-quang thì không có và chẩn đoán em bị gãy xương. Sau khi bó bột thì tay em sưng lên và đau âm ỉ. Vậy là sao thưa bác sĩ?

Em xin cám ơn!

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào em!

Sau các chấn thương có thể gây ra tình trạng giãn dây chằng, trật xương khớp, rạn xương, gãy xương. Tình trạng gãy xương có thể gãy kín nên một số tình huống cần chụp chiếu ở nhiều góc độ và bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm mới có thể xác định được tình trạng gãy xương. Trường hợp của em có chấn thương, đi khám và có chẩn đoán gãy xương, đã bó bột là khắc phục đúng hướng. Việc sưng nề, đau nhức sau khi khắc phục và bó bột là triệu chứng khá thường gặp. Thông thường sau khi bó bột, người bệnh được cho dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề.

Tuy nhiên, cũng cần theo dõi sau khi đã can thiệp và cần đi khám lại theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa, hoặc tình huống đau và sưng nề nhiều thì em cần tới khám kiểm tra lại ở nơi đã khám, bó bột.

Chúc em sức khoẻ!

Bó bột nứt xương được 1 tháng, tập đi thì đau và nhói phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em năm nay 20 tuổi, vừa rồi em có bó bột 1 tháng ở bàn chân (do bị nứt xương), và mới vừa được cắt. Sau khi chụp X-quang thì bác sĩ bảo không còn biểu hiện bất thường nữa, tức là chân em đã lành. Nhưng em có tập đi lại, thì thấy chân mình đau. Khi bước chân dồn trọng tâm vào chỗ bị nứt đó, thì em thấy nhói, nên em không dám bước như bình thường, mà chỉ đi và giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân. Vậy nên giờ em không biết là có nên tập đi lại nữa hay không, hay là em vẫn phải ít di chuyển cho đến khi em hết đau. Mong các bác sĩ giải đáp giúp em.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Những biện pháp tập luyện hục hồi sau gãy xương bao gồm:

Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập 10 – 15 phút, ngày 4 – 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau bó bột.

Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.

Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 – 30 cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác.

Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở chỗ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.

Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.

Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.

Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn ở ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp. Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu.

Việc tập luyện diễn ra từ rất sớm sau khi bó bột. Vậy không biết bạn đã tập luyện như thế nào. Hiện tại bạn đã tháo bột và xương cũng đã liền, bạn cần tích cực tập, ban đầu tập đi lại nhẹ nhàng, dần dần vận động mạnh hơn khi đỡ đau. Các biểu hiện khó chịu sẽ dần mất đi nhé.

Chúc bạn sớm bình phục!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl