Ngứa ngáy vào mùa hè thì nên biết ngay những điều này!


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể phát sinh ngứa ngáy vào mùa hè. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin hữu dụng mà bạn nên biết.

Ngứa khi trời nóng phải làm sao?


Câu hỏi bởi: trang nguyễn

Cháu chào bác sĩ.

Cháu năm nay 24 tuổi. Vài hôm qua thời tiết nắng nóng cháu cảm thấy ngứa khắp người nhưng không xác định được vị trí ngứa. Cháu đã uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả thậm trí cháu dùng thuốc giải độc gan nhưng vẫn không giảm ngứa. Trước đây thỉnh thoảng nóng quá cháu chị chút thôi cảm giác ngứa vài tiếng. Nhưng năm nay cháu cảm giác ngứa 3 ngày hôm qua rồi rất khó chịu tác động đến giấc ngủ. Bác sĩ giúp cháu với cháu có thể dùng thuốc gì ạ?

Cháu cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Theo thông tin cháu cung cấp, cháu có thể bị viêm da dị ứng. Thời tiết nóng vi mạch giãn nở giải phóng Histamin làm xung huyết và kích thích đầu mút thần kinh cảm giác tạo nên cảm giác ngứa. Bây giờ em phải bảo đảm môi trường sống thoáng mát, vệ sinh tắm rửa thường xuyên, hạn chế ăn nhiều muối và không nên dùng chất kích thích (rượu bia, cafe, thuốc lá…) không thức khuya, tránh stress bệnh sẽ giảm. Nếu không đỡ có thể uống 1 đợt kháng Histamin (Cetirizin 10mg x 2viên/ngày x 5 ngày) nếu không giảm nữa phải đi bác sĩ da liễu chữa trị.

Chào cháu!

Mùa nóng hay bị ngứa là vì sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cho em hỏi vào mùa hè trời nắng nóng em hay bị ngứa và nổi mẩn đỏ thì làm cách nào để điều trị ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ


Chào bạn!

Theo như bạn nói có thể bạn bị dị ứng với thời tiết nắng nóng, hoặc do bạn mặc quần áo cộc nên dễ bị các côn trùng đốt dẫn đến ngứa. Trong tình huống này bạn nên mặc quần áo thoáng mát, đảm bảo môi trường sạch sẽ, mát; tránh để muỗi, côn trùng đốt. Để chữa trị ngứa, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin giảm ngứa như: Chlopheniramin, Cetirizin, Loratadin (liều lượng tùy theo từng bệnh nhân). Tại chỗ bị ngứa, bạn có thể bôi hồ nước, kem có corticoid. Tốt nhất, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ chữa trị phù hợp và hiệu quả.

Chúc bạn mau khỏi!

Nổi mụn ngứa nhiều lúc trời nóng là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Thắc mắc

Chào bác sĩ.

Em năm nay 21 tuổi. Vài tuần trở lại đây em thấy 2 cánh tay, ngực, lưng và 2 bên vai có nổi mụn ngứa. Ở mỗi chỗ chỉ nổi vài mụn ngứa, em gãi được một chút là hết ngứa. Em mặc áo vô thì ngứa ít hoặc hết ngứa. Trời mát thì cũng hết ngứa hoặc ngứa ít, trời nóng thì ngứa nhiều. Chỗ em làm thì xe chạy nhiều kèm theo bụi bặm, em thì có thói quen không mặc áo. Bác sĩ cho em hỏi, em bị như vậy là do thời tiết nóng, bụi bặm, không khí ô nhiễm kèm theo em không mặc áo và vệ sinh cơ thể không thường xuyên (cuối ngày em mới tắm 1 lần) phải không ạ? Xin bác sĩ cho em lời khuyên về cách điều trị và phòng ngừa.

Em cũng lo lắng: Cách đây khoảng 7,5 tháng em có quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su. Sau đó 1 tháng em bị nhức đầu, sổ mũi, sốt, nhưng em thấy lúc em bị bệnh như vậy thì ai cũng bị giống như em, vì tháng đó là mùa dịch bệnh. Sau đó em lo lắng quá, em lên mạng tìm hiểu và cách 3 tháng em đi xét nghiệm máu, kết quả là âm tính. Kết quả như vậy là em có thể yên tâm được chưa thưa bác sĩ? Nghe nói là phải xét nghiệm lại lần 2 là tháng thứ 6 tính từ ngày có hành vi nguy cơ và cách đó 3 tháng từ lúc xét nghiệm lần thứ 1. Như vậy thì mới chính xác 100% phải không bác sĩ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Triệu chứng nổi mụn, ngứa của em có thể do dị ứng, căn nguyên dị ứng có thể do khói, bụi, hóa chất… trong môi trường lao động, triệu chứng thường ngứa ở vùng da hở, khi mặc áo thì đỡ ngứa. Em lại có thói quen không mặc áo, đây là yếu tố thuận lợi để cho các tác nhân bên ngoài tấn công. Yếu tố trời nóng ngứa hơn có thể liên quan tới một số hóa chất bay hơi hoặc các chất dễ phát tán khi nhiệt độ tăng cao. Để xử lý tình trạng này em cần chú ý:

Mặc áo trong thời gian làm việc, tránh để khói, bụi… bám vào cơ thể.

Tắm rửa hàng ngày, tốt nhất là tắm rửa và thay quần áo ngay tại nơi làm việc trước khi về nhà. Không rõ công việc của em làm gì, có tiếp xúc hóa chất hay không, nếu có thì đây là một việc nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn trong bảo vệ sức khỏe.

Về xét nghiệm HIV, em đã xét nghiệm 1 lần sau 3 tháng có yếu tố nguy cơ, kết quả xét nghiệm âm tính, xin chúc mừng em. Em cần xét nghiệm lại một lần nữa, đúng như em nói lần này là khẳng định chắc chắn 100% em có nhiễm HIV hay không, nếu giữa 2 lần xét nghiệm em không có thêm yếu tố nguy cơ nào khác. Khuyên em nên đi xét nghiệm sớm.

Chúc em mạnh khỏe!

Khi thời tiết nóng, nổi nốt nhỏ sau lan to ra ngứa và rất nóng


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Bác sĩ ơi.

Em năm nay 21 tuổi, hay bị ngứa khi thời tiết nóng bức. Lúc đầu có những nốt nhỏ sau lan to ra ngứa và rất nóng. Em có đi khám, tiêm và dùng thuốc nhưng không khỏi. Nhờ bác sĩ giải đáp giúp em.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Theo thư bạn viết, bạn hay bị mẩn ngứa mỗi khi thời tiết thay đổi, đó là do dị ứng thời tiết. Dị ứng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt gặp nhiều vào những thời điểm chuyển mùa, thay đổi nhiệt độ đột ngột. Mùa xuân khi các loại hoa nở khiến không khí có nhiều phấn hoa, đồng thời và các loại côn trùng, vi sinh, nấm mốc gây bệnh phát triển mạnh là tác nhân gây dị ứng.

Dị ứng thời tiết thường có nhiều triệu chứng khác nhau như tổn thương ngoài da (phát ban, nổi mề đay, chàm), các dấu hiệu của đường hô hấp (ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Người bệnh thường bị ngứa, nhất là khi thời tiết lạnh, càng gãi càng ngứa nhiều hơn và biểu hiện ngứa sẽ đỡ khi thời tiết ấm dần lên. Những bệnh nhân bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng, bạn cần chú ý giữ nhiệt độ trong phòng ổn định, nhất là vào ban đêm, tránh không để cơ thể bị lạnh hoặc nóng đột ngột.

Khi thấy da có triệu chứng bị dị ứng, mẩn ngứa thì bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng, tránh gãi hay chà xát mạnh để tránh làm da xây sát, chảy nước, nhiễm trùng. Với dị ứng nhẹ, bạn có thể chữa trị tại nhà bằng thuốc chống dị ứng (Chlopheniramin 2mg x 2-4 viên/ngày hoặc Claritine 10mg x 1 viên/ngày), bổ sung vitamin C, acid folic. Đồng thời, bạn phải chú ý vệ sinh nhà cửa gọn gàng, tránh các nấm mốc, phấn hoa (nếu bạn trồng hoa trong nhà, cửa sổ hoặc ban công thì nên đóng cửa khi đi ngủ). Nếu bạn nuôi chó, mèo, chim trong nhà, cần giữ vệ sinh cho vật nuôi, tránh để mùi hôi hay lông vật nuôi rụng bừa bãi trong nhà. Về chế độ ăn, bạn nên ăn nhiều rau xanh và quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày, tránh thức ăn cay (mù tạt, ớt), không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sở thích của bản thân, sinh hoạt điều độ, cùng với chế độ ăn cân bằng, đủ dinh dưỡng sẽ góp phần nâng cao thể trạng toàn thân, giúp cơ thể bạn có sức đề kháng với bệnh tật nói chung và dị ứng nói riêng.

Nếu thấy bệnh tiến triển nặng hơn như dị ứng toàn thân, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ hướng dẫn chữa trị và phòng bệnh. Bạn không nên tự ý mua thuốc về dùng, không tuân thủ chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ.

Chúc bạn sức khỏe!

Trẻ 3 tuổi bị ngứa lòng bàn chân và nổi mụn nước nhỏ vào mùa nóng


Câu hỏi bởi:

Cháo bác sĩ!

Con tôi năm nay 3 tuổi, cháu bị ngứa hết lòng bàn chân và nổi các mụn nước nhỏ. Bôi thuốc ngứa cháu đỡ nhưng hết đợt ngứa đó cháu lại mọc đợt ngứa khác. Khi hết mùa nóng thì cháu không bị nữa. Xin bác sĩ giải đáp cho cho tôi cách chữa trị cho cháu khỏi ngứa triệt để.

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đinh Văn Tài


Chào bạn!

Theo thông tin bạn mô tả, con bạn bị ngứa lòng bàn chân, nổi các mụn nước nhỏ, ngứa vào mùa nóng và hết đợt nóng thì hết ngứa. Như vậy, nghĩ nhiều tới tình trạng bé bị chàm và yếu tố khởi phát bệnh chàm là thời tiết nóng, đặc biệt triệu chứng rõ khi hết mùa nóng thì da lại trở về như bình thường.

Thông thường chàm ở trẻ nhỏ và tái diễn theo mùa (mùa nóng) chủ yếu là do cơ địa của trẻ, việc chữa trị chủ yếu là phòng ngừa để hạn chế xuất hiện chàm (vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt) và chữa trị biểu hiện khi xuất hiện tổn thương, ngoài ra có thể sử dụng biện pháp giải mẫn cảm trong một số tình huống để loại bỏ tình trạng tái diễn.

Trong tình huống nhẹ thì chỉ cần sử dụng thuốc bôi ngoài da, nhưng với tình huống nặng thì có thể phải sử dụng cả thuốc bôi và thuốc uống. Tuy nhiên, việc sử dụng bất kỳ thuốc nào ở trẻ (thuốc bôi, thuốc uống) cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý chữa trị vì có thể khiến bệnh trầm trọng thêm. Do vậy bạn nên đưa bé tới cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để khám và có hướng chữa trị thích hợp nhất, lưu ý nên đưa bé đi khám khi có xuất hiện tổn thương (vào mùa nóng) để bác sĩ xác định chính xác tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cần đảm bảo một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin (đặc biệt vitamin A, C, nhóm B,…), tiêm phòng đầy đủ, đồng thời cho bé sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, đảm bảo ngủ đủ để tăng cường miễn dịch cho bé.

Chúc bé nhà bạn khoẻ mạnh, ngoan ngoãn!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl