Thắc mắc về ngứa lan rộng ở các độ tuổi khác nhau


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hiện tượng ngứa lan rộng ra nhiều vùng. Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn về vấn đề này ở các độ tuổi khác nhau.

Khi uống thuốc cúm chỗ vết muỗi đốt cũ, đỏ lên, nóng rát, ngứa, lan rộng, là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: luu minh nguyet

Thưa bác sĩ!

Tôi là nữ, năm nay 41 tuổi. Năm trước tôi bị muỗi đốt. Sau khi bị đốt chỗ vết bị đốt nó nổi lên như một hạt ngô và ngứa. khoảng mấy ngày sau thì mất. Nhưng sau đó tôi bị cảm phải dùng thuốc, khi uống vào khoảng 10 phút những chỗ da tôi bị muỗi đốt cứ đỏ, nóng rát như ngồi bên bếp lửa và ngứa lên, và lan rộng vì thế nên tôi ngưng dùng thuốc thì khoảng 4 ngày biểu hiện đó mất nhưng để lại vết thâm lan rộng, cứ như thế cứ mỗi lần tôi dùng thuốc cảm lại bị biểu hiện như trên. Xin hỏi bác sĩ, tôi đã mắc bệnh gì? cách điều trị ra sao?

Xin cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào chị!

Theo như chị mô tả mỗi lần sau khi dùng thuốc cảm các vết muỗi đốt cũ bị đỏ, nóng rát và lan rộng, ngưng dùng thuốc thì sau khoảng 3 ngày biểu hiện đó mất và để lại vết thâm, hiện tượng này rất có thể là do tác dụng phụ của thuốc. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chữa trị cảm, chị không nói rõ chị đang sử dụng loại thuốc cảm nào nên tôi không thể phân tích rõ cơ chế gây ra tác dụng phụ của thuốc cho chị. Tuy nhiên các biểu hiện chị mô tả sau khi dùng thuốc cảm khá là ít gặp. Nếu chị đang uống theo đơn của bác sĩ thì chị nên hỏi trực tiếp bác sĩ chữa trị để có điều chỉnh thay đổi loại thuốc tránh gây ra tác dụng phụ. Nếu chị tự mua thuốc cảm ở hiệu thuốc thì chị nên ngừng sử dụng thuốc đến gặp bác sĩ để được thăm khám trực tiếp và có những chỉ định hợp lí.

Chúc chị mạnh khỏe!

Ở tay và cẳng chân nổi mụn nhỏ, ngứa, chảy nước vàng và lan rộng ra là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi không biết vì sao lại bị nổi cái mụn nhỏ, ngứa. Mới đầu tôi không quan tâm đến vì chỉ có một nốt nhỏ khoảng 5mm ở cổ tay. Khi cảm thấy ngứa, tôi gãi và giờ vết thương mãi không lành, mà nó cứ ngứa, chảy nước vàng và lan rộng ra, xung quanh lại nổi thêm mấy mụn nhỏ như lúc đầu.Tôi đi bệnh viện thì bác sĩ nói bị nhiễm trùng da và cho thuốc uống. Nhưng không khỏi. Giờ tôi để ý thì thấy tay chân nổi các mụn khoảng 5mm như cái mụn trước và ngứa. Nhưng chỉ bị ở tay và cẳng chân chứ không bị lây khắp người. Bác sĩ cho tôi hỏi tôi bị bệnh gì và chữa như thế nào được không ạ?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Rất có thể bạn bị bệnh sẩn cục. Bệnh hiện chưa biết rõ nguyên nhân. Việc chữa trị cũng không có kết quả nhiều. Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu để có toa thuốc chữa trị đặc hiệu. Không nên tự ý mua thuốc hoặc xin tư vấn của dược sĩ, bôi không đúng thuốc làm cho việc chữa trị khó khăn hơn.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Mọc mụn ngứa gần mu, lan rộng ra bụng, nách là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: thanh luan

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 26 tuổi, nam giới. Cháu tự nhiên mọc một chòm mụn nhỏ như rôm ở phần trên chỗ lông mu. Ban đầu thì chỉ ngứa, nghĩ là bị hắc lào gì đó, cháu mua thuốc bôi da dùng khi dùng thì chỗ ngứa đó cũng khỏi nhưng sau nó lại mọc ra chỗ khác quanh bụng và bắp tay gần nách. Cháu càng gãi nó càng ngứa và nổi rõ hơn. Gãi xong khoảng 1 ngày thì đầu mụn đóng vẩy đen lại khi gãi nó lại ngứa rất khó chịu. Mong bác sĩ sớm giải đáp giúp cháu với!

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào em!

Theo em mô tả em bị viêm nang lông. Để chữa trị trước là phải vệ sinh sạch sau đó dùng cồn Lưu huỳnh 10% lau qua và cuối cùng dùng mỡ Gentrison bôi lên, 2 lần mỗi ngày, liên tục 10 ngày em sẽ thấy bệnh giảm. Nếu có mưng mủ và ngứa nhiều em có thể uống thêm một đợt kháng sinh và kháng Histamin theo chỉ dẫn bác sĩ.

Chào em!

Bé 2 tháng tuổi đầu gối nổi các hạt li ti, lan rộng, sần sùi, không đỏ, không ngứa.


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ, bé trai nhà em 3 tháng tuổi, từ lúc 2 tháng tuổi đầu gối bé nổi các hạt li ti, lan rộng, sần sùi, không đỏ, không ngứa. Vậy bé bị bệnh gì ạ?

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào em!

Đây là bệnh tăng tiết chất bã của trẻ sơ sinh. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh này lành tính. Nếu mình giữ vệ sinh tốt thì không có vấn đề gì. Nếu cháu không ngứa, không đau, thì không cần điều trị gì, một thời gian sau các nốt sẽ tự hết. Còn nếu ngứa và đau, sưng, có mủ, thì em nên đưa cháu đến gặp bác sĩ.

Thân ái!

Xuất hiện vết thâm đỏ dưới da đùi, không đau, không ngứa, có lan rộng ra, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu là nam, năm nay 29 tuổi. Cách đây 5 tháng cháu phát hiện dưới da đùi (vùng gần háng) có các vết thâm nổi đỏ nhỏ, đôi lúc lại chuyển sang màu đỏ nâu, không đau, không ngứa, mới đầu vết thâm nhỏ nhưng cháu thấy lây lớn ra (hiện tại như ảnh đính kèm). Sau khi phát hiện cháu có đi khám bác sĩ nhưng bác sĩ nói không sao nên không uống thuốc gì để chữa bệnh. Trước đó cháu có bị nấm dưới háng nên có uống thuốc bôi và thuốc uống. Hiện tại cháu đang rất phân vân không biết vết thâm này có lan rộng ra nữa không? Có cách nào để xóa các vết thâm đó không? Nếu có bác sĩ vui lòng cho cháu biết phải dùng loại thuốc nào để xóa vết thâm đó?

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Huỳnh Văn Quang


Chào cháu!

Theo thông tin cháu cung cấp thì cháu bị rạn da. Rạn da là tình trạng tổn thương da do ảnh hưởng của lực căng quá mức. Tổn thương là các đường rãnh dài và hẹp, có màu đỏ tím lúc đầu và sau đó trở nên trắng, thường gặp trên da vùng bụng, đùi, mông, ngực. Đây là triệu chứng rất thường gặp trong thời gian mang thai và trong giai đoạn đang tăng trưởng nhanh cả về chiều cao hoặc bề ngang. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt da không bị ảnh hưởng của lực căng quá mức nhưng vẫn bị rạn nứt là những tình huống đã sử dụng thuốc bôi có chứa Corticosteroids trong thời gian kéo dài.

Rạn da thường xảy ra ở những vùng da mỏng và yếu trên cơ thể như: da vùng bụng, ngực, đùi, bẹn, mông, đầu gối và bắp chân… Bệnh tuy không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng lại làm mất đi vẻ đẹp của cơ thể, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Rạn da rất khó chữa và hy vọng xoá hoàn toàn các vết rạn trên da là không thể thực hiện được. Không có cách nào phục hồi lại các sợi Collagen và Elastin (thành phần tạo độ đàn hồi của da) khi nó đã đứt gãy. Phương pháp duy nhất có thể làm vùng da bị rạn trở lại bình thường là cắt bỏ lớp da rạn, làm căng da hay ghép da thay thế vùng bị rạn bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Trên thực tế, người ta có thể làm mờ vết rạn bằng các loại thuốc bôi có chứa Tretinoin, Lécithine, các dầu thiên nhiên, các vitamine C, E… và việc uống thuốc ngay khi các vết rạn mới xuất hiện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian để xoá mờ các vết rạn da:

Dùng các loại dầu chiết xuất từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu oliu xoa đều lên các vùng da bị rạn hàng ngày trước khi đi ngủ giúp khôi phục độ đàn hồi cho da và hoạt động của các tế bào biểu bì da.

Lòng trắng trứng có công dụng kỳ diệu trong việc khôi phục và tái tạo Collagen cho da. Dùng lòng trắng trứng xoa đều lên vùng da bị rạn sau đó rửa sạch bằng nước lạnh. Cách này có thể làm mờ đi các vết rạn một cách nhanh chóng.

Bệnh này trước mắt không thể làm hết nhanh được, cần phải thời gian dài mới đỡ.

Chúc cháu mạnh khỏe.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl