Nguyên nhân mất ngủ ở người trưởng thành


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Mất ngủ gây hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và gây tổn hại lớn đến cơ thể, đặc biệt là người trưởng thành trong xã hội ngày nay.Tìm hiểu rõ về nguyên nhân chứng mất ngủ để có cách chữa trị tốt nhất đối với người mắc bệnh.

Mất ngủ, suy nhược thần kinh do stress công việc


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Năm nay em 28 tuổi, buổi tối thường hay rất khó ngủ, tầm 1, 2h sáng mới ngủ được. Em nghĩ mình bị stress do công việc nên em cũng có di tập thể dục vào buổi chiều tầm 18h, có hôm thì ngủ sớm được nhưng tầm 3h sáng hay bị giật mình, có những đêm cứ thao thức trằn trọc đến tận 2h sáng. Ban ngày thì mệt mỏi, lừ đừ, trí nhớ kém. Thỉnh thoảng em có đi du lịch đêt giải tỏa căng thẳng, thì thấy ngủ ngon giấc, nhưng khi trở lại làm việc thì vẫn mất ngủ như trước. Em có đi bắt mạch bên thầy thuốc đông y thì được biết là bị suy nhược thần kinh, dùng thuốc được 4 tháng vẫn không khỏi hẳn, em xin được bác sĩ giải đáp cách điều trị. Em xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào em.

Giấc ngủ là tình trạng nghỉ ngơi tự nhiên theo chu kỳ của thể xác và tâm thần. Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng là giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Giấc ngủ có chất lượng khi đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau: đủ giấc, đủ sâu, cảm thấy khỏe khắn khi thức dậy…

Theo các nghiên cứu cho thấy: Trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 20 giờ mỗi ngày, người trưởng thành ngủ 8 giờ mỗi ngày và người cao tuổi thường ngủ ít hơn khoảng 5-6 giờ mỗi ngày. Mất ngủ là khi có một trong số các triệu chứng sau: Khó vào hay khó duy trì giấc ngủ, dậy quá sớm, ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt. Nếu mất ngủ thoáng qua sẽ gây trạng thái buồn ngủ, vẻ mặt kém linh hoạt. Mất ngủ kéo dài sẽ gây mệt mỏi, trầm cảm, dễ cáu gắt, giảm tập trung chú ý. Mất ngủ thoáng qua hay kéo dài cũng đều tác động đến cuộc sống và công việc.

Suy nhược thần kinh (SNTK) là một tên gọi chung cho các triệu chứng rối loạn thần kinh khi chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán (có trong bảng phân loại bệnh tâm thần của tổ chức Sức khoẻ thế giới). Những trạng thái bệnh này nếu không điều trị sẽ dẫn đến sức khoẻ kém, thậm chí kiệt sức, bất an, lo lắng cho sinh hoạt và công việc. Các rối loạn khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự chữa trị… Cuối cùng bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.

Trường hợp của em, lí do có thể do sự căng thẳng trong công việc, vì thế đầu tiên em cần điều chỉnh lại công việc của mình cho hợp lý. Sắp xếp công việc một cách khoa học, bố trí thời gian nghỉ ngơi, thư giãn trong khi làm, tránh làm việc quá sức. Ngoài ra chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao đóng vai trò hết sức quan trọng. Em cần chú ý ăn uống đầy đủ chất và đúng giờ giấc. Không sử dụng thuốc là hay các chất kích thích như: rượu bia, café, chè..đặc biệt là vào buổi tối, hay trước giờ đi ngủ. Có chế độ tập luyện thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Nên duy trì tập luyện một môn thể thao yêu thích và phù hợp với sức khỏe của bản thân ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần nên tập từ 30 phút đến 1 giờ. Thực hiện ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, em nên đi ngủ có giờ giấc cố định, đi ngủ sớm và dậy sớm tránh thức quá khuya. Phòng ngủ nên được vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thoáng mát trong phòng ngủ. Việc uống thuốc cần được thực hiện dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý mua thuốc về chữa trị.

Chúc em sớm khỏe!

Mất ngủ kéo dài sau khi dùng thuốc diệt vi khuẩn HP phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Năm nay em 30 tuổi, em bị đau bao tử kéo dài, đi xét nghiệm thì bị vi khuẩn HP, em đã uống thuốc để diệt vi khuẩn này trong 1 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng sau khi uống thuốc, em bị mất ngủ kéo dài khoảng 20 ngày rồi. Em cảm thấy rất hoang mang, em mong nhận được sự giải đáp của các bác sĩ về lí do của vấn đề này.

Em cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số lí do gây mất ngủ như sau:

Nguyên nhân mất ngủ thoáng qua (mất ngủ dưới 1 tuần).

Stress (34% nữ và 22% nam, Mỹ – 1999).

Do rối loạn lịch thức ngủ trong ngày, như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không rất hay(53% công nhân ca đêm ngủ gật ít nhất 1 lần trong tuần), do thay đổi múi giờ chênh lệch như khi đi du lịch đến các vùng có mức chênh lệch múi giờ từ 6 – 24 giờ.

Sử dụng các chất kích thích não: Cà phê, trà, thuốc lá, rượu, các loại thuốc có tính kích thích. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích…

Thói quen của người ngủ cùng. Thí dụ như ngáy (42% nam và 31% nữ ngáy vài đêm trong tuần, Mỹ – 2002).

Các yếu tố môi trường: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, thoáng khí …

Nguyên nhân mất ngủ mãn tính: Mất ngủ/rối loạn giấc ngủ kéo dài trên 1 tháng. Nhóm lí do này chủ yếu gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý tâm thần.

Bệnh lý đa khoa: Dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản…

Ngoài ra, ước tính có khoảng 35 – 50% tình huống mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến bệnh lý tâm thần (qua một nghiên cứu về mất ngủ năm 2005 ở thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy trong số các tình huống mất ngủ có 14,5% bị bệnh tâm thần). Các loại bệnh tâm thần có thể gây mất ngủ: trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan toả, rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), nghiện (rượu và các chất dạng thuốc phiện), tâm thần phân liệt, bệnh sa sút trí tuệ.

Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: Chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ…

Ngoài ra còn 1 số tình trạng sinh lý cũng có thể dẫn tới mất ngủ như: Mãn kinh, kinh nguyệt, có thai, sốt, đau …

Điều trị mất ngủ: Điều trị chứng mất ngủ chủ yếu là chữa trị biểu hiện, kết hợp với chữa trị lí do nếu xác định được lí do gây mất ngủ. Vấn đề chẩn đoán xác định cũng như chỉ định chữa trị nên theo ý kiến của thầy thuốc.

Nguyên tắc chữa trị mất ngủ: Loại bỏ những lí do chủ quan gây mất ngủ, vệ sinh giấc ngủ, điều trị bằng thuốc, điều trị bằng các liệu pháp tâm lý: thư giãn – thiền

Điều trị mất ngủ:

Loại bỏ những lí do chủ quan gây mất ngủ: Nếu cố gắng tìm hiểu, người bệnh sẽ biết một phần lí do gây mất ngủ, thí dụ uống cà phê quá nhiều vào buổi tối hoặc trước khi đi ngủ, ăn quá nhiều chất cay nóng, ăn quá no vào buổi tối, đi du lịch đến nơi có sự thay đổi múi giờ quá lớn, do căng thẳng trong công việc… Sau khi tìm biết được lí do, người bệnh có thể sẽ tự điều chỉnh để ngủ được mà không cần nhờ đến thuốc.

Vệ sinh giấc ngủ: Nên tạo tâm trạng thư thái để dễ dàng đi vào giấc ngủ, giường ngủ cần đặt nơi thoáng mát, chăn màn sạch sẽ…

Thuốc: Có thể sử dụng một số loại thuốc dễ gây ngủ như các loại thuộc nhóm Benzodiazepine nhưng cần chú ý là phải có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sử dụng.

Thư giãn tâm lý: Đầu tiên cần nhớ rằng sức khoẻ sẽ không tác động gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đúng 6 hoặc 8 giờ mỗi ngày. Khi lên giường ngủ thì chỉ để ngủ và không làm gì khác (như đọc sách, xem phim …), nếu không ngủ được sau 10 – 15 phút thì có thể đứng dậy đi làm một việc khác. Những bệnh nhân mất ngủ mãn tính thường rất sợ buổi tối vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được và thông thường nếu càng lo sợ thì giấc ngủ càng khó đến, do đó hãy nghĩ đến giấc ngủ một cách nhẹ nhàng và thanh thản thì nó sẽ đến một cách bình yên. Nếu trong ngày có những vấn đề chưa giải quyết xong thì hãy gác lại hoàn toàn chờ đến ngày mai giải quyết.

Bạn nên đến bệnh viện khám sớm để chữa trị bệnh lý gây mất ngủ nếu có nhé.

Chúc bạn sức khỏe!

Bị mất ngủ lại do đâu và uống thuốc trị mất ngủ thời gian dài có gây ảnh hưởng gì không?


Câu hỏi bởi: baotran

Chào bác sĩ!

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 22 tuổi. Cách đây 4 tháng (sau khi cháu thi học kì xong), cháu bị khó ngủ, dần dần cháu không ngủ đc cả đêm. Cháu có đến bệnh viện Tâm thần khám và được cho toa thuốc như sau: Sulpirid, Alimemazin, Amitriptylin, Piracetam, Mimosa. Cháu uống khoảng 20 ngày thì ngưng. Nhưng khoảng 4 ngày sau đó cháu lại mất ngủ. Giờ cháu vẫn đang dùng thuốc lại và ngủ được bình thường. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị mất ngủ trở lại là do đâu và dùng thuốc lâu như vậy có gây tác động gì không ạ? Cháu cần làm gì để nhanh chóng khỏi bệnh.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu đang học đại học đúng không, sau đợt ôn thi và thi học kỳ rất căng thẳng và áp lực, hậu quả là cháu bị khó ngủ và dần dẫn đến mất ngủ. Như vậy vấn đề mất ngủ ở cháu là do áp lực trong học tập và thi cử gây căng thẳng tâm lý và làm mất ngủ mà thôi. Các thuốc mà cháu đang uống có loại vừa tác dụng an thần làm tăng cường giấc ngủ và làm tăng khí sắc và cảm xúc, có loại làm tăng cường tuần hoàn não và tăng hấp thu oxy cho tế bào não.

Cháu mất ngủ trở lại là do cháu đang chữa trị theo biểu hiện mà không phải chữa trị theo lí do gây mất ngủ, vì thế dùng thuốc thì ngủ được, khi dừng thuốc lại mất ngủ. Nguyên nhân gây mất ngủ ở cháu là do học tập quá sức và do áp lực trong thi cử gây căng thẳng tâm lý sinh ra mất ngủ. Do vậy ngoài việc dùng thuốc thì phải giải quyết lí do mất ngủ là do căng thẳng tâm lý ở cháu. Vì thế vừa dùng thuốc cháu phải vừa giải toả tâm lý căng thẳng bằng cách học tập vừa phải, xoá bỏ áp lực trong học tập và thi cử, tìm phương pháp học mới để làm sao giảm cường độ học tập mà vẫn cho kết quả tốt.

Ngoài thời gian học tập cần giành thời gian vui chơi giải trí, giao lưu bạn bè để làm cuộc sống vui vẻ và thư giãn. Đi du lịch sinh thái cuối tuần rất tốt để thư giãn tâm lý. Tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày vừa nâng cao sức khoẻ vừa giải toả tâm lý căng thẳng. Bố trí phòng ngủ nơi yên tĩnh thoáng mát, vừa đủ ánh sáng giúp rễ đi vào giấc ngủ, ăn uống đủ 3 bữa đủ lượng và chất. Đi ngủ đúng giờ không thức khuya, đến giờ là lên gường tắt điện đi ngủ mặc dù thời gian đầu nằm nhưng không ngủ được. Khi đi ngủ loại bỏ mọi suy nghĩ để đi vào giấc ngủ, tránh mọi sang chấn tâm lý trong cuộc sống hàng ngày. Tắm nước ấm trước khi ngủ tối giúp thư giãn và rễ đi vào giấc ngủ. Tìm bài tập phù hợp trước khi ngủ tối như tập yoga hoặc ngồi thiền.

Chúc cháu quyết tâm và thành công.

Bị bệnh mất ngủ do stress


Câu hỏi bởi: My

Thưa bác sĩ, ba cháu năm nay 44 tuổi do áp lực đủ thứ công việc, gia đình nên dẫn đến stress rồi gây ra mất ngủ đã 6 tháng nay rồi. Ba cháu đã đi khám nhiều bệnh vịên nhưng không hết. Do ngủ ko đựơc nên nhiều lúc lợi dụng lệ thuộc vào thuốc ngủ, rồi suy nghĩ tùm lum nữa, có lúc bi quan nữa. Làm thế nào để hết… Bác sĩ có liệu pháp gì ko? Ba cháu có cần đến bác sĩ để điều trị ko? Sẽ hết chứ cảm phiên bác sĩ… Cháu cảm ơn ạ !

Bác sĩ Cao Tiến Đức


Chào cháu,

Ba cháu bị mất ngủ, bị stress, và lệ thuộc vào thuốc. Nếu đúng như cháu nói thì phải đưa ba cháu đến cơ sở tâm thần để được khám và điều trị. Bệnh chắc chắn sẽ khỏi, tuy nhiên cũng cần có thời gian. Vì vậy gia đình phải kiên trì điều trị. Ba cháu có thể đến bệnh viện Quân y 103 khám và điều trị.

Chúc ba cháu mau có giác ngủ ngon hết stress và hết lệ thuộc thuốc.

Mất ngủ do hay suy nghĩ miên man, chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Phan Thanh

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 30 tuổi và đang là cán bộ nhà nước. Công việc và sức khỏe hàng ngày bình thường. Nhưng buổi tối cứ lên giường ngủ là đầu óc lại suy nghĩ miên man, nghĩ lung tung đủ các chuyện nên rất khó để tập trung suy nghĩ được. Cháu mới bị thời gian gần đây thôi, trước cháu ngủ rất tốt. Xin bác sĩ giải đáp cho cách chữa.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu nói là ban ngày thì mọi vấn đề sức khoẻ binh thường. Vấn đề chỉ triệu chứng khi đi ngủ, khi lên gường đầu óc cứ nghĩ miên man đủ các thứ làm khó tập trung cho giấc ngủ đúng không? Buổi tối cháu ngủ được mấy tiếng, buổi trưa cháu có ngủ được ít nào không, tổng thời gian ngủ cả ngày đêm của cháu là mấy tiếng. Theo sinh lý bình thường tuổi cháu thì ngủ 8h/24h là bình thường. Công việc của cháu có vất vả và áp lực lắm không, trong mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, vợ chồng, gia đình… Có vấn đề gì căng thẳng phải suy nghĩ dẫn đến căng thẳng tâm lý hay không? Nếu tâm lý căng thẳng làm ít ngủ hay khó ngủ, thời gian ngủ ít không đủ 8h/24h cũng ảnh hưởng trở lại làm tâm lý căng thẳng hơn và làm đầu óc khó tập trung hay suy nghĩ miên man. Suy nghĩ miên nam thuộc lĩnh vực rối loạn tư duy, căng thẳng tâm lý cũng ảnh hưởng làm rối loạn giấc ngủ và tác động tới tư duy. Cháu không nói rõ là tối cháu có ngủ được không?

Nếu tất cả những vấn đề bác hỏi ở trên là bình thường và ban đêm cháu cũng ngủ tốt thì chứng suy nghĩ miên man của cháu là chứng bệnh nội sinh tức là tự cơ thể sinh ra và cháu cần phải đi khám và chữa trị bằng thuốc thì mới hết biểu hiện đó được. Chứng bệnh này thuộc chuyên khoa Tâm thần khám và điều trị. Nếu cháu bị sang chấn tâm lý (cháu có một trong những vấn đề bác hỏi ở trên) sinh ra căng thẳng tâm lý từ đó giây ra kém ngủ và suy nghĩ miên man thì cháu hãy làm tốt một số vấn đề sau đây:

Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức

Ngoài thời gian làm việc cần giành thời gian vui chơi giải trí, giao lưu bạn bè, tham gia công tác đoàn thể và xã hội giúp tinh thần vui vẻ

Ăn uống điều độ đủ chất và vitamin

Không dùng các chất kích thích như rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá và các gia vị cay nóng

Tuyệt đối tránh các sang chấn tâm lý trong cuộc sống kể cả trên phim ảnh và sách báo

Tập thể dục thể thao đều dặn hàng ngày để nâng cao sức khoẻ và giúp tâm lý thư giãn

Bố trí phòng ngủ nơi yên tĩnh, thoáng mát, vừa đủ ánh sáng

Nên tắm nước nóng trước khi ngủ tối giúp thư giãn tâm lý và giúp giấc ngủ sâu

Trên đây là một số vấn đề giúp tâm lý thư giãn, làm cho giấc ngủ sâu và tránh suy nghĩ miên man, cháu hãy áp dụng nhé.

Chúc cháu khoẻ mạnh!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl