Tuyển chọn câu hỏi hay về chứng tăng hồng cầu ở nam giới


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Nam giới bị tăng hồng cầu phải lưu ý những điều gì? Tuyển chọn câu hỏi sau đây sẽ trả lời thắc mắc của bạn.

Chẩn đoán tăng hồng cầu vôi căn, hội chứng tăng sinh tủy là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Huỳnh Hiệp

Chào bác sĩ!

Tôi là nam 37 tuổi. Tôi có biểu hiện sốt kéo dài gần 3 tháng, đau đầu từng cơn dữ dội. Bác sĩ xét nghiệm máu chẩn đoán tăng hồng cầu vôi căn. Đồng thời được các bác sĩ tỉnh chẩn đoán hội chứng tăng sinh tủy. (Hồng cầu 6,99; BC16,4; Tc 195). Tôi bị bệnh gì vậy bác sĩ?

Xin cảm ơn.

Chào bạn!

Bệnh đa hồng cầu là một trong những nhóm bệnh tăng sinh tủy. Tủy xương hoạt động quá mạnh, tạo ra quá nhiều tế bào máu, trong đó hồng cầu chiếm ưu thế làm cho máu bị cô đặc (tăng độ quánh) dẫn đến các triệu chứng như đỏ da và khó thở khi gắng sức, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn ngủ,nhìn mờ, chảy máu cam, đau nhức xương, mất sức, sụt cân, loét hoặc xuất huyết tiêu hóa; và có nguy cơ bị tắc nghẽn trong hệ tuần hoàn (thuyên tắc phổi, đột quỵ…).

Bình thường ở người lớn, trong một mm3 máu có từ 3,7 – 4 triệu hồng cầu. Dưới 3,5 M/uL hồng cầu, coi như thiếu máu. Trên 5,00 M/uL hồng cầu, coi như đa hồng cầu. Nếu chứng đa hồng cầu là hậu quả của bệnh lý khác (tâm phế mãn, thiếu oxy máu mãn…) thì đây là đa hồng cầu thứ phát. Nếu đa hồng cầu là nguyên phát (không do bệnh lý nào khác gây ra), gọi là đa hồng cầu nguyên phát, đây là một loại ung thư máu thuộc dòng hồng cầu, tiến triển chậm.

Thân ái!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh tăng hồng cầu vô căn?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Sỹ Hoàng

Chào bác sĩ.

Tôi có người nhà được chẩn đoán bị bệnh tăng hồng cầu vô căn. Bác sĩ cho tôi hỏi nguyên nhân của bệnh này, cách chữa trị, bệnh có nguy hiểm không? Chế độ ăn uống và sinh hoạt thế nào cho phù hợp?

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Bạn Sỹ Hoàng thân mến.

Bệnh đa hồng cầu là một dạng bệnh tăng sinh tủy, tủy xương hoạt động quá mạnh, tạo ra quá nhiều tế bào máu, trong đó hồng cầu chiếm ưu thế làm cho máu cô đặc (tăng độ quánh) và có nguy cơ bị tắc nghẽn trong hệ tuần hoàn. Đó là một loại ung thư máu thuộc dòng hồng cầu, tiến triển chậm, là một trong những bệnh lý tăng sinh tủy ác tính không rõ căn nguyên. Bệnh đa hồng cầu thường gặp ở những người tăng huyết áp, béo phì, có bệnh động mạch vành, bệnh tiến triển chậm, nếu điều trị tốt bệnh nhân có thể sống bình thường trong nhiều năm.

Các biểu hiện thường gặp của bệnh là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn mờ, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, bầm tím tự nhiên trên da, ngứa, ra nhiều mồ hôi, gầy sút, mặt và lòng bàn tay đỏ, đau nhức xương, gan lách to và các biểu hiện tắc mạch như đau cách hồi, nhồi máu não. Xét nghiệm máu ngoại vi có tăng số 3 dòng tế bào máu và lượng huyết sắc tố.

Có 2 phương pháp điều trị bệnh đa hồng cầu là: trích máu và dùng thuốc.

Trích máu: Trích máu định kỳ là liệu pháp quan trọng nhất trong xử trí đa hồng cầu, duy trì lượng hematocrit không vượt quá 45%, nhưng phương pháp điều trị này làm tăng nguy cơ thiếu sắt và có thể gây ra các rối loạn huyết động ở một số bệnh nhân. Ngoài ra, trích máu cũng kích thích tủy xương và quá trình sinh mẫu tiểu cầu, từ đó làm tăng số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi.

Thuốc: Hiện nay, có 3 loại thuốc chính được sử dụng để giảm số lượng hồng cầu trong máu là Hydroxyurea, Interferon-alfa và Anagrelide.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt: người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn uống sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, vận động quá mức, tập thể dục thường xuyên nhẹ nhàng, không gắng sức, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, không dùng rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để hạn chế tình trạng cô đặc máu.

Thân mến.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Hồng cầu tăng cao có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: hoangmang

Chào bác sĩ!

Em năm nay 27 tuổi, giới tính nam. Em cao 1m68, nặng 73kg. Em có đi lấy máu xét nghiệm. Kết quả là hồng cầu em tăng khoảng hơn 7 T/L. Em nhờ bác sĩ giải đáp giùm em có nguy hiểm lắm không ạ? Và làm cách nào để giảm lượng hồng cầu xuống và nên ăn những loại thực phẩm nào để lượng hồng cầu giảm xuống? Em mong bác sĩ giúp em.

Em xin chân thành cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Khuyên em đi khám và kiểm tra lại. Ở người bình thường, thể trạng tốt, dinh dưỡng đầy đủ thì giá trị hồng cầu bình thường cũng không vượt quá 6 T/L. Trường hợp của em xét nghiệm thấy hồng cầu tăng cao trên 7 T/L, điều này có thể gây nguy hiểm vì những biến chứng tắc mạch do số lượng hồng cầu tăng làm tăng độ quánh của máu và có thể dẫn đến tắc mạch. Tắc mạch gây những biến chứng nguy hiểm tùy vào vị trí mạch bị tắc, như tắc mạch não gây nhồi máu não, ở tim gây nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim…

Khuyên em đi khám, kiểm tra lại xét nghiệm, có thể em mắc bệnh Đa hồng cầu, em cần được chữa trị sớm để tránh biến chứng của bệnh.

Thân mến!

Giảm tiểu cầu và hồng cầu tăng, có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Tấn Đạt

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi, hôm nay em có đi xét nghiệm máu, em thấy tiểu cầu giảm, còn hồng cầu tăng 5,08 và mấy cái khác em thấy âm tính. Bác sĩ cho em hỏi vậy là em bị bệnh gì ạ?

Em xin cám ơn.

Chào em.

Giảm nhẹ số lượng tiểu cầu + tăng nhẹ số hồng cầu có thể do nhiều nguyên nhân, như nhiễm siêu vi, bệnh lý của tủy xương, bệnh của lách, bệnh của gan,… Do vậy bác sĩ cần phải khám và xem xét các xét nghiệm khác mới định được nguyên nhân là gì.

Tốt hơn hết em nên đến bệnh viện Truyền Máu Huyết Học để kiểm tra lại và tìm ra nguyên nhân.

Thân.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Bị đa hồng cầu nhỏ có nguy hiểm không và trị khỏi được không?


Câu hỏi bởi: Tấn Đạt

Thưa bác sĩ.

Tôi cân nặng 65 kg, chiều cao 1.64 m, 31 tuổi. Tôi khám bệnh xét nghiệm máu bị đa hồng cầu nhỏ, bệnh này có nguy hiểm không và trị khỏi không, điều trị tại bệnh viện nào có chuyên khoa này tốt nhất. Gần đây tôi hay bị đau ngực, hay tê tay chân, đặc biệt là chân phải tê từ mông xuống bàn chân, đó có phải là biểu hiện của bệnh đa hồng cầu không?

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn Tấn Đạt.

Với “cân nặng 65 kg, chiều cao 1.64 m, nam 30 tuổi” bạn có một thể trạng cân đối. Tuy nhiên bạn “khám bệnh xét nghiệm máu bị đa hồng cầu nhỏ…” bên cạnh đó còn nhiều trị số quan trọng về huyết đồ mà bạn cung cấp chưa đầy đủ cũng như một số xét nghiệm cần thiết khác… vì thế không thể kết luận các biểu hiện trên do bệnh lý tăng hồng cầu.

Đau ngực có rất nhiều nguyên nhân (bệnh lý về tim mạch, bệnh lý về phổi, bệnh lý về thần kinh – cơ liên sườn, bệnh lý về máu…), “chân phải tê từ mông xuống bàn chân…” cũng có rất nhiều nguyên nhân (bệnh thần kinh tọa bên phải, bệnh lý cột sống, chấn thương…).

Đa hồng cầu có nhiều nguyên nhân: nguyên nhân thứ phát (đa hồng cầu ở người sống trên vùng cao, bệnh lý phổi mạn tính, do thuốc…), nguyên nhân nguyên phát (đa hồng cầu do đột biến – di truyền,…) hoặc một số bệnh lý ác tính (ung thư máu…). Vì thế bạn cần tái khám tổng quát và làm các xét nghiệm cần thiết để định bệnh chính xác để có mức độ tiên lượng và điều trị cụ thể.

Bạn nên đến các cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa Huyết học, Tim mạch, Thần kinh… để được chẩn đoán bệnh một cách đầy đủ.

Chúc bạn thành công!

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl