Thắc mắc về các vấn đề sức khỏe của trẻ 3 tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Trẻ em ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những vấn đề cần lưu tâm riêng. Tuyển chọn câu hỏi sau sẽ giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho các bé 3 tuổi.

Trẻ 3 tuổi bị hạch ở cổ có nguy hiểm không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Xin hỏi trẻ 3 tuổi bị hạch bên cổ có nguy hiểm không?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Đặng Phương Liên


Chào bạn.

Bình thường trong cơ thể hạch bạch huyết được coi như là các “lính gác” hay “hàng rào bảo vệ” chống lại các tác nhân gây bệnh. Hạch bạch huyết được phân bố nhiều nơi như: vùng cổ, dưới hàm, nách. Bình thường, hạch chìm không sờ thấy được, không đau, chỉ đến khi hạch phải hoạt động mạnh để chống lại bệnh tật thì mới sưng to và đau, sờ thấy được. Nguyên nhân làm cho hạch sưng to thường do viêm nhiễm ở các cơ quan lân cận.

Trẻ 3 tuổi bị hạch cổ có thể do viêm đường hô hấp trên (viêm họng, viêm amidan) hoặc do nhiễm trùng da hoặc tổn thương vùng răng miệng (viêm quanh răng, viêm lợi, niêm mạc miệng, viêm quanh cuống răng), Ngoài ra, hạch cổ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh hiếm gặp như bệnh bạch cầu cấp. Trong một số tình huống, hạch cổ có thể bị nhầm lẫn với các bướu bã đậu hoặc bướu mỡ. Vì vậy, trẻ cần phải được bác sĩ thăm khám trực tiếp, sờ nắn vị trí hạch, kết hợp khám tổng quát và có thể làm thêm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Trong tình huống hạch cổ do viêm nhiễm, bệnh không nguy hiểm nếu trẻ được khám và điều trị sớm. Ngược lại, nếu trẻ không được chữa trị, các vi khuẩn, virut phát triển gây bệnh nặng, thậm chí có thể gây nhiễm trùng toàn thân, nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, trẻ cần được đi khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Chúc cháu bé mau khỏi!

Hen phế quản ở trẻ 3 tuổi


Câu hỏi bởi: Nguyễn Thị Trường

Chào bác sĩ, con gái tôi hiện 3,5 tuổi, cháu được chuẩn đoán hen phế quản và hiện tại đang dùng thuốc xịt seretide, ngày xịt hai lần mỗi lần một xịt. Dự phòng singulair và thường xuyên dùng khí dung ventolin và purmicort. Cháu dùng kéo dài gần hai năm nhưng hiện tại chưa có biểu hiện giảm triệu chứng ho kéo dài kèm đờm. Tôi muốn hỏi trung tâm có làm xét nghiệm kiểm tra hen cho bé 3 tuổi ko và theo như tình hình bệnh của cháu hiện nay thì bác sĩ có phác đồ điều trị cho cháu khỏi được việc dùng thuốc kéo dài và đặc biệt là dùng kháng sinh thường xuyên như hiện nay ko ạ? Hiện cháu điều trị theo đơn của bác sĩ tại viện nhi Tư. Chân thành cảm ơn và mong nhận được tin từ bác sĩ P/s: thưa bác sĩ việc cháu sử dụng thuốc nhiều và liên tục như vậy có gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu không a?

Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân


Chào bạn.

Với trường hợp bệnh hen của cháu thì cứ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nếu cháu điều trị theo Tây y. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng sinh dài ngày cũng không tốt. Bạn có thể cho cháu dùng thuốc đông y để cắt bệnh hen. Đơn giản hơn, bạn có thể đến bệnh viện Đông Y trung ương mua Chai MA. Thuốc uống này cũng có tác dụng giảm bớt cơn hen.

Hi vọng thông tin hữu ích đối với bạn. Chúc bé khỏe mạnh!

Trẻ 3 tuổi đã tiêm phòng viêm gan B theo chương trình mở rộng, có cần tiêm nữa không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Bác sĩ cho em hỏi về tiêm ngừa viêm gan siêu vi B, con em được 3 tuổi rồi, bé đã được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B theo chương trình mở rộng. Nay trường bé gửi giấy cho bé tiêm thêm 1 mũi nữa để ngừa vĩnh viễn. Vậy em có nên tiêm cho bé không?

Cám ơn bác sĩ, chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em.

Câu trả lời phụ thuộc vào lịch sử tiêm chủng của bé. Nếu bé tiêm chủng đầy đủ theo lịch: 1 mũi đơn viêm gan B ngay sau sinh, 3 mũi viêm gan B (mũi đơn hoặc trong thành phần của vắc-xin tổng hợp) trong năm thứ nhất và đã nhắc lại 1 mũi vào năm thứ hai thì việc tiếp tục tiêm phòng viêm gan siêu vi B khi trẻ 3 tuổi là không cần thiết.

Chúc gia đình em mạnh khỏe.

Trẻ 3 tuổi bị viêm Amidan cứ không dùng kháng sinh là lại sốt có bị làm sao không?


Câu hỏi bởi: Thuy

Chào bác sĩ!

Con tôi 3 tuổi, cháu bị sốt, viêm Amiđan nhưng cho uống kháng sinh 10 azithromycin. Ngày thấy hết sốt, nghỉ thuốc 1 ngày lại thấy cháu sốt, lại đổi sang zinnat, uống 5 hôm nữa thì sau khi uống hết kháng sinh cháu lại sốt. Cháu bị đã 2 tháng nay không biết là do lí do gì mà cứ không dùng kháng sinh lại sốt.

Tôi cảm ơn!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn!

Thông thường trẻ 3 tuổi bị sốt, bố mẹ nhìn thấy chỗ amidan có một khổi sưng to đỏ nhẵn thì là bé bị viêm amidan cấp. Việc chẩn đoán không khó, nhiều khi chỉ cần nghe kể đã đoán được bênh. Nhưng việc chữa trị lại không đơn giản chỉ là uống kháng sinh. Có lẽ là bạn tự đi mua thuốc kháng sinh về cho bé uống, như vậy là không nên.Vì việc chữa trị kháng sinh không nên dùng đơn độc 1 thứ mà nên phối hợp 2 loại trở lên để tránh hiện tượng nhờn thuốc, đồng thời trong chữa trị cần phối hợp thêm thuốc kháng viêm, hạ sốt, các thuốc chữa biểu hiện nữa. Vì vậy bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ để có được toa thuốc hoàn chỉnh phù hợp với trẻ. Có thể bạn cho bé dùng thuốc tăng sức đề kháng hạn chế các bệnh đường hô hấp, thuốc có tên : broncho-vacxom. Đây là tổ hợp các loại vi khuẩn thường gây bệnh đường hô hấp nhưng đã làm giảm độc lực không thể gây bệnh, thuốc có tác dụng tương tự như tiêm vác xin.

Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe!

Trẻ 3 tuổi tiểu nhiều có đáng lo không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Con tôi năm nay được hơn 3 tuổi rồi nhưng đái rất nhiều cả ngày lẫn đêm. Ban đêm cháu đi 4 đến 5 lần kể cả những hôm cháu không ăn canh hoặc uống sữa. Bác sĩ có thể giải đáp cho tôi nên làm gì hoặc cho cháu uống gi để cháu có thể bớt đi đi tiểu được không ạ?

Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Ở trẻ em, tiểu tiện xuất hiện tự nhiên như một phản xạ của tủy sống. Lượng nước tiểu tích tụ tăng lên sẽ làm giãn bàng quang và kích thích các dây thần kinh làm co bóp các cơ của bàng quang. Do dung tích bàng quang còn bé nên trẻ thường đi tiểu nhiều lần. Trong năm đầu, trẻ đi tiểu khoảng 20 lần trong vòng 24 giờ. Sau đó, số lần tiểu tiện giảm xuống, còn khoảng 11 lần vào cuối năm thứ ba. Đến khoảng bốn tuổi thì hầu hết trẻ em mới có kiểu kiểm soát nước tiểu như ở người lớn.

Như vậy, bé nhà bạn nếu đi tiểu nhiều lần nhưng không thấy biểu hiện gì khác thường thì bạn không phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé đi tiểu lắt nhắt kèm theo các biểu hiện như sốt cao, rét run, nước tiểu đục thì đó là do lí do bệnh lý. Trường hợp này có thể trẻ đã bị nhiễm trùng tiết niệu. Nếu bé đi tiểu nhiều lần kèm theo hiện tượng mỗi lần tiểu lượng nước tiểu nhiều, có triệu chứng khát nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, ngứa da, tê chân tay… thì bạn cần đưa bé đi xét nghiệm tiểu đường. Để yên tâm tốt nhất là bạn nên đưa cháu đi khám.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl