Thắc mắc về bệnh trĩ ở trẻ vị thành niên


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bệnh trĩ thường gặp nhiều ở những người hay ngồi lâu một chỗ và ít vận động. Trẻ vị thành niên là đối tượng vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ngày càng ít vận động khiến các bé cũng có thể có khả năng mắc bệnh trĩ rất cao.

Bệnh trĩ


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ con tôi năm nay 17 tuổi mắc bệnh trĩ. Cháu đi ngoài khó và thường ra máu nhiều và đau rát, có cục trĩ lòi ra ngoài bằng đốt ngón tay. Thưa bác sĩ cháu bị trĩ cấp độ mấy và nên đi cắt không, nếu cắt thì có đau lắm không?

Bác sĩ Đào Văn Long


Chào bạn,

Cháu đại tiện có cục trĩ lòi ra. Nếu tự lên được thì là trĩ độ 2. Nếu phải ấn mới lên thì là trĩ loại 3. Tuy nhiên, cháu nhà bạn mới 18 tuổi mà bảo là trĩ thì phải kiểm tra cẩn thận để phân biệt với polyp hoặc u nhú hậu môn. Khi xác định được đúng bệnh thì mới xem xét các phương pháp điều trị.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe.

Bệnh trĩ


Câu hỏi bởi: Đào Thị Ngọc

Thưa bác sỹ, cháu năm nay 19t, hiện đang là sinh viên. Cháu bị bệnh trĩ đã 5 năm rồi, trĩ hỗn hợp độ 3, búi trĩ ra ngoài to bằng hột ngô. Gần đây do áp lực học tập nên cháu thấy bệnh cháu đang có vẻ nặng ra, bình thường cháu ăn uống điều độ không để bị táo là đi ngoài bình thường không ra máu, nhưng gần đây cháu không bị táo nhưng đi ngoài vẫn ra máu, hơi rát, máu nhỏ giọt. Cho cháu hỏi bệnh cháu vậy có nặng lắm không ạ? Trị bệnh như thế nào ạ? Mong bác cho cháu lời khuyên. Cháu cảm ơn ạ.

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào cháu:

Như vậy cháu bị bệnh trĩ hỗn hợp, thời gian mắc bệnh đã lâu. tôi trả lời câu hỏi của cháu như sau:

Trĩ hỗn hợp là một loại của bệnh trĩ. Đây là sự kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại. Nếu bệnh nhân bị 2 loại trĩ kia cùng một lúc, có 2 loại đám trĩ ở trong ống hậu môn và ngoài rìa hậu môn. Khi các búi trĩ trong ống hậu môn (trĩ nội) bị sa nặng, liên kết với búi trĩ ngoài rìa hậu môn (trĩ ngoại) tạo thành một khối trĩ lớn dài suốt từ trong ra ngoài hậu môn. Đám trĩ liên kết đó chính là trĩ hỗn hợp.

Do sự kết hợp cả hai loại trĩ nên trĩ hỗn hợp có tính chất phức tạp cao và độ nguy hiểm lớn
Nguyên nhân của trĩ hỗn hợp

Nguyên nhân trĩ hỗn hợp chính là các nguyên nhân hình thành trĩ nội và trĩ ngoại cụ thể như sau:

Trĩ hỗn hợp hình thành là do áp lực gia tăng về phía hậu môn khiến các tĩnh mạch bị tắc nghẽn, ngưng tụ tạo nên các búi trĩ.

Sự viêm sưng vùng da tại nếp gấp quanh hậu môn

Bị táo bón lâu năm

Do sự chủ quan của bệnh nhân khi bị trĩ nội, trĩ ngoại mà không phát hiện hoặc không đi khám chữa kịp thời để hai loại trĩ này liên kết với nhau tạo nên trĩ hỗn hợp.

Sự nguy hiểm của trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp chỉ hình thành khi cùng lúc xảy ra 2 loại trĩ, và khi trĩ nội đã sa mà không co lên được và tạo điều kiện cho các búi trĩ liên kết với nhau. Do đó, trĩ hỗn hợp rất nguy hiểm và cẫn chữa trị nhanh chóng, nếu không nó sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm:

Sự đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.

Máu chảy nhiều khiến cơ thể bệnh nhân dễ dàng rơi vào tình trạng mất máu, thiếu máu nghiêm trọng.

Một khối trĩ lớn bao gồm nhiều tĩnh mạch căng phồng kéo dài từ trong ra đến ngoài hậu môn, đây có thể là con đường gây lên sự nhiễm khuẩn vào máu, trực tràng và mất cân bằng tiêu hóa.

Với bệnh nhân là phụ nữ, khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa là rất cao. Ảnh hưởng lớn đến vấn đề sinh sản.

Điều trị bệnh trĩ hỗn hợp

Do mức độ phức tạp của bệnh, bệnh nhân bị trĩ không nên thực hiện điều trị tại nhà với các biện pháp uống thuốc thông thường. Nên điều trị chữa trĩ hỗn hợp dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa. Trĩ hỗn hợp có thể điều trị bằng cách:

Uống thuốc tiêu trĩ, tùy vào mức độ bệnh mà bệnh nhân được các bác sỹ chỉ định uống các loại thuốc tây y hoặc nam dược nhằm co búi trĩ, kháng viêm, kháng sưng.

Khi bệnh ở mức độ nặng hơn phải sử dụng các phương pháp ngoại khoa: phương pháp chính xơ, phương pháp thắt búi trĩ bằng vòng cao su, phương pháp kẹp trĩ…

Việc sử dụng phương pháp nào còn phụ thuộc vào bác sỹ chỉ định và địa chỉ điều trị.

Lưu ý với bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp

Do tính chất phức tạp của bệnh, có bất cứ biểu hiện nào của trĩ cũng cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa để được bác sỹ thăm khám tránh bệnh phát triển đến độ nặng. Tốt nhất không để cho hình thành nên bệnh trĩ hỗn hợp

Chúc cháu mau chữa khỏi bệnh.

Biểu hiện và cách chữa bệnh trĩ?


Câu hỏi bởi: gaiviet

Chào bác sĩ!

Cháu năm nay 19 tuổi, ngày trước cháu thường xuyên bị táo bón. Mấy ngày sau thì bị đi ngoài kèm theo máu và đau rát. Bác sĩ cho cháu hỏi là cháu có phải là bị bệnh trĩ không? Nếu cháu bị mắc bệnh trĩ thật thì cháu có phải đi điều trị ngay và bệnh này để lâu thì có nguy hiểm không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Mai Hương


Chào cháu.

Với các triệu chứng như cháu mô tả thì có khả năng đúng là cháu bị bệnh trĩ và lí do là do cháu thường xuyên táo bón trước đó. Trĩ là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng, với tỷ lệ 20-45% dân số và chủ yếu là nam giới. Nếu không biết phòng ngừa, điều trị sớm và đúng cách, trĩ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Từ nhẹ đến nặng, bệnh trĩ có các triệu chứng như sau:

Chảy máu: Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, tình cờ, bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện hoặc có các tia máu dính vào phân. Về sau, mỗi khi đại tiện, người bệnh rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đại tiện, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm, máu lại chảy. Thậm chí, máu chảy rất nhiều khiến người bệnh phải cấp cứu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đại tiện ra máu cục.

Sa trĩ: Đây cũng là biểu hiện thường gặp. Tùy theo mức độ trĩ sa, mà bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nếu trĩ sa độ 1, 2 thì không gây phiền hà nhiều. Nếu trĩ sa độ 3, người bệnh rất khó chịu khi đại tiện, đi đứng nhiều, làm việc nặng. Nếu trĩ sa đến độ 4, người bệnh thường xuyên khó chịu.

Nguyên nhân gây bệnh trĩ là do tư thế làm việc đứng quá lâu, rối loạn nhu động ruột (táo bón, ỉa chảy, mót rặn), bệnh có tính chất gia đình, có những bệnh phối hợp như tăng áp lực tĩnh mạch trĩ, bệnh đường sinh dục, tiết niệu, hoặc những thay đổi nội tiết theo chu kỳ sinh dục của phụ nữ như mang thai, sinh đẻ hoặc trước chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao (thường xuyên tiếp xúc với các lí do gây bệnh) phải chú ý đến các biểu hiện mới xuất hiện của bệnh để có biện pháp phòng và chữa trị kịp thời.

Bệnh trĩ càng nặng, thời gian chữa trị lâu, càng có nhiều biến chứng, phương pháp chữa trị phức tạp và dễ tái phát. Bệnh trĩ là sự căng phồng của một hay các tĩnh mạch nằm trong hệ thống tĩnh mạch trĩ dưới hoặc tĩnh mạch trĩ trên hay cả hai là lí do gây nên bệnh trĩ ngoại, bệnh trĩ nội hay còn gọi là bệnh trĩ hỗn hợp. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, búi trĩ sẽ được hình thành ở trên cơ thắt hậu môn, được gọi là bệnh trĩ nội. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ ở dưới (trực tràng dưới) bị phồng to, bệnh trĩ được hình thành ở phía dưới cơ thắt hậu môn, được gọi là bệnh trĩ ngoại. Do có sự lưu thông trong hệ tĩnh mạch trĩ dưới và hệ tĩnh mạch trĩ trên, sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ trên tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ dưới. Như vậy cháu nên đi khám sớm để được xác định mức độ trĩ và được chữa trị thích hợp.

Tuy nhiên, trước tiên cháu nên áp dụng một số phương pháp tại nhà như hàng ngày uống một cốc nước vào buổi sáng, tập thói quen hàng ngày đều đặn đi đại tiện vào một giờ nhất định, tập thể dục vừa phải thường xuyên thư giãn cơ bụng (yoga) hoặc tập cho cơ bụng mạnh hơn, đi bộ, bơi lội.Nên ăn đủ chất xơ như trái cây, rau củ, uống nhiều nước; giảm dùng đồ cay nóng như rượu bia, cà phê, các thức ăn gây táo bón. Bên cạnh đó để hỗ trợ chữa trị cháu có thể sử dụng các loại sản phẩm từ thảo dược có các thành phần như diếp cá, đương quy, rutin, tinh chất nghệ để giúp lưu thông khí huyết, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, trị táo bón, tăng sức bền thành mạch, co búi trĩ…

Còn việc chữa trị trĩ hiện nay có 3 phương pháp chính để chữa trị trĩ bao gồm phương pháp chữa trị bảo tồn không xâm hại, phương pháp dùng dụng cụ và phương pháp phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp nào để chữa trị bệnh trĩ nội được dựa trên mức độ bệnh của từng người bệnh. Điều trị thẫu thuật trĩ là giải pháp cuối cùng được chỉ định trong tình huống bệnh trầm trọng, bao gồm phẫu thuật trĩ Longo, khâu treo trĩ, khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler. Với các phương pháp này, bệnh nhân sẽ giảm được cảm giác bị đau khi phải phẫu thuật. Tuy nhiên chi phí cho phẫu thuật trĩ còn tương đối tốn kém.

Chúc cháu sức khỏe.

Khối thịt ở ngoài hậu môn có phải là bị bệnh trĩ?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ! Cháu năm nay 19 tuổi, là nữ giới, chưa lập gia đình. Đã mấy tháng nay, ở bên ngoài hậu môn của cháu (phần nhìn thấy được) bị rách 1 chỗ nhỏ và có 1 cục thịt to bằng hạt đỗ tương, nó vĩnh viễn ở ngoài không hề thụt vào trong. Bình thường thì không đau nhưng khi đi vệ sinh thì cháu bị chảy máu và có đau 1 chút. Cho cháu hỏi như vậy có phải cháu bị bệnh trĩ không ạ? Có nhiều trường hợp bị như cháu không? Cháu phải chữa trị như thế nào? Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Cục thịt to bằng hạt đỗ tương mà cháu kể trong thư nhiều khả năng là polyp hậu môn. Polyp hậu môn là những khối u lành tính hình thành do sự tăng sinh các mô của lớp niêm mạc và dưới niêm mạc của trực tràng. Tuy nhiên polyp hậu môn cũng có thể trở thành ác tính.

Về chữa trị, thông thường polyp lành tính nhỏ hơn 1cm có thể trực tiếp cắt bỏ thông qua nội soi. Nếu đường kính polyp dài quá 1cm, cách hậu môn trong khoảng 10cm, có thể trực tiếp cắt bỏ qua đường hậu môn. Nếu polyp ác tính cần khắc phục theo nguyên tắc u nang. Do đó khi phát hiện ra polyp, thường người ta sẽ phẫu thuật ngay và lấy mẫu để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Vì vậy cháu nên đi khám và phẫu thuật nếu có chỉ định của bác sĩ. Sau phẫu thuật cháu cần tái khám theo dõi định kỳ theo lịch hẹn. Ngoài ra cháu cũng cần chú ý ăn uống, không ăn đồ cay và uống rượu, nên ăn các hoa quả tươi, rau xanh, các thức ăn hỗn hợp giúp cho đại tiện dễ dàng. Ăn uống thích hợp và thói quen vệ sinh tốt có thể giúp giảm biến chứng sau khi chữa trị.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Thịt thừa ở hậu môn có phải bệnh trĩ?


Câu hỏi bởi: dung

Chào Bác sĩ! Cháu là nữ giới, năm nay 19 tuổi. Ở hậu môn của cháu có một khối thịt xuất hiện khoảng 3-4 năm nay và ngày càng to ra so với trước. Lâu nay cháu vẫn nghĩ đó là bệng trĩ vì bình thường chỉ có lớp da giãn ra ở hậu môn khi đi vệ sinh mới có cục cứng trồi ra làm căng lớp da đó lên nhưng không đau, không bị chảy máu hay lở loét gì cả. Cháu đi khám người ta xem qua loa rồi đưa thuốc về uống nhưng không lành. Vậy xin hỏi Bác sĩ bệnh của cháu có phải là trĩ và cách điều trị như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Vũ Cẩm Tú


Chào cháu.

Khối thịt vùng hậu môn mà cháu phát hiện ra có thể là polyp ở trực tràng. Đây là loại u lành tính, không đau và không gây chảy máu, tuy nhiên nếu không chữa trị có thể trở thành ung thư. Polyp trực tràng không thể uống thuốc để chữa khỏi được mà phải phẫu thuật để cắt bỏ. Do đó tốt nhất cháu nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa ở các bệnh viện lớn. Tại đó các bác sĩ có thể tiến hành soi hậu môn trực tràng và sinh thiết khối u nếu cần để xác định chính xác lí do, từ đó mới có cách chữa trị thích hợp.

Chúc cháu luôn khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl