Thắc mắc về triệu chứng giảm thị lực ở người trẻ tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Mờ mắt, nhòe mắt là những triệu chứng giảm thị lực thường thấy ở người lớn tuổi nhưng hiện nay đã là vấn đề phổ biến và đáng báo động ở thanh niên. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này ở nhóm trẻ tuổi từ 20 đến 30 nhé qua các câu hỏi sau đây nhé!

Thị lực ngày càng giảm, phải làm sao?


Câu hỏi bởi: nhox pi

Thưa Bác sĩ!

Con năm nay 24tuổi, gần đây con có đi khám mắt thì bác sĩ soi bóng đồng tử MP 7/10, MT 8/10. Con ít khi đeo kính vì thấy mắt vẫn thấy rõ trừ khi ở nơi thiếu ánh sáng và buổi tối. Đi học con đeo kính nhưng vào phòng tối con không có gì cả, tháo kinh ra thì con thấy đường đi, thời gian gần đây con thấy thị lực giảm hẳn con nhìn xung quanh mọi vật mờ đi rất nhiều. Vậy xin hỏi bác sĩ mắt con có phải lên độ cận không con mắc bệnh lí gì khác. Con cảm ơn ạ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào cháu!

Như vậy là mắt của cháu không bị tật khúc xạ (cận hoặc viễn thị) mà là một bệnh về mắt gây giảm thị lực như: viêm màng bồ đào, viêm võng mạc hoặc bệnh toàn thân khác như đái tháo đường… Cháu nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa mắt của các bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Chúc cháu mạnh khỏe!

Thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, thị lực giảm là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: sky sky

Chào bác sĩ!

Năm nay cháu 17 tuổi, nhưng cháu thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, mắt mờ, khi nằm hay ngồi lúc đứng lên thì bị vậy. Triệu chứng lặp lại nhìêu lần và thường xuyên. Mắt cháu bị giảm thị lực mặc dù cháu không ngồi máy tính hay xem tivi thường xuyên. Vậy xin hỏi cháu bị làm sao?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Lê Hữu Lợi


Chào bạn!

Tình trạng bệnh của bạn thường có liên quan đến tiền đình và tuần hoãn máu não, đây là căn bệnh thường gặp và thường tái phát, triệu chứng với đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Có thể chẩn đoán phân biệt với bệnh lý ở mắt cũng gây tình trạng như trên đó là bệnh tăng nhãn áp (Glôcôm). Bạn thường xuyên đau đầu hoa mắt, chóng mặt kèm giảm thị lực thì nên đi khám chuyên khoa Mắt để loại trừ các rối loạn thị giác và bệnh tăng nhãn áp bạn nhé.

Chúc bạn mau khỏe!

Thị lực giảm sau khi chấn thương mắt phải làm sao?


Câu hỏi bởi: Doãn Hy

Thưa bác sĩ.

Năm em 16 tuổi, khi em đánh vũ cầu, em bị cây vợt đánh trúng mắt phải và gây xuất huyết mắt, làm mắt không có đường tạm thời. Sau đó máu tan mới nhìn được. Đến năm 17 tuổi, bỗng nhiên em nhìn thấy những chấm đen lượn lờ trước mắt, thị lực giảm, nhìn đôi và nổ đom đóm mỗi khi ho hay hắt xì mạnh. Em đi khám bác sĩ và được cho biết là có cườm mắt, nhưng không nói gì về rách võng mạc. Bây giờ em 21 tuổi, em định đi khám bác sĩ một lần nữa. Vậy em có thật sự bị rách võng mạc hay không? Cách xử lý như thế nào? Em tìm hiểu có thấy là “đến một lúc nào đó sẽ không điều trị được”. Hiện tại em vẫn còn đọc sách và xem tivi bình thường. Thị lực mắt phải của em bị giảm và thấy mờ mỗi khi nhìn vào đèn sáng. Bác sĩ cho em biết là em nên làm gì, tình trạng của em có được xem là quá muộn không?

Chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em.

Vết rách võng mạc xảy ra khi phần võng mạc tách rời ra khỏi thành nhãn cầu. Nếu không chữa trị sớm, các vết rách võng mạc có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn là bong võng mạc, điều này có thể làm mất một phần hoặc hoàn toàn thị lực. Triệu chứng của rách võng mạc: Các chấm đen di chuyển trong thị trường và có thể nhìn thấy chúng ngay cả khi mắt nhắm lại. Việc tăng số lượng và kích thước, những chấm đen di động, trôi nổi có thể là những triệu trứng của rách võng mạc. Việc nhìn thấy các tia sáng chói trong thị trường cũng là dấu hiệu của vết rách võng mạc. Điều này xảy ra khi dịch kính co kéo võng mạc và gây nên sự phản xạ ánh sáng. Để biết được mức tiến triển của rách võng mạc cần phải thăm khám trực tiếp bằng các thiết bị chuyên khoa.

Hiện tại em vẫn đọc sách và xem tivi bình thường, thị lực mắt phải bị giảm, thấy mờ khi nhìn vào đèn sáng. Với triệu chứng như vậy có thể mắt của em chưa tiến triển đến giai đoạn bong võng mạc, em nên đi khám ở các cơ sở uy tín như Bệnh viện Mắt Trung ương càng sớm càng tốt.

Chúc em mạnh khỏe!

Đau đầu, buồn nôn, thị lực giảm là bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Pu

Chào bác sĩ.

Em là nữ, em sinh năm 1997. Gần đây em thường bị đau đầu, có lúc chỉ đau âm ỉ có lúc đau như búa bổ, kèm theo buồn nôn. Thị lực của em thì ngày một giảm, em vừa bị cận vừa bị loạn khá nặng ạ. Khi tiếp xúc ánh sáng đột ngột thì đau và nặng mắt. Đôi lúc mắt em nhói như có kim châm vào nhưng chỉ một vài giây rồi ngưng ạ. Khi em đang nằm hay ngồi em đứng dậy thì xây xẩm, choáng váng và em có vài cục hạch khoảng nhỏ hơn 1 móng tay, nổi cách đây khá lâu, khoảng hơn nửa năm nhưng không đau. Vậy cho hỏi em bị bệnh gì vậy ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Theo như các biểu hiện mà bạn mô tả: đau đầu, chóng mặt khi thay đổi tư thế, buồn nôn thì rất có thể bạn đã bị rối loạn tiền đình. Có hai loại rối loạn tiền đình (RLTĐ):

RLTĐ ngoại biên: Biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung…

RLTĐ trung ương: Là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Theo tôi có thể bạn bị rối loạn tiền đình ngoại biên, đây là bệnh chữa trị theo biểu hiện và thường xuyên tái phát. Bạn cần đến khám chuyên khoa Thần kinh và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Chúc bạn sống khỏe!

Bị đau đầu kéo dài, đau hốc mắt, thị lực suy giảm dần, người mệt mỏi thì làm sao?


Câu hỏi bởi: Vũ Nguyên

Xin chào bác sĩ!

Em năm nay 24 tuổi có một số dấu hiệu của bệnh đau đầu kéo dài như sau:

Đau đầu kéo dài, tập trung chủ yếu ở vùng thái dương và thi thoảng ở sau gáy, đau nặng hơn khi về sáng, đêm gây mất ngủ, khi nằm ngửa thì đau hơn vì tác động tới vùng sau gáy.

Mỗi khi đau đầu kèm theo triệu chứng đau hốc mắt, thị lực suy giảm dần.

Người mệt mỏi, buồn ngủ liên miên, chán ăn và dễ chán nản, cau có, khó tập trung.

Sợ ánh sáng mạnh, sợ tiếng ồn và chịu lạnh kém.

Đi chụp chiếu không có có dấu hiệu của u não, sóng não bình thường.

Xin bác sĩ chẩn đoán và cho em lời khuyên.

Cảm ơn bác sĩ!

Chào em!

Cảm ơn em đã mô tả khá chi tiết vấn đề đau đầu của mình. Tuy nhiên, để có chẩn đoán chính xác thì cần phải khám trực tiếp nữa em ạ, em thông cảm nhé. Hiện chúng tôi chỉ đưa ra một số nguyên nhân có thể gặp cho tình trạng của em: đau do tăng nhãn áp, đau đầu do nguyên nhân mạch máu, đau đầu căng cơ, dị dạng mạch máu não…

Vấn đề ở mắt (như tăng nhãn áp) cũng có thể gây đau đầu, đau hốc mắt, nếu có thì cần điều trị sớm, do vậy em nên đi khám chuyên khoa Mắt trước. Nếu bác sĩ nhận thấy mắt bình thường, em có thể tái khám Nội thần kinh, bác sĩ sẽ cho chẩn đoán và điều trị cụ thể, em nhé.

Chúc em mau khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl