Nguyên nhân, triệu chứng của rối loạn tiêu hóa


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Rối loạn tiêu hóa gây ra do sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa. Bệnh hoàn toàn không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên lại gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt. Đây là một hội chứng thông thường và phổ biến, gần như ai cũng có thể mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa


Câu hỏi bởi: Giấu tên

thưa bác sĩ con 11 tuổi là nữ giới , chiều giờ con cảm thấy khó chịu ở cổ và buồn nôn có phải con bị rối loạn tiêu hoa không?

Bác sĩ Hà Văn Chấn


Chào cháu:
Khi bị rối loạn tiêu hóa, thường có 2 biểu hiện, biểu hiện thứ nhất nhìn thấy ngay là nôn, biểu hiện thứ hai là tiêu chảy. Bên cạnh hai biểu hiện này, biểu hiện có thể thấy thêm ở từng người như đầy bụng, khó chịu, ợ hơi…
Trường hợp của cháu cần theo dõi có thể cháu đang bị rối loạn tiêu hóa.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Rối loạn tiêu hóa do ăn uống?


Câu hỏi bởi: chinhtm1

Chào bác sĩ ạ!

Xin hỏi bác sĩ cung cấp cho tôi những triệu chứng của bệnh rối loạn tiêu hóa do ăn uống?

Xin cám ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn!

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng không bình thường diễn ra ở đường tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn). Đây không phải là một bệnh có thể gây tử vong mà là một hội chứng tuy khó chịu, nhưng hoàn toàn không nguy hiểm đến tính mạng. Rối loạn tiêu hóa có thể là bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Rối loạn tiêu hóa do ăn uống là rối loạn tiêu hóa không phải bệnh lý.

Người bệnh thường có những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa sau khi ăn uống thực phẩm không phù hợp (nhất là ở trẻ nhỏ), thực phẩm ôi thiu, không hợp vệ sinh,… Các biểu hiện thường thấy của rối loạn tiêu hóa mà hầu như người bệnh nào cũng gặp phải là thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng, đầy hơi.

Thay đổi thói quen đại tiện: tiến triển chậm nhưng nặng dần. Người bệnh cảm thấy đau bụng từng cơn, thường là bị tiêu chảy, số lần đại tiện trong ngày nhiều hơn bình thường. Đau bụng: Có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đau có thể liên tục, nhè nhẹ suốt ngày, co thắt từng cơn. Đau thường ở vùng bụng dưới bên trái, nhưng cũng có thể ở nhiều chỗ khác nhau. Ở một số bệnh nhân, cơn đau có thể lan ra sau lưng. Đầy hơi: đầy hơi là một trong những biểu hiện tiêu biểu của rối loạn tiêu hóa. Bụng căng to, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều. Một số bệnh nhân có thể bị đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn, v.v.. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng của tiêu hóa không bình thường khi ăn chế độ ăn không phù hợp là phân nát, có bọt, màu hoa cà hoa cải, mùi tanh…

Chúc sức khỏe!

Bé dùng kháng sinh nên bị rối loạn tiêu hóa phải làm sao?


Câu hỏi bởi:

Chào bác sĩ!

Bé gái nhà em được 18 tháng tuổi, trong thời gian gần đây thời tiết thay đổi liên tục, bé nhà em bị viêm phổi. Trong quá trình chữa trị viêm phổi/ do bé dùng kháng sinh nên bé nhà em bị rối loạn tiêu hóa (do bác sĩ khám chuẩn đoán), ngày bé đi ngoài 6 lần hoặc nhiều hơn, phân có dịch nhầy, ăn gì là nôn ấy, dùng thuốc vào là bé cũng nôn, bác sĩ có cho dùng thuốc nhưng bé nhà em vẫn, tối ngủ em cho bé bú sữa bụng bé cứ cuộn lên, bụng bé chướng và đầy hơi và bé cũng bị nôn trớ. Em đang rất lo lắng và muốn được nhận sự giải đáp của các bác sĩ, để con em mau khỏi bệnh.

Em xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Thông thường, ở đường ruột của mỗi người đều có một số lượng lớn vi khuẩn tồn tại và đóng vai trò như một hệ thống bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, tăng sức đề kháng của đường ruột và cơ thể. Khi cho bé uống nhiều kháng sinh, các thành phần trong thuốc không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, mà còn vô tình giết chết cả những vi khuẩn có lợi này. Khi đó, những vi khuẩn gây hại bình thường có rất ít hoặc không thấy trong đường ruột sẽ sinh sôi, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột và gây ra bệnh tiêu chảy.

Bạn có thể phối hợp cho bé dùng thêm men vi sinh khi dùng kháng sinh để giúp hạn chế các tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy, đầy hơi, biếng ăn… Bạn nên cho bé ăn ít một để tránh cho bé bị nôn. Nếu bé bị nôn và tiêu chảy nhiều bạn cần bù nước, bù điện giải cho bé, tốt nhất là bằng nước Oresol.

Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn. Bạn có thể pha cả gói, thể tích nước phải đong thật chính xác đến từng ml. Bạn nên đút từng thìa oserol một cho bé, 2 phút một lần, không nên cho bé tu hoặc uống liên tục. Uống nhiều và liên tục, Oserol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn.

Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn. Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì bạn cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Chúc bạn và cháu khỏe mạnh!

Em bị rối loạn tiêu hóa hay u nang buồng trứng?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Em năm nay 23 tuổi. 2, 3 tuần nay thấy cứ đau bụng âm ỉ, đôi lúc nhói thấy khó chịu. Mà đặc biệt là đau bụng dưới và 1 vị trí nhỏ bên phải và đi ngoài cũng thấy khó khăn. Em có đi khám và nội soi siêu âm mà bác sĩ chỉ nói bị rối loạn tiêu hoá. Nhưng dùng thuốc không hết. Bác sĩ cho em hỏi em có bị bệnh u nang buồng trứng không ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn.

Bạn năm nay 23 tuổi. 2, 3 tuần nay thấy cứ đau bụng âm ỉ, đôi lúc nhói thấy khó chịu. Mà đặc biệt là đau bụng dưới và 1 vị trí nhỏ bên phải và đi ngoài cũng thấy khó khăn. Bạn đã đi khám, nội soi siêu âm và được bác sĩ chỉ nói bị rối loạn tiêu hoá nhưng dùng thuốc không hết. Câu hỏi bạn đặt ra là có phải bị u nang buồng trứng không?

Bạn cấn biết đa số u nang buồng trứng đều không có biểu hiện rõ ràng, người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi tình cờ siêu âm bụng kiểm tra thấy dấu hiệu khối u. Các biểu hiện mà u nang buồng trứng có thể gặp là:

Sờ thấy khối u trên bụng.

Đau bụng.

Rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn đại tiện hay đi tiểu.

Người bệnh bị u nang buồng trứng vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn có hành kinh và sinh đẻ bình thường. Các khối u nang âm thầm phát triển theo thời gian và khi nó to lên bệnh nhân có thể sờ thấy nó hoặc có cảm giác nặng ở bụng dưới. Kinh nguyệt sẽ bị rối loạn, gây đầy bụng, rối loạn hệ thống tiêu hóa. Đối chiếu với các triệu chứng trên thì cũng không loại trừ được khả năng bạn bị u nang buồng trứng. Vì trong u nang buồng trứng cũng có hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Để chẩn đoán chính xác bạn nên đi siêu âm kiểm tra lại ổ bụng.

Tuy nhiên, với biểu hiện đau âm ỉ kéo dài ở hố chậu phải thì ngoài rối loạn tiêu hóa và u nang buồng trứng ra, bạn vẫn cần phải loại trừ các nguyên nhân khác như:

Đám quánh ruột thừa

Viêm phần phụ: Bệnh nhân đau cả vùng bụng dưới và hai hố chậu. Nếu viêm cấp phần phụ thì đau hố chậu phải. Sốt 39-40 độ, bạch cầu cao. Viêm phần phụ không mổ, cho dùng thuốc kháng sinh sẽ khỏi.

Lao manh tràng: Bệnh nhân gầy yếu, xanh xao, ốm lâu ngày, sốt 37-38,5 độ về chiều, thỉnh thoảng tiêu chảy hoặc táo bón. Sờ bụng có khi thấy một khối u ở hố chậu phải, ấn đau. Điều trị bằng thuốc chống lao thì khỏi.

Sỏi niệu quản phải: Đau lan xuống bộ phận sinh dục, tiểu ra máu, xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu; không sốt. Thành bụng mềm, sờ nắn sâu hố chậu phải đau như trong viêm ruột thừa. Làm siêu âm, X-quang có thể thấy sỏi. Khi sỏi gây tắc thì cần mổ.

Áp xe thành bụng…

Chúc bạn mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl