Tuyển chọn câu hỏi hay khi mang thai tuần 37


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Không phải ai cũng mang thai đến tuần thứ 37. Vì vậy, những câu hỏi liên quan đến vấn đề này là điều mẹ bầu nào cũng cần lưu ý.

Bị thủy đậu khi mang thai được 37 tuần, có sao không?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em đang mang thai 37 tuần nhưng bị thủy đậu, người em nổi rất nhiều mụn nước. Em nghe nói nổi nhiều mụn nước sẽ không tốt đúng không ạ và có tác động đến thai nhi không ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Kiên Cường


Chào em!

Bệnh thủy đậu trong thời kỳ mang thai có thể gây tác động cho thai nhi:

Bà mẹ mang thai trước tuần thứ 27 và bị thủy đậu, trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng thủy đậu bào thai (CVS) với tổn thương da, mắt, chân, tay, não, bàng quang…

Người mẹ mắc thủy đậu trong thời gian từ tuần 28 đến 36 của thai kỳ, vi rút sẽ “nằm yên” bên trong cơ thể của bé nhưng không gây nên bất cứ biểu hiện nào sau khi sinh. Tuy nhiên sau này trẻ có thể bị bệnh Zona trong thời kỳ thơ ấu.

Người mẹ mang thai bị thủy đậu sau tuần 37 của thai kỳ đến trước khi sinh, trẻ sinh ra có thể bị nhiễm vi rút thủy đậu. Tuy nhiên những tình huống mà mẹ bị thủy đậu trước khi sinh từ 5 đến 21 ngày, thì nếu trẻ có bị thủy đậu cũng nhẹ vì trẻ đã được nhận kháng thể truyền từ mẹ. Nếu mẹ bị thủy đậu trước khi sinh 5 ngày, trẻ sinh ra nhưng không được nhận kháng thể từ mẹ do cơ thể chưa đủ thời gian để sinh kháng thể.

Trường hợp của em mang thai 37 tuần và bị nhiễm vi rút thủy đậu. Mong rằng bé sinh ra mạnh khỏe.

Chúc em mạnh khỏe.

Mang thai 37 tuần bị đau từng cơn ở lưng, háng là bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Em có bầu ở được 37 tuần rồi mà em lại có hiện tượng đau bụng̣ từng cơn, đau lưng, đau háng mà em chưa ra chất dịch gì? Vậy bác sĩ cho em hỏi đây là hiện tượng gì?

Em cảm ơn ạ!

Bác sĩ Lê Huy Tuấn


Chào bạn!

Thai đủ tháng là từ 37 đến 41 tuần, như vậy có thể đó chính là dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng từng cơn, đau lưng). Bạn hãy đến khám tại bệnh viện chuyên khoa Sản ngay nhé.

Chúc bạn khỏe!

Cách chữa sôi bụng và đi ngoài khi mang thai


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ ạ!

Em đang có bầu tuần 37. 2 hôm qua em bị đi ngoài kèm sôi bụng, đau âm ỉ ở vùng xung quanh rốn. Vì Tết nên em chưa đi khám được ạ. Có cách nào để hết sôi bụng và đi ngoài mà không tác động tới thai nhi không ạ.

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Khi mang thai, sự thay đổi nội tiết tố có tác động đến chức năng tiêu hoá. Tuỳ theo sự thích nghi và đáp ứng của mỗi người mà sự triệu chứng sẽ khác nhau. Nhiều người bị táo bón nhưng cũng có người bị tiêu chảy. Trường hợp của bạn mới bị 2 ngày nay, bạn cần xem lại chế độ ăn uống, vệ sinh thực phẩm, xem thời gian vừa rồi có ăn đồ lạ, đồ không chế biến kĩ không. Nếu có thì cần tránh ăn lại.

Trước mắt, nếu chưa đi khám được, bạn có thể ăn chả trứng lá mơ nhưng không rán bằng dầu mỡ mà lót miếng lá chuối hoặc cho trực tiếp lên chảo. Ngoài ra bạn cũng có thể ăn thịt lợn nạc kho sung, tránh đồ mỡ, đồ nóng, chuối tiêu, cam quýt,.. vài hôm. Nếu không đỡ có thể uống Smecta. Nếu tình trạng đi ngoài kéo dài thì em bé dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, đợi qua Tết, nếu tình trạng này chưa hết thì bạn cần đi khám để được chữa trị tích cực.

Chúc bạn mạnh khỏe!

Kích thước hố sau lớn!


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sỹ, hiện tôi đang mang thai tuần thứ 37, các tuần trước tôi đi siêu âm kết quả đều bình thường, tới hôm qua đi siêu âm thì kết quả cho thấy kích thước hố sau 12,5mm còn lại tất cả mọi chỉ số đều bình thường. Tôi muốn hỏi bác sỹ ” kích thước hố sau lớn ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của thai nhi cũng như sự phát triển sau này của con tôi và có hướng điều trị hay giải quyết như thế nào để tốt cho con tôi ?” Tôi xin cảm ơn bác sỹ!

Bác sĩ Vũ Việt Hùng


Chào bạn.
Bình thường trong siêu âm đường kính hố sau < 10mm Và để kiểm tra cho chắc chắn thì bạn nên đi kiểm tra lại. Nếu > 14mm thì khả năng bị não úng thủy là rất cao

Trong thai kỳ não bắt đầu phát triển từ một cấu trúc dạng ống. Khi ống thần kinh phát triển, ống bên trong một phần tạo thành tủy sống và một phần phát triển thành các khoang gọi là não thất nằm trong não, chúng thông thương với nhau.

Bên trong não thất đám rối nhện sẽ sản xuất dịch não tủy, bắt đầu vào tuần thứ sáu của thai kỳ. Mỗi ngày dịch não tủy sẽ được sản xuất 300-500cc vào giai đoạn sơ sinh.

Dịch não tủy sẽ đi qua nhiều lỗ ở não và thoát vào khoang dưới nhện, tại đây dịch được hấp thu vào não. Khi có sự tắc nghẽn, dịch não tủy sẽ bị ứ đọng dần dần tạo nên giãn não thất và não úng thủy với phần mô não ngày càng ít đi do não thất bị giãn rộng.

Trên siêu âm, vào tam cá nguyệt thứ hai gọi là giãn não thất nếu đo đường kính trên 10mm và não úng thủy nếu trên 15mm. Phần mô não có thể không tổn thương tầm trọng khi giãn não thất xảy ra. Nhưng nếu tiến triển thì có thể não sẽ tổn thương không hồi phục.

Não úng thủy là một trong những di tật thần kinh thường gặp, chiếm tỉ lệ 0,3-2,5 trên 1.000 trẻ sinh sống. Việc điều trị sau sinh là đặt ống thông nối vào xoang bụng khá thành công. Còn việc đặt ống nối từ não thất – buồng ối đã bị bỏ vì quá tốn kém.

Nguyên nhân: bất thường nhiễm sắc thể là 10%, xuất huyết hay nhiễm trùng sơ sinh. Do đó khi phát hiện giãn não thất hay não úng thủy phải loại trừ khả năng bất thường nhiễm sắc thể, từ đó mới theo dõi để đánh giá sự tiến triển của giãn não thất.

Chẩn đoán trong thai kỳ dựa vào AFP (một trong 3 chất được thử trong triple test) và siêu âm. Chọc dò ối để phát hiện các bất thường về nhiễm sắc thể.

Não úng thủy có thể kết hợp với nhiều dị tật khác. Hội chứng Chiari bao gồm giãn não thất (30%), thoát vị màng não và bất thường hố sau. Trẻ sinh ra sẽ bị liệt chi và rối loạn chức năng vùng lều. Hội chứng Dandy – Walker là một tình trạng nặng khác, có 2-10% kèm theo não úng thủy, bệnh có tính di truyền trên nhiễm sắc thể X (bệnh biểu hiện trên bé trai).

Điều trị tùy thuộc rất nhiều mức độ giãn não thất – não úng thủy. Một khó khăn là tiến trình của bệnh chưa được biết đầy đủ nên rất khó có thể tiên lượng được bệnh và cách xử trí. Các trường hợp giãn to não thất kết hợp với các dị tật khác, có bằng chứng rối loạn nhiễm sắc thể là một trong điều hướng tới chấm dứt thai kỳ.
Với bạn hiện đang ở tuần 37 kèm theo đó các chỉ số siêu âm khác đều bình thường nên bạn phải thật sự yên tâm tạo ra một tâm lý thoải mái không nên quá lo lắng để sinh nở thành công và ta có rất nhiều f sự tư vấn tiếp theo nữa. Các thông tin mà tôi gửi cho bạn chỉ để tham khảo mà thôi. Chúc bạn may mắn.
Chào bạn.

Bà bầu bị viêm đa khớp nên sinh thường hay sinh mổ?


Câu hỏi bởi: hồng

Chào bác sĩ.

Em năm nay 26 tuổi. Em bị bệnh viêm đa khớp từ nhỏ. Giờ em đang có bầu 37 tuần nhưng các khớp tay và chân sưng đau khó cử động. Vậy xin hỏi bác sĩ là khi đẻ con em nên chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ?

Cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào em!

Em có tiền sử viêm đa khớp từ nhỏ và đợt này các khớp tay và chân sưng đau, khó cứ động có thể là do đợt tiến triển của bệnh. Vì em đang có thai nên việc dùng bất kì loại thuốc nào đều phải tuân thủ chặt chẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý uống thuốc để khỏi tác động tới sự phát triển của thai nhi.

Đối với một sản phụ khi nhập viện để sinh, việc quyết định lựa chọn sinh thường hay mổ sinh còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố thông qua quá trình hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ. Các yếu tố đó được gọi là các yếu tố tiên lượng cuộc sinh. Các yếu tố tiên lượng cuộc sinh bao gồm các yếu tố từ phía mẹ, phía thai và phần phụ của thai. Chẳng hạn như việc sinh mổ sẽ được chỉ định trong một số tình huống sau:

– Về phía mẹ:

+ Mẹ có sẹo mổ sinh cũ.

+ Các bất thường về khung chậu như: khung chậu hẹp, khung chậu lệch, tiền sử chấn thương khung chậu,…

+ Tiền sử có tổn thương tầng sinh môn, âm hộ âm đạo, dò hậu môn trực tràng.

+ Mẹ bị các bệnh lý về tim mạch, hô hấp, một số bệnh lý về xương khớp mà không rặn đẻ được (suy tim, hen phế quản,…)

+ Tiền sản giật, sản giật.

+ Hoặc sẽ phải mổ đẻ nếu thời gian chuyển dạ quá lâu, sản phụ bị kiệt sức, thai có nguy cơ bị suy

+ Hoặc do mẹ có các khối u vùng tiểu khung làm cản trở đường ra của thai nhi

– Về phía thai có thể do một số lí do như:

+ Do sự bất tương xứng giữa kích thước thai với khung chậu như: thai to (> 4kg) mà khung chậu mẹ có thể bình thường hoặc hẹp

+ Suy thai hay có nguy cơ bị suy thai

+ Ngôi thai trong buồng tử cung không thể cho sinh thường được như: ngôi ngang, hầu hết các dạng ngôi ngược,…

– Về phần phụ của thai: mổ đẻ sẽ được chỉ định trong tình huống rau tiền đạo trung tâm hoàn toàn vì bánh rau xuống quá thấp che lấp toàn bộ vùng cổ tử cung làm cản trở đường ra của thai nhi nên phải mổ đẻ mà không thể đẻ thường được.

Vì vậy, để trả lời được xem đẻ thường hay mổ đẻ phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tiên lượng cuộc đẻ như trên và sẽ do bác sĩ đỡ đẻ cho em trực tiếp quyết định. Bệnh viêm đa khớp của em cũng chỉ là một trong các yếu tố tiên lượng cuộc sinh. Trước khi sinh, bác sĩ sẽ giải thích và giải đáp với bạn và gia đình để có thể chọn được phương pháp sinh an toàn nhất cho cả mẹ và con.

Chúc em mẹ tròn con vuông.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl