Tuyển chọn câu hỏi hay về chứng hoang tưởng ở người trẻ tuổi


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Độ tuổi nào chúng ta cũng có thể gặp chứng hoang tưởng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này ở người trẻ tuổi qua những câu hỏi sau đây nhé!

Hay cười, nói một mình, dễ nổi cáu có phải bị hoang tưởng?


Câu hỏi bởi: hoahong95

Chào bác sĩ.

Chị cháu năm nay 22 tuổi đã học xong cao đẳng nhưng dạo gần đây chị thường xuyên nổi cáu đôi khi là lớn tiếng quát cả bố mẹ. Chị luôn cho rằng mọi người không bênh vực và nói xấu chị. Chị cũng hay cười một mình rồi đôi khi lại khóc không ổn định. Chị ngủ nhiều nhưng nhiều đêm chị hay tỉnh giấc và nghịch điện thoại một lúc lâu mới ngủ tiếp. Chị ít giao tiếp tiếp xúc với mọi người nhưng rất thích được chơi. Chị cũng không lễ phép với người lớn như đến nhà ai không chịu chào hỏi. Chị rất thích nghe nhạc, thường xuyên lên mạng mở các video ca nhạc Hàn Quốc xem mà không biết chán. Chị lại rất lười làm việc nhà cũng như chăm lo cho bản thân. Gia đình cháu rất lo lắng chị bị hoang tưởng liên hệ. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Như vậy là dấu hiệu của bệnh nặng hay nhẹ và có nguy hiểm lắm không ạ? Xin bác sĩ cũng cho biết địa chỉ chữa bệnh ở đâu ạ.

Cháu cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Trong chuyên khoa Tâm thần có khoảng 300 loại bệnh khác nhau. Bảng phân loại bệnh quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới biên soạn đã cho ra đời bảng phân loại quốc tế lần thứ X được biên soạn với mã hoá cho từng loại bệnh theo từng chuyên khoa khác nhau. Chuyên khoa Tâm thần được mã hoá khoảng 300 bệnh khác nhau. Trong đó bệnh tâm thần phân liệt được mã hoá ở mục F20. Đây là bệnh loạn thần nặng với nhiều biến đổi và rối loạn, như biến đổi nhân cách nặng nề, các rối loạn về tư duy như người bệnh rối loạn nội dung tư duy triệu chứng có các loại:

Hoang tưởng (hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng bị hại, hoang tưởng liên hệ…).

Rối loạn hình thức tư duy như nói nhiều, không nói, nói một mình, nhại lời…

Rối loạn cảm xúc như dễ nổi nóng, cười một mình, khóc vô cớ…

Rối loạn giấc ngủ (ít ngủ, mất ngủ, thức giấc giữa đêm…).

Rối loạn hành vi triệu chứng bệnh nhân kích động, đánh người thân, không tiếp xúc với mọi người. Người bệnh có những hành vi dị kỳ khó hiểu như đến đám ma lại tỏ vui vẻ cười nói vô tư, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc kỳ dị, lười lao động, lười vận động, nằm ì một chỗ…

Những dấu hiệu, triệu chứng ở chị cháu là những dấu hiệu bất thường triệu chứng các biểu hiện của bệnh nội sinh thuộc chuyên khoa Tâm thần. Cháu bàn với bố mẹ nên cho chị cháu đi khám chuyên khoa Tâm thần và có hướng chữa trị sớm cho chị cháu. Bệnh tâm thần càng chữa trị sớm thì bệnh càng nhanh ổn định. Tuy nhiên với các bệnh nhân tâm thần do tư duy bị rối loạn nên họ thường không nhận thức được bệnh, luôn phủ định bệnh, không chấp nhận là mình có bệnh, nên rất khó đưa đi khám bệnh và chữa trị. Vì thế cần khải động viên khéo, nếu trong nhà ai là người mà chị cháu thường nể phục và nghe theo thì người đó nói và thuyết phục để chị cháu chấp thuận đi khám và nằm viện chữa trị.

Chúc chị cháu sớm ổn định bệnh.

17 tuổi, hay suy nghĩ tiêu cực, lo âu, có phải bị hoang tưởng?


Câu hỏi bởi: 123456489

Em chào bác sĩ!

Em sinh năm 97, 1 năm trước em bị 1 vật nhọn không rõ đó là gì quẹt phải (không chảy máu gì cả, em có được giải đáp là không sao cả) nhưng về nhà thì suy nghĩ lung tung, nhưng do quá trình học tập nên em không có thời gian suy nghĩ nữa. Đến hè này thì em lại suy nghĩ lung tung, lên mạng đọc thông tin đâm ra sợ. Nên 2 tháng trước em có lên Sở Y tế Phòng chống HIV của tỉnh xét nghiệm, kết quả thì không sao cả. Về nhà, thì em yên tâm rồi. Nhưng sau đó vài bữa em đi hớt tóc, thấy chú hớt tóc cạo mặt em (không chảy máu), tự nhiên lại sợ dao cạo có gì, em có hỏi chú là dao mới hay cũ chú nói là dao mới, nhưng em không có tận mắt. Về nhà thì lại bắt đầu suy nghĩ, lên mạng đọc thông tin thì càng lo hơn. Sau đó lại nhớ ra em có nặn mụn bằng cây nặm mụn của anh hai (chảy máu nhiều) (chỉ có 2 anh em xài thôi) thì lại thêm 1 vấn đề thêm lo nữa. Hai năm nay em vẫn đi hớt tóc ở đấy và nặn mụn bằng cây nặn của anh hai, chẳng biết sao lại sợ nữa. Những hôm qua, ngồi ở nhà em lại hoang tưởng ra sợ lúc lấy máu đi xét nghiệm, không biết người ta xài kim tiêm mới hay cũ nữa. Hiện tại em rất stress, có nhiều lúc em suy nghĩ tiêu cực vô cùng, mặc dù em đều được giải đáp là không có vấn đề gì cả. Có phải em bị hoang tưởng không mọi người? Cứ suy nghĩ là sẽ tìm ra thêm nhiều trường hợp xấu. Gần đây em có 1 người bạn vừa mới mất, lại càng làm em thêm đau buồn và hoang mang nữa!

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu sinh năm 1997 như vậy năm nay cháu 17 tuổi. Đây là lứa tuổi có nhiều sự biến động trong phát triển cơ thể và tâm lý. Đặc biệt có sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể vì thế mà ở giai đoạn này cũng phát sinh nhiều bệnh có liên quan đến tâm thần và tâm lý.

Theo các hiện tượng mà cháu kể, từ các hiện tượng có thật bên ngoài dẫn tới các suy nghĩ trong đầu của cháu bác nghĩ nó hoàn toàn mất sự tương quan. Ví dụ cháu chỉ bị quẹt nhẹ không chảy máu nhưng cháu cũng suy nghĩ và lo lắng quá mức đến nỗi phải đi xét nghiệm HIV, việc lấy máu làm xét nghiệm bao giờ cũng sử dụng kim tiêm nhựa 1 lần rồi bỏ đi nhưng cháu lại lo lắng là họ sài kim mới hay kim cũ. Rồi việc đi hớt tóc, tất nhiên là phải cạo mặt và cạo mặt không chảy máu như cháu lại lo lắng mặc dù đã được người cắt tóc trả lời là sử dụng dao mới. Rồi một vấn đề nữa là sử dụng cây nặm mụn của anh hai tuy nhiên có chảy máu nhưng anh hai có bệnh gì thì cháu đã biết rõ rồi, việc đó cũng làm cho cháu lo sợ. Tất cả những sự việc đã diễn ra đã trở nên stress và những ý nghĩ tiêu cực đối với cháu mặc dù đã được giải đáp và giải thích rõ ràng nhưng không làm mất đi những suy nghĩ nghi ngờ và lo lắng thiếu căm cứ ở cháu.

Với một người bình thường không bao giờ họ quá bận tâm và lo lắng những chuyện không cần thiết đó khi mà đã được giải thích một cách rõ ràng, đúng không? Những gì không bình thường là bất thường, mà bất thường là bệnh lý cháu có thừa nhận vậy không? Theo bác đúng như cháu đã tự nhận xét và tự đánh giá các suy nghĩ của cháu là hoang tưởng. Hoang tưởng là những suy nghĩ hay phán đoán bị sai lệch không phù hợp với thực tại khách quan, hoang tưởng chỉ có ở người bệnh tâm thầm, hoang tưởng không tự mất đi mà chỉ mất đi nhở thuốc chữa trị đúng theo chuyên khoa. Theo bác cháu nên tới phòng khám tâm thần để khám sớm có hướng chữa trị tốt cho sức khoẻ của cháu.

Chúc cháu sớm lành bệnh!

Hoang tưởng, hay quên, mệt mỏi sau khi sử dụng chất gây nghiện phải làm sao?


Câu hỏi bởi: 989444157

Chào bác sĩ!

Năm nay tôi 24 tuổi. Từ lúc tôi chơi những chất kích thích cũng là lúc tôi bị hoang tưởng, lúc đầu chỉ khó chịu vì xuất hiện như có ai đang nói bên tai và không thích chỗ đông người, hay không nhớ được gì. Đến giờ tôi bỏ không dùng mấy thứ đó đã được nửa năm nhưng không biết tại sao tình trạng đó trở nên nặng hơn so với lúc tôi chơi bời. Và còn xuất hiện thêm nhiều bệnh, nhất là tôi không thể chịu được là lúc nào tôi cũng phải suy nghĩ 1 chuyện gì đó, có lúc đầu có cảm giác như có ai đó đang siết chặt, rất khó chịu. Nhiều lúc không khống chế được bản thân, trí nhớ thì đến cái biển xe máy cũng phải đọc 3 lần mới nhớ nhưng chỉ cần 5 phút làm việc khác là quên ngay, cơ thể thì luôn trong tình trạng mệt mỏi. Cách đây 2 năm tôi đã từng 4 tháng không tiếp xúc với bất kỳ ai, ngay cả với ba mẹ, người thân. Nói đúng hơn là sợ gặp người, chỉ ở lì trong phòng 1 mình. Không ai biết bệnh tình của tôi, còn tôi thì cũng không biết phải khám làm sao. Cho đến bây giờ tôi thấy mọi bệnh của mình có nhiều biểu hiện xấu nên muốn hỏi ý kiến bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có nhiều người từng hoặc đang sử dụng các chất gây nghiện, nhưng chỉ có một bộ phận là xuất hiện loạn thần (hoang tưởng, ảo giác…) hoặc ngay lần đầu tiên sử dụng, hoặc sau một số lần sử dụng. Lý do là ở các đối tượng này, hệ thống tâm thần của họ tương đối mỏng manh, yếu đuối hơn, hoặc họ đã có cơ địa bệnh lý tâm thần tiềm tàng ở bản thân hoặc trong gia đình. Dấu hiệu hoang tưởng ngoài gặp ở các đối tượng sử dụng chất gây nghiện thì hay gặp hơn ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt thể Paranoid.

Về chữa trị, hiện nay có nhiều thuốc tốt và ít tác dụng phụ để chữa bệnh này. Việc chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt 5-7% số ca mắc bệnh. Một tỷ lệ lên đến 93-95% bệnh nhân còn lại gần như mắc bệnh suốt đời, nhưng trong số này nếu bệnh nhân được chữa trị tốt thì 60-70% sống gần như bình thường, không ai biết họ có bệnh. Yếu tố để bệnh nhân ổn định bệnh tốt nhất là chính người bệnh nhận thức được bệnh của mình.

Ngoài chữa trị bằng thuốc, yếu tố gia đình rất quan trọng trong việc chăm sóc, nhắc nhở bệnh nhân tự giác dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Bệnh nhân có thể làm việc nhưng không được làm việc nặng nhọc, thức đêm. Không uống rượu, bia, hút thuốc lá. Với trà, cà phê có thể dùng chừng mực. Bạn nên khám chuyên khoa Tâm thần học sớm để chẩn đoán xác định và chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Chúc bạn sống khỏe!

3 năm nay bị mất ngủ, cảm giác mệt mỏi, hoang tưởng.


Câu hỏi bởi: kem lạnh

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 23 tuổi, vì cháu bị khuyết tật sứt môi từ nhỏ nên trong đầu cháu lúc nào cũng có suy nghĩ mặc cảm, xấu hổ, tự ti, hay bị căng thẳng khi giao tiếp với mọi người, hay bị chấn động bởi những lời nói trong cuộc sống.

Trước cháu vẫn ngủ ngon giấc bình thường nhưng 3 năm nay cháu hay bị mất ngủ, hay ngủ dậy có cảm giác mệt mỏi trong đầu, lúc nào cũng hoang tưởng như bị bóng đè hay có người theo mình. Đặc biệt hay bị đau đầu phần sau và gáy, có cảm giác như máu không lên được não hay dây thần kinh bị chèn ép. Cháu đã đi khám nhưng không thấy bệnh gì. Hay thở dài và đầu óc lúc nào cũng suy nghĩ mất tập trung, nhiều lúc làm việc mà không biết mình đã làm gì. Trước lúc đi ngủ và đang ngủ lim dim thỉnh thoảng chân cháu giật co lên như bị điện giật, còn tay đôi lúc mất cảm giác đang cầm đồ vật tự nhiên rơi xuống. Tim cháu hay đập nhanh hay hồi hộp, trong đầu lúc nào cũng hoang tưởng như mình là con nhà giàu bị thất lạc hay chuyện luyên thuyên như mơ về cuộc sống vợ chồng con cái, mặc dù chưa kết hôn. Đáng lo hơn nữa là cháu hay xem những hình người đã khuất, xem xong thấy người mệt đuối sức. Xin bác sĩ giải đáp cho cháu với ạ.

Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Ngủ là một hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể sinh vật nói chung và con người nói riêng. Ngủ giúp cơ thể phục hồi và ổn định lại các chức năng cơ thể để tiếp tục hoạt động cho ngày hôm sau. Vì vậy, giấc ngủ rất cần thiết cho sinh hoạt bình thường của con người. Ở người trưởng thành, cần ngủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày. Giấc ngủ bao gồm cả thời lượng (tiếng) và chất lượng (ngủ sâu). Bạn có thể ngủ 8 tiếng/ đêm nhưng vẫn bị coi là rối loạn (thiếu) giấc ngủ nếu ban ngày bạn vẫn còn buồn ngủ, mệt mỏi.

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hay ngủ không thẳng giấc làm cho thời lượng ngủ bị thiếu.

Triệu chứng thường gặp của rối loạn giấc ngủ bao gồm: khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nửa đêm và khó ngủ tiếp trở lại, thức giấc sớm vào buổi sáng, cảm giác mệt mỏi và còn buồn ngủ lúc thức dậy.

Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ có thể do thay đổi sinh hoạt, môi trường ngủ, căng thẳng thần kinh (trước kỳ thi, trước một sự kiện quan trọng, …); do bệnh lý của cơ thể (như hen, trầm cảm, đau khớp…); do đau nhức; uống thuốc hay thực phẩm gây mất ngủ (vitamin C, cà phê, trà…); ăn quá nhiều, quá muộn hoặc đói bụng khi lên giường…

Để có một giấc ngủ ngon, trước tiên bạn cần chữa trị triệt để những bệnh lý đang mắc. Rối loạn giấc ngủ do thay đổi sinh hoạt, môi trường sẽ hết dần khi bạn điều chỉnh lại thói quen, thích nghi với môi trường mới. Ngoài ra, bạn cũng cần tạo dựng các thói quen giúp bạn dễ ngủ và có giấc ngủ sâu, cụ thể là:

Tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Ban ngày, chỉ nên chợp mắt 15 – 30 phút vào buổi trưa, không nên ngủ ngày vì sẽ làm cho bạn khó ngủ ban đêm.

Không nên ăn tối quá no. Tuy nhiên ăn nhẹ gần giờ ngủ giúp bạn dễ ngủ.

Tránh uống rượu, cà phê, hút thuốc lá vào buổi tối. Caffein trong cà phê và nicotin trong thuốc lá là chất kích thích làm bạn khó ngủ. Rượu làm bạn thức giấc nửa đêm và giảm chất lượng giấc ngủ.

Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày. Tránh tập gần lúc ngủ vì có thể kích thích làm bạn khó ngủ. Nên tập xong 3 – 4 giờ trước khi ngủ.

Sắp xếp phòng ngủ cho thoải mái, đủ tối, yên tĩnh, không quá nóng hay quá lạnh.

Không làm việc trong giường hay phòng ngủ.

Nếu không ngủ được hay không buồn ngủ, hãy ngồi dậy đọc hay làm điều gì đó (không quá kích động) cho đến khi bạn thấy buồn ngủ.

Nếu có nhiều việc phải lo, hãy viết ra thành một danh sách các việc cần làm rồi đi ngủ lại.

Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả bạn nên gặp bác sĩ chuyên ngành Tâm thần học để được giúp đỡ. Các chuyên gia cũng sẽ giúp bạn định hình và giải thích những “hoang tưởng” mà bạn đang gặp phải.

Chúc bạn sức khỏe!

Thường nói chuyện một mình, hoang tưởng mình là người khác là bị làm sao?


Câu hỏi bởi: Bảo Ngọc

Chào bác sĩ!

Cháu có 1 người em gái nay chỉ mới 14 tuổi. Con bé thường hay nói chuyện 1 mình, cười nói và giả tưởng như nó là 1 người khác. Cháu nhiều lần nhìn qua cửa sổ phòng con bé thì thấy nó nhiều lần làm những hình động không bình thường như kiểu đang tập đóng phim vậy, cười, khóc không rõ. Con bé đôi lúc xem phim hay đọc truyện không rõ là do quá nhập tâm hay gì nhưng nó luôn hóa thân vào nhân vật đó rồi thay đổi các kiểu đứng lên rồi khoe tay múa chân. Luôn nghĩ rằng nhân vật trong phim có 1 người chị em sinh đôi và đó là nó. Nhưng nó chỉ có những triệu chứng nó khi ở 1 mình, còn khi có nhiều người thì nó rất bình thường. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên, con bé bị sao vậy ạ?

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Theo như mô tả của bạn về các dấu hiệu của em gái bạn thì có thể em ấy đang có những biểu hiện ban đầu của bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực (có lúc hưng phấn, có lúc ức chế xen lẫn giai đoạn bình thường). Đây đều là những bệnh lý nặng thuộc chuyên khoa Tâm thần, tuy nhiên nếu được can thiệp sớm và người bệnh hợp tác chữa trị kết hợp với sự tích cực động viên từ phía gia đình, người bệnh có thể ổn định và tái hòa nhập cộng đồng, người xung quanh có thể không biết bệnh tình của họ. Điều quan trọng và khó khăn bây giờ là bạn hãy làm sao để thuyết phục em gái mình đi khám chuyên khoa Tâm thần để các bác sĩ có thể giúp đỡ em ấy cả về tâm lý và uống thuốc.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!


Theo ViCare​
 

A

Anh Văn

Khách
Chào bác sĩ

Cháu năm nay 14 tuổi. Do đang vào kì thi cuối kì nên không ngủ nhiều. Hôm truớc gần nhà cháu có người mất. Không hiểu sao từ ấy cháu suy nghĩ linh tinh, hay đặt câu hỏi kiểu như: tại sao lại chết? người chết đi về đâu?.... Rồi tầm 1 tuần nay cháu chán ăn hơn trước, thi thoảng cứ buồn nôn. Cháu hay buồn, uể oải và không tập chung vào việc học được, luôn mệt mỏi và chỉ muốn ngủ.
Xin hỏi bác sĩ cháu bị sao và làm thế nào để khỏi ạ?

Cảm ơn bác sĩ.
 


Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl