Dễ bị kích động là triệu chứng của bệnh gì?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Hiện tượng bệnh nhân dễ bị kích động hay xúc động mạnh được nghi là biểu hiện của những bệnh lý liên quan đến thần kinh. Cùng đọc những lý giải sau từ bác sĩ.

đau đầu ở vùng trán, đau thắt lưng và cột sống dễ bị kích động bị bệnh gì?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ!

Cháu tên là Minh Hạnh, cháu 16 tuổi và cháu là nữ. Thưa các bác sĩ, nửa năm nay cháu thường xuyên đau đầu ở vùng trán, đau thắt lưng và cột sống, đêm thì ngủ ít và hay mơ nhảm, còn ngày thì ngủ li bì nhưng khi thức dậy lại thấy vô cùng mệt mỏi, hay mất tập trung trong học tập. Và dạo gần đây cháu nhận thấy bản thân cháu rất khác so với lúc trước. Gần đây, cháu rất dễ bị kích động, cháu ít hoà đồng hơn trước, đi học thì cháu rất ít nói chuyện nhưng về nhà thì lại nói rất nhiều, cháu thích nhốt mình trong phòng hơn là đi chơi, cháu rất ghét tiếng ồn và nơi đông người (trước đây không như vậy). Trước mặt bạn bè, người thân cháu tỏ ra là một cô bé vui tính năng động nhưng khi ở một mình cháu thường khóc rất nhiều hoặc chửi rủa những người mà cháu ghét, đôi khi cháu còn muốn giết chết họ nữa. Cháu đang vô cùng lo sợ về điều này, cháu sợ rằng nếu cháu bị kích động quá mức thì có lẽ cháu sẽ giết người thật. Cháu đang hoang mang là liệu có phải cháu bị điên rồi hay không? Và cháu đang cảm thấy vô cùng sợ hãi. Cháu mong bác sĩ có thể giúp cháu tìm ra được căn bệnh của mình.

Cháu xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Ở em có những triệu chứng như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, thu mình, dễ kích động, suy nghĩ tiêu cực và nguy hiểm…đây có thể là những triệu chứng của bệnh trầm cảm. Theo tôi tình trạng hiện tại của em cần được giúp đỡ càng sớm càng tốt. Em hãy tâm sự với bố mẹ và đề nghị bố mẹ đưa đi khám chuyên khoa Tâm Thần học, các chuyên gia sẽ có những biện pháp kết hợp tâm lý và uống thuốc để tình trạng của em khá hơn và sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước kia em nhé.

Chúc em sống khỏe!

Hay chán nản, buồn bã, dễ kích động, đêm mộng mị, nói nhảm có phải bị trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Tôi năm nay 34 tuổi, nữ giới. Hơn 1 năm trước tôi gặp phải một cú sốc rất lớn về tình cảm, hiện giờ tôi nhận thấy mình đang có những vấn đề về sức khoẻ tinh thần. Tôi có các biểu hiện như hay chán nản, buồn bã, dễ kích động (đã có lần tôi tìm cách tự sát). Ban đêm đôi lúc mộng mị, nói nhảm mà không biết. Tôi rất lo lắng và muốn thoát khỏi tình trạng này. Vậy rất mong bác sĩ cho tôi biết liệu tôi có phải tôi bị bệnh trầm cảm? Tôi nên làm gì bây giờ? Rất cám ơn và mong nhận được ý kiến của bác sĩ.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào bạn.

Sau cú sốc về tinh thần là nguyên nhân làm bạn có những biểu hiện buồn chán, bi quan, ban đêm đôi lúc mộng mị, nói nhảm mà không biết nói gì. Đó là một trong những biểu hiện của bệnh trầm cảm. Khi trầm cảm kéo dài rất dễ dẫn đến hành vi tiêu cực như tự sát. Ngoài ra bệnh trầm cảm còn có một số biểu hiện như: ngủ nhiều hay ít hơn bình thường, tư duy không rõ ràng hoặc mất tập trung, cử động chậm chạp, dễ cáu gắt, không muốn hay ngại giao tiếp với bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình, bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình… Bệnh trầm cảm có thể nặng đến mức giảm khả năng tư duy sáng suốt, bạn không nên tự ý uống thuốc mà nên đến khám bác sĩ có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần càng sớm càng tốt.

Điều trị trầm cảm có thể cần phải sử dụng nhiều thuốc chống trầm cảm và dùng liệu pháp tâm lí. Bạn cần tuân thủ đúng quy định chữa trị, dùng thuốc đều đặn đầy đủ theo đúng lời dặn của bác sĩ cho đến khi bác sĩ yêu cầu bạn ngưng thuốc. Ngoài ra, bạn nên cố gắng đừng để cho mình quá rảnh rỗi, nên tạo cơ hội cho mình bận rộn bằng việc gia chánh, thêm việc ở cơ quan hoặc học thêm… Cũng nên đi chơi, giải trí với loại hình nghề thuật mà bạn thích. Đừng bỏ qua cơ hội, cố gắng thu xếp tham gia những hoạt động tập thể ở cơ quan để tiếp xúc với đồng nghiệp, tạo niềm vui mới… Trong sinh hoạt cộng đồng, bạn sẽ thấy mình có ích cho người khác, được người khác quý mến. Sống điều độ (ăn, ngủ điều độ), tắm bằng nước lá thơm. Hãy thay đổi một điều gì đó trong căn hộ: kê lại đồ gỗ thay rèm cửa, thay thảm, đặt lại chậu hoa cảnh…

Chúc bạn mạnh khỏe!

Bé 6 tháng tuổi bị sốt nóng 2 ngày


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Thưa bác sĩ!

Con gái em sắp 7 tháng tuổi. Từ hôm 19/6 đến nay sốt nóng đầu đã tròn 2 hôm. Đầu nóng trên 38,6 độ C nhưng chân tay thì không nóng sốt. Bé bú ít hơn thường ngày 1 chút, uống Efferalgan 80mg lúc đỡ sốt lúc vẫn sốt. Em muốn đưa đi khám mà mọi người bảo sốt mọc răng và trời âm u mưa bão em sợ bé lại bệnh thêm nên ở nhà. Em bấn loạn quá, vì là con một nên em rất sợ có chuyện gì với con gái…

Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thị Lừu


Chào bạn!

Khi mọc răng trẻ thường có những triệu chứng sau:

Trẻ thường mệt mỏi, quấy khóc, ít ngủ, dễ bị kích động, bứt rứt khó chịu trong người, có thể có sốt nhẹ. Một số trẻ hay bị chảy nhiều nước miếng và thường gặm thứ gì đó trong miệng vì ngứa lợi. Khi dồn năng lượng cho việc mọc răng, sức bảo vệ cơ thể yếu đi nên trẻ dễ bị bệnh, bị rối loạn tiêu hóa. Nướu có thể bị sưng đỏ làm trẻ luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại chỗ răng nhú lên, trẻ thường cho ngón tay, đồ chơi hay bất kỳ đồ vật gì có trong tay vào miệng để cắn, những biểu hiện này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3 – 5 ngày.

Ngoài ra, để răng mọc được, nướu phải nứt ra, có thể bị nhiễm trùng vùng răng miệng. Những biểu hiện này khiến trẻ thường quấy khóc nhiều hơn và ăn uống kém, thậm chí trẻ có thể bị sụt cân. Bé nhà bạn bị sốt nhẹ, không liên tục, kèm theo ăn ít. Khả năng là bé bị sốt mọc răng. Bạn không nên quá lo lắng, chỉ cần để bé ở nhà tự chăm sóc. Cho bé dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng khi bé sốt cao, ngoài ra có thể chườm mát cho bé. Tích cực cho bé bú mẹ, cho uống thêm nước. Nếu bé sốt cao liên tục, uống hạ sốt không đỡ, chán ăn, bỏ bú, có triệu chứng mất nước thì cần đưa bé đi khám.

Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!

Thóp ở đầu của bé bị nhũn hơn so với bình thường có sao không?


Câu hỏi bởi: Hồng Nhung

Xin chào bác sĩ!

Bé nhà em được hơn 6 tháng. Tự nhiên chiều hôm kia bị sốt 38-39 độ, bị đi ngoài. Hôm nay em cho đi khám thì chẩn đoán là viêm họng và viêm ruột. Nhưng khi nãy em cho cháu ti thì thấy thóp nhô lên. Sờ vào thì căng và không nhìn thấy phập phồng. Khi ấn nhẹ vào thì phập phồng. Cháu sốt không li bì. Bú và ăn bình thường. Như vậy liệu có phải bị viêm não không ạ?

Em cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào bạn!

Có một số dấu hiệu của bệnh viêm màng não mà bạn nên quan tâm: Biểu hiện của viêm màng não thường bắt đầu với các triệu chứng sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virus,… Do đó cần phải cặp nhiệt độ cho trẻ thường xuyên. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C cần lau mát và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng và cân nặng.

Theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ. Chú ý các dấu hiệu gợi ý viêm màng não như:

Co giật: Có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số trẻ co giật đơn thuần do sốt cao hoặc có một số trẻ do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.

Rối loạn ý thức: Lúc đầu trẻ trong tình trạng dễ bị kích động, sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê. Trẻ thường kêu đau đầu, nôn hoặc có triệu chứng liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.

Thóp phồng cũng là một dấu hiệu quan trọng gợi ý bệnh viêm màng não. Tuy nhiên muốn xác định chính xác thóp trẻ có thật sự phồng hay không chỉ có bác sĩ mới kết luận được.

Ngoài ra để chẩn đoán xác định viêm màng não cần làm thêm một số xét nghiệm đặc hiệu. Bạn nên đưa bé tái khám tại bệnh viện loại trừ bệnh lý nguy hiểm nhé.

Chúc gia đình bạn sống khỏe!

Dễ kích động có phải dấu hiệu của trầm cảm?


Câu hỏi bởi: Trân Phan

Chào bác sĩ!

Năm nay cháu 21 tuổi, là nữ. Cháu thấy cháu rất dễ kích động, dù chỉ là một lời nói chơi. Mỗi khi gia đình trách cháu không cố gắng làm việc gì hết khả năng mình, là cháu lại lấy bút đâm những lổ thủng li ti trên tay, cháu cảm thấy rất vui khi thấy máu chảy, nhưng ba mẹ không để ý đến việc tại sao tay cháu lại như vậy. Cháu thấy lúc nào cũng bị ép làm theo một khuôn khổ nhất định, những ngày gần đây cháu rất dễ kích động với mọi lời nói của mọi người, nhưng không bao giờ cháu biểu lộ ra ngoài. Xin hỏi bác sĩ có phải cháu bị trầm cảm không?

Cháu cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Cháu đã nói rất thật những triệu chứng bệnh lý ở cháu. Triệu chứng rất rõ ở cháu đó là cảm xúc của cháu rất dễ bị bùng nổ hoặc cháu gọi là dễ bị kích động. Một triệu chứng bất thường nữa ở cháu đó là khi nhìn thấy máu chảy thì cháu lại rất vui. Cháu đã tự đâm vào tay mình khi chỉ bằng một lời trách móc của gia đình, bố mẹ. Khi cháu tự đâm vào tay mình, cháu không cảm thấy đau à? Sự kích động ở cháu trước đây và hiện tại cháu không thể tự kiềm chế được. Cháu tự cảm thấy mình bị ép làm theo một khuôn khổ và rất khó chịu. Thời gian gần đây cháu đã bị kích động nặng hơn đó là có thể bị kích động với bất kỳ lời nói nào của mọi người. Tất cả những triệu chứng ở cháu là không bình thường và cháu cũng nhận thấy điều đó đúng không? Đã không bình thường thì đó là bất thường, mà đã là bất thường thì đó là bệnh lý, nhưng đó không phải là trầm cảm.

Trầm cảm có 3 biểu hiện chính và 9 biểu hiện phụ, người bệnh chỉ cần có 2/3 biểu hiện chính và 2/9 biểu hiện phụ. Các biểu hiện này tồn tại ở người bệnh từ 2 tuần trở lên thì chẩn đoán là bị trầm cảm. Ở cháu không có biểu hiện của trầm cảm mà bác nghĩ là cháu bị một bệnh loạn thần nội sinh khác. Bệnh rối loạn trầm cảm và bệnh loạn thần đều do chuyên khoa Tâm thần khám và chữa trị. Cháu nên đến bệnh viện Tâm thần khám để xác định rõ là bệnh gì và có hướng chữa trị càng sớm càng nhanh ổn định bệnh. Chuyên khoa Tâm thần có khoảng 300 loại bệnh khác nhau. Nếu chữa trị sớm bệnh sẽ dễ chữa trị và nhanh ổn định hơn.

Chúc cháu quyết tâm và mau ổn định bệnh.


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.