Lẹo mắt, chữa thế nào?


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Bị lẹo mắt tùy theo từng người mà có cách điều trị riêng. Cùng tham khảo kiến thức về vấn đề này qua lời khuyên của bác sĩ ở tuyển chọn câu hỏi bên dưới.

Bệnh lẹo mắt chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu thường xuyên bị lên lẹo mắt. Vậy cháu nên chữa trị thế nào để khỏi triệt để?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Vũ Thị Tuyết Mai


Chào cháu.

Lẹo là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như Staphylocoque gây nên. Là một bệnh rất thường gặp, có người chỉ bị một vài lần rồi khỏi hẳn, nhưng cũng có người mắt mọc lẹo liên tiếp, khỏi đợt này, mọc đợt khác…

Khi xuất hiện lẹo nếu không chữa trị tích cực và đúng cách, lẹo có thể hết rồi lại xuất hiện hoặc lây lan qua nang lông kế cận hoặc gây viêm. Chính vì vậy việc chữa trị kịp thời và đúng cách cũng làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát lẹo. Khi lên lẹo cháu hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chữa trị đúng cách không nên tự ý chữa trị tại nhà.

Sau đây là một số chú ý cháu nên biết để tránh tái phát lẹo:

Khi mọc lẹo, lúc lẹo còn non cháu có thể uống thuốc kháng sinh dạng mỡ hoặc dung dịch thuốc nhỏ mắt, bôi vào vùng mí mắt có lẹo mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ và kết hợp với giữ vệ sinh mắt, mi mắt và vùng da quanh mắt. Ngoài ra, cháu có thể chườm bằng khăn hoặc gạc ấm sạch 3-4 lần/ngày, khoảng 10-15 phút mỗi lần. Cháu không nên tự ý chích, rạch, nặn mủ tại nhà, tránh làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp.

Nếu lẹo hay tái phát cháu có thể rửa mặt hàng ngày bằng nước sạch. Nhỏ mắt bằng thuốc tra mắt Chloramphenicol (dung dịch 0,4%) ngày 3-4 lần, đồng thời tra thuốc mỡ Tetracycline 1% vào bờ mi bị lẹo trước khi đi ngủ. Làm như trên trong vòng 2- 3 tháng liền.

Nếu làm vậy mà vẫn tái phát rất thường xuyên thì cháu nên đi khám chuyên khoa Nội để tìm lí do vì một số bệnh toàn thân như: đái tháo đường, suy nhược toàn thân, bệnh của thận… có thể gây nên tình trạng này.

Và ngoài việc khi chữa trị trên cháu cần chú ý những điều sau:

Không lấy tay bẩn dụi mắt. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng;

Bảo vệ mắt khỏi khói, bụi, ô nhiễm không khí. Đeo kính bảo vệ khi đi đường, khi lao động trong môi trường bụi bặm;

Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau…

Hạn chế dùng mỹ phẩm lên vùng mi mắt.

Về ăn uống nên kiêng những thứ có tính kích thích như rượu, thuốc lá, hành, tỏi, ớt, hẹ, kinh giới… Không ăn những thức ăn có tính nhiệt như thịt dê, thịt chó… Để giúp bệnh mau chóng hồi phục, nên hạn chế cả các món thủy sản và hải sản.

Chúc cháu sức khỏe!

Mắt bị lẹo, mọc hạt quanh đuôi mắt dẫn tới bị lệch mắt, chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: xuandong1205121

Cháu chào bác sĩ!

Cháu năm nay 18 tuổi là con gái. Cháu bị mọc lẹo từ năm 7 tuổi. Nhưng do không biết cách điều trị nên hiện tại lẹo trên mắt cháu vẫn còn. Năm lớp 5 và năm lớp 6 mắt cháu bị sưng vì cái lẹo nhưng từ lần đấy đến giờ thì không bị sưng lần nào nữa mà nó chỉ có cái hạt quanh đuôi mắt bên phải, dẫn đến việc mắt cháu bị lệch. Vậy bây giờ cháu muốn điều trị thì làm thế nào ạ? Cháu rất mong nhận được giải đáp từ bác sĩ.

Cháu cảm ơn ạ!

Bác sĩ Nguyễn Thị Hòa


Chào em!

Lẹo, chắp mắt xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chúng là những mụn nhỏ thường mọc ở mi mắt, lúc đầu bằng hạt tấm, sau lớn dần, sưng đỏ, sờ thấy rắn như hạt gạo, gây đau rồi thành mủ rất khó chịu cho mắt, lại thường xuyên tái phát. Nếu đã thành nhân sẽ phải chích. Người bệnh không được chăm sóc cẩn thận sẽ để lại sẹo trên mắt, với trẻ em di chứng sẽ làm lệch mắt, khi lớn lên bị mắt to, mắt bé.

Mắt em bị lệch do di chứng bị lẹo từ nhỏ, hiện tại không bị sưng và còn hạt quanh đuôi mắt bên phải, để chữa trị cần chích rạch, nạo sạch ổ viêm, trong một số tình huống cần phải phẩu thuật nâng mí mắt để xử lý tình trạng lệch mắt. Em nên đến chuyên khoa Mắt hoặc các bệnh viện mắt uy tín như Viện Mắt Trung ương để khám và chữa trị.

Chúc em sức khỏe!

Mọc mụn cứng ở mi mắt sau khi bị lẹo chữa thế nào?


Câu hỏi bởi: triệu thành đồng

Chào bác sĩ.

Cháu năm nay 20 tuổi, sau 2 lần bị lẹo đã khỏi tự dưng cháu nổi 1 cục u cứng mở mi mắt trên nhưng không cảm thấy khó chịu gì cả. Xin bác sĩ xác định lí do và cách chữa giùm cháu, tại nó mất thẩm mỹ quá.

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Văn An


Chào bạn!

Trường hợp của bạn có nổi một cục cứng ở mi mắt là do bệnh chắp mắt, đây là một dạng viêm nhiễm. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn. Điều trị trước tiên bằng các thuốc kháng sinh dạng nước và dạng mỡ, nếu nhẹ khối viêm có thể tự tiêu đi được, nếu không khối viêm sẽ khu trú và hóa mủ, sau đó sẽ phải chích chắp để lấy mủ. Bạn nên đi khám chuyên khoa Mắt để bác sĩ trực tiếp khám và chữa trị cho bạn.

Chúc bạn khỏe!

Làm sao chữa khỏi hẳn bệnh nổi lẹo mắt?


Câu hỏi bởi: Nguyễn Thu Hiền

Chào bác sĩ.

Mắt tôi không hiểu sao thường xuyên nổi lẹo rất khó chịu. Khoảng 2-5 tháng là bị nổi 1 lần. Bác sĩ ơi, làm sao chữa khỏi hẳn bây giờ? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn.

Khi vi khuẩn xâm nhập vào nang lông mi gây viêm sẽ khiến nang sưng to, chất bã nhờn ứ đọng lại tạo thành kén mà dân gian thường gọi là lẹo mắt, chắp mắt. Chắp và lẹo là tình trạng viêm nhiễm tại bờ mi nhưng chúng ta cần phân biệt hai bệnh này:

Lẹo là bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn gây mủ ở bờ ngoài của mi mắt, gây đau nhức, mi phù đỏ, có điểm đau cố định ở bờ tự do của mi, chảy nước mắt… Sau hóa mủ ở giữa lẹo, vài ngày lẹo vỡ mủ, hết đau. Nhưng lẹo trong mí mắt thường nặng hơn và dễ tái phát, muốn chữa khỏi hẳn lẹo phải dùng kháng sinh thích hợp, phối hợp thuốc chống viêm, hạ nhiệt giảm đau, chích mủ và tra thuốc mỡ kháng sinh vào mắt. Trường hợp lẹo tái phát nhiều lần có thể áp lạnh bằng Nitơ lỏng hoặc áp tuyết rất tốt, kết hợp thăm khám những bệnh lý toàn thân khác như đái đường, táo bón.

Chắp là một tình trạng viêm bán cấp, sưng dạng u hạt mạn tính của một tuyến meibomius sau khi tuyến này bị viêm, chắp thường gặp ở những người bị viêm bờ mi hay viêm tuyến. Bệnh biểu hiện sưng, đau, đỏ, khó chịu ở mi mắt, vài ngày sau chắp xẹp xuống chỉ còn khối tròn không đau, lớn dần trên mi, chắp thường tự khỏi sau vài tháng. Điều trị không phải dùng kháng sinh, có thể chườm nóng hay chạy sóng ngắn, tra thuốc mỡ, nếu không khỏi thì nên mổ, phải nạo thật sạch các chất nhày để tránh tái phát. Trường hợp của bạn nên khám chuyên khoa Mắt để điều trị triệt để.

Chúc bạn khỏe.

Nguồn sưu tầm Nguồn: alobacsi.com

Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.