Làm thế nào để giảm bớt stress


4,226
1
1
Xu
53
Hỏi Bác Sĩ -

Áp lực công việc, phiền muộn chuyện gia đình khiến cho bạn dễ gặp stress. Lời khuyên của bác sỹ sẽ giúp bạn phần nào giảm đi căng thẳng và mệt mỏi đó.

Lo lắng, áp lực học hành làm sao để giảm stress?


Câu hỏi bởi: Giấu tên

Chào bác sĩ.

Cháu mới học lớp 10. Vì mẹ là giáo viên nên cháu hay lo lắng là học không giỏi thì bị phạt. Mỗi lần học bài, cháu học ít vào dù không mở tivi. Cháu hay đau đầu thường xuyên, bị điểm thấp cháu khóc rất nhiều. Kiểm tra thì học rồi nhưng khi làm bài cháu làm không được và cảm thấy rất nản. Cháu hay mất ngủ, hay mệt trong người, hay có cảm giác muốn chết đi cho xong nhưng không làm được. Vậy cháu làm sao để giảm được strees ạ?

Cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu.

Cháu lo lắng cho việc học tập là tốt và hết sức đúng đắn nhưng lo thế nào cho đúng đấy mới là quan trọng. Lo việc học để đạt kết quả tốt thì cháu phải tìm phương pháp học sao cho khoa học và phù hợp với đặc điểm của từng môn. Ví dụ, muốn học môn toán tốt thì trước hết phải nắm chắc lý thuyết, sau đó là biết vận dụng lý thuyết, đó là các định lý, các quy tắc… để giải bài tập. Nếu chưa nắm vững lý thuyết mà cứ lao vào làm bài tập thì có khác gì lao đầu vào vách đá để tìm lối đi.

Cháu quá lo lắng về kết quả học tập không cao thì bị mẹ phạt. Sự lo lắng quá mức đã trở thành áp lực nặng nề đối với cháu, cũng chính do sức ép tâm lý mà tạo lên sự căng thẳng tâm lý, không thể thư giãn được. Hậu quả là cháu đã phải gánh chịu những biểu hiện như sau:

Hay đau đầu

Học bài không tiếp thu được

Khóc nhiều khi bị điểm thấp

Chán nản khi không làm được bài kiểm tra

Hay mất ngủ

Mệt mỏi

Có ý tưởng muốn chết

Tất cả các biểu hiện trên là do áp lực học tập gây căng thẳng tâm lý và làm cháu bị stress. Để giải quyết vấn đề trên, cháu nên tâm sự với mẹ và nói về tình trạng sức khỏe của cháu. Cháu hãy nói với mẹ về các biểu hiện đang có và nói rõ tâm trạng hết sức căng thẳng và mệt mỏi để mẹ biết, cùng mẹ bàn bạc cách thức học tránh tạo áp lực như trong thời gian vừa qua. Cháu cũng nhờ mẹ giúp đỡ giảng giải lại những phần bài học chưa hiểu. Nếu cần thiết thuê gia sư để học lại những kiến thức cơ bản đã bị hỏng.

Cháu hãy thống nhất lại với mẹ rằng, học vừa phải, chậm và chắc. Khi nào kiến thức cơ bản đã vững rồi thì bắt đầu học mở rộng và nâng cao. Có thể một thời gian điểm số chưa cao, mẹ cũng hiểu sẽ không trách cứ và phạt cháu nữa. Như vậy cháu sẽ không phải lo lắng, tâm lý cũng sẽ thoải mái dần và sức ép cũng như áp lực trong học tập cũng không còn nữa. Kết hợp với việc ăn ngủ điều độ, tập thể dục đều đặn hàng ngày, bác tin là các biểu hiện của stress cũng dần dần biến mất khỏi cơ thể của cháu.

Chúc cháu quyết tâm và thành công!

Stress có làm giảm trí nhớ, thui chột tư duy không?


Câu hỏi bởi: hoang nguyen

Chào bác sĩ.

Cháu vừa trải qua 1 đợt căng thẳng và có lên mạng tra tìm tin về stress thì lại càng lo sợ hơn. Bác có thể cho cháu biết bị stress như thế nào là stress kéo dài không ạ? Như cháu khi giao tiếp,ở đám đông thì rất bình thường, nhưng khi ở 1 mình cháu lại hay nghĩ những vấn đề khiến mình căng thẳng và cháu cũng không biết được cháu suy nghĩ mà cảm thấy như thế nào là căng thẳng nữa? Cháu thấy trên mạng nói bị như thế làm giảm trí nhớ, thui chột tư duy của cháu phải không ạ? Đó là chỉ khi bị stress thôi hay nó sẽ để lại hậu quả lâu dài cho cháu ạ. Mong bác sĩ giải đáp giúp.

Cháu xin chân thành cảm ơn!

Bác sĩ Chu Văn Điểu


Chào cháu!

Căng thẳng tâm lý sinh ra stress, nhưng không phải ai căng thẳng cũng bị stress. Bởi vì mỗi người có cơ địa khác nhau, mỗi người có loại hình thần kinh khác nhau và mỗi người có khả năng chống đỡ với bệnh tật cũng rất khác nhau. Cháu vừa trải qua một đợt căng thẳng, nhưng cháu có bị stress không mà cháu lo sợ? Nếu cháu quá lo sợ lại càng làm thần kinh căng thẳng và đó lại tạo điều kiện thuận lợi để stress phát sinh.

Cháu muốn tìm hiểu về stress, vậy bác nói sơ bộ về stress để cháu rõ. Stress là phản ứng của cơ thể triệu chứng bằng các biểu hiện bệnh lý cơ thể trước những sang chấn tâm lý, áp lực hay một ảnh hưởng nào đó có nguy cơ đến tổn hại con người về cả thể chất và tinh thần.

Các biểu hiện biểu hiệu đó là:

Về cảm xúc:

Cảm gác lo lắng, căng thẳng, khó chịu.

Luôn thấy buồn chán.

Tự ti, cảm giác không xứng đáng.

Về hành vi:

Dễ cáu bẩn vô cớ.

Ăn kém, không ngon miệng.

Rối loạn giấc ngủ.

Mất tập trung chú ý.

Suy giảm trí nhớ.

Thiếu tự tin trong quyết định.

Đau đầu.

Đau mỏi cơ xương khớp..

Ra nhiều mồ hôi.

Chóng mặt.

Tức ngực, khó thở.

Giảm dục năng.

Dị cảm như tê bì, ngứa.

Khô miệng.

Một người bị stress có thể bị một số biểu hiện như trên, khi chữa trị khỏi hết stress thì các biểu hiện đó sẽ hết đi chứ không phải bị stress là các biểu hiện đó sẽ mãi mãi theo suốt cuộc đời.

Chúc cháu bình tâm và luôn mạnh khoẻ.

Trí nhờ giảm sút, stress nhiều nên điều trị thế nào?


Câu hỏi bởi:

Thưa bác sĩ.

Cháu giới tính nữ, năm nay 24 tuổi. Cháu có vấn đề này mong bác giải đáp. Dạo này cháu cảm thấy trí nhớ bị giảm sút. Vì cùng suy nghĩ nhiều nên bị stress. Cháu giờ cảm thấy không biết một thứ gì trong xã hội này. Dạo này học rồi hỏi lại cháu hay bị quên, muốn nhớ thì cũng suy nghỉ lâu mới nhớ ra, cháu cảm thấy chán nản với cuộc sống, mỗi lần căng thằng cháu chỉ muốn nằm ngủ để không nhớ đi thôi, làm việc không logic, trật tự nào cả, còn châm chạp nữa. Thấy như một đứa bé vậy, không biết làm sao bây giờ. Mong bác sĩ cho cháu lời khuyên ạ.

Cháu cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy


Chào cháu.

Với biểu hiện như vậy cháu nên đi khám bác sĩ hoặc gặp chuyên gia tâm lý để tư vấn giúp cháu sớm cải thiện tình trạng như hiện nay, để lâu không tốt cho sức khỏe của cháu. Ngoài đi khám ra, cháu nên thu xếp thời gian để tập thể dục, chơi các môn thể thao yêu thích, vừa với sứ khỏe của mình như bơi, đi bộ, đánh cầu lông, bóng bàn, đi dã ngoại với các bạn hoặc với người thân trong gia đình, nghe các bản nhạc nhẹ mà mình yêu thích, tập yoga cũng giúp cháu cải thiện nhiều tình trạng sức khỏe như hiện nay.

Chúc cháu sức khỏe.


Câu hỏi bởi: Nguyễn Phương Anh

Thưa bác sĩ, cháu tên là Phương Anh, năm nay cháu 17 tuổi, đang là học sinh lớp 12 và cháu là nữ ạ. Cháu đang rất lo lắng và có 2 vấn đề muốn hỏi ạ:
1. Cháu bị đau nửa đầu đã lâu (lúc bên trái hoặc bên phải nhưng luôn chỉ có nửa đầu) kèm với đó là buồn nôn, nhức mắt. Cảm giác nhức mắt, buồn nôn rất mạnh, đặc biệt là buồn nôn ạ. Thời gian bắt đầu bị đau cháu không nhớ chính xác nhưng cũng phải trên 1,5 năm rồi ạ. Lúc đầu cháu có dùng thuốc giảm đau panadon màu xanh nhưng sau đó do không cảm thấy còn tác dụng nên chuyển sang màu đỏ, dùng 2v/ lần, và đến bây giờ thì tuy vẫn giảm đau nhưng không còn tốt như trước, có hôm phải uống đến lần thứ 2 cơn đau mới bớt (cháu dùng đúng như chỉ dẫn: hơn 4 tiếng mới dùng liều tiếp theo ạ). Và cháu cũng bị nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng, bị đau khi thời tiết thay đổi đột (như thời tiết hà nội mấy hôm nay lúc lạnh lúc nóng nên cháu cũng bị đau 2 lần liền). Bình thường cơn đau là âm ỉ, chỉ có cảm giáo buồn nôn là dữ dội, nhưng chỉ cần không uống thuốc giảm đau kịp thì cơn đau sẽ mạnh lên và lâu hết. Có duy nhất 1 lần vào tết năm trước, dù đã uống thuốc mà cháu vẫn bị đau dữ dội, kéo dài, buồn nôn kinh khủng. Vậy không biết cháu có phải bị bệnh đau đầu Migranie không ạ? Từ khi bị đau đầu, cháu chưa đi khám bao giờ nhưng cũng lên mạng tìm hiểu về bệnh đau nửa đầu, và cháu nghĩ nguyên nhân chính khiến cháu bị đau là do gen di truyền, vì cả bố và mẹ cháu đều dễ bị đau đầu, đặc biệt là bố cháu, trong túi 2 bố con lúc nào cũng có vỉ thuốc panadol đỏ (nhưng bố mẹ cháu bị đau cả đầu hoặc 2 bên thái dương chứ không ai đau nửa đầu như cháu cả ạ) Và ngoài ra gần đây cháu ôn thi đại học, tuy không bị áp lực chèn ép lắm nhưng chế độ ngủ nghỉ cũng bị xáo trộn nên không biết có phải do vậy không mà cháu còn thường xuyên bị thêm hoa mắt, nhìn thứ trước mắt đều nhòe và phải chớp đi chớp lại mới bình thường; còn đầu và phía sau cổ có cảm giác căng ra, khó chịu như bị tê liệt ấy ạ, xoa cổ lắc đầu thế nào cũng không hết. Cháu nên làm gì bây giờ ạ?

2.Vấn đề thứ 2 cháu muốn hỏi là cháu vừa uống gần hết 1 hộp thuốc giảm cân ishou loại hộp sắt có 36viên (cháu uống còn 2 viên ạ và cháu mua ở nơi có nhiều người mua và trước đó cháu cũng có mua mỹ phẩm của chị ý nên về chất lượng thuốc cháu cũng khá tin tưởng, khi mua về cháu cũng đã làm rất nhiều biện pháp như xem mã vạch, mã code, so sánh với bao bì trên mạng để kiểm tra hàng thật giả). Lúc đầu, cháu tuân thủ và cố gắng uống nhiều nước (người ta khuyên uống 2-4l/ngày nhưng quả thực do bình thường cháu uống rất ít nước nên nhiều nhất cháu cũng chỉ uống được 2l hơn còn bình thường thì chỉ khoảng 1,5l). Khi uống thuốc cháu có cảm giác tay chân bủn rủn nhưng rất rất ít, có 2-3 lần vào mấy ngày đầu, còn về sau bình thường. Nhưng tầm gần tuần nay, cháu không uống nhiều nước như trước, ăn uống cũng linh tinh bập bõm, hôm nhiều hôm ít. Và cháu đã bị hụt hơi, tim đập nhanh, cảm giác lồng ngực bị thắt lại và thường bị khi cháu ăn sáng muộn. Tuy nhiên lúc xoay người hoặc vặn mình qua trái phải thì luôn luôn bị thắt ngực, khó thở, hụt hơi, đuối hơi, hít vào nhiều lần hay hít thật sâu mà vẫn không cảm thấy đủ oxi; đặc biệt khi xoay nhanh và mạnh thì còn chóng mặt. Và đến tối nay do bị đau nửa đầu, buồn nôn, đầu và cổ cũng căng ra, hụt hơi lâu hơn so với những lần trước nên cháu đã hơi lo. Cháu có tra trên mạng thì nó bảo do cháu ít vận động. Và đồng thời cũng có người khuyên không nên dừng thuốc giảm cân đó đột ngột mà nên uống dừng từ từ, cứ cách 2-3 uống 1 viên rồi mới dừng hẳn. Cháu thực sự không biết làm thế nào vì cháu cũng không muốn bố mẹ biết, kì thi ĐH thì ngay trước mắt, bài tập dồn dập ngày càng nhiều, và tự dưng năm nay cháu lại bị phân công làm lớp trưởng (trong khi trước đó cháu là đứa không quan tâm gì đến việc của lớp hay tập thể cả) nên cũng nhiều lần bị bực tức và mệt mỏi. Đầu, cổ và vai cháu quả thực nó căng lên liên tục, và dù xoa bóp hay nằm nghỉ thì vẫn chỉ hết trong thời gian rồi lại căng lên tiếp. Cháu đang rất lo lắng và rất mong sự trợ giúp tư vấn từ bác sĩ, cháu xin chân thành cảm ơn ạ!

Bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh


Chào bạn.

Như vậy nhiều khả năng bạn bị đau nửa đầu Mi-g-ran (Migraine), Xem: http://www.dieutridau.com/benh-hoc/than-kinh/201-dau-nua-dau-migraine. Bạn phải đi khám chuyên khoa nội thần kinh để có được phác đồ điều trị thích hợp.

Về vấn đề uống thuốc giảm cân, đây là một sai lầm thường gặp ở giới trẻ. Giảm cân là phải kết hợp nhiều yếu tố: kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng cần thiết và chế độ vận động tiêu hao năng lượng, tập luyện khoa học. Dùng thuốc để giảm cân không được khuyến cáo trong các tài liệu y khoa. Bạn đã trót uống rồi thì nên giảm từ từ, ăn uống điều độ. Nên dành thời gian để thư giãn bằng cách lao động chân tay hoặc tập thể dục , thể hình, thể thao nhẹ nhàng. Không nên băn khoăn lo lắng nhiều về chuyện quá béo mà tập trung vào tâm điểm hiện nay là học tập, thi đại học vì đây là thời điểm bước ngoặt của cuộc đời.

Chúc bạn mạnh khỏe


Theo ViCare​
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.