Vitamin E
Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu, tan trong các dung môi hữu cơ (cũng như vitamin A, D, K).
Những vitamin tan trong dầu được hấp thu qua ruột cùng với các lipid khi ta dùng thức ăn. Vitamin tan trong dầu dự trữ ở gan, cung cấp cho cơ thể dần dần. Vitamin E có nhiều trong mầm hạt (mầm lúa mì, mầm hạt ngô, hạt hướng dương), trong rau diếp, đậu tương, dầu bông, các sản phẩm bột, sữa, thịt, trứng, cà rốt, cà chua...
Trong 8 dạng tocoferol của vitamin E thì dạng a tocoferol có tác dụng trong điều trị và chiếm lượng lớn trong các tổ chức, còn các dạng khác (g, b, d) tuy có trong thực phẩm song không dùng trong điều trị.
Cần giữ dung dịch vitamin E trong lọ đầy, thủy tinh màu vàng, để chỗ mát, tránh ánh sáng. Dạng có tác dụng điều trị 1mg dl tocoferol = 1UIa tocopheryl acetat.
Vitamin E có liên quan đến bảo quản và hấp thu vitamin A. Người ta dùng vitamin E để bảo quản caroten và vitamin A. Khi có mặt vitamin E thì sự hấp thu vitamin A qua ruột tăng. Vitamin E bảo vệ vitamin A khỏi bị biến hóa do ôxy hóa, làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên, đồng thời vitamin E cũng bảo vệ chống lại tác dụng do thừa vitamin A.
Nhu cầu vitamin E hằng ngày (liều RDA):trẻ dưới 3 tuổi: 3-6UI (đơn vị), nam trên 10 tuổi: 10UI, nữ trên 10 tuổi: 8UI, phụ nữ nang thai 10UI, phụ nữ đang cho con bú 11-12UI. Sữa người có đủ lượng vitamin E cho trẻ bú (cao gấp 5 lần sữa bò), vitamin E không bị phá hủy khi nấu nướng.
Vitamin E còn có tác dụng hợp đồng làm thuốc chống ôxy hóa phối hợp với caroten, vitamin C và selen.
Tùy theo bệnh như thiếumáu do tan máu, xơ tụy, tắc mật, hạ cholesterol máu, thầy thuốc sẽ chỉ định cho từng bệnh nhân liều dùng thích hợp.
Khi cơ thể không được bổ sung kịp thời sẽ gây thiếu vitamin E, biểu hiện rõ nhất về cơ và thần kinh, giảm phản xạ, dáng đi bất thường, liệt cơ mặt. Nguyên nhân thường do thức ăn bổ sung thiếu vitamin E, do cơ thể giảm hấp thu, xơ gan, tắc mật, cắt đoạn dạ dày, ruột.
Ngược lại, nếu dùng quá liều sẽ gây chứng thừa vitamin E (dùng liều cao trên 300UI/ngày) gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, nếu dùng liều cao hơn nữa sẽ ức chế sinh dục, tổn thương chức năng thận.
Lưu ý khi dùng thuốc có vitamin E
Vitamin E có thể tương tác với các thuốc có chất sắt (Fe) trong điều trị thiếu máu. Nên uống các loại thuốc trên cách nhau từ 8 -12 giờ.
Thận trọng với bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu, người thừa vitamin K (cần có sự theo dõi chặt chẽ và chỉ định cụ thể của thầy thuốc).
Thuốc thường dùng qua đường uống, nuốt với nước trong hoặc sau bữa ăn. Thuốc được bào chế nhiều hàm lượng khác nhau, dưới dạng viên nén (hoặc bao đường) 10mg – 50mg – 100mg – 200mg, viên nang 200mg – 400mg – 600mg – 1.000mg. Dung dịch dầu 50mg/ml. 100mg/ml, 300mg/ml. Thuốc tiêm (tiêm bắp) 1ml = 30mg. 50mg, 10mg, 300mg (nên thận trọng chọn loại thuốc cho đúng liều lượng được chỉ định). Ngoài ra, còn có dạng thuốc mỡ 5mg/1g thuốc.
Vitamin E thường được dùng đối với phụ nữ sẩy thai liên tiếp, vô sinh, nhiễm độc thai nghén, phối hợp với vitamin A để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, điều trị một số bệnh ở gan, trẻ sơ sinh thiếu tháng khi đẻ nhẹ cân, cận thị đang tiến triển.
Dù dùng vitamin E dạng uống, tiêm hay bôi ngoài da cũng cần có sự theo dõi chặt chẽ và có chỉ định cụ thể của thầy thuốc để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.