Chuẩn bị dung dịch thuốc tiêm kháng sinh


Bác sĩ Phượng

Well-Known Member
1,996
73
48
Xu
0
Dung dịch thuốc tiêm là một dạng dược phẩm vô trùng dùng để tiêm vào cơ thể nên khi sử dụng cần phải hết sức thận trọng, nhất là đối với thuốc tiêm kháng sinh.






Dùng thuốc tiêm có những ưu điểm như thuốc được hấp thu trực tiếp và trọn vẹn vào máu nên có tác dụng nhanh và hiệu quả cao, đồng thời thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa hoặc gan chuyển hóa. Tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch thuốc kháng sinh cho phép hoạt chất nhanh chóng đến ổ nhiễm khuẩn để hoạt chất phát huy tác dụng giúp tăng hiệu quả chữa bệnh.

Tuy vậy, khi tiêm thuốc kháng sinh cũng cần phải lưu ý đến một số nhược điểm như phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm, truyền dịch thì phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng, nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp-xe, nhiễm siêu vi viêm gan B, C). Thuốc tiêm có tác dụng nhanh và hấp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn khi chuẩn bị dung dịch để tiêm thì thật tai hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính.


Thuốc tiêm kháng sinh dễ gây phản ứng toàn thân hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Khi tiêm các dung dịch thuốc kháng sinh có khi gây sốc phản vệ trầm trọng, vì vậy chỉ dùng thuốc tiêm thay cho thuốc uống trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhiễm trùng nặng, người bệnh không thể hợp tác uống thuốc, hoặc khi dược chất cần sử dụng không có dạng thuốc uống. Người dùng thuốc không thể tự tiêm thuốc mà phải có nhân viên chuyên môn thông thạo kỹ thuật thực hiện.


Chọn dung môi phù hợp và pha đúng nồng độ quy định


Phải chú ý pha dung dịch tiêm kháng sinh đúng quy định kể cả về lựa chọn dung môi để pha tiêm và nồng độ khi pha. Ngoài một số kháng sinh có độ ổn định tốt trong môi trường đã được bào chế sẵn ở dạng dung dịch đóng ống như gentamycin, lincomycin.. thì đa số các loại thuốc kháng sinh để tiêm đều được đóng gói trong lọ hoặc ống với dạng bột thuốc kháng sinh dùng để pha tiêm. Dạng bào chế có thể được đóng kèm lọ dung môi để pha trong mỗi hộp thuốc.


Nếu các thuốc không có ống dung môi đi kèm thì trong tờ hướng dẫn dùng thuốc bao giờ cũng có chỉ dẫn cụ thể về cách pha với dung môi phổ biến nhất là nước cất pha tiêm theo nồng độ quy định.


Hiện nay, với các loại kháng sinh hoạt phổ rộng đều được trình bày dưới dạng lọ thuốc bột pha tiêm nên khi chuẩn bị dụng dịch kháng sinh tiêm, thầy thuốc cần đọc kỹ cách sử dụng và người thực hiện kỹ thuật tiêm phải tuân thủ chặt chẽ quy trình chuẩn bị pha dung dịch tiêm kháng sinh theo đúng sự hướng dẫn. Nồng độ của dung dịch pha tiêm, dung môi dùng để pha và thời gian sử dụng sau khi chuẩn bị dung dịch đều được quy định rất cụ thể đối với từng loại thuốc.

Tuyệt đối không được làm sai quy định vì dung dịch có thể bị biến màu hoặc bị giảm hoạt tính, gây khó hấp thu hoặc không hòa tan hoàn tàn nếu không thực hiện đúng quy trình.



Pha dung dịch tiêm amoxycilin/clavulanat

Đối với một số kháng sinh hay sử dụng dạng tiêm cần phải đọc kỹ hướng dẫn. Chẳng hạn như đối với dạng thuốc tiêm kháng sinh phối hợp hai hoạt chất là amoxycilin và clavulanat cần phải tiêm tĩnh mạch trực tiếp rất chậm hoặc tiêm truyền nhanh theo quy định tùy theo từng đối tượng bệnh nhân. Thuốc này chỉ tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, không tiêm bắp. Tiêm tĩnh mạch trực tiếp rất chậm trong 3 phút, tiêm truyền khoảng 30 phút.

Chỉ pha dung dịch trước khi tiêm, khi pha có thể thấy dung dịch có mầu hơi hồng nhất thời rồi chuyển sang vàng nhạt hoặc hơi có ánh trắng sữa. Màu của dung dịch sẽ biến đổi theo thời gian. Nếu để càng lâu, màu càng đậm dần sang màu nâu sẫm. Phải pha với nước cất pha tiêm hoặc dung dịch natri clorid pha tiêm 0,9%.

Để tiêm truyền, có thể dùng dung dịch lactat natri (M/6), dung dịch Ringer hoặc Hartmann. Không được pha với các dung dịch chứa glucose, natri bicarbonat hoặc dextran. Nói chung, không nên trộn thuốc trong cùng bơm tiêm hoặc bình tiêm truyền với một thuốc khác, nhất là corticoid hoặc aminoglycosid.


Dung dịch tiêm kháng sinh amoxycilin/clavulanat tương kỵ với sucinat hydrocortison, dung dịch acid amin, dịch thủy phân protein, nhũ dịch lipid, hydroclorid neosynephrin, dung dịch manitol, độ bền của dung dịch chế phẩm phụ thuộc theo nồng độ. Vì vậy sau khi pha, phải dùng ngay. Thể tích pha và thời hạn dùng phải theo đúng quy định. Một lọ thuốc tiêm loại 500mg phải pha với ít nhất 10ml nước cất pha tiêm. Lọ 1,2g phải pha với 20ml nước cất pha tiêm. Đã có tình trạng điều dưỡng pha thuốc không đúng quy định vì ngại tiêm nhiều nên pha không đảm bảo nồng độ, thuốc sẽ bị biến màu rất nhanh sang màu nâu sẫm.


Pha dung dịch tiêm ceftriaxon


Một kháng sinh tiêm khác cũng hay được sử dụng là ceftriaxon khi bị các nhiễm khuẩn nặng do những chủng nhạy cảm với ceftriaxone như viêm màng não, nhiễm trùng máu; nhiễm trùng đường hô hấp, tai mũi họng; nhiễm trùng đường tiết niệu-thận. lậu, thương hàn, giang mai; nhiễm trùng xương khớp, mô mềm da và các vết thương; nhiễm trùng vùng bụng (viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường dẫn mật, dạ dày - ruột). Thuốc này có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Nếu tiêm bắp cần hoà tan 1g ceftriaxon trong 3,5ml dung dịch Lidocain 1% và tiêm sâu. Còn nếu tiêm tĩnh mạch thì cần hòa tan 1g ceftriaxon trong 10ml nước cất vô trùng, tiêm chậm trong 2 - 4 phút.

Khi tiêm truyền thuốc này thì cần phải hòa tan 2g ceftriaxon trong 40ml dung dịch tiêm truyền không có calci. Thời gian truyền tốt nhất là 30 phút. Dung dịch ceftriaxon pha để tiêm bắp bền vững trong 1 ngày ở nhiệt độ phòng (250C) và 3 ngày nếu để trong tủ lạnh (40C). Dung dịch pha tiêm tĩnh mạch bền trong 3 ngày ở nhiệt độ phòng (250C) và 10 ngày trong tủ lạnh (40C). Không pha ceftriaxon với các dung dịch chứa canxi, aminoglycosid, amsacrin, vancomycin hoặc fluconazol. Ceftriaxon thường được trình bày trong một hộp có 1 lọ bột thuốc 1g và 1 ống nước cất 10ml. Thuốc này có thể tiêm tĩnh mạch, truyền tĩnh mạch ngắn hạn, tiêm bắp và cũng có thể tiêm dưới da. Khi tiêm tĩnh mạch thì hòa tan bột thuốc bằng dung dịch pha đi kèm và tiêm chậm 2 - 4 phút thẳng vào tĩnh mạch hay qua đường truyền dịch. Độ pha loãng tối thiểu: 1g cho 10ml. Còn nếu truyền tĩnh mạch thì có thể hòa tan bột thuốc trong 40ml một trong các dung dịch sau : natri clorid 0,9%, glucose 5% hay 10%, dextran 6%. Thời gian truyền 5 - 15 phút.
Pha dung dịch tiêm cefotaxim


Hiện nay, trong các bệnh viện hay sử dụng một loại kháng sinh tiêm là cefotaxim. Nếu kháng sinh này được tiêm tĩnh mạch thì phải hòa tan 1g thuốc trong ít nhất 4ml nước cất để pha tiêm, tiêm dung dịch này trong thời gian 3 - 5 phút. Trong trường hợp cần điều trị liều cao hơn, có thể tiêm truyền tĩnh mạch. Tiêm truyền nhanh: 2g cefotaxim hòa tan trong 40ml nước để pha tiêm hoặc một loại dung dịch tiêm truyền thông thường (dung dịch muối sinh lý, dung dịch Ringer, dung dịch dextrose 5%, dung dịch natri lactat), tiêm trong khoảng 20 phút. Tiêm truyền nhỏ giọt: 2g Claforan được hòa tan trong 100ml của một trong các dung dịch tiêm truyền trên và tiêm trong 50 - 60 phút.


Không được pha cefotaxim với dung dịch natri bicarbonat. Khi pha thuốc, để tránh biến chứng nhiễm trùng khi tiêm, phải lưu ý thao tác vô trùng khi pha thuốc. Dung dịch phải được dùng ngay sau khi pha. Thao tác đảm bảo vô trùng rất quan trọng nếu dung dịch pha dự định không dùng ngay. Sau khi pha, có thể bảo quản đến 24 giờ ở nhiệt độ dưới 250C không được có biến đổi đáng kể về hóa lý. Dung dịch thuốc có thể bị biến đổi từ từ thành màu vàng nhạt nhưng hiệu lực của thuốc không bị thay đổi.


AloBacsi.
 



Các thông tin trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trên trang web này gây ra.

Mua bán thuốc Mg Tan INJ | Thuốc Rodogyl